Những cảnh đẹp ở Bắc Giang níu chân du khách

seminoon seminoon @seminoon

Những cảnh đẹp ở Bắc Giang níu chân du khách

19/04/2015 01:01 PM
515

Những cảnh đẹp ở Bắc Giang níu chân du khách. Bắc Giang là một tỉnh thuộc vùng Đông Bắc Việt Nam, nằm trong vùng trung du và miền núi phía Bắc. Bắc Giang giáp với nhiều tỉnh thành, phía Bắc giáp Lạng Sơn, phía đông giáp Quảng Ninh, phía tây giáp Thái Nguyên và Hà Nội, phía nam giáp Bắc Ninh và Hải Dương. Tỉnh lỵ là thành phố Bắc Giang, cách trung tâm thủ đô Hà Nội 51 km.
 

Suối Mỡ


Đến hẹn lại lên, hàng năm cứ vào ngày 30 tháng 3 đến ngày mồng 2 tháng 4 âm lịch, du khách khắp nơi lại nô nức, tưng bừng đổ về xã Nghĩa Phương huyện Lục Nam để chảy hội Suối Mỡ. Lễ hội Suối Mỡ là nét văn hóa truyền thống nổi bật trên mảnh đất của huyện Lục Nam nói riêng và của Bắc Giang nói chung. Lễ hội thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây và tinh thần đoàn kết  trong cộng đồng dân tộc.



Lễ hội Suối Mỡ xuất phát từ nhu cầu tín ngưỡng tâm linh của nhân dân trong vùng. Bởi lẽ  dọc theo bờ Suối Mỡ có 3 ngôi đền cổ là đền thượng Thượng, đền Trung Trung, đền Hạ, đều thờ nàng công chúa Quế Mị Nương. Dân gian  tương truyền Quế Mị Nương là con gái của vua Hùng Định Vương thứ IX, nàng là người đẹp nết na, thùy mị, nhân hậu yêu thương con người, yêu phong cảnh thiên nhiên. Khi đến vùng đất này du ngoạn thấy phong cảnh đẹp quyến rũ nhưng đất đai thì khô  hạn, người dân nghèo đói, nàng đã quyết tâm bỏ lại đằng sau cuộc sống của kinh thành tráng lệ ở lại giúp nhân dân, khơi dòng nước mát mang nước tưới về cho đồng ruộng. Từ đó trở đi đất đai trở nên màu mỡ, người người no ấm. Nhân dân nhớ ơn bà đã lập đền thờ và suy tôn bà là Thượng Ngàn Thánh Mẫu. Hàng năm để tỏ lòng biết ơn tưởng nhớ đến công lao to lớn của  bà, nhân dân địa phương đã long trọng tổ chức lễ hội  Suối Mỡ.  Lễ hội diễn ra vào 2 ngày chính từ  30/3-01/4 âm lịch,  lễ hội tập trung chủ  yếu tại 3 ngôi đền và quanh khu vực khu du lịch sinh thái Suối Mỡ.



Lễ hội Suối Mỡ cũng giống như bao lễ hội khác là một hình thức sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của nhân dân nay đã trở thành truyền thống được giữ gìn bảo tồn phát huy. Lễ hội gồm có phần lễ và phần hội, phần lễ là cuộc rước của nhân dân làng Quỷnh rước kiệu về đền Trung tế lễ, tiếp theo  làng Dùm rước kiệu về đến đền Hạ tế lễ  và bái vọng lên đền Thượng cầu mong cho nhân dân một năm mùa màng bội thu, sức khỏe rồi rào, nhà nhà no ấm…Trong phần hội có các cuộc thi giao lưu văn nghệ, hát chèo, hát chầu văn, hát quan họ của nhân dân địa phương và du khách thập phương, cùng với đó là một số các trò chơi dân gian đặc sắc như  đấu vật, chọi gà, cờ tướng…



Lễ hội Suối Mỡ linh thiêng huyền ảo bên phong cảnh núi rừng. Đến đây du khách được chiêm ngưỡng phong cảnh được tuyệt đẹp được xếp vào loại bậc nhất của vùng quê sông Lục - núi Huyền. Vẻ đẹp Suối Mỡ là vẻ đẹp sự tạo hóa do thiên nhiên đem lại với sự hoang sơ, không khí trong lành mát mẻ, con người thân thiện mến khách.


Thác thùm thùm

Phong cảnh thiên thiên hòa quện trong những dấu xưa tích cũ, lễ hội Suối Mỡ đã thực sự hấp dẫn thu hút du khách thập phương từ nhiều vùng miền trong cả nước, họ đến với Suối Mỡ để cầu mong những điều tốt đẹp an lành trong cuộc sống, họ cũng đến để tìm hiểu những phong tục tập quán của địa phương, được chiêm ngưỡng thăm quan, trải nghiệm khám phá khu du lịch sinh thái Suối Mỡ.
 

THĂM VƯỜN THÁP CHÙA BỔ ĐÀ


Chùa Bổ Đà (Tứ Ân tự) còn có tên là chùa Quán Âm nằm và thường được người dân trong vùng gọi tắt là chùa Bổ. Chùa nằm ở phía Bắc chân núi Phượng Hoàng thuộc thôn Thượng Lát, xã Tiên Sơn, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. Chùa Bổ Đà là di tích lịch sử - văn hoá tiêu biểu của tỉnh Bắc Giang, một trong những trung tâm Phật giáo lớn của tỉnh.“Bắc Bổ Đà, nam Hương Tích". Đó là câu phương ngôn lưu truyền trong dân gian ngợi ca hai danh lam cổ tự thuộc Phật phái Lâm Tế, một dòng Thiền có ảnh hưởng rộng rãi nhất ở mọi miền tổ quốc Việt Nam.


Vườn tháp chùa Bổ Đà

Ở xứ Kinh Bắc, có hai chốn tùng lâm sớm ảnh hưởng và tiếp nhận dòng Lâm Tế là chùa Bổ Đà, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang và chùa Bảo Quang (còn gọi là chùa Bách Tháp) ở huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh. Hai sơn môn này đều được phát triển từ nửa đầu thế kỷ 18 và là nơi được nhiều tăng ni thuộc phái Lâm Tế ở miền Bắc nước ta trọn làm nơi an nghỉ vĩnh hằng. Chính vì thế, hai ngôi chùa này là hai danh lam cổ tự có vườn tháp nhiều ngôi nhất nước ta. Tuy nhiên, do hai cuộc chiến tranh chống ngoại xâm, nhiều ngôi tháp chùa Bảo Quang (tức chùa Bách Tháp) bị mai một nay chỉ còn mấy chục ngôi... Trong khi đó, vườn tháp chùa Bổ Đà vẫn còn nguyên vẹn, và nay trở thành vườn tháp cổ và có qui mô rộng lớn.



