Ý nghĩa biểu tượng Quốc huy Việt Nam

seminoon seminoon @seminoon

Ý nghĩa biểu tượng Quốc huy Việt Nam

19/04/2015 01:01 PM
2,118


Quốc huy Việt Nam - biểu tượng chính thức và thiêng liêng của Nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã được ban bố theo sắc lệnh 254-SL ngày 19.1.1956 của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhưng do thiếu những quy định chuẩn về việc sử dụng quốc huy nên hiện nay đang có tình trạng hình quốc huy Việt Nam có nhiều phiên bản, mỗi hình mỗi vẻ, không đồng nhất theo một mẫu.


Quốc huy Việt Nam ngày ấy và bây giờ

Biểu tượng thiêng liêng

Tại Trung tâm lưu trữ quốc gia III (Bộ Nội vụ) đang lưu trữ bản công báo số 22 ngày 8.8.1956 có in sắc lệnh số 254-SL ban bố mẫu quốc huy của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Kèm theo có bản phụ số 1 in mẫu quốc huy Việt Nam đã hoàn thiện, có đủ màu và điều lệ số 973-TTG về việc dùng quốc huy do Phó thủ tướng Phan Kế Toại ký, cùng bản phụ số 2 in mẫu quốc huy vẽ rõ nét từng chi tiết bông lúa, lá lúa, hạt lúa, ngôi sao, bánh xe răng cưa và băng đỏ có chữ "Việt Nam Dân chủ Cộng hòa".

 
Mẫu quốc huy chuẩn

Tại Viện Bảo tàng mỹ thuật Việt Nam đang lưu trữ bản vẽ nét một màu mẫu quốc huy Việt Nam hoàn thiện. Quốc huy được vẽ trên khổ giấy 32 cm x 32 cm, chia thành 16 ô dọc, 16 ô ngang để định vị trí chính xác, hình nét chi tiết của từng bông lúa, lá lúa, hạt lúa, ngôi sao, bánh xe răng cưa, băng đỏ có chữ "Việt Nam Dân chủ Cộng hòa". Bản vẽ nét quốc huy này là cơ sở để chế bản và in mẫu quốc huy Việt Nam nên chính xác hoàn toàn với bản mẫu in màu (bản phụ số 1) và mẫu in nét (bản phụ số 2) tại sắc lệnh số 254-SL. Đây là mẫu quốc huy Việt Nam chính thức được lưu trữ tại Trung tâm lưu trữ quốc gia III và Viện Bảo tàng mỹ thuật Việt Nam. Rất tiếc là đã lâu lắm rồi, hầu như mọi người không biết đến để nghiên cứu và sử dụng cho đúng với mẫu quốc huy Việt Nam.

 
Quốc huy trên bằng khen của Bộ Nội vụ

Năm 1976, sau khi nước nhà thống nhất, Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam khóa VI, kỳ họp thứ 1 (từ 24.6 - 3.7.1976) đã ra nghị quyết về tên nước, quốc kỳ, quốc huy, thủ đô và quốc ca do Chủ tịch Quốc hội Trường Chinh ký, trong đó có ghi: ..."Quốc huy nước CHXHCN Việt Nam hình tròn nền đỏ, ở giữa có ngôi sao vàng 5 cánh, chung quanh có bông lúa, ở dưới có nửa bánh xe răng cưa và dòng chữ Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam"... Bản công báo số 13 (31.12.1976) đã in nghị quyết kỳ họp trên của Quốc hội khóa VI nhưng không in lại mẫu quốc huy, quốc kỳ, quốc ca. Như vậy mẫu quốc huy Việt Nam năm 1976 theo đúng mẫu quốc huy trong sắc lệnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh ký năm 1956, chỉ thay tên nước thành "Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam".

 
Quốc huy trên huân chương, bằng giải thưởng Nhà nước

Nghiên cứu trên bản mẫu quốc huy Việt Nam chính thức chúng ta thấy về bố cục, vị trí sắp xếp, tỷ lệ các hình tượng trong quốc huy rất cân đối, hài hòa, vững chắc. Hình dáng, đường nét của các bông lúa, hạt lúa, ngôi sao, bánh xe răng cưa, dải lụa có tên nước Việt Nam được nghiên cứu, chắt lọc kỹ lưỡng nên rất tinh tế, sinh động, tượng trưng và chuẩn mực. Màu sắc của quốc huy được phối hợp mạch lạc, hài hòa giữa đỏ, vàng và nét nâu. Mẫu quốc huy Việt Nam hoàn chỉnh và đẹp về hình thức, sâu sắc về nội dung, đã thể hiện cô đọng, súc tích về đất nước và dân tộc Việt Nam, với nền tảng công nghiệp và nông nghiệp, với lý tưởng cách mạng và tinh thần đại đoàn kết trên cơ sở liên minh công - nông, với khát vọng hòa bình và sự khẳng định chủ quyền thiêng liêng của quốc gia độc lập, tự do, hạnh phúc.

 
Quốc huy trên trụ sở UBND quận Tây Hồ

Tam sao thất bản

Quốc huy Việt Nam đã đọng lại trong tâm trí mỗi người chúng ta là hình tròn, có các bông lúa kết hai bên, ở giữa nền đỏ có ngôi sao vàng, phía dưới là bánh xe răng cưa, băng đỏ có tên nước Việt Nam uốn quanh bông lúa. Nhưng, để  nhận biết rõ ràng, chuẩn xác về quốc huy Việt Nam thì dường như không phải ai cũng nắm vững.

Trong thực tế, nếu chú ý quan sát sẽ thấy hình quốc huy Việt Nam trên nhiều văn bản, tài liệu như bằng huân - huy chương, bằng khen, các chứng chỉ, trên sách, báo chí, trang thông tin điện tử, trên các trụ sở cơ quan nhà nước ở trung ương và địa phương... từ trước đến nay thường không giống nhau, mỗi hình quốc huy mỗi vẻ, không đồng nhất theo một mẫu. Điều đó cho thấy mẫu quốc huy Việt Nam đã bị "tam sao thất bản".

 
Quốc huy trên trụ sở UBND TP Hà Nội

 
Quốc huy trên trụ sở Viện KSND tỉnh Quảng Ninh

 
Quốc huy trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

 
Quốc huy trên trụ sở Bộ Ngoại giao

 
Quốc huy trên trụ sở TAND TP Hà Nội

So sánh với mẫu quốc huy Việt Nam chính thức, các hình quốc huy đã được sử dụng thường có những sai sót như:

- Hình quốc huy chưa đúng hình tròn. Bố cục thiếu cân đối. Vị trí, tỷ lệ và các hình tượng trong quốc huy chưa chính xác.

- Vị trí, hình dáng, đường nét các bông lúa, lá lúa, hạt lúa chưa đúng. Hạt lúa lúc tròn, lúc vát nhọn, số lượng hạt lúa khi thừa khi thiếu. Khoảng cách giữa hai đầu các bông lúa lúc xa lúc liền nhau. Các cọng bông lúa kết thành đế quốc huy xòe quá to hoặc bị thu nhỏ, mất cân đối.

- Chiều ánh sáng ngôi sao của mẫu quốc huy Việt Nam chính thức, chiếu từ bên phải sang, theo bản đồ Việt Nam là ánh sáng ban mai từ biển Đông chiếu vào. Trong hình quốc huy sai, ánh sáng chiếu ngược từ phía tây ở bên trái sang vào buổi chiều, phần bóng ngôi sao in sai thành màu quá đậm hoặc màu đỏ.

- Bánh xe răng cưa sai hình và chỉ có 5, 7, 9 răng (bánh xe quốc huy chuẩn có 10 răng). Trong bánh xe lại có các vành màu đỏ.

- Băng đỏ có tên nước về hình dáng, góc độ uốn lượn chưa đúng.

Theo nghiên cứu của chúng tôi, có ít hình quốc huy gần đúng với mẫu chính thức. Nhiều hình quốc huy bị sai, có những hình rất sai và xấu, vô hình trung làm mất đi vẻ đẹp, sự chuẩn mực, trang trọng của quốc huy Việt Nam.

Sở dĩ có những sai sót trên là do sau lần mẫu quốc huy Việt Nam chuẩn được in trên công báo số 22 ngày 8.8.1956, kể từ đó đến nay, nhất là từ sau năm 1975 hầu như chưa thấy được in lại và phổ biến rõ trên các phương tiện thông tin đại chúng hoặc trên trang thông tin điện tử của cơ quan có trách nhiệm. Những cơ quan, tổ chức có sử dụng hình quốc huy, những người thiết kế lại hình quốc huy trên các văn bản tài liệu, chứng chỉ, báo chí, trên trụ sở cơ quan…, do không chú ý tìm hiểu kỹ lưỡng hoặc không biết để tiếp cận được với mẫu quốc huy Việt Nam chính thức đang được lưu trữ tại Trung tâm lưu trữ quốc gia III và Viện Bảo tàng mỹ thuật Việt Nam, nên chỉ vẽ lại theo hình quốc huy nào đó có trước. Có hình quốc huy được vẽ một cách sơ sài, cẩu thả hoặc có khi người thiết kế lại tùy tiện tự phóng tác thêm theo cảm tính nên hầu hết các hình quốc huy bị "tam sao thất bản". Càng những năm về sau, nhiều hình quốc huy càng sai và xấu so với mẫu chính thức.

Để khắc phục tình trạng trên vốn đã thành phổ biến, chúng tôi đề nghị Văn phòng Quốc hội, Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch cần có sự xem xét và chỉ đạo để chuẩn hóa lại mẫu quốc huy Việt Nam đang được sử dụng trên các lĩnh vực hành chính, văn hóa, thông tin, báo chí, kinh tế, xã hội. Cần phổ biến lại mẫu quốc huy Việt Nam chính thức trên các phương tiện truyền thông đại chúng, kèm theo những quy định chặt chẽ về việc sử dụng hình quốc huy.  

Nguyễn Nông (http://www.thanhnien.com.vn/pages/20110827/quoc-huy-viet-nam-ngay-ay-va-bay-gio.aspx)


(St)

Ý nghĩa của biểu tượng du lịch Việt Nam
Ý nghĩa biểu tượng bông sen vàng của Vietnam Airlines
Ý nghĩa của biểu tượng Khuê Văn Các
Ý nghĩa biểu tượng Asean

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý