Cuộc sống không phải lúc nào cũng êm ả, bằng phẳng. Có những lúc trời quang mây tạnh, nhưng cũng có những lúc bão táp mưa sa. Cuộc sống gia đình cũng vậy. Có lúc êm ấm hạnh phúc, nhưng cũng có những lúc bất hòa, cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt. Tuy nhiên, nếu biết cách giải quyết, chúng sẽ là cơ hội giúp hai vợ chồng hiểu nhau hơn.
GIẢI QUYẾT XUNG ĐỘT TRONG ĐỜI SỐNG HÔN NHÂN
Những xung đột trên có thể dẫn đến nhiều hậu quả tai hại:
- Về đạo đức: dễ rơi vào những tệ nạn xã hội, ngoại tình, mất phẩm giá con người.
- Về gia đình: lơ là trong việc chăm sóc, giáo dục con cái, dẫn đến ly thân, ly dị...
Muốn vậy, trước khi kết hôn, các bạn cần tìm hiểu nhau thật kỹ để tránh những ảo tưởng về nhau. Mặt khác, hôn nhân cần có tình yêu thực sự, đừng biến hôn nhân thành một cuộc mua bán, trao dổi. Ngoài ra, các bạn cần học hỏi, trang bị những kiến thức căn bản nhằm nuôi dưỡng tình yêu. Phải bàn hỏi với những người khôn ngoan, có kinh nghiệm để biết cách sống hòa hợp và giải quyết những bất hòa trong gia đình. Cần sửa đổi chính mình để mỗi ngày một nên hoàn thiện hơn. Và cuối cùng, các bạn phải tập thói quen đối thoại.
Việc hiểu nhau chỉ thực sự tốt đẹp, đồng thời mang lại kết quả xây dựng nếu hai người đối thoại cởi mở với nhau.
Đối thoại nghĩa là nói, bày tỏ và lắng nghe, đón nhận ý kiến người khác. Không bao giờ chỉ nói hoặc nghe suông. Đây là phương thế để loại bỏ những nghi ngờ, những hiểu lầm, những vụng về để đem lại hiểu biết, cảm thông. Nó làm cho những băn khoăn, lo lắng, vất vả, nặng nề trong đời sống vợ chồng trở nên nhẹ nhàng vui tươi hơn. Đã là vợ chồng, nên thẳng thắn bày tỏ đời sống của mình, đừng giả vờ che đậy, đừng thu vào vỏ ốc kín đáo. Nên nhớ rằng: mọi chi tiết đời mình đều là của người yêu và ngược lại. Do đó, anh hãy tập nói với chị và nghe cách chăm chú, kiên nhẫn. Chị cũng hãy tập nói với anh và chú ý nghe anh. Nếu không sẽ chẳng ai hiểu ai.
Quả thật, nhiều đôi vợ chồng rất lanh mồm lẹ miệng khi xét đoán, lên án nhau. Nhưng lại rất chậm chạp khi nhìn nhận những khuyết điểm của nình. Và như vậy hiểm nguy đang tới gần !
Khi xảy ra xung đột, mỗi người cần phải có thái độ sau:
- Tự chủ: tránh phản ứng vội vàng, làm cho tình hình thêm căng thẳng. Kìm hãm tính nóng nảy và tự ái.
- Có thiện chí muốn giải quyết: vợ chồng tranh cãi là nhằm tìm ra điều tốt hơn để đi đến hợp nhất, chứ không phải để ăn thua hoặc để hạ nhục nhau đi đến chia rẽ, xa cách. Trong cuộc tranh cãi, đừng vì tự ái mà trở nên cố chấp, bảo vệ sai lầm của mình.
Để giải quyết vấn đề, hai người cần phải:
- Đối thoại: biết trình bày và lắng nghe nhau. Đừng bắt người khác phải tuyệt đối tuân theo ý riêng của mình, nhưng niết lắng nghe và tìm hiểu ý kiến, quan điểm của người kia. Nhắm mục tiêu chính, giới hạn chuyện nào vào chuyện đó, không nhắc lại chuyện cũ, không bới lông tìm vết.
- Chấp nhận khuyết điểm của mình: can đảm nhận ra những lỗi lầm, sai phạm để cố gắng sửa đổi.
- Cố gắng hàn gắn và làm lành: sau khi tranh cãi, xung đột với nhau, vợ chồng cần tìm cách làm hòa ngay. Đừng để bầu khí lạnh lùng, giận hờn kéo dài, chỉ gây thêm đau khổ cho mọi người và cho chính mình.
- Nhờ trung gian hòa giải: cần chọn người có uy tín, biết phân xử hợp tình hợp lý, khách quan, hiểu cả hai bên để đưa ra lời khuyên bảo chân tình, giúp hai người chấm dứt mâu thuẫn.
- Cầu nguyện: nếu vợ chồng biết cầu nguyện chung thường xuyên với nhau, chắc chắn sẽ có được sự bình tĩnh để ngồi thảo luận ôn hòa với nhau. Đồng thời sẽ dễ nhận ra được ý muốn của Chúa đối với vấn đề đang tranh cãi.
Tóm lại, giải quyết những xung đột trong gia đình là một công việc khó khăn, đòi hỏi sự cố gắng và thiện chí của cả hai. Nếu khi bước vào cuộc sống hôn nhân gia đình, vợ chồng tập thói quen ngồi lại với nhau để giải quyết các vấn đề nho nhỏ, thì sau này sẽ có nhiều kinh nghiệm để giải quyết những vấn đề to lớn hơn. Những dịp như thế sẽ giúp vợ chồng hiểu nhau hơn, đồng thời cũng giúp mỗi người gọt dũa cái "tôi" nhiều tự ái và vị kỷ, hầu cuộc sống gia đình được hài hòa, êm ấm và hạnh phúc hơn.
Tình yêu là yếu tố căn bản của hôn nhân
Sự hấp dẫn giữa người nam và người nữ là một cái gì rất tự nhiên, không cần ai dạy bảo. Tình yêu cũng tự nhiên như thế. Tình yêu nằm trong bản chất con người. Nhưng hỏi tình yêu là gì, không ai trả lời được trong vài hàng hay vài trang giấy. Đã có bao nhiêu cuốn sách, bao nhiêu bài thơ, bản nhạc nói tới tình yêu, về đủ mọi khía cạnh của tình yêu, nhưng dường như tất cả vẫn chưa nói được gì. Cuối cùng tình yêu vẫn còn được coi như một huyền nhiệm, một cái gì khó phân tích, diễn giải.
Tình yêu thật khó mà định nghĩa. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng không phải ngồi mà định nghìa tình yêu, nhưng là phải biết được lúc nào mình yêu, hay mình đã yêu chưa, yêu ở mức độ nào, và yêu như vậy rồi thì sao ?
Người ta yêu khi người ta để ý tới một người, ngẩn ngơ vì không thấy mặt người ấy, hăng hài làm việc khi người ấy đang cùng làm việc với mình. Nếu cũng để ý tới một người, nhưng sự có mặt, niềm vui hay nỗi buồn của người ấy không ảnh hưởng gì lắm tới mình, có lẽ người ta chỉ mới có tình cảm.
Khi mới yêu, có thể chỉ mới cho nhau những gì bên ngoài mình như cho một mòn quà... Rồi sâu xa hơn, người ta cho nụ cười, ánh mắt, lời nói, thời gian...Và cuối cùng, người ta cho chính bản thân mình với tất cả những quyền lợi và cuộc sống. Đã yêu thì không phải chỉ cho một lần, nhưng cho mãi, cho tới khi mình không còn gì nữa và người nhận cũng không thể nhận thêm gì nữa. Chúng ta không thể lấy của người thứ ba cho người thứ hai, nhưng lấy từ những gì của mình.
Đã cho thì không hề đặt điều kiện với người nhận. Nếu không nó sẽ trở thành một sự cầm cố, vay mượn, mua bán hay đổi chác. Cho mà không nhận sẽ nghèo đi và rơi vào tự kiêu. Nhận mà không biết cho cũng làm cho con người nghèo đi, vì rơi vào thái độ ích kỷ, hưởng thụ.
Có thể ta không thấy khó khăn lắm khi nhận một món quà, một nụ cười, một biểu lộ thiện cảm của người khác... Nhưng nhận sẽ thật khổ khi nhận toàn thể con người của người khác với bao khuyết điểm hay những dự định, ưu tư, lo lắng của họ. Khó nhưng ta vẫn sẵn sàng đón nhận, một khi ta đã yêu, bởi như vậy mới gọi là yêu thật sự.
7 cách để bố mẹ giải quyết xung đột giữa các con
Xung đột giữa con cái luôn là cơn ác mộng của các bậc phụ huynh. Những lời khuyên sau đây sẽ giúp bố mẹ giải quyết tình trạng nan giải này để mang lại sự “bình yên” cho gia đình.
Điều đầu tiên để những cuộc xung đột giữa các con không đi quá xa, không gây ra những hậu quả nghiêm trọng là bố mẹ cần phải xác định ranh giới trong hành vi của con. Hãy làm rõ những gì được phép và không được phép. Các bé cần phải biết rằng, những hành vi như đấm, kéo tóc, chửi bới hay ăn cắp đồ chơi là những việc làm sai trái và bé không được làm điều đó.
Dành thời gian cho trẻ
Một trong những điều dẫn đến sự xung đột giữa các con là do bé cảm thấy mình không được bố mẹ quan tâm và có điều này là do anh, chị hay em của bé chiếm mất bố mẹ. Vì vậy, bố mẹ cần phải thể hiện cho trẻ thấy, các bé được bố mẹ quan tâm giống nhau.
Hãy dành thời gian để cùng chơi các trò chơi con yêu thích mà không có sự tham gia của anh/ chị hay em. Điều này sẽ giúp trẻ cảm nhận thấy sự quan tâm đầy đủ của bạn dành cho bé.
Khen ngợi
Một nguyên nhân khác dẫn đến sự xung đột giữa các con là sự ghen tỵ. Trẻ sẽ cảm thấy giận dữ, bực bội khi anh/ chị hay em của bé được bố mẹ khen nhiều hơn. Vì vậy, hãy giúp trẻ tự hào về bản thân bằng cách khen ngợi những thành công nhỏ của bé và thể hiện cho bé thấy bạn tự hào về con thế nào.
Thời gian của gia đình
Thời gian cả gia đình bên nhau rất quan trọng, nó là thời điểm nuôi dưỡng tình thân giữa các thành viên. Điều này giúp mọi người trong gia đình hiểu nhau hơn và cũng là quãng thời gian để các con có thêm kỷ niệm cùng nhau.
Ngay cả khi thời gian này không phải lúc nào cũng vui vẻ thì các bậc phụ huynh vẫn phải thực hiện. Bởi sự cố gắng của bố mẹ các thành viên trong gia đình sẽ trở nên thân thiết hơn theo thời gian.
Lắng nghe
Sự tức giận của bạn không thể làm các bé chấm dứt cuộc xung đột, tỵ nạnh hay tranh cãi. Hãy ngồi xuống và lắng nghe các bé. Tạo cơ hội để bạn và các con nói chuyện về vấn đề xung đột. Sau đó, bố mẹ và con cái cùng tìm cách giải quyết vấn đề.
Đừng mong với một buổi nói chuyện là có thể giải quyết dứt điểm cuộc chiến giữa các bé, các bậc phụ huynh cần kiên trì thực hiện nhiều cuộc nói chuyện kiểu này cho đến khi các bé tự động chấm dứt cuộc chiến của họ.
Để bé tự giải quyết
Đối khi, giải pháp hiệu quả nhất để chấm dứt xung đột là để các bé tự giải quyết, đương nhiên là không được phép cãi nhau hay đánh nhau. Hãy để bé bước vào thế giới của người lớn và chúng sẽ học cách làm sao để vượt qua xung đột. Bạn có thể hỗ trợ bé bằng cách gợi ý về giải pháp và để bé tự triển khai.
Để cuộc chiến tự kết thúc
Hàng ngày chứng kiến xung đột giữa các con, có thể bạn sẽ nghĩ rằng chúng chẳng bao giờ chấm dứt. Nhưng cuộc chiến đó sẽ tự kết thúc khi các bé chuyển sang một giai đoạn mới. Nhiều anh chị em ghét nhau khi còn nhỏ, nhưng lại trở nên thân thiết khi chúng lớn. Vì vậy, hãy kiên nhẫn chờ đợi, thời gian sẽ giúp các cuộc xung đột tự chấm dứt.
Giúp con xử lý xung đột
Vì đâu trẻ vướng vào xung đột?
Cũng như người lớn, trẻ có những xung đột với người khác từ nhiều lý do:
- Mâu thuẫn lợi ích.
- Sự bất hòa và đối lập về tình cảm, ý chí, động cơ.
- Đụng độ về tính cách.
- Khác biệt về suy nghĩ, quan điểm.
- Khác biệt về mục đích, giá trị, thái độ.
- Không thích nhau, khi niềm tin không tồn tại và khác nhau trong suy nghĩ về viễn cảnh.
- Có thể mâu thuẫn khi ganh đua một chức vụ hay quyền lợi.
- Giao tiếp không hiệu quả...
Tùy theo sự phát triển tâm lý của độ tuổi, trẻ sẽ có những xung đột đặc trưng. Và như vậy, trẻ có thể bị xung đột với bạn cùng tuổi, những người lớn xung quanh như người thân trong gia đình, thầy cô, hàng xóm..., nói chung là có thể với bất kỳ ai liên quan đến những mối quan hệ xã hội trẻ có.
Những “nội thương” vô tình
Khi hai đứa trẻ đánh nhau, tranh giành ở lớp, một đứa sẽ nói: “Tớ sẽ mách ba mẹ cậu!”, khi trẻ hái trộm quả của hàng xóm, sẽ được nghe câu: “Sang nhà bắt đền cha mẹ nó!”, khi trẻ lỡ lời với ai đó, có thể làm cho người ta “Hỏi ba má nó có biết dạy con không?!”, khi trẻ làm phiền lòng thầy giám thị, sẽ là “mời phụ huynh!”...
Cũng có những cha mẹ bênh con chằm chặp, nhưng phần lớn đứng trước những “méc”, “mắng vốn”, “bắt đền” này, phụ huynh không khỏi khó chịu, bực bội, tức giận và đôi khi tự ái, bị “quê” dẫn đến những phản ứng quá đà. Nhiều bậc cha mẹ vì sĩ diện đã không chút kiềm chế, làm quá lên ngay khi vừa nghe ai đó tố con mình: than trời trách đất, chê bai trách mắng, nhiếc móc, mạ lị, thậm chí gào lên là xấu hổ quá “vì có đứa con như ... mày!”. “Con làm mẹ buồn quá”, “Con làm xấu hổ cha mẹ”... Ấm ức, con dại cái mang, cha mẹ làm vậy cho đỡ hổ thẹn, một cơ chế đổ lỗi ngược lại cho trẻ, và những lời hứa hẹn “sẽ xử lý” trẻ được tuôn ra để ve vuốt, để làm mềm lòng phía bên kia, với hi vọng sự mâu thuẫn được giải quyết. Để từ đó, nhiều hậu quả đau lòng đến với trẻ: trẻ nuôi dưỡng lòng căm thù với người kia, trẻ mặc cảm bản thân đã làm một việc tồi tệ cho đến lúc trưởng thành, trẻ b�� nhà đi, trẻ phạm tội, trẻ dằn vặt bản thân đến mức tự tử...
Như vậy, tưởng chừng cha mẹ giúp trẻ “chịu trách nhiệm”, giải quyết êm thấm xung đột, nhưng không ngờ chính phản ứng thái quá, thiếu công bằng của cha mẹ tạo thêm một xung đột mới cho bản thân trẻ: “nội xung đột”, trẻ xung đột nội tâm với chính mình, trẻ bị tổn thương, bị dằn vặt, mất niềm tin vào cha mẹ và vào chính mình, mà đau nhất là lúc này trẻ lại không biết mắng vốn ai, bắt đền ai!
Giúp trẻ ứng phó
Thật ra không ai là người bạn tốt của con hơn cha mẹ trong cuộc đời này nên ở từng bước của quy trình giải quyết xung đột, cha mẹ đều có thể đứng bên cạnh con, cùng tìm hướng giải quyết.
1. Ra quyết định “đình chiến”
Thông thường các xung đột khó có thể giải quyết được ngay. Tuy nhiên trẻ lại chưa có khả năng tuyên bố và thuyết phục đối phương “đình chiến”. Vì vậy trẻ cần cha mẹ giúp trẻ chấm dứt ngay xung đột và đưa ra các yêu cầu đối với các bên, thông báo thời hạn giải quyết.
2. Tìm hiểu thông tin liên quan
Trong quá trình đứng ra làm trọng tài, cha mẹ cần:
- Lắng nghe hai bên trình bày quan điểm
- Đặt câu hỏi: Tại sao họ lại có quan điểm như vậy?
- Hãy xem xét kỹ lợi ích của cả hai bên trong “vụ xung đột”
- Gợi mở cho trẻ đánh giá về bên kia như thế nào, tìm ra lý do có thể giải thích được vì sao trẻ lại có sự đánh giá như vậy.
3. Tìm gốc rễ của vấn đề
Trò chuyện nhiều hơn, tỉ tê tâm sự với trẻ để tìm ra được câu trả lời cho những câu hỏi vì sao, giúp trẻ đi đến tận cùng nguyên nhân gốc rễ của vấn đề. Từ đó giúp trẻ tự phát hiện cách giải quyết phù hợp.
4. Lựa chọn chiến lược giải quyết xung đột
Ở bước này, cha mẹ cần cùng con lựa chọn một chiến lược phù hợp, với ba hướng:
- Chiến lược thắng - thua
- Chiến lược thua - thua
- Chiến lược thắng - thắng.
Dĩ nhiên không ai tự mình chọn thua - thua, và thông thường người ta hay nghĩ đến chiến lược thắng - thua, nghĩa là tìm cách làm thế nào để thắng được đối phương. Nhưng đừng quên rằng cơ hội sẽ chia đều cho hai bên, nghĩa là khả năng chiến thắng cũng chỉ được 50% cùng với khả năng thất bại, thua cuộc cũng là 50%. Cũng từ điều này, nhiều người đã bị sa lầy dẫn đến kết cục là thua - thua. Dẫn chứng cụ thể là một vụ việc đang gây xôn xao dư luận khi một người mất tiền đã đưa đứa trẻ bị nghi ngờ lấy cắp ra công an. Nếu đạt được điều này, khi đứa trẻ nhận tội - trẻ thua, người bị mất tiền sẽ được chi trả - người lớn thắng. Nhưng hỡi ôi, kết cục là đứa trẻ tự tử, người hàng xóm và nhiều người khác phải trả lời trước cơ quan điều tra và dư luận xã hội!
Vậy thượng sách rõ ràng nên là thắng - thắng, làm thế nào giải quyết mâu thuẫn, xóa đi mối xung đột, khắc phục hậu quả mà hai bên đều cảm thấy hài lòng, không bị tổn thương. Muốn giúp con trẻ, cùng con chọn chiến lược này, cha mẹ phải đảm bảo các bước trên, phải hiểu đúng, hiểu rõ tâm tư nguyện vọng của con. Mưa dầm thấm đất, cùng tạo cơ hội cho con giãi bày mọi ngóc ngách trong suy nghĩ của con.
Công thức cho cha mẹ khi cùng con đứng trước những xung đột cần giải quyết:
Quan tâm + trầm tĩnh + kiên nhẫn + tôn trọng.
Để mắt đến con nhiều hơn, trò chuyện, chia sẻ để kịp thời nhận ra những chuyển biến tâm lý của trẻ. Có thái độ bình tĩnh, không gấp gáp truy vấn trẻ, không chủ quan, không nóng vội đưa ra những cách giải quyết, những hình phạt khi chưa hiểu thấu đáo vấn đề. Chịu khó kiên trì khai thác thông tin, kiên nhẫn với những thái độ nhất thời của con, có thể nhờ quyền trợ giúp từ những người trẻ yêu mến.
Thừa nhận trẻ là một chủ thể trong mối quan hệ, trẻ phải tự mình chịu trách nhiệm về những gì đã xảy ra và cách giải quyết sắp tới, vì vậy cần tôn trọng quan điểm, nhận định, đánh giá của trẻ, không áp đặt và không gây áp lực cho trẻ.
MỜI BẠN THAM KHẢO THÊM CÁCH GIẢI QUYẾT CÁC XUNG KHẮC GIA ĐÌNH
Bất đồng là điều thường xảy ra trong các quan hệ gia đình. Dẫu người ta có tương đồng hoặc thông cảm với nhau cách mấy, cũng có lúc tư tưởng, hành động hoặc ý thích của mỗi người khác nhau.
Một cuộc nghiên cứu về sự xung khắc giữa những người thân ghi nhận, trung bình cứ mỗi bữa cơm gia đình, người ta có ba ý kiến xung đột nhau.
Khi tôi tỏ vẻ bất bình với đứa con vì kiểu tóc của nó, hoặc khó chịu vì người phối ngẫu lỡ một cuộc hẹn nha sĩ, bực mình vì thấy khăn tắm vất bừa bãi trên nền nhà... là tôi đã tạo ra sự bất đồng. Nhưng sự bất đồng cũng có thể rắc rối trầm trọng hơn do cách cư xử hoặc đối thoại của những thành viên gia đình.
Sự xung đột, vì vậy, là sự khác biệt nghiêm trọng gây căng thẳng mối tình cảm của những người liên hệ.
Nhưng khi sự xung đột xảy ra, bạn có đổ lỗi cho hoàn cảnh hay do người khác chứ không phải do mình? Và tất nhiên bạn có quyền tức giận?
Chúng ta phải công nhận rằng, sự giận dữ không hoàn toàn là tiêu cực mà nhiều khi nó cũng mang lại lợi ích vì giúp cho người khác hiểu rõ mình hơn, cũng như nhằm biểu lộ sự quan tâm của mình. Một người không biết nóng giận có thể bị cho là người bàng quan, vô tâm vô cảm.
Thông thường chúng ta được căn dặn phải biết kềm chế và đừng vội phản ứng khi nóng giận vì “giận mất khôn”. Tuy nhiên, làm sao để biểu lộ sự nóng giận của mình mà không làm tổn thương quan hệ đối với người khác? Triết gia Aristotle nói, “Nổi giận là điều dễ làm. Nhưng giận đúng người, đúng chỗ, đúng lý, đúng lúc là điều không dễ làm”.
Chúng ta cần nhận thức rằng sống chung với người khác, dẫu đó là thân thích cật ruột, nhất là với con cái ở tuổi dậy thì, là một thách đố vì bạn phải hài hoà, tùy thuộc vào họ, cũng như bạn có thể bị làm phiền, bị mất tự do, phải làm thêm việc, dễ bị gây căng thẳng.
Khi giải quyết xung đột, trước hết bạn cần đặt cho mình một mục tiêu, đó là quyết tâm thăng tiến mối quan hệ với người thân. Để được như thế, bạn phải cởi mở và chân thành trong đối thoại, cũng như sẵn sàng áp dụng các sáng kiến và phương thức ôn hoà để giải quyết vấn đề.
Bạn cũng cần để ý những thái độ thường dẫn đến bế tắc như tự bào chữa hoặc nại các lý do để tránh lãnh nhận trách nhiệm, đổ lỗi cho người khác, ù lì, cứng đầu bất chấp lẽ phải, hoặc phàn nàn, than vãn, lắm lời.
Đồng thời, trong đối thoại và thương lượng, bạn cần lưu ý các điểm sau:
* Bạn có quyền nói điều bạn muốn nói, nhưng bạn không thể dùng lời lẽ xúc phạm, cộc cằn, hay đe doạ.
* Để cuộc trò chuyện giữa hai bên có hiệu qủa, mỗi người cần biết lắng nghe người đối diện phát biểu và đừng cố thuyết phục họ theo lập trường của mình.
* Một cuộc đối thoại tử tế đòi hỏi sự tương nhượng và dung hoà. Nếu cuộc tranh luận có kẻ thắng người thua, cuộc đối thoại thân tình đó đã bị làm hỏng.
* Không để cho cuộc đối thoại gây phương hại đến mối quan hệ của bạn.
Vì vậy, khi bạn thấy chiếc khăn tắm vất bừa bãi trên nền nhà, thay vì dùng lối nói phê bình đặc tính của người đối diện, bạn hãy cho họ biết một cách cụ thể vì sao bạn bực mình. Dùng lối nói “lấy tôi làm chủ từ” (I message) , ví dụ như, thay vì nói, “Bê bối! Em lười qúa!”, bạn hãy nói, “Anh cảm thấy bực mình khi thấy khăn ướt vất trên thảm!” Đây là lối nói bộc lộ cảm xúc, có thể người nghe sẽ chưa lượm chiếc khăn ướt đó ngay, nhưng câu nói giúp bạn hả cơn khó chịu của mình.
Biểu lộ cảm xúc mà không làm nhục người khác là điều khó làm. Nó đi ngược lại với thói quen đã ăn sâu trong cách chúng ta thường phản ứng khi bị người khác gây bất bình. Nhưng chúng ta phải học cách nói mới để tránh gây thương tổn trong quan hệ với người yêu thương.
Một khi bạn biết dùng ngôn ngữ và cách diễn đạt mới, bạn đã gia tăng khả năng kiểm soát chính bạn và có hiệu qủa hơn trong cách giải quyết những bất đồng.
Phong thủy cho hạnh phúc gia đình
Cư xử với gia đình vợ như thế nào?
Nguyên nhân dẫn đến ly hôn thời hiện đại
Những cách giữ hạnh phúc gia đình êm ấm, rất giản giản
Cách giải quyết mâu thuẫn trong gia đình
Cách giải quyết vấn đề trong gia đình
Vợ chồng hay cãi nhau vì sao?
(ST)