Ngày nay, kĩ năng thuyết trình càng lúc càng quan trọng. Thống kê cho thấy các nhân viên có khả năng trình bày ý tưởng trước đám đông luôn có cơ hội thăng tiến cao hơn các đồng nghiệp khác.
Làm thế nào để nâng cao kỹ năng thuyết trình
Ảnh minh họa
Muốn có một bài thuyết trình hay, ngoài nội dung tốt bạn còn phải rèn luyện kỹ năng nói trước đám đông một cách thuần thục và hấp dẫn.
Sau đây là một vài chỉ dẫn giúp bạn cải tiến kĩ năng thuyết trình của mình:
1/ Tìm hiểu về khán giả: mỗi nhóm khán giả sẽ có những mô thức tính cách khác nhau. Hiểu rõ được điều này, bạn có thể thay đổi phong cách của mình phù hợp với thị hiếu từng nhóm mà không bị đóng khuôn vào một kiểu cách cứng nhắc nào.
2/ Cấu trúc bài nói của bạn: nội dung hay sẽ chẳng là gì nếu như khi đứng trước đám đông bạn không còn nhớ gì về nó. Hãy cấu trúc bài viết của bạn theo trình tự dẫn dắt người nghe, và bạn chỉ cần ghi nhớ trình tự đó thay vì tất cả nội dung trong bản thảo, điều này cho phép bạn có thể diễn thuyết một cách tự nhiên thay vì phải nhớ và đọc làu làu lại như học sinh trả bài.
3/ Sử dụng ngôn ngữ cơ thể phù hợp: hơn 50% hiệu quả bài nói đến từ việc sử dụng ngôn ngữ cơ thể. Tuy nhiên, nói vậy không có nghĩa là bạn phải cố sử dụng điệu bộ, cử chỉ bất cứ khi nào có thể. Hãy thể hiện bản thân ở mức độ vừa phải và sử dụng các cử chỉ thích hợp cho từng tình huống, bài thuyết trình của bạn sẽ trở nên hấp dẫn hơn rất nhiều.
4/ Điều hòa cảm xúc bản thân: không có gì lạ khi bước lên vị trí trình bày, tay chân bạn bỗng run bắn, miệng bạn lắp bắp mãi mới nói được tiếng “Xin chào!”, và tệ nhất là, nội dung thuyết trình bỗng dưng bay biến đâu mất hết. Đừng lo, đây là phản ứng thông thường mà thôi! Trước hết hãy nhớ rằng, trong mắt khán giả, bạn luôn có vẻ bình tĩnh hơn thực tế. Điều đó có nghĩa, nếu bạn hồi hộp và vấp váp một vài chỗ, đừng xem đó như thảm họa, vì thực ra khán giả cũng không để ý nhiều, chỉ mình bạn ”có tật giật mình” mà thôi. Qua một lúc, sự tự tin sẽ dần trở về với bạn khi đã hoàn toàn tập trung tâm sức vào bài nói. Vài lần sau, phản ứng hồi hộp tự nhiên của cơ thể sẽ dần biến mất, và bạn trở thành một diễn giả đầy thuyết phục.
Với hầu hết các nhóm công việc hiện đại, thì bất cứ khi nào chúng ta mong muốn trình bày kế hoạch, ý kiến cá nhân trước đám đông, kỹ năng thuyết trình cũng là một kỹ năng mấu chốt cần có. Thuyết trình không còn là "trình bày, thuyết minh", mà đã trở thành một nghệ thuật được sử dụng trong việc thu phục nhân tâm, tạo động lực cho những người xung quanh.
Hầu hết những người thuyết trình kém đều chú ý vào việc họ sẽ nói gì (nội dung cần trình bày) mà quên rằng điều quan trọng hơn là nói như thế nào. Theo đó, những nội dung nâng cao, hoặc nội dung ẩn của một bài trình bày không thể được chuyển tải hết qua khối lượng câu chữ ngắn ngủi của một bài thuyết trình trong thời lượng khoảng 30 - 45 phút. Mà khả năng truyền tải này sẽ được quyết định bởi cảm xúc từ trong giọng nói, và cách biểu hiện ngôn ngữ cơ thể của người thuyết trình. Như vậy, điều đầu tiên mà bạn nên làm trước khi chuẩn bị một bài nói trước đám đông, đó là đừng bao giờ cố gắng học thuộc lòng toàn bộ nội dung của bài nói đó.
Nhiều người tin rằng khi mình nắm vững các kỹ năng nói, thì họ sẽ thành công. Tuy nhiên, cảm xúc lại đóng vai trò quan trọng hơn, cũng có thể nói tạo cảm xúc chính là một kỹ năng quan trọng nhất trong thuyết trình. Đạt được điều này rất đơn giản. Cũng như khi bạn biểu hiện niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống, bạn sẽ kết hợp với nét mặt và ngôn ngữ cơ thể tương ứng, làm sao cho người đối diện có thể thấu hiểu được những cảm xúc này khi nhìn những động tác trên. Ngoài ra, kỹ năng sử dụng giọng nói cũng là một điều mà bạn nên học. Ví dụ, khi vui thì tốc độ giọng sẽ nhanh hơn, tông giọng sẽ cao hơn. Biểu cảm trong giọng nói là một trong những bí quyết tác động mạnh mẽ đến sự cảm thụ nội dung cần truyền đạt cho người nghe.
Ngoài những bí quyết như trên, điều quan trọng nhất là khi bạn nói về bất cứ điều gì, thì bản thân bạn phải có cảm xúc, sự hưng phấn và niềm mong muốn chia sẻ tất cả những thông tin đó một cách minh bạch cho người nghe thì bạn mới lan tỏa được cảm xúc đó một cách tự nhiên ra bên ngoài. Đến đây, nhiều người sẽ thắc mắc rằng : những yếu tố trên có phải do năng khiếu thiên phú của một số người nào đó, nếu tôi sẵn là người thiếu tự tin, thì làm sao tôi làm được những điều này? Vâng, phần tiếp theo đây chúng ta sẽ giải đáp ngay : làm sao để có được sự tự tin?
Rèn luyện sự tự tin trước đám đông
Làm thế nào để có được tự tin luôn là một trong những chủ đề nóng trong những khóa học kỹ năng. Thật ra, điều này vô cùng dễ dàng để đạt được, và nó là gốc rễ được gắn trên bằng "phần ngọn" là những kỹ năng điều chỉnh giọng nói, diễn tả ngôn ngữ hình thể.
Đầu tiên, bạn hãy hồi tưởng lại cách bạn tự tin nói chuyện, trình bày gần gũi với một người đồng nghiệp, hoặc một người bạn của bạn như thế nào. Lúc đó, bạn đã tin vào khả năng truyền đạt và thuyết phục ra sao? Khi bạn tự tin, bạn biết bạn là ai, và bạn hiểu người khác đánh giá bạn ra sao, bạn sẽ không sợ hãi đám đông. Khi bạn đặt niềm tin vào người nghe, bạn có thể thoải mái thể hiện ý tưởng của bản thân, đó là tự tin. Nói cách khác, nếu bạn luôn nghĩ mọi thứ về bản thân mình tích cực, và bạn tin rằng người khác cũng sẽ nhìn thấy được những điều tốt đẹp đó, thì bạn sẽ nâng cao được lòng tự tin.
Có một vài bí quyết nho nhỏ để tăng cường sự tự tin như sau : Thường khi tiếp xúc với một người không tự tin, khi ta đặt câu hỏi : "vì sao bạn lại thiếu tự tin?", sẽ nhận được những câu trả lời như "tôi sợ tôi không đẹp, tôi sợ tôi nói không hay, tôi sợ cái áo hôm nay không hợp với mình...". Hãy chuyển đổi tâm lý này bằng vài phút đứng trước gương trước khi đến buổi thuyết trình. Như vậy bước thứ nhất, hãy là người chu đáo để tin vào sức mạnh của bản thân mình trước. Vững lòng tin vào ngoại hình cũng là một nhân tố xúc tác mạnh đến quá trình xuất hiện trước đám đông.
Bước thứ hai, khi bước vào vị trí của người thuyết trình, bạn phải chắc chắn rằng tất cả những nội dung mình trình bày đã nằm trong đầu của bạn. Như đã đề cập ở trên, chúng ta không học thuộc lòng, mà là nắm vững một cách có hệ thống, theo đó, bất cứ câu hỏi nào đặt ra, bạn cũng có thể ứng phó tốt. Bạn có thể sử dụng mindmap (bản đồ tư duy) để làm hiệu quả hơn việc này. Từ đây, áp dụng những công cụ giọng nói và ngôn ngữ cơ thể, bạn sẽ có thể ngày một nâng cao khả năng trình bày tốt và truyền đạt được cảm xúc tự nhiên.
Đặt ra giá trị tác động đến người nghe
Có bao giờ bạn tự hỏi, vì sao có những người trở thành những diễn giả nổi tiếng, có thể thuyết trình về một vấn đề trước hàng ngàn người bằng tiếng Việt và các ngôn ngữ khác? Đó là bởi vì, mục tiêu của họ là mong muốn chia sẻ những giá trị nhất định đến cho người nghe trong bài nói của mình.
Theo quy tắc diễn thuyết của Diễn giả Quách Tuấn Khanh - một trong những diễn giả hàng đầu Việt Nam, thì thuyết trình cũng là một phương tiện truyền thông, và nhiệm vụ của người thuyết trình là hướng đến lợi ích chung của đám đông, chứ không phải để thể hiện thương hiệu cá nhân. Nên mục tiêu của một bài thuyết trình luôn là để khiến cho người khác thay đổi tốt hơn, hoặc để giải quyết vấn đề đó theo hướng tích cực.
Như vậy, bạn nên có sự tìm hiểu rõ ràng người nghe bạn là ai, họ cần gì, và điều gì tác động làm cho họ thay đổi. Một người khi đón nhận thông điệp thuyết trình, thì họ đón nhận người thuyết trình trước khi họ đón nhận thông điệp, nói đơn giản là khi người nghe có sự tin cậy vào bạn thì họ sẽ tin cậy vào những gì bạn trình bày, ngược lại, họ sẽ dễ dàng thiếu đồng tình hoặc tự tạo ra mâu thuẫn với thông tin của bạn.
Một mẹo nhỏ để có thể "xốc dậy" được sự chú ý của người nghe, khi họ chưa biết gì về bạn, thì bạn nên có bước đệm là giới thiệu về bản thân, thẩm quyền, và chuyên môn của bạn đối với vấn đề mà bạn sắp nói. Như thế, người nghe sẽ xác định được là họ có nên tin hoặc nên có thái độ như thế nào đối với những thông tin mà người thuyết trình sắp nói.
Nếu bạn làm tốt những điều này, thì dần dần, không chỉ kỹ năng thuyết trình trước đám đông của bạn được nâng lên, mà bạn còn gây dựng được thương hiệu cá nhân trong mắt người khác.
10 Lời Khuyên Rèn Luyện Kỹ Năng Thuyết Trình
Kỹ năng thuyết trình là yếu tố không thể thiếu của giới văn phòng ngày nay. Và tất nhiên, điều quan trọng làm làm sao để bài thuyết trình của bạn trở nên cuốn hút khán giả. 10 lời khuyên sau đây sẽ giúp bạn làm được điều đó.
Đừng lạm dụng hình ảnh
Trong các bài thuyết trình, chúng ta thường dùng khá nhiều hình ảnh để minh họa. Đó là cách tiếp cận rất hiệu quả. Tuy nhiên, khi chọn lựa hình ảnh, hãy làm cho nó đơn giản và nếu cần câu chữ đi kèm, hãy tối giản nó. Khán giả không muốn đọc bài thuyết trình mà họ muốn nghe những gì bạn nói.
Nhìn vào khán giả
Nếu bạn đã từng tự hỏi mình nên nhìn đi đâu khi thuyết trình, câu trả lời là ngay trước mặt bạn. Đừng chỉ nhìn vào một người nào đó mà hãy cố gắng làm cho mắt bạn tiếp xúc với nhiều người trong khán phòng. Nếu bạn không làm thế thì ngay sau đó bạn sẽ không thể hòa mình vào khán giả mà là bạn chỉ đang nói chuyện với chính mình. Điều này có thể khiến khán giả không tiếp tục chú ý đến bạn nữa.
Thể hiển cá tính của bạn
Cho dù bạn đang trình bày trước nhóm người của công ty hoặc với cấp trên, bạn đều phải thể hiển tính cách nào đó khi trình bày. Nếu bạn không làm điều này, bạn có thể giống Agent Smith trong một ma trận. Không ai muốn nghe anh ta nói!
Làm cho khán giả bật cười
Mặc dù bạn muốn truyền đạt thông điệp đến khán giả của bạn, nhưng bạn cũng cần phải làm cho họ bật cười. Hãy học được điều này từ Guy Kawasaki và nếu bạn đã từng nghe bất kỳ bài phát biểu nào của ông ta thì bạn sẽ hiểu lý do tại sao. Về bản chất, hài hước sẽ khiến khán giả luôn chú ý và họ sẽ tiếp nhận nhiều hơn những thông điệp mà bạn muốn chia sẻ.
Tương tác với khán giả
Khán giả rất ghét khi diễn giả chỉ nói mà không cần quan tâm đến phản ứng của họ. Bạn cần phải tương tác với khán giả và tạo ra một cuộc trò chuyện với họ. Một cách dễ dàng để thực hiện điều này là đặt câu hỏi cho họ hay để họ hỏi bạn.
Thể hiện sự chân thành
Rất nhiều người trình bày cho khán giả những gì họ muốn nghe thay vì những gì họ cần nghe. Hãy chắc chắn rằng bạn nói sự thật ngay cả khi họ không muốn nghe về điều đó khiến họ sẽ tôn trọng bạn và có thiện cảm với bạn hơn.
Đừng chuẩn bị trước quá kĩ
Nếu bạn luyện tập phần trình bày quá nhiều, nó sẽ nghe có vẻ khuôn mẫu, sáo rỗng và không có cảm xúc. Bạn cần chuẩn bị đầy đủ để nắm bắt những gì bạn đang nói nhưng chắc chắn rằng phần trình bày của bạn trôi chảy tự nhiên thay vì là ghi nhớ và nói ra. Thông thường, nếu bạn hỏi các diễn giả có kinh nghiệm những điều bạn không nên làm, họ sẽ nói bạn không luyện tập trình bày quá nhiều bởi vì sau đó nó sẽ không còn tự nhiên nữa.
Di chuyển khi thuyết trình
Chúng ta đều biết rằng cần phải di chuyển khi nói nhưng đôi lúc bạn quên mất điều này. Hãy phối hợp thêm nhiều ngôn ngữ cơ thể hoặc bước đi xung quanh một chút (đừng quá nhiều) trên sân khấu khi bạn đang nói. Hãy nhớ rằng, không có ai thích nhìn một cái tượng. Khán giả sẽ hòa mình cùng với một diễn giả sôi nổi.
Theo dõi những gì bạn nói
Bạn thường không nhận thấy khi bạn nói “uhm”, “ah”, hoặc một số từ đệm khác, nhưng khán giả thì ngược lại. Điều đó sẽ là họ cảm thấy khá khó chịu, đến nỗi một số khán giả có thể đếm bao nhiêu lần bạn nói những từ vô nghĩa đó.
Tạo sự khác biệt
Nếu bạn không tạo sự khác biệt so với tất cả các diễn giả khác mà khán giả đã từng nghe thì họ sẽ không nhớ đến bạn. Mỗi buổi thuyết trình là một cơ hội để xây dựng thương hiệu cá nhân của bạn. Hãy chắt chiu và khiến khán giả nhớ đến bạn.
Cách vượt qua nỗi sợ diễn thuyết
Không phải tất cả mọi người đều được thiên phú khả năng diễn thuyết trước đám đông, nhưng rõ ràng, trình bày tự tin một vấn đề là công cụ vô cùng hữu dụng cho sự nghiệp của bạn.
Tất nhiên, việc bạn lo lắng, thậm chí sợ hãi khi phải thuyết trình là điều đương nhiên, nhưng thành tựu đạt được từ đó lại rất là điều rất đáng để bạn cố gắng, nỗ lực. Đó là quan điểm của chuyên gia Sherri Thomas, tác giả cuốn sách “5 bước để trở thành một biểu tượng cá nhân quyền lực”. Theo bà Thomas, “Việc là một người diễn thuyết giỏi sẽ giúp gây dựng uy tín, ảnh hưởng và mở ra rất nhiều cơ hội khác nhau trong sự nghiệp của bạn”.
Có nhiều cách để vượt qua nỗi sợ phải nói trước công chúng. Và nếu bạn đang thực sự mong muốn tìm kiếm thêm sự tự tin trước khi diễn thuyết trước mọi người, đây sẽ là 7 phương cách để bạn tham khảo:
Bắt đầu từ những cái nhỏ
Hẳn nhiên bạn không thể có được bài diễn thuyết hoàn hảo kéo dài tới 40 phút ngay trong lần thử đầu tiên. Vì vậy, hãy cố gắng luyện tập từng chút một để đạt tới trình độ đó. Bạn có thể tự tạo cơ hội luyện tập cho mình thông qua các hoạt động cần phải nói trước công chúng. Bất kể chuyện bạn tham gia phát biểu trong một cuộc họp tổ, họp xóm hay chỉ là một cuộc thảo luận ở phòng, việc quen phải đứng nói trước mọi người sẽ giảm bớt dần áp lực căng thẳng với bạn. Cảm giác trải qua một bài tập ngắn như thế cũng sẽ dần gây dựng trong bạn sự tự tin với những hoạt động dài hơi hơn sau này.
Chấp nhận những sai sót có thể
Khi phải diễn thuyết trước mọi người, bạn hãy để mình thật thoải mái. Hầu hết những người đang nghe bạn đều có nhiều lựa chọn và họ hiểu vấn đề hơn là bạn nghĩ. Sự ấp úng và những sai sót về mặt kỹ thuật là một phần không thể tránh khỏi. Hãy dùng khiếu hài hước để thừa nhận nhanh chóng bất cứ những nhầm lẫn rõ rệt nào và tiếp tục bài thuyết trình của bạn.
Luyện tập với những người bạn tin tưởng
Việc tham khảo ý kiến của những người thân thiết sẽ giúp bạn có được phản hồi trung thực về khả năng diễn thuyết. Theo đó, bạn sẽ cảm thấy thoải mái hơn khi đứng trước công chúng. Chuyên gia Thomas cho rằng, bạn “hãy bắt đầu tìm kiếm những môi trường an toàn, nơi bạn có thể tin tưởng vào những người nghe và có thể chia sẻ kiến thức mình có. Điều này có thể áp dụng trong trường hợp bạn trình bày một ý tưởng mới với sếp hay các đồng nghiệp, chia sẻ vài thủ thuật với bạn thân hay hàng xóm của mình”.
Dành thời gian cho những câu hỏi phát sinh
Tùy theo khuôn khổ cuộc thuyết trình thì việc trả lời các câu hỏi cũng cần khéo léo. Nhất là khi bạn nói chuyện trước một đám đông lớn, hãy để thời gian để giải đáp riêng cho những câu hỏi mà có thể nhiều người khác không quan tâm. Theo chuyên gia Thomas, cách làm này giúp bạn tránh được áp lực phải trả lời nhiều câu hỏi trước đám đông và cũng cho phép bạn có thêm những cuộc trao đổi riêng tư với những ai có nhu cầu biết thêm về thông tin cụ thể hơn.
Đừng ép mình là một chuyên gia
Dù không phải là một chuyên gia siêu đẳng nhất trong một lĩnh vực thì bạn vẫn có thể đưa tới người nghe một bài thuyết trình hữu ích. Tuy nhiên, chuyên gia Thomas tiết lộ, “tôi khuyến khích các khách hàng của tôi bằng cách để họ hiểu rằng, họ không phải là người thông minh nhất thế giới trong việc chia sẻ những ý tưởng, thủ thuật và chiến lược với những người khác”. Mặc dù việc nắm vững vấn đề bạn thuyết trình là vô cùng quan trọng, nhưng điều đó cũng không có nghĩa, bạn phải biết tất tần tật những vấn đề liên quan tới nó.
Hãy tạm bỏ qua trình chiếu
Tất nhiên, việc sử dụng thêm các công cụ hỗ trợ trong trình bày luôn có ích, song diễn thuyết không có nghĩa là bạn đọc to lên những gì đã chuẩn bị. Hãy luyện tập một bài thuyết trình nhỏ kéo dài 5 phút mà không sử dụng trình chiếu PowerPoint để bạn chỉ tập trung vào việc diễn giải 2 đến 3 điểm quan trọng nhất muốn nói. Sau đó, bạn có thể sử dụng trình chiếu để làm rõ thêm các khái niệm, điều này sẽ giúp bạn bớt căng thẳng đi nhiều.
Chuẩn bị cho một quá trình lâu dài
Hầu hết các chuyên gia diễn thuyết nổi tiếng đều không thể thành danh trong một sớm một chiều và không dễ gì trong chốc lát, họ có thể hoàn toàn thoải mái khi đứng trước đám đông. Bạn nên chuẩn bị tâm thế cho một quá trình rèn luyện lâu dài và đừng kỳ vọng hão huyền về việc có thể tự tin thể hiện khả năng diễn thuyết ngay lập tức. “Hãy rèn luyện từng bước, học hỏi, tập luyện, trò chuyện với các chuyên gia, lên kế hoạch cho những ý tưởng của bạn và bắt tay thực hiện”, đó là một lời khuyên nữa của chuyên gia/
Kỹ năng thuyết trình
Cách thuyết trình hay khiến mọi người chăm chú nghe bạn nói
Cách thuyết trình bằng tiếng Anh
Bí quyết có bài thuyết trình hay
Làm sao để hết run khi thuyết trình
Cách tự tin khi thuyết trình giúp bạn thành công
(ST)