Vườn tháp chùa Bổ Đà nơi tàng lưu xá lị, tro cốt nhục thân của các tăng ni dòng thiền Lâm Tế  nằm ở bên trái khu Nội tự và Vườn chùa. Đó là bãi đất nằm nghiêng theo độ cao của núi Bổ Đà có diện tích gần 8.000m2. Bao quanh vườn tháp nhà chùa đã dùng đá núi, gạch chỉ và đất tạo nên bức trường để giữ gìn yên tĩnh giấc ngủ ngàn thu cho các những nhà tu hành đắc đạo.

Nhiều du khách đến thăm vườn tháp chùa Bổ Đà không khỏi ngạc nhiên trước sự mênh mông rộng lớn của vườn tháp, nhất là số lượng các ngôi tháp ở đây quả xứng đáng được liệt danh vào cuốn sách ghi kỷ lục của nước nhà. Qua gần ba trăm năm hưng thịnh, và kể từ khi sư tổ có tên tục là Phạm Kim Hưng viên tịch đến nay, sơn môn Bổ Đà đã xây dựng tất cả 97 ngôi tháp, mộ lớn nhỏ. Trong vườn tháp ta thấy đa số là những ngôi tháp ba, bốn tầng với độ cao từ từ ba đến năm mét, riêng mấy ngôi tháp sư tổ thì đồ sộ cao rộng hơn nữa.




Hội chùa Bổ Đà từ ngày 16 tháng 2 đến ngày 18 tháng 2 hàng năm. Vào ngày hội khách thập phương thường đến rất đông. Để đi tới Chùa Bổ, từ Hà Nội đi tới thành phố Bắc Ninh, qua cầu Thị Cầu rẽ trái men đê sông Cầu 3 km là tới. Hoặc tới Thổ Hà đi tiếp theo hướng Bắc tới làng Lát rẽ phải, từ Thổ Hà tới Chùa Bổ là 3 km. Đến thăm Chùa Bổ là du khác đã được chiêm ngưỡng một địa điểm du lịch nổi tiếng của đất Kinh Bắc xưa và của tỉnh Bắc Giang ngày nay.
 

Hành hương về Tây Yên Tử


Những ngày đầu năm mới, thay vì tìm đến điểm du lịch tâm linh nổi tiếng bên sườn Đông của danh sơn Yên Tử (Uông Bí - Quảng Ninh), chúng tôi hướng về sườn núi phía Tây (thuộc Đông Triều - Quảng Ninh), nơi chứa đựng những di sản vô giá của một trung tâm Phật giáo thời Trần.

Xuyên qua những con đường mòn ẩn hiện trong rừng trúc, vượt qua vách núi cheo leo,  những ngôi chùa, am, tháp... gần 700 năm tuổi và dấu tích còn lại của nó hiện ra trong mây mù bạt ngàn của rừng núi Tây Yên Tử.



Xuất phát từ xã Bình Khê, chúng tôi mải miết bước trên những con dốc trơn như mỡ và rợn ngợp bóng trúc. Tuy mệt mỏi nhưng ai cũng động viên nhau gắng sức, bởi chuyến đi này chúng tôi còn mang theo một số đồ dùng cần thiết để biếu nhà chùa.



Điểm đến đầu tiên là am Ngọa Vân.Ngôi chùa này đã được lịch sử ghi nhận là nơi vị tổ thứ nhất của thiền phái Trúc Lâm, Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông (1258 - 1308) chọn làm nơi tu thiền trong những năm cuối đời, đồng thời viên tịch tại đó. Trong am còn có Phật hoàng tháp, tương truyềnlà nơi chứa xá lị của ngài.
Hoa đào, hoa mận bung nở trên những bậc đá dẫn lên am. Sương mai còn đọng lại trên cánh hoa, long lanh như những hạt ngọc.







Từ Ngọa Vân am đi về phía Đông là chùa Hồ Thiên, nơi từng tồn tại một quần thể chùa tháp lớn, khi Phật hoàng thường tới đây đăng đàn thuyết pháp. Con đường dẫn sang chùa Hồ Thiên đi qua một thung lũng nhỏ tràn đầy mây. Đó là bãi Đá Chồng, một bãi đá tự nhiên với hàng trăm tảng đá lớn nhỏ, có tảng to gần chục người ôm.

Bãi Đá Chồng nhìn từ đỉnh đối diện. Chúng tôi dừng chân bên quán của vợ chồng ông lão chăn bò, nghe kể về những câu chuyện kỳ lạ.

Chùa Vẽ một di tích nghệ thuật độc đáo ở Bắc Giang


Chùa Vẽ tự là Huyền Khuê, xưa thuộc xã Nam Xương, tổng Thọ Xương, huyện Lạng Giang, nay thuộc phường Thọ Xương, TP Bắc Giang (tỉnh Bắc Giang). Chùa Vẽ đã có hàng trăm năm, toạ lạc trên một dải đất cao đẹp, thoáng đãng ở trung tâm làng Vẽ. Chùa nhìn ra hướng Nam, phía trước có hồ nước rộng, xen giữa là hai ngôi đình, khiến cho ngôi chùa càng thêm cổ kính.



Theo sử sách đã ghi, trong đại chiến chống giặc Minh, nghĩa quân Lam Sơn do Lê Lợi lãnh đạo đã chiến đấu trong một thời gian khá dài và hạ được thành Xương Giang trước khi viện binh của giặc Minh tới. Mặc dù phải giao chiến nhiều ngày, lực lượng của nghĩa quân Lam Sơn chỉ có một phần ba so với giặc, song dưới sự chỉ đạo của Lê Lợi và sự ủng hộ giúp đỡ của người dân hai làng thuộc cánh đồng Xương Giang, chỉ trong một đêm đã vẽ nên một thành trì bằng cót khiến giặc Minh vô cùng khiếp sợ, tưởng có Thần Linh hoá phép, buộc phải đầu hàng rút quân về nước.

Để tưởng nhớ công ơn của người dân hai làng nơi cánh đồng năm xưa đã giúp nghĩa quân vẽ thành giả chiến thắng giặc Minh, sau khi lên ngôi, vua Lê Lợi đã đặt tên nơi vẽ thành cót là “làng Thành” và nơi cung cấp nhân công vẽ thành là “làng Vẽ” rồi cho dựng một ngôi chùa tại đây.



http://dulichbacgiang.gov.vn/images/stories/dt_3320122244_img_3510.jpg
Hai bên hành lang bênh cạnh chùa có 18 pho tượng là các vị La Hán được làm rất tinh xảo với những dáng vẻ khác nhau trông như người thật.

Hàng năm, vào ngày mồng 6 và 7 tháng Giêng, chùa Vẽ lại mở hội lớn. Nhân dân trong vùng náo nức về dự hội, thể hiện tấm lòng ngưỡng mộ đức Phật. Chùa Vẽ cang.com.vnòn là điểm đến của các nhà nghiên cứu, học sinh, sinh viên cùng đông đảo đồng bào phật tử và du khách thập phương.
 

PHẬT SƠN CÓ SUỐI NƯỚC VÀNG


Suối Nước Vàng là danh thắng nằm trên dãy núi Phật Sơn thuộc cánh rừng nguyên sinh Yên Tử, xã Lục Sơn, huyện Lục Nam, Bắc Giang. Nơi đây có núi rừng hoang sơ, khí hậu ôn hòa và đặc biệt có dòng suối quanh năm tuôn chảy một dòng nước màu vàng óng như mật ong.

Hành trình tìm về suối Nước Vàng - con suối gợi bao nhiêu sự tò mò cho bất cứ ai nghe về nó. Từ thị trấn Đồi Ngô, vượt qua sông Lục Nam bằng cây cầu bê tông vững chãi nối nhịp đôi bờ thay cho chiếc cầu phao chênh vênh nhỏ bé trước đây, chúng tôi chạy xe theo tuyến đường đang được tiến hành cải tạo còn nhiều gập ghềnh gần 30 km thì đến xã Lục Sơn, một trong những xã miền núi nằm trong vùng Tứ Sơn. Từ lâu, tôi đã nghe kể về những sản vật gắn liền với rừng nơi đây. Và hạt dẻ - món quà quý giá mà rừng núi đã ban tặng vùng đất Tứ Sơn là một trong những số đó. Đang vào cuối tháng 9 nên dẻ đang cho thu hoạch. Anh bạn người bản địa dẫn chúng tôi đi nói: trước kia, rừng dẻ là nguồn sống của hàng nghìn người dân ở Tứ Sơn, cây dẻ cho hạt, củi và cả nấm dẻ. Nhưng quan trọng nhất là cây dẻ giữ cho đất rừng phì nhiêu, không bị rửa trôi, là nguồn sinh thủy phục vụ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của người dân.



Theo chỉ dẫn của người dân địa phương thì suối Nước Vàng chạy dọc theo dãy núi Phật Sơn cao 800-900 m tạo nên những khúc biến tấu thú vị: có chỗ nước tuôn chảy ào ào, chỗ thì róc rách, chỗ thì lững lờ trôi êm đềm. Đưa tay hòa vào dòng nước mát lạnh có cảm giác như vừa được “gột rửa bụi trần”.  Đã có rất nhiều lý giải khác nhau về chuyện con suối có nước màu vàng, như do nằm gần mỏ than Quảng Ninh, do quá trình phân hủy và kết tụ của cây cối hàng ngàn năm… Cũng có giả thiết cho rằng do nước đọng trên những phiến đá cát nhám có màu vàng, nên dòng suối mới có màu như thế.

Nơi bắt nguồn dòng suối Nước Vàng cách chùa Đồng (Yên Tử) và am Ngọa Vân (nơi Điều Ngự Giác Hoàng-vua Trần Nhân Tông tu ẩn và viên tịch) không xa. Đứng ở đây ta có thể trông thấy rất rõ Yên Tử bên sườn đông và có thể vượt núi Phật Sơn để lên thiền viện Hồ Thiên (nơi tổ đệ nhất Trần Nhân Tông tu hành, giảng đạo).

Hành trình khám phá, tìm hiểu khu danh thắng Nước Vàng sẽ là chưa trọn vẹn nếu chưa đến với Bản Khe Nghè. Khe Nghè là một bản nhỏ nằm bên sườn tây Yên Tử thuộc xã Lục Sơn, huyện Lục Nam. Cả bản có hơn 60 hộ, hầu hết là người Cao Lan. Đời sống kinh tế của người dân gắn với núi rừng, nương rẫy. Rừng tây Yên Tử có vô vàn kì hoa dị thảo. Người Cao Lan bản Khe Nghè đã đúc kết những kinh nghiệm đi rừng nhiều năm để tạo thành những bài thuốc nam chữa bệnh rất hiệu quả. Theo lời anh Dương Văn Quang – Bí thư Chi bộ bản Khe Nghè thì trước đây bất kể người con gái Cao Lan nào cũng đều rất khéo thêu thùa, dệt vải và bản Khe Nghè vốn được biết đến với nhiều nghề truyền thống như dệt vải, làm giấy dó và bốc thuốc nam. 


Người Cao Lan ở bản Khe Nghè

Danh thắng nước Vàng, núi Phật Sơn - Yên Tử với những cánh rừng nguyên sinh xanh thẳm và nhiều thảo mộc, muông thú, cùng dòng suối có sắc vàng lung linh và bồn tắm thiên tạo, chắc chắn sẽ làm hài lòng du khách khi đến đây./.

Hấp dẫn du lịch hồ Khe Chão


Hồ Khe Chão thuộc địa bàn thôn Tẩu, xã Long Sơn, Sơn Động (Bắc Giang) nằm sát dưới chân đèo Hạ My cách Thị  trấn An Châu khoảng 25 km theo đường tỉnh 279. Hồ có diện tích mặt nước rộng 27 ha với 1 triệu 287m3 nước ngọt, đảm bảo đủ điều hòa tưới tiêu cho 264 ha đất nông lâm nghiệp trong vùng, mực nước nơi sâu nhất là 20 m, xung quanh quanh hồ là rừng tự nhiên bao bọc với diện tích 636,6 ha. Rừng được khoanh nuôi bảo vệ nghiêm ngặt, các loài động thực vật quần tụ sinh sôi phát triển đa dạng phong phú, hàng năm rừng tăng đáng kểt về tỷ lệ sinh khối và chất lượng rừng được nâng lên rõ rệt.


Du khách dạo chơi trên hồ Khe Chão

Tại đây đã có những dịch vụ đơn giản phục vụ khách du lịch như dịch vụ ăn uống, dịch vụ cho thuê thuyền đạp vịt, thuyền máy…Du khách có thể tham gia với các loại hình vui chơi giải trí như: Tắm, bơi lặn, đi thuyền vịt đạp chân, dã ngoại cắm trại trên rừng, đi thuyền gắn máy ngắm cảnh quanh lòng hồ... hoặc có thể tham gia loại hình câu cá. Cá câu được có thể sẽ được chế biến nướng ngay tại bờ hồ, hoặc bạn sẽ mua cá của người dân nuôi trên hồ và nhờ họ chế biến để nhắm với thứ  rượu men lá dân tộc đặc sản nơi đây sẽ làm say lòng du khách mãi chẳng muốn về.


Đập hồ Khe Chão

Ngoài thú vui khám phá hòa mình cùng thiên nhiên trên hồ, bạn có thể tham quan tìm hiểu nét văn hóa trong đời sống của các dân tộc như: Dân tộc Kinh, Tày, Nùng, Dao, Sán Chí, Cao Lan, Mường và Hoa. Viếng thăm các di tích lịch sử văn hóa như đình Lục Liễu (thôn Lục Liễu) thờ tướng Đào Khai Trân Ngọc (di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh) và nhà thờ dòng họ Nguyễn thờ ông Nguyễn Kỳ Tài. Đình Lục Liễu còn lưu giữ được hai đạo sắc phong dưới đời vua Khải Định năm 1917 và 1924 sắc cho Đào Khai Trân Ngọc, do ông có nhiều công lao trong việc đánh đuổi giặc ngoại xâm bảo vệ vùng biên giới phía Đông Bắc của tổ quốc. Để ghi nhận công ơn ấy, nhân dân địa phương đã xây dựng ngôi đình thờ ông cùng hai vị đức thánh Cao Sơn, Quý Minh làm thành hoàng làng.

Từ Khe Chão du khách có thể tới thăm quan khu bảo tồn thiên nhiên Tây Yên Tử, đến với chùa Đồng trên núi Yên Tử bằng đường rừng khi qua khu du lịch Đồng Thông, Thăm thị trấn Thanh Sơn, bản Mậu của người Dao xã Tuấn Mậu (Sơn Động) với khoảng cách là 20 km, và đến với kỳ quan di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long khoảng 45 km.
 

Về đất "mỹ tửu" làng Vân


Về Vân Hà (Việt Yên, Bắc Giang) thưởng thức đặc sản rượu làng Vân cùng người dân nơi đây tôi thật sự cảm thấy mình ‘‘say”, không chỉ bởi những ly rượu mềm môi thơm nồng mà còn “say” cái tình, cái nghĩa trong những làn điệu dân ca quan họ mượt mà, đằm thắm của các liền anh, liền chị bên bờ bắc sông Cầu.

Nét cổ kính làng Vân

Men rượu làng Vân có 35 vị thuốc bắc

Đặc sản rượu làng Vân

Về làng Vân lần này, tôi được tiếp đón bằng chum rượu nếp cái hạ thổ thơm lừng… Rượu làng Vân chẳng uống mà say, nhớ câu quan họ mơ ngày xa xôi… - lời bài hát ấy vẫn ngân vang trong lòng mỗi người dân nơi đây, uống rượu và hát quan họ dường như là nét văn hóa truyền thống của người làng Vân.

Mỗi khi nâng chén mời nhau ly rượu, họ lại ý tứ và kín đáo bằng việc hát những câu dân ca quan họ để tỏ tấm chân thành, đó cũng là nét văn hóa đặc trưng của người Kinh Bắc. Bởi thế, dù bộn bề công việc là vậy nhưng ông chủ xưởng sản xuất rượu lớn nhất ở Vân Hà, Nguyễn Văn Tường vẫn đều đặn tuần mấy buổi tham gia câu lạc bộ quan họ của thôn, xã để rèn giũa chất giọng, cách thức giao tiếp văn hóa quan họ trên bàn rượu.

Về Vân Hà, thưởng thức đặc sản rượu làng Vân cùng người dân nơi đây tôi thật sự cảm thấy mình "say”, không chỉ bởi những ly rượu mềm môi thơm nồng mà còn “say” cái tình, cái nghĩa trong những làn điệu dân ca quan họ mượt mà, đằm thắm của các liền anh, liền chị bên bờ bắc sông Cầu.

Vậy nên, xưa kia các cụ ta là gọi “mỹ tử” là rất hợp, bởi rượu không chỉ cần phải thơm, ngon mà cách ứng xử trong “văn hóa rượu” cũng cần phải đẹp, chẳng thế mà mấy trăm năm về trước các vua chúa lại chọn rượu làng Vân làm thứ để thưởng ẩm trong chốn cung đình quyền quý, cao sang.

Chia tay Vân Hà, lòng tôi vẫn còn bâng khuâng trong lời hát tha thiết và đắm say của người nghệ sĩ đó: Sông Cầu đầy, sông Cầu lại vơi, rượu Vân một chén cả đời vẫn say.
 

Cây Dã Hương nghìn năm tuổi


Đến với Bắc Giang, du khách có thể đi  thăm khu di tích lịch sử Hoàng Hoa Thám (Yên Thế), An toàn khu II (Hiệp Hoà), đến với Đình Thổ Hà (Việt Yên), chùa Vĩnh Nghiêm (Yên Dũng), hay đến với khu du lịch sinh thái Suối Mỡ (Lục Nam), Khuôn Thần (Lục Ngạn)… Nhưng vẫn chưa đủ nếu du khách chưa tới thăm cây Dã Hương nghìn năm tuổi thuộc xã Tiên Lục, huyện Lạng Giang. Cây Dã Hương nghìn năm tuổi không chỉ mang dáng vẻ uy nghi, cổ kính mà còn có sức cuốn hút du khách bởi những giai thoại về sự kiện lịch sử đổi thay của đất nước gắn bó một cách lạ lùng với truyền tích về cây Dã Hương, do vậy nơi đây hàng năm đã cuốn hút hàng nghìn du khách tới thăm.



Cách trung tâm Thành phố Bắc Giang 21km về hướng Bắc, cụm di tích quốc gia xá Tiên Lục gồm (cây Dã Hương, đình Viễn Sơn, chùa Phúc Quang, đình Thuận Hòa, đền Thánh Cả ) được xếp hạng là di tích cấp quốc gia vào ngày 21/01/1989. Trong đó đặc biệt là Cây Dã Hương. Đây là cây lớn thứ hai trên thế giới, (sau 01 cây lớn thuộc Ấn Độ, nhưng hiện nay đã không còn). Thân cây rất to khoảng 8 người dang tay mới ôm hết. Thân cây chỗ to nhất 12,5m chỗ nhỏ nhất 8,3m; chiều cao của cây là 36m, lớp vỏ cây dày trung bình 15cm. Trên thân cây có những cành cây đã khô, trải qua sự khắc nghiệt của thời gian nhưng vẫn  vững vàng không  rời khỏi thân cây. Cây thuộc dòng họ long não, là loại cây quý, có thể sống hàng nghìn năm. Cây có hoa nhỏ màu vàng nhạt, nở vào cuối mùa xuân. Các bộ phận của thân cây có chứa tinh dầu thơm, gỗ đốt thơm như hương trầm. Đặc biệt rễ cây có chứa chất Safrol, thành phần rất có giá trị trong công nghệ chế biến dược phẩm, mỹ phẩm và trong công tác nghiên cứu khoa học.

Ngay từ thời Vua Lê Cảnh Hưng (1740-1786) cây Dã Hương đã xuất hiện như một hiện tượng thiên nhiên kỳ lạ. Trong một lần đi vi hành đến xã Tiên Lục thấy một cây rất to, tán rộng phủ cả một góc trời có hương thơm rất nhẹ nhàng dễ chịu, nhà Vua không khỏi ngỡ ngàng bèn hỏi các cận thần đây là cây gì và đã được trả lời đó chính là cây Dã Hương. Nhà Vua đã sắc phong là “Quốc chúa đô mộc Dã Đại vương” (cây Dã Hương lớn nhất nước). Tuy nhiên do chiến tranh loạn lạc nên sắc phong nay không còn nữa.


