Người nội trợ

seminoon seminoon @seminoon

Người nội trợ

18/04/2015 10:40 AM
550

    Trong các đợt điều tra xã hội (như điều tra dân số chẳng hạn…) khi kê khai nghề nghiệp người phụ nữ trong gia đình, nếu gặp trường hợp người này đang ở không, chưa có công văn việc làm, nhân viên điều tra thường được yêu cầu ghi “nội trợ” thay vì danh từ “thất nghiệp” như đối với một người nam. Điều đó có nghĩa là một người phụ nữ trong gia đình không bao giờ là không có việc làm! Chỉ có điều là những công việc trong phạm vì “tề gia nội trợ” thường là những việc không tên (như đi chợ, nấu ăn, rửa chén bát, giặt giũ quần áo, lau chùi bàn ghế hay quét dọn nhà cửa, săn sóc con cái…) và ít có khả năng tạo ra được những số tiền thu nhập đáng kể.

    Thật vậy, nếu không có bàn tay người phụ nữ hàng ngày làm những công việc đó, thì khó có được một mái ấm gia đình hay ít nhất là cơ sở vật chất cho sự ấm cúng trong mái nhà đó. Theo định nghĩa, người nội trợ là người “lo liệu mọi việc hàng ngày trong sinh hoạt gia đình” và đúng ra, cả nam và nữ đều có thể làm được những việc này, tuy nhiên tập quán dường như đã có quy ước công việc nội trợ là chỉ dành cho phái nữ. Tuy nhiên, đời sống hiện nay không còn như ngày xưa nữa và đã có nhiều đổi thay trong mối quan hệ giữa các thế hệ trong một gia đình, trong xã hội, giữa nam giới và phụ nữ, giữa các ngành nghề với nhau… Trên quan điểm đó thì thực sự vai trò, vị trí của người nội trợ trong gia đình cần được xác định lại cho sát với thực tế hơn.

    THỬ ĐẶT TÊN CHO NHỮNG VIỆC THƯỜNG ĐƯỢC GỌI LÀ KHÔNG TÊN

    Đối với những người phụ nữ đang làm việc ở môi trường bên ngoài thì khi ra khỏi nhà là có những công việc nhất định ở cơ quan, văn phòng hay cửa hàng… Nhưng đến khi làm xong việc, trở về nhà với đời sống riêng tư của mỗi người thì lúc đó là thuộc phạm vi… nội trợ rồi. Trên đường từ cơ quan về nhà, bạn có thể ghé qua chợ hay một cửa hàng bách hóa nào đó để mua thức ăn cho bữa cơm tối hay một vài vật dụng cần thiết hay những thứ đơn giản chỉ là để mang lại sự thích thú cho mình hay cho những người thân trong gia đình, và như thế là bạn đã nhẹ bước vào lĩnh vực nội trợ rồi đấy!

    Đối với một người phụ nữ bình thường hiện này – dù học vấn cao hay thấp – khi ở trong gia đình và làm các công việc cho mọi người cùng hưởng thì đó là những công việc nội trợ rồi! Nếu bạn không sắp xếp công việc cho có khoa học mà chỉ hành động theo cảm quan, thấy thì làm còn không thấy thì thôi làm việc một cách vô tổ chức thì đúng là trong một gia đình sẽ có vô số việc không tên và bạn cứ làm hoài mà không thấy hết việc thế nhưng nếu bạn biết sắp đặt, hệ thống hóa các vấn đề thuộc về ăn, mặc, ở hay sinh hoạt thì dần dần có thể đặt tên cho từng công việc và lúc đó các bạn có thể làm việc có hiệu quả cao hơn mà đỡ mệt vì biết cách tổ chức hợp lý, khoa học hơn.

    TẬP QUÁN ĂN UỐNG THAY ĐỔI KHÔNG NGỪNG

    Những thói quen về ăn uống và cách nuôi dưỡng trẻ em hiện nay phần nào chịu ảnh hưởng của các biến chuyển về chính trị, kinh tế và xã hội. Chúng tôi chỉ xin đưa ra một số thí dụ cụ thể: như nười phụ nữ sau khi sinh thường phải ăn kiêng, ăn cơm với đồ kho thật mặn, tránh ăn chua… và phải nằm than, thoa nghệ, tránh gội đầu và chải tóc cả tháng trời - hiện nay hiện tượng này hãy còn gặp ở thành phố nhưng may thay, mỗi ngày một ít đi. Đây là tập quán cũ của các thế hệ trước và được áp dụng ở miền Bác do ở đây có màu đông lạnh lẽo nhưng đem áp dụng vào hoàn cảnh và khí hậu miền Nam thì hiển nhiên là có nhiều điều bất hợp lý

    Về các thức ăn mà chúng ta đang sử dụng trong đời sống hàng ngày thì ta cũng chịu ảnh hưởng một phần từ các nước khác. Ví dụ như trong thời kỳ Pháp thuộc ta bắt đầu làm quen với sữa đặc có đường (mà nhiều người còn gọi là “sữa bò”); bánh mì (ở ngoài Bắc còn có người gọi là “bánh tây”), nồi “xúp” thường hầm với xương, khoai tây, cà-rốt và củ dền và hình thành thói quen uống nước có thêm đá như trà đá, cà-phê đá hay cả bia đá (ở Hà Nội còn có cả rượu nếp nữa!)…Còn trong thời kỳ Nhật chiếm đóng thì có cây cà-rem mà khi mới ra đời người ta gọi là “kem Nhật Bản”. Đến các năm kháng chiến chống Mỹ thì trong Nam cũng tập được một số thói quen như ăn kem (làm bằng sữa tươi hay sữa bột), ăn yaourt, uống nước trái cây xay “sinh tố” hay nhiều trái cây trộn với nhau thành “cốc-tai” chưa kể đến các loại thuốc là thơm hay rượu mạnh “uýt-ky” hay tệ hơn nữa là xì-ke ma túy!

    Để có được những thói quen tốt, lành mạnh trong ăn uống chúng ta còn cần phải sàng lọc, phải “gạn đục, khơi trong”, không nên bạ đâu ăn đấy hoặc gặp món gì cũng ăn mà nên có sự cân nhắc lựa chọn, có như vậy chúng ta - những người phụ nữ - trong vai trò người nội trợ mới cung cấp cho mình và gia đình một chế độ ăn uống thích hợp, khoa học và bổ dưỡng.

    NGƯỜI NỘI TRỢ CẦN PHẢI LÀ MỘT NGƯỜI TIÊU THỤ AM TƯỜNG

    Nếu bạn là một người nội trợ thức thời chắc chắn bạn phải là một người tiêu thụ có ý thức về quyền lợi của mình, không để bị lừa dối. Nghĩa là khi đi cho bạn biết cân, đong, đo, đếm sao cho sòng phẳng về cả hai mặt chất và lượng không để cho bất cứ ai – và đặc biệt là bản thân mình - bị thua thiệt điều gì từ việc đong gạo, mua nước mắm, nước tương… cho đến việc chọn lựa rau, quả, mua miếng thịt, con tôm, con cá…cũng nên chịu khó học tập (có thể là qua kinh nghiệm trong đời sống). Và khi mua trái cây nếu bạn nắm được bí quyết chọn được cam ngon, bưởi ngọt, mít dầy múi thơm và nhất là sầu riêng chín muồi, vừa dầy cơm mà lại nhỏ hột… thì tài nội trợ của bạn có thể được đánh giá vào loại đáng nể đấy!

    Đối với những thực phẩm chế biến công nghiệp, được đựng trong hộp hay bao bì có nhãn hiệu và cách sử dụng bên ngoài, người nội trợ - đồng thời là người tiêu thụ - cần vận dụng đến khả năng đọc và quan sát của mình để phân biệt hàng thật hay hàng giả (hàng “dỏm”), xấu hay tốt, còn trong hạn hay quá hạn sử dụng…chưa kể bạn phải vận dụng đến đầu óc suy xét của mình để cân nhắc xem giá cả đề nghị có phải chăng hay không. Và luôn luôn đừng quên hỏi người bán về thực chất các thực phẩm dưới lớp bao bì?

    Các bạn có thể theo dõi giá cả thị trường thông qua các phương tiện truyền thông như báo chí, đài phát thanh, tivi…Mua được đồ ăn tươi ngon về nhà đã là điều tốt rồi nhưng muốn cho mọi người thưởng thức được những đồ ngon, vật bổ nằm sẵn trong thức ăn, người nội trợ còn cần phải áp dụng những hiểu biết của mình về cách bảo quản, pha chế cùng tài chế biến và nấu nướng thực phẩm thành những món ăn ngon hợp khẩu vị mọi người. Một bữa ăn khi được mọi người trong gia đình đón nhận và vui vẻ dùng hết các món bạn dọn lên kèm theo những lời khen là phần thưởng quý giá nhất dành cho người nội trợ

    CÔNG VIỆC NỘI TRỢ ĐÓNG GÓP ĐƯỢC GÌ CHO KINH TẾ GIA ĐÌNH?

    Cũng đã có người đặt câu hỏi: “những việc không tên của người nội trợ việc nào làm ra tiền không?”. Suy cho cùng, chúng ta rất có thể trả lời là “Có” đấy. Đây nhé, trong phạm vi làm vệ sinh nhà cửa thì có các dịch vụ có thể giao cho những người phục vụ hay giúp việc có thù lao đàng hoàng. Rửa chén, quét nhà, lau bàn ghế, giặt giũ, nấu ăn…có thể góp chung lại hay tách riêng từng công việc mà tính tiền trả công, tính theo giờ công hay tính khoán cho một số công việc nhất định. Công việc may vá chẳng hạn hiện nay cũng đã thấy có người nhận làm lấy tiền công, từ việc đơm nút cho đến sửa chữa áo quần cũ chưa kể đến những việc chỉ có thợ may chuyên nghiệp mới chịu nhận như may quần tây, áo veston…

    Nghệ thuật nấu các món ăn theo phong cách Tây, Tàu hay đặc sản Việt Nam đã được rất nhiều trường lớp giảng dạy và đã có nhiều học viên theo học, đem lại một số tiền không nhỏ cho các trường, lớp dạy nữ công gia chánh. Nghệ thuật làm hoa giả, cắm hoa, nghệ thuật làm bánh…cũng là những món “hái ra tiền” chẳng thua gì môn trang điểm hay uốn tóc. Đã có những tổ chức phi chính phủ nhận tài trợ cho một số trường nữ công gia chánh vì họ xem đó như là đóng góp vào chiến tranh chống giặc nghèo (War on Want) như vậy chúng tỏ là nếu biết cách khai thác đúng đắn thì một số việc không tên sẽ được gọi đích danh và có thể đóng góp một phần rất đáng kể vào đời sống vật chất của gia đình.

    Một công việc nhỏ hơn như sửa và sơn móng tay, móng chân cũng có thể giúp nuôi sống cả một gia đình, điều đó đã được chứng minh không những ở Việt Nam mà ngay cả với những gia đình người Việt di cư ở nước ngoài - miễn là theo đúng tinh thần “Nhất Nghệ Tinh, Nhất Thân Vinh”.

    CÔNG, DUNG, NGÔN, HẠNH CÒN CẦN THIẾT CHO NGƯỜI NỘI TRỢ KHÔNG?

    “Công, Dung, Ngôn, Hạnh”, bốn chữ ấy vốn là mục đích của việc giáo dục và đào tạo biết bao nhiêu thế hệ phụ nữ trong gia đình Việt Nam từ xưa tới nay. Thế nhưng thoạt nghe nó có vẻ như đã lỗi thời vậy? Có lẽ bởi vì khuôn khổ một gia đình ngày nay không còn như ngày xưa nữa; chỉ mới cách đây vài chục năm người ta thường chúc nhay sinh con đẻ cái cho nhiều để tạo ra những gia đình đông vui sung túc với kiểu mô hình đại gia đình “Tam Tứ Đại Đồng Đường” vẫn được nêu lên làm mẫu mực trước kia. So với khẩu hiệu “Gia đình hạnh phúc là gia đình có từ một đến hai con” của Chương trình kế hoạch gia đình hiện nay thì sủa là một cuộc đổi mới. Từ tâm lý của những người “con đàn” chúng ta phải chuẩn bị cho con cái chúng ta tập sống theo kiểu “con một”. Gia đình lớn với quyền làm chủ nằm trong tay ông bà đang được chuyển dần sang cho các bậc cha mẹ có điều kiện tách ra ở riêng, làm chủ tế bào gia đình nhỏ kiểu mới. Và vị trí của đứa con có nguy cơ trở thành “cái rốn của vũ trụ” trong gia đình này.

    Ngày xưa, người bà là Người nội trợ tối cao trong gia đình, đưa ra khuôn vàng thước ngọc về nề nếp trong mỗi gia đình ở mọi mặt: Hành động hay việc làm (Công); cách ăn mặc, phục trang thể hiện ngoại hình (Dung); lời ăn, tiếng nói (Ngôn) và cách đối nhân xử thế với những người xung quanh (Hạnh). Ngày nay, nhiều trẻ em được đại gia đình săn sóc theo khuôn khổ cũ và được đưa vào xã hội khá sớm (đi nhà trẻ hay mẫu giáo chẳng hạn. Kiến thức, Thái độ, Hành động của cha mẹ và mẹ dĩ nhiên cũng vẫn tác động lên các cháu, nếu được phối hợp hài hòa với những điều được truyền đạt tới các cháu từ các cô giáo “người mẹ thứ hai” ở trường thì đó là điều lý tưởng. Tuy nhiên, qua nhiều cuộc điều tra khảo sát ở nhà trẻ hay lớp mẫu giáo, người ta thấy việc này chưa kết hợp được tốt cho lắm vì một đứa trẻ bao giờ cũng phải mất một thời gian khoảng một tháng để thích nghi với môi trường mới của lớp học khi mới nhập học. Và một số cháu khi đã quen với các bữa ăn ở trường, với các bạn cùng học trong lớp rồi thì đến những dịp nghỉ lễ dài ngày hay đâm ra biếng ăn, chán nản không thích ở nhà bằng ở lớp học!...

    Hiện nay các tổ chức chính quyền trong nước cũng như quốc tế cũng đã thấy rõ nhu cầu cần có một chương trình giáo dục các bậc cha mẹ trong hoàn cảnh hiện tại về cách nuôi dạy trẻ nhỏ dưới 5 tuổi sao cho phù hợp với nếp sống của những gia đình nhỏ, cần áp dụng đúng đường lối mới về kế hoạch hóa gia đình: đó là chương trình VIE.

    Khác với chế độ phong kiến khi tứ đức của người phụ nữ (Công, Dung, Ngôn, Hạnh) gắn liền chế độ tam tòng “Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử (ở nhà theo cha, lập gia đình theo chồng và chồng mất thì theo con trai), người phụ nữ ngày nay tham gia hoạt động tích cực trong các lĩnh vực xã hội, gánh vác đủ mọi việc của người công dân không thua gì cánh nam giới, và bên cạnh đó cũng vẫn cần trau dồi “tứ đức” của người phụ nữ nhưng cần tạo điều kiện cho chúng tỏa sáng ra phạm vi rộng hơn là khuôn khổ hạn hẹp của một gia đình. Đồng thời người phụ nữ cũng nên học tập luôn cả bốn đức tính người ta thường hay nhắc nhở con trai là “Trung, Đế, Hiếu, Nghĩa” và ở đây cũng vậy, cần thoát khỏi phạm vi gia đình ra ngoài xã hội để có thể “Trung với nước (hay Đảng) và Hiếu với Dân”. Có như vậy thì mới thực hiện được ít nhất là ba (việc làm) đảm đang cho nước, cho nhà và cho xã hội.

    Người phụ nữ hiện đại phải là người biết tạo sự hài hòa giữa bốn đức tính nói trên, phải vừa đẹp người vừa đẹp nết, không nên để “Cái Nết đánh chết cái Đẹp” hay “Đẹp Người nhưng Trắc Nết”! Nói tóm lại, người phụ nữ - người nội trợ thời nay tuy hoàn cảnh xã hội đã khác xưa, cuộc sống ngày một hiện đại hơn và vai trò của người phụ nữ trong mỗi gia đình, trong xã hội cũng đã đổi khác. Tuy nhiên “Công, Dung, Ngôn, Hạnh” vẫn là bốn đức tính mà người phụ nữ cần đặt lên hàng đầu, vẫn cần phải trau dồi để trở thành “Người - Phụ - Nữ - Của - Thời - Đại - Mới”

(St)

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý