TRIỆU CHỨNG CỦA BỆNH UNG THƯ PHỔI
Có thể chia triệu chứng ung thư phổi thành các nhóm như sau
Triệu chứng phế quản:
-Ho:
+Đa số ung thư phổi đều bắt đầu bởi biểu hiện ho khan, sau đó có thể có ho đờm. Một số trường hợp có khạc đờm mủ, đờm màu xanh, màu vàng do bội nhiễm phế quản ở sau chỗ tắc nghẽn phế quản.
+Cần nghĩ tới chẩn đoán ung thư phổi ở những đối tượng nam giới, tuổi trên 40, hút thuốc kéo dài để tiến hành chụp X quang phổi và làm các thăm dò chẩn đoán khác.
-Ho ra máu: gặp triệu chứng này ở khoảng 50% các trường hợp, ho ra máu rất ít, lẫn với đờm thường ho về buổi sáng và trong nhiều ngày, có thể nghe thấy tiếng rít phế quản chứng tỏ khối u đã làm tắc phế quản không hoàn toàn.
-Viêm phế quản, viêm phổi tái diễn nhiều lần, sau điều trị bệnh nhân đã hết sốt, hết ho nhưng tổn thương trên X quang phổi còn tồn tại trên 1 tháng.
Những dấu hiệu do sự lan tỏa của khối u phổi
-Đau ngực: không có địa điểm đau rõ rệt, thường đau bên tổn thương đau kiểu thần kinh liên sườn. Có khi đau quanh bả vai, mặt trong cánh tay.
-Khó thở: khó thở ít gặp, thường do khối u phổi chèn ép gây tắc khí phế quản hoặc do tràn dịch màng phổi làm bệnh nhân khó thở.
-Nói khàn, giọng đôi do thần kinh quặt ngược bị chèn ép.
-Khó nuốt: do thực quản bị chèn ép.
-Các triệu chứng do khối u chèn ép vào tĩnh mạch chủ trên: phù mặt, cổ bạnh to, hố trên xương đòn đầy, tĩnh mạch nổi rõ ở cổ, ngực.
-Tràn dịch màng phổi: do khối u phổi xâm lấn ra màng phổi gây tràn dịch màng phổi, chẩn đoán xác định dựa vào khám lâm sàng và chụp x quang phổi. Chọc dò khoang màng phổi thấy dịch giúp chẩn đoán chắc chắn.
-Một số bệnh nhân có biểu hiện: nửa mặt đỏ, khe mí mắt hẹp, đồng tử nhỏ, nhãn cầu tụt về phía sau.
Dấu hiệu ngoài phổi
-Bệnh nhân thường gầy sút cân nhiều và nhanh.
-Móng tay khum, ngón dùi trống (đầu ngón tay, ngón chân to ra trông như đầu chiếc dùi trống).
-Đau các khớp xương cổ tay, bàn ngón tay, cổ chân, bàn ngón chân. Nhiều bệnh nhân được phát hiện u phổi khi đi khám chuyên khoa Cơ xương khớp vì các triệu chứng đau xương khớp này.
-Nổi hạch ở hố trên đòn, hạch ở cổ.
-Vú to ở nam giới: có thể to một hoặc 2 bên.ĐIỀU TRỊ BỆNH UNG THƯ PHỔI HIỆU QUẢ
Ung thư phổi là một trong những ung thư đứng hàng đầu và là nguyên nhân gây tử vong cao nhất trong các bệnh nhân ung thư ở nam giới. Tỉ lệ mắc ung thư phổi ngày càng tăng ở nữ giới do phong trào hút thuốc ở nữ giới gia tăng. Theo ghi nhận ung thư Hà Nội, ung thư phổi chiếm 20% trong tổng số các ung thư ở người.
Ung thư phổi là một trong những ung thư đứng hàng đầu và là nguyên nhân gây tử vong cao nhất trong các bệnh nhân ung thư ở nam giới
Thuốc lá được coi là nguyên nhân của 90% các trường hợp ung thư phổi. Ung thư phổi gồm 2 loại chính: Loại tế bào nhỏ và không phải tế bào nhỏ. Triệu chứng gợi ý ung thư phổi là ho dai dẳng kéo dài và ho ra máu. Ung thư phổi được chẩn đoán bằng chụp X-quang tim phổi, tế bào học qua xét nghiệm đờm, nội soi phế quản bấm sinh thiết. Kết quả điều trị phụ thuộc vào loại ung thư, giai đoạn bệnh, thể trạng chung của bệnh nhân. Người ta ước tính có khoảng 80% bệnh nhân tử vong trong vòng một năm từ khi chẩn đoán và không quá 10% sống tới 5 năm. Cách tốt nhất để phòng chống căn bệnh này là duy trì môi trường không có khói thuốc lá.
Nguyên nhân gây ra bệnh ung thư phổi
Hút thuốc lá là nguyên nhân chính gây ung thư phổi. 90% bệnh nhân ung thư phổi do hút thuốc lá. Mặc dù còn 4% bệnh nhân bị ung thư phổi mà không hút thuốc, nhưng họ đã hít một số lượng đáng kể khói thuốc lá (hít khói của người hút thuốc lá). 90% bệnh nhân ung thư phổi đã hút hơn 10 điếu thuốc lá/ngày trong 20 năm. ở nước ta, hút thuốc lào cũng là một trong những nguyên nhân chính gây ung thư phổi.
Những công nhân tiếp xúc với bụi silic cũng có nguy cơ cao bị ung thư phổi. Nguy cơ này sẽ tăng lên nhiều lần nếu bệnh nhân có hút thuốc lá.
Theo số liệu của bảng dưới đây thì nguy cơ bị ung thư phổi do hút thuốc lá cao hơn nhiều do tiếp xúc với bụi silic. Chắc chắn là 2 tác nhân trên đều có thể tránh được.
Phân loại | Nguy cơ bị ung thư phổi so với người không tiếp xúc (lần) |
Không hút thuốc, không tiếp xúc với bụi silic | 1.0 |
Không hút thuốc, tiếp xúc với bụi silic | 5.2 |
Hút thuốc, không tiếp xúc với bụi silic | 10.9 |
Hút thuốc, tiếp xúc với bụi silic | 53.3 |
Những tiếp xúc nghề nghiệp khác liên quan tói ung thư phổi bao gồm tiếp xúc với quá trình luyện thép, ni-ken, crôm và khí than.
Tiếp xúc với tia phóng xạ có nguy cơ bị các bệnh ung thư trong đó có cả ung thư phổi. Những công nhân mỏ uranium, fluorspar và hacmatite có thể tiếp xúc với tia phóng xạ do hít thở không khí có chứa khi radon.
Ung thư phổi ở thành thị cao hơn ở nông thôn. Sau yếu tố hút thuốc lá, có một số nhỏ dân thành thị có nguy cơ ung thư phổi liên quan đến các chất gây ô nhiễm không khí.
Các triệu chứng của bệnh ung thư phổi
Triệu chứng hay gặp nhất của ung thư phổi là ho kéo dài. Thở ngắn, ho có đờm lẫn máu và đau ngực cũng có thể là dấu hiệu chỉ điểm của ung thư phổi. Một thời gian sau bệnh nhân có thể gầy sút, mệt mỏi, thở nông, khàn giọng, khó nuốt, đau xương, thở khò khè và tràn dịch màng phổi.
Cần chú ý rằng có khoảng 13% bệnh nhân không biểu hiện bất cứ một triệu chứng nào khi khối u của họ được phát hiện.
Chẩn đoán bệnh ung thư phổi
Có nhiều kĩ thuật được sử dụng để phát hiện ung thư phổi và xác định loại ung thư và đề ra phương pháp điều trị thích hợp.
Ung thư phổi thường được phát hiện đầu tiên bằng chụp X-quang lồng ngực. Chụp cắt lớp vi tính lồng ngực có thể xác định chính xác hơn vị trí của khối u, kích thước và biết được khối u đã phát triển ra ngoài phổi hay chưa. Có thể chẩn đoán bằng cách lấy một mảnh nhỏ (sinh thiết) ở vùng khác thường của phổi.
Phương pháp sinh thiết thông thường nhất là dùng ống nội soi phế quản, là một ống nhỏ, mềm, dẻo đưa qua mũi hay miệng sau khi đã gây tê, đi qua khí quản vào phổi. Phương pháp này được sử dụng trên 80% bệnh nhân và 2/3 có kết quả sinh thiết dương tính. Xét nghiệm đờm tìm tế bào ung thư chỉ có 1/ 3 số ca có kết quả dương tính. Nếu khối u ở rìa phổi hay ở xa phế quản thì nội soi phế quản hay xét nghiệm đờm có thể không phát hiện được mà phải dùng phương pháp chọc hút xuyên thành, dùng 1 kim nhỏ xuyên qua thành ngực vào vùng bất thường sau khi đã gây tê tại chỗ. Phương pháp này chẩn đoán được trên 90% bệnh nhân. Đôi khi cần thiết phải tiến hành sinh thiết thêm nếu các phương pháp trên không thành công.
Những mẫu sinh thiết lấy được, được nhuộm và soi dưới kính hiển vi quang học để chẩn đoán xác định.
Các phương pháp điều trị bệnh ung thư phổi
Phẫu thuật loại bỏ khối u
Có hiệu quả nhất khi khối u còn nhỏ và chưa có di căn. Bệnh nhân cần có thể trạng tốt để phẫu thuật. 20% bệnh nhân được điều trị theo phương pháp này.
Điều trị tia xạ
Phương pháp này được áp dụng cho 35% bệnh nhân. Mục đích là phá hủy khối u khi nó còn nhỏ (thường có đường kính 6cm) và không có di căn. Đối với những khối u lớn thì nó làm giảm sự phát triển của khối u. Phương pháp điều trị này kéo dài đời sống của bệnh nhân nhưng ít khi chữa khỏi bệnh.
Điều trị hóa chất
Đối với loại ung thư tế bào nhỏ, tỉ lệ bệnh thoái giảm khi điều trị bằng hoá chất lên tới 80-90%, còn đối với các loại khác tỉ lệ đáp ứng khoảng 40-50%. Hoá chất thường được sử dụng điều trị hỗ trợ với phẫu thuật và xạ trị khi bệnh ở giai đoạn mổ được. Các trường hợp ở giai đoạn muộn, hoá chất có tác dụng giảm nhẹ triệu chứng và kéo dài thời gian sống ở bệnh nhân.
Điều trị hỗ trợ
Áp dụng cho bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn muộn không điều trị được bằng các phương pháp kể trên, bao gồm chăm sóc bệnh nhân, điều trị triệu chứng và làm giảm đau.
Phòng bệnh ung thư phổi
Yếu tố quan trọng nhất trong việc phòng chống bệnh ung thư phổi là không hút thuốc lá.
Cải thiện vệ sinh công nghiệp và tránh tiếp xúc với bụi silic cũng giúp cho việc phòng chống ung thư phổi.
CHẾ ĐỘ ĂN CHO NGƯỜI UNG THƯ PHỔI
Bệnh nhân ung thư phổi nếu có nhiều đờm trắng dạng bọt, dễ nhổ ra, kèm theo rêu lưỡi trắng, nhầy hoặc sợ lạnh thì nên kiêng ăn các món nhiều mỡ, hải sản, lạc, khoai lang.
Bệnh nhân ung thư phổi không nên ăn lạc
Bệnh nhân ung thư phổi không nên ăn lạc
(Ảnh: da.gov.ph)
Sự phát sinh ung thư phổi có liên quan tới không khí ô nhiễm, chứng nghiện thuốc lá và chế độ ăn uống. Người nghiện thuốc lá ngoài việc hấp thu chất độc của thuốc còn bị giảm lượng vitamin C trong cơ thể, khiến sức đề kháng sa sút. Chế độ ăn quá nhiều thịt và chất tanh, ít rau tươi cũng khiến lượng vitamin C đưa vào không đủ, dễ gây ra ung thư cục bộ ở hệ thống hô hấp.
Vì vậy, nhiều nhà chuyên môn cho rằng kiêng kỵ ăn uống là yếu tố quan trọng trong quá trình điều trị ung thư phổi.
Trước hết, phải kiêng thuốc lá: Hút thuốc làm cho hàm lượng vitamin ở từng bộ phận của đường hô hấp xuống thấp, khiến chứng ung thư khuếch tán hoặc bệnh tình nặng thêm. Hơn nữa, thuốc lá là thứ tân nhiệt, chứa những tạp chất độc hại như nicotin, gây ra sự kích thích xấu đối với phổi và khí-phế quản, nhất là đối với những trường hợp đang ủ bệnh ung thư. Nó khiến niêm mạc đường hô hấp tăng tiết nhiều, đờm ngưng tích tụ không ngừng, đồng thời còn tăng thêm những chất gây ung thư.
Y học phương Đông đã sớm chỉ ra rằng: Hút thuốc lá sẽ hun đốt làm tổn thương lá phổi, khiến đờm thấp không ngừng sinh ra và ngưng tụ, gây ra ho, đờm nhiều, khạc ra máu, khí cấp tăng lên dữ dội, từ đó bệnh tình ngày càng xấu đi, có thể chóng đi đến tử vong.
Về kiêng kỵ trong ăn uống, phải tùy theo triệu chứng và bệnh tình của từng người. Nếu triệu chứng chủ yếu là đờm nhiều, có thể căn cứ vào màu sắc của đờm, độ đặc của đờm và có dễ khạc ra hay không để quyết định kiêng kỵ những thứ gì.
Đờm trắng ở trạng thái bọt, dễ nhổ ra, kèm theo rêu lưỡi trắng và nhầy, hoặc sợ lạnh: Kiêng ăn các thứ dầu mỡ ngậy béo, quá bổ dưỡng như thịt mỡ, gà béo, vịt béo, tôm, cua, cá hồi, các hải sản tanh. Không uống các thứ lạnh, kiêng lạc, khoai lang vì chúng gây đờm, làm bệnh nặng thêm.
Nếu đờm vàng, tương đối đặc, khó khạc nhổ, kèm theo rêu lưỡi vàng và nhầy, nên chọn các thức ăn vừa hóa được đờm lại vừa có tác dụng thanh nhiệt như quả lê, đường phèn hầm củ cải, quả hồng... Kiêng ăn các thức ngậy béo, cay (hạt tiêu, bột hạt cải, bột cari, ớt, rượu), đồ hun nướng. Kiêng hồ đào, lạc.
Nếu trong đờm có lẫn máu hoặc khạc ra máu thì ngoài việc kiêng kỵ nghiêm ngặt các thức trên, bệnh nhân còn phải kiêng các thức thô ráp và cấm dùng đồ rán, nướng, quay, hun...
Nếu thể chất hư nhược, nên ăn uống các thứ ôn hòa, giàu dinh dưỡng mà dễ tiêu hóa như thịt lợn nạc, thịt bò hầm suông, cháo hạt sen và ý dĩ. Trong khi tẩm bổ cũng cần coi trọng vấn đề kiêng kỵ. Nếu bụng trướng, đại tiện lỏng, rêu lưỡi trắng và nhầy, phải dùng ít hoặc kiêng dùng sữa bò, đường, dưa muối, trái cây sống lạnh, dầu mỡ ngậy béo. Nếu miệng khát, người gầy, lưỡi đỏ, khạc ra máu thì cấm ăn các thức cay, động hỏa, hại âm. Nếu người hư nhược đến độ phải dùng các thuốc bổ như nhân sâm thì cần kiêng ăn cải củ, uống trà đặc.
Người bị ung thư phổi đã xạ hoặc hóa trị nếu thấy chán ăn hoặc tiêu chảy thì nên ăn uống thanh đạm, dùng các thứ tươi mới, không có dầu mỡ, ăn thứ bổ vừa phải. Việc không chú ý kiêng kỵ trong ăn uống chẳng những gây thêm phản ứng nặng sau khi điều trị bằng phóng xạ và hóa chất mà còn làm suy thoái công năng tỳ vị, khiến bệnh tình nặng hơn.
Bệnh ung thư phổi di căn
Bệnh ung thư phổi giai đoạn đầu
Nguyên nhân của bệnh ung thư phổi
Tác dụng của lá đu đủ chữa bệnh ung thư
Phát hiện và điều trị bệnh ung thư
(ST)