Đình Viễn Sơn trong cụm di tích Tiên Lục

'Vua sám hối'- bức dị tượng độc nhất Việt Nam


Bức tượng được sơn son thiếp vàng, tạc hình ảnh một nhà vua mặc triều phục đang quỳ gập người, hai bàn tay cung kính mở rộng để trên mặt đất, còn bên trên lưng là một pho tượng Phật cao lớn ngồi trên tòa sen nằm đè lên.


Bức tượng kỳ lạ bí ẩn ở chùa Hòe Nhai, Hà Nội

Đó là một bức tượng to, được sơn son thếp vàng, tượng tạc hình ảnh một nhà vua mặc triều phục đang quỳ gập người, hai bàn tay cung kính mở rộng để trên mặt đất, còn bên trên lưng là một pho tượng Phật cao lớn ngồi trên tòa sen đè lên lưng nhà vua.

Đem sự tò mò đến hỏi trụ trì của chùa là hòa thượng Thích Tâm Hoan, tôi mới được hay biết đằng sau bức tượng này là cả một truyền kì dài gắn với tên tuổi của một vị vua trong lịch sử phong kiến Việt Nam.

Trụ trì Thích Tâm Hoan cho biết: “Bức tượng này là độc nhất vô nhị, không chỉ ở Việt Nam mà ngay cả trên thế giới, có bao nhiêu người được chiêm ngưỡng là bấy nhiêu sự ngỡ ngàng và ngạc nhiên khi được nghe về huyền tích sự ra đời của tượng “vua sám hối”.


Tượng "vua sám hối" độc nhất vô nhị đã được ghi vào sách kỷ lục Guinness

Bức tượng do vua Hy Tông sai tạc ngoài việc để sám hối với đức Phật vì hành động “phá đạo” của mình, ông còn muốn tất cả mọi người hãy tự biết tu thân sửa mình để sống tốt hơn, nhất là những quan lại nắm chức, cầm quyền trong tay cũng phải xem lại chính mình. Sự ngự trị trong cõi này còn có một cõi ngự trị siêu hùng ưu việt hơn, đó là lực lượng của trí tuệ, một sự tự thân, của bản thể duy nhất.

Như vua Lê Hy Tông, người mang quyền lực tối cao trong một nhà nước đã biết nhận lỗi, sửa lỗi. Sự sám hối này không chỉ cho mình ông, mà còn để răn dạy bao thế hệ về sau nữa", nhà sư Thích Tâm Hoan chỉ dạy.

Thành cổ Xương Giang

Thành cổ Xương Giang nằm ở xã Xương Giang, thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang.

Năm 1407, giặc Minh cho đắp thành này. Tuy hiện nay thành đặt ở vùng bằng phẳng nhưng ngày xưa, nó là ở vị trí hiểm yếu với hệ thống sông con, đầm lầy, rộc trũng bao quanh. Do địa thế hiểm yếu, nên năm 1427, nghĩa quân Lam Sơn Lê Lợi và nghĩa quân Lam Sơn phải vây đánh 9 tháng mới hạ được thành. Để kỷ niệm chiến thắng lịch sử này, hàng năm tỉnh Bắc Giang tổ chức lễ hội kéo dài trong 2 ngày mùng 6 và mùng 7 tháng giêng.

Do sự tác động của lịch sử, thời gian và con người, ngôi thành hiện không còn nguyên vẹn mà chỉ còn những dấu tích. Từ các dấu tích ấy, có thể nhận thấy thành hình chữ nhật, rộng 27ha, có 4 cửa và được bao quanh bởi hào nước rộng.

Khi đến thành, khám phá từng ngóc ngách, chúng ta sẽ nhận ra những dấu ấn riêng biệt của ngôi thành như tại góc thành Tây Bắc vẫn còn cả tấm bia đá xanh nguyên vẹn, trên trán bia đề các chữ Hán "Xương Giang cổ thành bi ký" (bia ghi về thành cổ Xương Giang)...

Rừng nguyên sinh Khe Rỗ

Cách Hà Nội 120 km về phía đông bắc, rừng nguyên sinh Khe Rỗ thuộc xã An Lạc, huyện Sơn Động là khu rừng nguyên sinh tiêu biểu cho vùng Đông Bắc Việt Nam.

Rừng Khe Rỗ có hệ thống động thực vật phong phú và là khu rừng cấm nguyên sinh còn giữ được vẻ hoang sơ thích hợp với những du khách thích khám phá hay nghiên cứu. Đặc biệt, địa danh này sở hữu hai con suối lớn và rất đẹp. Một là suối nước Vàng quanh năm như mật ong, những viên đá nổi lên đủ màu sắc, kích cỡ; một là Khe Đin chảy dài với những đoạn thác cao đến 3, 4 tầng mỗi tầng khoảng 30-40m.

Có hai cách để khám phá Khe Rỗ. Một là xin nghỉ đêm ở trạm kiểm lâm, rồi vào bản, mua gà, rượu, rau, ra suối vừa câu cá, vừa tận hưởng thiên nhiên trong lành, vừa ngắm những tán rừng rậm rập, ghềnh đá vừa khề khà tâm sự. Trekking với những đoạn băng suối, lội đèo, dốc hay nghe mùi ngai ngái của cỏ lẫn trong không khí, tận hưởng bữa cơm nấu vội trong rừng, cái lạnh của núi, sương sớm là phương án thứ hai dành cho các bạn trẻ thích mạo hiểm.

Làng Thổ Hà và đình Thổ Hà

Làng Thổ Hà

Đình Thổ Hà

Từ Hà Nội theo quốc lộ 1 về hướng Bắc 31 km tới thành phố Bắc Ninh, rẽ trái đi 3 km tới phố Đặng, ngược theo đê sông Cầu 1 km thì tới bến đò Thổ Hà, sang đò là tới làng.

Thổ Hà là tên gọi một làng nghề có ba mặt là sông thuộc xã Vân Hà. Đây là một ngôi làng cổ thuần Việt với cây đa, bến nước, sân đình và những nếp nhà cổ nằm sâu trong các ngõ hẻm. Điểm khác biệt duy nhất so với các làng quê đặc trưng Bắc Bộ là người dân ở đây không sống bằng nghề nông mà sống bằng nghề thủ công và buôn bán nhỏ. Trước 1960 làng nổi tiếng về nghề làm gốm, từ 1990 lại đây nổi tiếng về nghề làm bánh đa nem và mỳ gạo.

Nếu đến đây vài chục năm trước, du khách sẽ thấy rõ dấu ấn của nghề gốm vang bóng một thời thông qua những bức tường ngõ cổ, bức tường nhà xây toàn bằng những mảnh gốm vỡ hay tiểu sành phế phẩm mà không dùng chút vôi vữa nào, chỉ dùng bùn của sông Cầu để kết dính. Hiện nay các bức tường này đã bị “xi măng hóa”.

Đình Thổ Hà là một ngôi đình nổi tiếng của xứ Kinh Bắc. Đình thờ Thân Cảnh Phúc, một vị tướng nhà Lý, có công lớn trong kháng chiến chống quân Tống, dân tộc Tày, tù trưởng châu Quang Lang (Châu Ôn - Lạng Sơn), được vua Lý gả công chúa và phong chức tri châu.

Đình Thổ Hà là một công trình kiến trúc quy mô trên một khu đất rộng 3.000 m². Đình xây dựng năm 1685 thời vua Lê Chính Hòa năm thứ 7. Đến năm 1807 (Gia Long năm thứ 5) xây dựng tiền tế và hai nhà tả vu, hữu vu. Đình được dựng theo kiểu chữ công với nhiều chi tiết chạm trổ tinh vi, nhiều cảnh trí sinh động. Đặc biệt có khá nhiều hình thiếu nữ mặc váy dài, yếm, tóc búi hoặc chít khăn với nét mặt rạng rỡ. Nghệ thuật điêu khắc độc đáo từng được chính quyền Pháp xếp hạng trong Viện bảo tàng Bác Cổ Đông Dương.

Chương trình tham quan của khách khi đến đây là ngắm cảnh trên bến dưới thuyền của dòng sông Cầu, thăm đình làng, chùa, cổng làng, văn chỉ, xem các cây đa cổ thụ, thăm một số nhà cổ trong làng, xem những ngõ xóm hun hút đẹp với vẻ cổ kính, thăm lò sản xuất gốm, thăm các gia đình sản xuất bánh đa nem và mỳ gạo bằng máy và thủ công, thăm các gia đình nấu rượu gạo. Khi về du khách nên mua bánh đa nem, vài cân mỳ gạo, vài lít rượu gạo nếp để làm quà. Nếu du khách thích cảm giác mạnh hãy đến thăm Thổ Hà khi nước sông Cầu ở mức báo động số 3.

Khi du khách đến thăm Thổ Hà có thể đồng thời đến thăm hai địa điểm du lịch nổi tiếng nữa của đất Kinh Bắc, đó là chùa Bổ Đà và đền Bà Chúa Kho. Các địa điểm này chỉ cách nhau từ 3 đến 5 km.

Chùa Đức La

Chùa Đức La hay còn có tên chùa Vĩnh Nghiêm, là một trung tâm Phật giáo từ thời Trần thuộc thiền phái Trúc Lâm. Chùa nằm trên một quả đồi thấp, sau lưng là dãy núi Cô Tiên, thuộc xã Trí Yên huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang.

Tương truyền chùa Vĩnh Nghiêm có từ đầu thời Lý Thái Tổ (1010-1028), tên chữ là Vĩnh Nghiêm Tự. Thời vua Trần Thánh Tông (1258-1278) do có nhiều vị cao tăng tu hành nên chùa được tu tạo nguy nga, tráng lệ. Khi vua Trần Nhân Tông (1258-1308), từ bỏ ngôi vua thành người tu hành đến chùa Vĩnh Nghiêm, chùa Ngoạ Vân (Yên Tử) thụ giới, lấy hiệu là Hương Vân Đại Đầu Đà, sáng lập lên phái Thiền tông của Phật giáo Việt Nam. Hương Vân cùng hai đệ tử Pháp Loa, Huyền Quang sáng lập, hoàn chỉnh phái Thiền tông Việt Nam gọi là Tam Tổ.

Chùa Vĩnh Nghiêm có quy mô lớn, tọa lạc trên mảnh đất khoảng 1 ha, bao quanh khuôn viên là luỹ tre dày đặc. Chùa được kiến trúc trên một trục, hướng đông nam gồm 4 khối: toà Thiên đường, toà Thượng điện, nhà Tổ đệ nhất, gác chuông, nhà tổ đệ nhị và một số công trình khác. Mở đầu là cổng tam quan xây gạch, sau đó đi vào hơn 100 m là bái đường (chùa Hộ).

Khu di tích Suối Mỡ và đền Suối Mỡ

KDL Suối Mỡ

Đền Suối Mỡ

Khu di tích suối Mỡ thuộc xã Nghĩa Phương, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang.

Khu di tích đón du khách với cái thoáng đãng của núi rừng, vẻ thanh bình của con đường uốn lượn men theo dòng suối, những mái nhà ẩn hiện trong tán cây, núi non hùng vĩ. Nếu không thích thong dong trên con đường này, bạn có thể khám phá lối đi khác được tạo ra bởi nhiều vách đá. Vào mùa mưa, những vách đá này thường rất trơn nên chống chỉ định cho du khách.

Dù chọn hành trình nào, trên đường đi, du khách sẽ có dịp nghỉ chân tại những ngôi nhà nhỏ, vừa giải khát với ngụm nước vối, thưởng thức những đặc sản địa phương như mít, vải, đu đủ... vừa ngắm nhìn mọi thứ từ trên cao.

Ngoài việc thưởng ngoạn phong cảnh, đến suối Mỡ du khách còn như lạc vào cõi bồng lai tiên cảnh với những ngôi đền, chùa nằm tĩnh tại trên những mỏm núi. Nổi bật nhất là đền Suối Mỡ, bao gồm đền Hạ, Trung, Thượng, nằm dọc theo dòng suối Mỡ chung Thượng Ngàn Thánh Mẫu (công chúa Quế Mỵ Nương đời vua Hùng thứ16). Tương truyền bà là người đã có công mở thác Vực Mỡ đưa nước về cho dân khai hoang trồng trọt, lập làng xóm.

Tại mỗi đến phong cảnh lại có sự thay đổi khác nhau mang đến nhiều trải nghiệm thú vị, đặc biệt nhất là 5 ngọn thác luôn đổ nước trắng xóa. Theo truyền thuyết, đó chính là 5 ngón tay của công chúa Quế Mỵ Nương.

Khu du lịch Khuôn Thần

Vẻ đẹp thanh bình của hồ...

Và những vườn vải nhuộm đỏ trời trong mùa hè.

Từ Bắc Giang đi ngược lên vùng Đông Bắc 40km (phố Chũ) rồi rẽ trái 10km là tới khu du lịch Khuôn Thần thuộc địa phận huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang.

Khu du lịch có 2 điểm nhấn là hồ và rừng Khuôn Thần. Hồ Khuôn Thần rộng 240ha, lòng hồ có 5 đảo nhỏ được trồng thông xanh có tuổi từ 15-20 năm. Hồ thích hợp cho việc dạo chơi trên hồ, câu cá…

Rừng Khuôn Thần rộng khoảng 700ha, trong đó rừng tự nhiên là 300ha, rừng thông 400ha. Xung quanh khu du lịch Khuôn Thần là vườn cây đặc sản: vải Thái Lan, vải thiều, hồng, na… Du khách đến đây có thể cắm trại, thưởng thức mật ong, rượu tắc kè, hạt dẻ… hay tham dự các buổi sinh hoạt văn hóa với dân địa phương.


Đặc sản


BÁNH TRO- MÓN NGON DÂN DÃ


Bánh tro (hay còn gọi là bánh gio)- ngay cái tên gọi đã khiến người nghe liên tưởng đến một món ăn đậm chất quê. Thực vậy, cũng như những món bánh khác, bánh tro là một món ăn dân dã, mộc mạc, dễ làm và rất ngon. Đây là một thức quà từ lâu đã trở thành đặc sản ẩm thực ở làng Đa Mai, xã Đa Mai, thành phố Bắc Giang (Bắc Giang)…



Sở dĩ có tên gọi là bánh tro vì nước dùng để ngâm gạo làm bánh và luộc bánh đều được lấy phần nước trong, lắng từ nước tro (gio) của nhiều loại cây khác nhau. Nếu như đối với nhiều nơi, bánh tro chỉ được làm vào các dịp Tết Đoan Ngọ (mùng 5 tháng 5), Tết Nguyên Đán thì với người dân làng Đa Mai bánh tro được làm hàng ngày để mang đi bán rộng rãi ở các chợ, ngõ phố và một số quán ăn dân tộc trong khu vực nội thành.



Ngày nay, bánh tro được coi như một thứ quà quê của ngườithành phố. Cứ vào mỗi buổi sáng hay chiều,đi trên đườngta lại bắt gặp những gánh hàng bán rong đi quanh các con phốvà những tiếng rao rất đỗi quen thuộc mỗi ngày“ai bánh tro đơi…ơi…ơi!”.
 

Thưởng thức món chè đỗ đãi Mỹ Độ ngày xuân


Bắc Giang không chỉ hấp dẫn du khách về những điểm du lịch độc đáo, mà còn hấp dẫn bởi nơi đây có những món đặc sản vùng nổi tiếng như: mỳ Chũ, bánh đa Kế, bún Đa Mai, Rượu làng Vân…Và đặc biệt là món chè đỗ đãi ngọt ngào được làm bởi những đôi tay khéo léo, giàu kinh nghiệm của người dân Mỹ Độ- một ngôi làng nhỏ nằm ven bờ sông Thương thơ mộng, hiền hòa.



Làng Mỹ Độ( nay đổi tên là phường Mỹ Độ) nằm ở phía Tây thành phố Bắc Giang. Từ trung tâm thành phố qua cầu Sông Thương là đến làng Mỹ Độ. Nếu đi từ Bắc Ninh, bạn sẽ đi dọc theo quốc lộ 1A (cũ) khoảng 10km là tới làng Mỹ Độ. Lối vào làng đã được trải nhựa và mở rộng, nó mang vẻ đẹp của một khu phố đông đúc. Tuy nhiên, nơi đây, người dân vẫn giữ một nghề thủ công truyền thống, ấy là nghề làm chè kho (chè đỗ đãi). Món chè đỗ đãi đã tồn tại gần 100 năm nay, khi những người nông dân làng Mỹ Độ trồng đậu xanh trên cánh đồng rộng lớn. Ngày nay, những cánh đồng này đã được thay thế bởi các nhà máy, các doanh nghiệp, công ty…Diện tích đất nông nghiệp bị thu hẹp và người dân địa phương không còn đất để trồng đậu xanh, nhưng người dân nơi đây vẫn giữ nghề truyền thống của cha ông để mang đến hương vị ngọt ngào cho những người đã từng một lần được thưởng thức món chè này.



Đỗ đã đãi vỏ, đổ vào nồi, cho nước trên đốt ngón tay thì bắt đầu nổi lửa. Nấu chè đỗ đãi phải nấu bằng củi, vì củi giúp giữ nhiệt lâu lại có thể điều chỉnh ngọn lửa cho phù hợp. Nấu chè đỗ đãi quan trọng là điều chỉnh lửa. Lửa to, nồi chè dễ bén mà lửa nhỏ đỗ sượng không chín đều cũng coi như hỏng nồi chè. Khi đỗ sủi phải hớt hết bọt, ninh cạn, giảm lửa, vần nồi chè trên bếp bằng nhiệt  than củi cho đỗ chín đều. Khi đỗ bắt đầu nhuyễn, là lúc cho đường vào. Cứ 1kg đỗ thì 1,3 kg đường, nếu thiếu đường, chè sẽ không sánh, dễ vữa khi đổ khuôn. Sau khi cho đường vào, chè dễ bén nồi vì thế điều chỉnh ngọn lửa chỉ liu riu trên bếp. Lúc này, khâu quấy chè là rất quan trọng. Quấy liên tục, đều tay, càng quấy nhiều, chè càng nhuyễn, càng sánh. Đun nồi chè thông thường hết 5 tiếng thì riêng việc quấy chè đã mất gần 3 tiếng. Quấy chè đến khi chè trong nồi sóng sánh như mật thì cho va ni vào. Để đĩa chè đẹp mắt, khâu múc chè cũng phải có kỹ thuật, phải múc khi nóng đổ đều tay quay tròn trên đĩa để chè thành khuôn, phẳng tròn. Lúc này rắc vừng đã rang chín vàng, sẩy sạch vỏ lên trên mặt đĩa chè”. Đĩa chè thành phẩm đạt yêu cầu phải vừa tròn với miệng đĩa, có màu vàng óng của đỗ xanh, mặt đĩa chè láng mịn và những hạt vừng rang vừa chín tới rắc đều tay tô điểm cho đĩa chè thêm phần sinh động. Với những người “nghiện” món chè này thì đêm trăng rằm sau khi thắp tuần nhang mời ông bà tổ tiên, đĩa chè được hạ xuống, chủ nhà ngồi nhâm nhi chè bên ấm trà xanh, tận hưởng cảm giác ngọt ngào đê mê nơi đầu lưỡi. Vào những ngày nóng nực, thả miếng chè đỗ đãi vào cốc nước đá khuấy đều, món chè đã trở thành đồ uống giải nhiệt thơm mát.
 

MÓN NGON TỪ CUA DA


Nếu có dịp về với đất Yên Dũng (Bắc Giang) vào cữ gió heo may về, thế nào bạn cũng sẽ được chiêu đãi một trong những món ngon và hiếm bởi lòng hiếu khách của người dân nơi đây được chế biến từ Cua Da.



Có một loài cua sống trong các ghềnh đá ở đoạn sông Cầu chảy qua địa phận một số xã ven sông huyện Yên Dũng (Bắc Giang) như: Đồng Việt, Đồng Phúc, Thắng Cương mà dân trong vùng quen gọi là “Cua Da”. Loài cua này rất đặc biệt ở chỗ chỉ xuất hiện và khoảng đầu Đông trong thời gian khoảng 2 tháng (tháng 9 và tháng 10 âm lịch) hàng năm.

Đây là một loài cua sông to gần bằng con ghẹ, về hình thức cơ bản trông giống loài cua đồng, nhưng chân dài, mình to gấp ba, bốn lần cua đồng và mang một số đặc điểm khác biệt với họ nhà cua. Đó là hai càng của giống cua này có hai lớp lông như rêu bám vào, yếm cua cũng có lớp diềm rêu điệu đà. Chính cái lớp lông rêu này đã khiến nhiều người băn khoăn về tên gọi của loài cua này là: “Cua Da, Cua Da hay là Cua Gia?”. Có người nói rằng phải gọi là “cua ra” vì gắn với câu tục ngữ “Tháng chín cua ra, tháng ba cua vào”. Có người lại nói phải gọi là “cua da” vì loài cua này có một lớp da trên càng. Có người lại bảo phải gọi là “cua gia”, vì đơn giản tên gọi ấy nghe có vẻ hay hơn, hợp lý hơn.



Theo kinh nghiệm của người dân làng chài nơi đây, Cua Da có thể được chế biến thành nhiều món như: cua hấp bia, cua rang muối, cua chiên, cua giã nấu canh… Nhưng ăn cua da ngon nhất và đơn giản nhất là đem hấp bia. Bỏ cua vào thùng, xả nước và xóc mạnh cho sạch. Mỗi con cua to nặng từ 100g-200g, xếp vào nồi, rắc thêm chút bột canh, bỏ thêm xả, gừng, rót bia xâm xấp mình cua, đặt lên bếp. Để lửa thật nhỏ, đun li ti cho đến khi bia sôi lăn tăn thì bật lửa to cho sôi bồng lên là bắc ra. Lửa nhỏ để giữ cho càng và chân không bị rụng, đồng thời để gia vị ngấm, khử mùi tanh.

Khi cua chín có màu vàng cam rất hấp dẫn. Thịt cua ngọt, lớp vỏ ở chân và càng cua khá mềm, khi ăn không cần dùng đến kẹp như cua hay ghẹ biển. Ăn cua da chấm bột canh pha mù tạt kèm nửa quả chanh vắt vào thì không gì thú vị bằng. Thật cảm ơn cho người đưa món cua này vào thành món đặc sản. Nó không chỉ giúp người dân nơi đây tăng thêm thu nhập, mà còn góp phần đưa vùng đất này có thêm một món đặc sản “của hiếm Cua Da”.
 

Nghề làm bún Đa Mai


Người Bắc Giang từ lâu lưu truyền câu vè "Bún Đa Mai, vai làng Đò, giò làng Thương, tương làng Bún...". Đến xã Đa Mai ngày nay, bạn không thể bỏ qua loại bún có sợi trắng muốt, dẻo thơm mắt lành, để cả ngày không chua này.



Xã Đa Mai thuộc thành phố Bắc Giang. Nguồn sống chính của người dân nơi đây là chế biến lương thực, mà nổi tiếng nhất là bún. Nguyên liệu làm bún là gạo bao thai hồng loại 1, gạo T16, đem vo, đãi sạn rồi ngâm nước 7- 8 tiếng. Tiếp đến cho gạo vào cối xay bột nước, xay vài lần cho bột thật nhỏ mịn, đem ngâm kỹ hơn 2 ngày 2 đêm. Trong ảnh là khay bột nước trước khi được ép khô.



Bột qua lọc được ép hết nước, để khô rồi viên thành thành từng quả bột to vừa phải. Các quả bột này tiếp tục được cho vào nồi luộc chín độ 1/4, rồi lại bỏ vào cối giã nhuyễn để tạo độ dẻo.



Qủa bún lấy ra cho vào chậu sành nhào thật kỹ, rồi lại đem lọc lại và chỉ lấy phần bột nhuyễn cho vào khuôn ép để trên nồi nước đã đun sôi, các sợi bún sẽ chảy xuống nồi. Khi các sợi bún nổi lên là chín, vớt ra đem thả vào nước sôi để nguội khoảng 25 độ rồi dỡ ra để nguội, đem bán. Trong ảnh là công đoạn rửa bún bằng nước sôi để nguội cuối cùng.



Bún lá Đa Mai chuẩn bị xuất xưởng. Toàn xã có khoảng 220 hộ làm nghề, mỗi ngày sản xuất ra khoảng 10 tấn bún, không chỉ cung cấp cho thị trường thành phố Bắc Giang mà còn có mặt ở nhiều nơi khác như: Lạng Sơn, Bắc Ninh, Hải Dương, Hà Nội, Quảng Ninh…



Nghề làm bún đã trở thành niềm tự hào của Đa Mai, góp phần đổi đời cho người dân nơi đây.
 

Về Bắc Giang ăn mỳ Chũ, uống trà đắng vỉa hè


Đã về Bắc Giang là phải ăn mỳ Chũ và uống nước chè đắng. Các loại lẩu ở Bắc Giang đều có kèm mỳ Chũ - những sợi bánh mảnh, giòn, được bó lại thành từng bó, gọn gàng đặt trong đĩa. Khi ăn cho vào nồi lẩu nhúng đến chín. Bánh chín rất mềm, dai, khi ăn cảm nhận được vị dẻo và thơm của gạo. Mỳ Chũ khi nhúng và nấu trong nồi lẩu không bị đục nước nên được người dân rất ưa chuộng. Một nồi lẩu thập cẩm ở Bắc Giang ăn với mỳ Chũ khá rẻ, ăn đến no và uống đến say cũng chỉ hết 200 đến 300 ngàn đồng cho 4 - 5 người.



Đến với Bắc Giang, nếu đã một lần được ngồi vỉa hè và nhâm nhi ly chè đắng Cao Bằng trên miền đất của những làn điệu quan họ, bạn sẽ không thể nào quên được cái cảm giác thú vị, gật gù bên câu chuyện mưu sinh đêm của những chủ quán cóc nơi này. Chè thơm ở một cung bậc rất khó diễn tả. Hơi chè lảng vảng bốc lên trong những ngày đông, ấm lòng. Nhấp một chút để quen vị đắng, uống thật từ tốn, và cảm nhận vị ngọt còn lại đọng trên đầu lưỡi.

Các quán cóc bán chè đắng tập trung ở trung tâm thành phố, ở công viên, khu nhà ga, bến tàu. Quán nào cũng có cùng một kiểu ly Nhật Bản lùn, trắng, giữ nhiệt tốt. Chỉ nhìn màu chè xanh sóng sánh trong ly cũng đủ xao lòng...

Mỳ  làng Chũ là đặc sản Bắc Giang, cách trung tâm thành phố không xa, nên bạn có thể đến tận nơi sản xuất để mua về làm quà. Chắc chắn, nó sẽ là món quà ý nghĩa cho chuyến "phượt" ngẫu hứng của bạn về Bắc Giang.




Món ăn ngon ở Bắc Ninh khiến ai cũng thích mê
Kinh nghiệm du lịch bụi Ninh Bình
Kinh nghiệm du lịch rừng Cúc Phương 2013
Kinh nghiệm du lịch Nam Ninh Trung Quốc
Kinh nghiệm du lịch bụi Quan Lạn
Kinh nghiệm du lịch Tam Cốc Bích Động 2013




(st)

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý