Mẹo vặt khi chuyển dạ để giảm đau, dễ sinh. Có những cách rất đơn giản để bà bầu có thể hạn chế các cơn đau trong lúc chuẩn bị lâm bồn mà ai cũng thực hiện được.
Những mẹo nhỏ dưới đây hy vọng sẽ giúp ích cho các bà bầu giảm đau khi chuyển dạ và bước vào giây phút quan trọng nhất, chờ đón con chào đời.
Chườm nóng
Làm nóng cơ thể sẽ giúp giảm hiện tượng căng cơ, nhờ đó mà các cơn đau cũng giảm bớt đi. Bà bầu có thể chườm các chỗ đau bằng cách dùng một chiếc khăn ủ nóng, hoặc cho nước ấm vào chai nhựa và đặt vào lưng, hông… Với chai nhựa, bạn có thể bọc một chiếc khăn ở ngoài cho không bị bỏng khi chườm lên da.
Ngoài ra, nếu đã vào viện và không thể chuẩn bị sẵn những dụng cụ chườm nóng, bà bầu có thể nhờ người thân massage những chỗ bị đau. Việc chà sát nhẹ trên da cũng làm nóng cơ thể, giúp cơn đau đỡ nặng hơn.
Khi cơn co xuất hiện, bà bầu không nên nằm một chỗ mà nên đi lại.
Biết cách thở
Cứ mỗi khi có cơn co thắt, bà bầu cần tập trung vào nhịp thở của mình. Khi bắt đầu cơn co, hít sâu vào sau đó nhẹ nhàng thở ra. Cần nhớ rằng hít sâu bằng mũi và thở ra bằng miệng, miễn sao bạn cảm thấy dễ chịu hơn sau mỗi lần thở đều đặn.
Chọn vị trí thích hợp
Khi cơn co xuất hiện, bà bầu không nên nằm một chỗ mà nên đi lại để cơn chuyển dạ kéo dài nhanh hơn. Có thể không đứng thẳng được nhưng bạn có thể chọn tư thế nào cho mình cảm thấy thoải mái nhất. Các tư thế sau bạn nên thử khi cơn đau xuất hiện:
- Đứng tựa người vào chồng.
- Quỳ gối và tựa vào một điểm nào đó.
- Đi lại sau đó ngồi nghỉ một chút và tiếp tục đi lại.
Sinh con dưới nước
Một số nước đã áp dụng phương pháp này để giảm đau khi chuyển dạ bởi nó không chỉ giúp bà bầu dễ chịu hơn khi cơn co xuất hiện mà những cơn đau ở lưng và bụng cũng đỡ đi rất nhiều.
Một số mẹo nhỏ khác giúp giảm đau khi chuyển dạ:
- Bổ sung nước đều đặn giữa các cơn co.
- Ăn chút thức ăn nhẹ để lấy sức.
- Đi lại xung quanh để thấy thoải mái hơn.
- Thường xuyên đi tiểu bởi bàng quang đầy sẽ làm cơn trở dạ diễn ra chậm hơn.
- Hãy yêu cầu chồng ở bên lúc bạn chuyển dạ.
cách giảm đau khi chuyển dạ
Chuyển dạ (kèm theo những cơn đau, co thắt mạnh) có thể kéo dài 5 đến 10 tiếng đồng hồ hoặc lâu hơn. Lúc này, thư giãn, thở đúng cách là những biện pháp làm bạn dễ chịu hơn.
Chuyển dạ (kèm theo những cơn đau, co thắt mạnh) có thể kéo dài 5 đến 10 tiếng đồng hồ hoặc lâu hơn. Lúc này, thư giãn, thở đúng cách là những biện pháp làm bạn dễ chịu hơn.
Ngoài ra, bạn nên lưu ý vài điểm khác từ Familyonline.
Massage
Nhờ chồng, mẹ hay người thân bên cạnh giúp bạn massage lưng, chân hay bất kỳ phần nào khác trên cơ thể để bạn được thư giãn và thoải mái. Massage làm giảm mỏi cơ, đỡ đau và giữ cân bằng tâm lý khi chuyển dạ.
Ảnh: JupiterImages
Thay đổi tư thế
Bạn cố gắng đứng lên, đi lại một chút, nên vịn vào tay một người thân để tránh không bị ngã. Có thể xoay người nhẹ, ngồi tựa lưng hay bất kỳ một tư thế nào khiến bạn dễ chịu nhất.
Các nhà khoa học đã chứng minh việc đi lại vừa giúp bạn bớt đau đớn, vừa làm cho giai đoạn đầu của quá trình chuyển dạ ngắn hơn. Tư thế đứng thẳng sẽ làm cho cổ tử cung nhanh mở, giúp cho máu lưu thông đến thai nhi dễ dàng hơn. Tuy nhiên, không nhất thiết bạn phải đứng thẳng, có thể ngồi xổm, quỳ gối hay dựa lưng vào một điểm tựa nào đó… để luôn dễ chịu.
Tắm nước ấm
Nhớ là bạn chỉ nên tắm nước ấm chứ không phải nước quá nóng hay xông hơi trong thời gian dài. Tắm giúp bạn thư giãn thật hiệu quả và hạn chế tối đa cảm giác khó chịu, bức bối khi chuyển dạ.
Lưu ý: Hoạt động này chỉ phù hợp với những cơn chuyển dạ nhẹ mới xuất hiện, khi đã quá đau hoặc có cảm giác sắp sinh, bạn không nên tắm một mình để đề phòng những tình huống xấu.
Âm nhạc
Đeo một chiếc headphone vào tai để nghe những âm thanh êm dịu bất cứ khi nào bạn muốn. Âm nhạc là cách tốt nhất để giúp bạn bớt căng thẳng và lo lắng.
Dùng dầu thơm
Một số nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng những loại dầu thơm phù hợp có tác dụng làm êm dịu thần kinh và giúp bạn giảm đau, giảm sự co thắt khi chuyển dạ. Một số tinh dầu thơm hữu ích gồm: oải hương, hoa cúc, khuynh diệp, trà xanh, bưởi…
Thở đúng cách
Kỹ thuật thở cũng giúp ích cho những cơn chuyển dạ. Nên thở nông khi tử cung bắt đầu xuất hiện những cơn co thắt. Hít vào thở ra chủ yếu tập trung ở miệng.
Điểm cuối của những cơn co thắt, bạn nên thở sâu để tránh cảm giác đau đớn, hít vào bằng mũi thật sâu và thở ra chậm rãi.
Châm cứu
Cách này cũng giúp thai phụ đỡ đau và các mạch máu trong cơ thể lưu thông tốt, giảm stress, buồn phiền, chống đau lưng... Trên thực tế, ít trường hợp phải vận dụng đến biện pháp này.
Tưởng tượng đến những gì thú vị
Nếu bạn càng nghĩ nhiều đến cơn đau thì sẽ cảm nhận cơn đau càng trầm trọng hơn. |
Kết hợp với quá trình thở đúng cách, bạn nên giữ tinh thần được thoải mái tối đa, hình dung ra những khung cảnh thiên nhiên yên tĩnh, cánh đồng hoa hay bãi biển thơ mộng chẳng hạn, bạn sẽ thấy dễ chịu hơn nhiều.
Lưu ý: Khi bắt đầu xuất hiện dấu hiệu chuyển dạ, bạn nên nhanh chóng đến bệnh viện hay các trung tâm y tế. Đặc điểm cơ bản của quá trình này là đau bụng từng cơn tăng dần, tử cung co bóp mạnh, nhiều cơn đau mạnh hơn. Âm đạo tiết dịch màu hồng.
Nhiều trường hợp vỡ ối lúc chuyển dạ. Khi ấy, âm đạo chảy nước, có thể nhiều hoặc ít tùy từng cơ thể mỗi người. Bạn cũng có thể thấy mỏi, đau vùng thắt lưng.
Nên chú ý đi tiểu, đại tiện trước để cơ thể sảng khoái hơn trong cơn chuyển dạ.
Cách thở giúp bà bầu giảm đau khi chuyển dạ
Trong lúc chờ lâm bồn, các bà mẹ thường cảm thấy rất khó chịu và đau đớn, dễ rơi vào tình trạng stress về tâm lý và thể chất khi chuyển dạ, vì thế các bà mẹ nên biết cách hít thở theo từng cơn co của tử cung.
Nữ hộ sinh Trần Thị Mỹ Linh, Bệnh viện Hùng Vương (TP HCM) cho biết, việc hít thở đúng cách giúp tăng tối đa hiệu quả hô hấp, duy trì lượng oxygen cần thiết cho mẹ và con. Hít thở đúng cách còn làm tăng sự thư giãn, làm cho cổ tử cung mềm và xóa mở tốt, giúp cuộc chuyển dạ thuận lợi hơn. Khi chuyển dạ, việc chú ý đến hít thở sẽ giúp bà bầu giảm đau đáng kể. Ngoài ra, việc kết hợp thở với rặn đúng cách giúp bà mẹ sinh dễ dàng, nhanh chóng hơn.
Nữ hộ sinh Mỹ Linh hướng dẫn sản phụ cách thở khi chuyển dạ. Ảnh: Lê Phương. |
Theo nữ hộ sinh Mỹ Linh, tư thế thoải mái rất quan trọng lúc thở. Nằm ngửa sẽ không tốt vì nó làm chậm chuyển dạ và hạn chế tuần hoàn nhau thai. Bà mẹ nên nằm nghiêng hay ngồi sẽ tốt hơn. Việc thở ngực sẽ làm giảm bớt sự trở ngại do đáy tử cung cao đè lên cơ hoành và cách thở này được sử dụng trong suốt thời gian chuyển dạ.
"Bà mẹ nên tập trung vào một điểm trọng tâm nào đó mà quên lãng đi cơn đau của cơn co tử cung. Điểm trọng tâm này có thể là một vật hay một tranh ảnh vui, đẹp, dễ nhìn thấy", nữ hộ sinh đưa ra lời khuyên.
Hơi thở sâu là hít vào thật sâu, thoải mái. Có thể hít vào bằng mũi, thở ra bằng miệng hoặc hít thở đều bằng miệng. Lấy một hơi thở sâu khi cơn co chấm dứt là một tín hiệu để nhắc sản phụ rằng cơn co đã qua và sản phụ có thể nghỉ ngơi và thở bình thường. Hơi thở sâu còn làm tăng oxy, giảm CO2. Các nữ hộ sinh sẽ dùng tín hiệu lời nói như "cơn co bắt đầu, cơn co chấm dứt" để nhắc nhở bà mẹ thở.
Nữ hộ sinh Mỹ Linh đưa ra các kiểu thở, tương ứng với từng giai đoạn chuyển dạ và rặn sinh. Các bà mẹ cần ghi nhớ những bài tập này để đến lúc "vượt cạn" sẽ áp dụng.
1. Thở chậm - sâu
Kiểu thở này được dùng trong giai đoạn tiềm thời của chuyển dạ, cổ tử cung mở dưới 3cm.
Khi có cơn co tử cung, bắt đầu bằng hơi thở sâu rồi thở chậm sâu (hít bằng mũi, thở ra bằng miệng), thở chậm rãi, đều đặn và chấm dứt với một hơi thở sâu khi hết cơn co. Khi hít vào sao cho bụng phình lên, thở ra bụng xẹp xuống.
Thở 4-6 nhịp cho một cơn co tử cung khoảng 25-30 giây.
2. Thở ngực nhanh - nông
Kiểu thở này được dùng trong giai đoạn hoạt động, cổ tử cung mở 4-7cm, cơn co thường mạnh hơn, dài hơn và dầy hơn.
Khi có cơn co tử cung, bắt đầu với một hơi thở sâu, tiếp theo đó là thở ngực nông. Khi cường độ cơn co càng lên cao thì càng thở nhanh hơn. Thở chậm lại khi cơn co giảm dần rồi lấy một hơi thở sâu khi cơn co chấm dứt.
Thở 20-25 nhịp/ 1 phút. Thở chậm hơn vào đầu và cuối cơn co, thở nhanh hơn vào giữa cơn co.
3. Thở thổi nến
Được dùng trong giai đoạn chuyển tiếp, khi cổ tử cung mở 7-9cm, cơn co tử cung mạnh, khoảng cách giữa 2 cơn co ngắn, sản phụ thường mắc rặn vì ngôi thai xuống và đè vào trực tràng. Kiểu thở này giúp làm giảm áp lực từ tử cung, tránh rặn sớm.
Khi cơn co bắt đầu, hít một hơi thở sâu, kế đó thở nhanh, nông 4 lần rồi thổi mạnh một lần qua miệng, lại tiếp tục thở nhanh nông 4 lần rồi thổi ra. Cứ thế cho đến hết cơn co và chấm dứt một hơi thở sâu.
4. Rặn
Kiểu thở này được dùng trong giai đoạn 2 của chuyển dạ, khi cổ tử cung mở trọn và người mẹ muốn rặn. Tư thế để rặn là tư thế "cong chữ C".
Khi có cơn co, lấy 2 hơi thở sâu kế đó hít một hơi dài, giữ hơi và bắt đầu rặn xuống. Khi rặn tựa cằm vào ngực, mắt nhìn xuống rốn, hết hơi bà mẹ nên rặn tiếp tục và hít một hơi thở sâu khác, giữ hơi và tiếp tục rặn, đến khi hết cơn co tử cung.
Khi hít thở chậm sâu các bà mẹ có thể thực hiện bất cứ tư thế nào cũng được như đang nằm, đứng hoặc ngồi, các bà mẹ càng thư giãn thì việc hít thở càng hiệu quả.
10 tư thế mẹ bầu nên biết để giảm đau khi chuyển dạ
Đừng nằm một chỗ để cơn đau chuyển dạ hành hạ, mẹ bầu hãy thay đổi tư thế thường xuyên để tìm ra thư thế phù hợp nhất giúp giảm được cơn đau.
Theo các bác sĩ sản khoa, không có tư thế nào là hoàn hảo cho cơn đau chuyển dạ và mỗi sản phụ lại hợp với một vài thư thế nhất định vì vậy hãy thử 10 cách dưới đây để có thể giảm đau khi vượt cạn.
1. Tựa vào chồng hoặc người thân
Trong giai đoạn đầu chuyển dạ, tư thế đứng thẳng sẽ giúp cơn co thắt giảm cường độ, khiến mẹ bầu bớt đau hơn.
Sản phụ có thể tựa vào chồng hoặc người thân trong tư thế đứng thẳng, một tay vòng qua cổ chồng/ người thân. Khi cơn đau dữ dỗi, mẹ bầu hãy nhẹ nhàng đu đưa người như đang nhảy một điệu nhảy nhẹ nhàng và nhờ chồng/ người thân massage lưng.
2. Lắc lư
Mẹ bầu có thể ngồi trên một chiếc ghế hoặc giường, miễn sao giường hoặc ghế không quá cao để bạn có thể chạm được cả bàn chân xuống đất. Sau đó hãy nhẹ nhàng lắc lư qua phải - qua trái.
Các bác sĩ sản khoa cho biết, việc cử động đều đặn trong lúc chuyển dạ sẽ giúp bà bầu giảm cơn đau.
3. Gục đầu vào thành ghế
Trong lúc chuyển dạ có rất nhiều sản phụ cảm thấy lưng đau đớn như sắp gẫy. Hãy người lại và gục đầu trên thành ghế, đồng người nhờ người thân massage lưng. Những việc làm này sẽ giúp mẹ bầu dễ chịu hơn để tiếp tục công cuộc vượt cạn.
4. Gác chân lên ghế
Động tác gác một chân lên ghế nhìn như đang tập thể dục lại có tác dụng giảm đau với một số bà bầu. Lưu ý là mẹ bầu không nên chọn chiếc ghế quá cao sao cho bàn chân còn lại có thể tiếp xúc hoàn toàn với mặt đất. Nếu không bạn có thể chọn một chiếc bục kê chân để thực hiện tư thế này.
5. Ngồi kê một chân
Dùng một cái bục kê chân có độ cao vừa phải, kê một chân lên đó. Bạn có thể đổi chân để cảm thấy dễ chịu hơn.
6. Quỳ gối
Đây là tư thế được các bác sĩ sản khoa đánh giá là phù hợp với rất nhiều mẹ bầu. Quỳ gối và ôm một quả bóng dành cho bà bầu là cách để giúp bạn giảm tình trạng đau lưng, trong khi đó phần trên và đôi tay của sản phụ được "nghỉ ngơi" trên quả bóng.
7. Ngồi xổm
Tư thế này tuy hơi khó khi bụng của bạn đang rất to nhưng nếu có thể thì hãy thử nhé. Vì ngồi xổm giúp khung xương chậu của người mẹ rộng mở, tạo điều kiện cho bé tụt xuống.
Hãy vịn tay vào một nơi chắc chắn như thành ghế hoặc mép giường khi ngồi. Cũng có thể nhờ chồng hoặc người thân ngồi lên ghế, còn bạn vịn tay vào hai đầu gối của họ. Khi có người thân bên cạnh, bạn sẽ cảm thấy được an ủi phần nào.
8. Ngồi tựa lưng vào tường
Tư thế đơn giản này lại có tác dụng với một số mẹ bầu. Tuy nhiên bạn hãy kê thêm gối khi tựa lưng để tránh bị đau lưng mỗi khi có cơn co thắt. Trong mỗi cơn co, hãy gập – duỗi đầu gối sao cho bạn cảm thấy dễ chịu nhất.
9. Quỳ gối, chống tay
Đây là tư thế được các bác sĩ sản khoa cho rằng sẽ giúp bé nhận được nhiều oxy nhất trong quá trình chuyển dạ.
Đừng e ngại tư thế này. Có thể thử nó ở trên giường hoặc trên sàn nhà trải thảm. Bạn có cảm giác hơi căng tức ở xương sống nhưng thực sự, kiểu này giúp bạn giảm đau lưng và giúp bé xoay về tư thế thuận lợi.
10. Nằm nghiêng về một bên
Sau mỗi cơn co thắt, bạn hãy áp dụng tư thế này để có những phút nghỉ ngơi ngắn giữa những cơn đau. Nằm nghiêng về một bên, kẹp gối vào hai chân để thoái mái nhất. Kiểu nằm này giúp máu từ mẹ vận chuyển vào bào thai là tối đa. Ngoài ra, nó còn giúp nâng đỡ bụng bầu, giảm đau lưng cho mẹ.
Mỗi sản phụ hãy trao đổi thêm với bác sĩ và tự chọn ra tư thế phù hợp cho bản thân nhé. Nên bình tĩnh và không quá lo lắng vì cơn đau sẽ trôi qua nhanh hơn bạn tưởng và bạn sẽ sớm được gặp thiên thần bé nhỏ của mình.
Dấu hiệu chuyển dạ
Chuyển dạ tại bệnh viện
Tiện nghi cho cơn chuyển dạ
'Bí kíp vàng' để chuyển dạ dễ dàng
Dấu hiệu sắp đến ngày sinh
Đẻ chỉ huy
(st)