Vào tháng Ba hàng năm, Đại học Quốc gia Singapore (NUS) sẽ tổ chức thi tuyển tại Hà Nội và TPHCM dành cho đối tượng học sinh đang học lớp 12. Người trúng tuyển sẽ được học bổng hoặc cho vay du học tùy kết quả đạt được. Người dự thi được mời trên cơ sở xét tuyển thành tích học tập.
CÁCH LẤY HỌC BỔNG DU HỌC NUS
Điều kiện và thủ tục tuyển sinh vào trường NUS
A. Người đã có bằng tú tài Việt Nam (hoặc đang theo học đại học, hoặc đã tốt nghiệp đại học) đều có thể nộp đơn dự tuyển vào NUS.
Hồ sơ dự tuyển bao gồm:
- Học bạ lớp 12 + văn bằng tú tài + giấy chứng nhận thi tú tài có ghi điểm, điểm thi đại học (nếu có).
- Các giấy tờ về thành tích học tập, thành tích văn thể mỹ, hoạt động xã hội từ trung học đến đại học (nếu có).
- Khai sinh.
- Giấy xác nhận điểm IELTS (6.5 trở lên) hoặc TOEFL quốc tế (550 trở lên) hoặc TOEFL iBT (92 - 93).
- Lệ phí nộp đơn là 20 đôla Singapore hoặc 15 đôla Mỹ bằng bankdraft (hối phiếu, mua tại ngân hàng), hoặc trả bằng thẻ tín dụng thì ghi số thẻ tín dụng vào đơn gởi đi.
B. Học sinh đang học lớp 12 tại Việt Nam đều có thể nộp đơn dự tuyển vào NUS. Nhà trường không đưa ra một yêu cầu bắt buộc nào về số điểm hay thứ hạng của học sinh khi nộp đơn.
Hồ sơ dự tuyển bao gồm:
- Đơn online (điền đơn tại đây).
- Học bạ hoặc phiếu điểm lớp 11, qua đó, nhà trường sẽ xét điểm các môn Anh văn, văn, toán, lý, hóa (hoặc sinh), sử (hoặc địa) tùy ngành chọn thi.
- Các giấy tờ về giải thưởng, thành tích học tập, thành tích văn thể mỹ, hoạt động xã hội từ cấp hai đến cấp ba (nếu có).
- Khai sinh
- Lệ phí nộp đơn là 20 đôla Singpore hoặc 15 đôla Mỹ bằng bankdraft (hối phiếu, mua tại ngân hàng), hoặc trả bằng thẻ tín dụng thì ghi số thẻ tín dụng vào đơn gởi đi.
Học sinh Việt Nam học ở nước ngoài xét tuyển theo điều kiện riêng, xem trên website của NUS.
Lưu ý chung cho cả hai đối tượng: Ngoại trừ đơn đã điền online, tất cả các giấy tờ nói trên nộp vào đều là bản photocopy văn bản gốc, đồng thời kèm theo một bản dịch tiếng Anh. Cả hai loại văn bản trên đều không cần công chứng. Toàn bộ hồ sơ gởi về NUS Admissions Office, trước ngày 31-12 hàng năm (căn cứ theo dấu bưu điện).
Cách thức gửi đơn và các giấy tờ liên quan đến NUS:
Trước hết, phải điền đơn online tại đây trên website của NUS. Sau khi các bạn submit đơn, NUS sẽ cung cấp cho bạn số Application Number (Appl. No) ngay trên màn hình. Các bạn nên in trang này để lưu lại những thông tin đã điền.
Với các giấy tờ gửi đi (xem hồ sơ dự tuyển cho từng đối tượng), các bạn phải ghi số Appl. No lên góc của mỗi tài liệu. Các bạn phải kèm theo hồ sơ 1 bankdraft (hối phiếu) trị giá 20 đôla Singapore hoặc 15 đôla Mỹ mua tại ngân hàng.
Gửi toàn bộ hồ sơ đến địa chỉ của văn phòng tuyển sinh NUS (OAM) trước ngày 31-12 hàng năm (căn cứ theo dấu bưu điện). Bên ngoài hồ sơ, ghi rõ:
To: OFFICE OF ADMISSIONS
University Hall, Tan Chin Tuan Wing
Level Lower Ground
21 Lower Kent Ridge Road
Singapore 119077
Tel: (65) 6516 1010 Fax: (65) 6778 7570
From:
- Chi tiết người dự tuyển:
- Họ tên
- Ngày, tháng và năm sinh
- Địa chỉ nhà hoặc địa chỉ dễ liên lạc nhất
- Số điện thoại
- Số Application Number
HS đang học lớp 12 phải ôn thi những môn nào?
Đối với các bạn lớp 12 sau khi xem xét hồ sơ dự tuyển, NUS sẽ chọn ra những bạn có tính cạnh tranh nhất để mời tham dự vòng thi tuyển. Thí sinh sẽ phải thi 2 môn bắt buộc là Anh văn và toán, cùng một hoặc hai môn tùy theo ngành muốn thi (nguyện vọng một). Cụ thể:
NGÀNH |
MÔN THI |
Architecture (kiến trúc) Building and Real Estate (địa ốc) Industrial Design (thiết kế công nghiệp) Project & Facilities Management (Quản lý dự án & trang thiết bị xây dựng) |
Anh + toán + lý hoặc hoá |
Environmental Engineering (kỹ nghệ môi trường) Chemical Engineering (kỹ nghệ hóa học) |
Anh + Toán + Lý + Hóa |
Bioengineering (Kỹ nghệ sinh học) |
Anh + Toán + Lý + Sinh |
Pharmacy (Dược khoa) |
Anh + Toán + Hoá + Sinh |
Business Administration (Quản trị kinh doanh) Computing (Công nghệ thông tin phần mềm) Economic and Law (Luật & Kinh tế học) Law (Luật) |
Anh + Toán + hoặc Lý hoặc Hoá hoặc Sinh hoặc Nhân văn (Humanities) |
Sciences (Khoa học tự nhiên bao gồm Toán, Lý, Hóa, Sinh…) Nursing (Điều dưỡng) |
Anh + Toán + hoặc Lý hoặc Hoá hoặc Sinh |
Medicine (Y khoa) Dentistry (Nha khoa) |
Anh + Toán + Hoá + Lý hoặc Sinh |
Arts and Social Sciences (Nhân văn & Khoa học xã hội) |
Anh + Toán + Humanities |
Civil Engineering (Xây dựng dân dụng) Computing Engineering (Công nghệ máy tính phần cứng) Electrical Engineering (Kỹ nghệ điện) Engineering (Các ngành kỹ thuật công nghiệp) Engineering Science (Khoa học Kỹ nghệ) Industrial & System Engineering (Kỹ nghệ công nghiệp & hệ thống) Material Science & Engineering (Khoa học & Kỹ nghệ vật liệu) Mechanical Engineering (Kỹ nghệ cơ khí) |
Anh + Toán + Lý |
Liên quan đến thi NUS:
Tất cả các môn thi đều là thi viết bằng tiếng Anh. Học sinh phải lên website của NUS để xem các thông tin mới nhất.
- Môn thi Nhân văn (Humanities) gồm có ba phần, có thể chọn một trong ba khi làm bài: Lịch sử, Địa lý, Kinh tế học.
- Với học sinh đang học lớp 12, nhà trường không yêu cầu phải có điểm TOEFL hay IELTS. Học sinh đã có điểm TOEFL quốc tế hoặc IELTS vẫn phải dự thi môn tiếng Anh.
- Dự kiến trong vòng tháng 2 hàng năm, NUS sẽ gởi email thông báo đến từng cá nhân được mời tham dự thi tuyển. Trong thư sẽ nói rõ thời gian, địa điểm thi và hướng dẫn về chương trình ôn thi.
- Thời gian thi: trong vòng 2 ngày (3 - 4 buổi), dự kiến cuối tháng 2 hoặc tuần lễ đầu tháng 3 hàng năm. Nơi thi: Hà Nội và TP.HCM (chọn một trong hai nơi).
- Sau khi nhận báo giấy thi, thí sinh phải đăng nhập vào đây để xác nhận tham gia UEE chọn môn thi, địa điểm thi.
- Thí sinh đóng lệ phí thi 52 đôla Singpore bằng bankdraft mua tại ngân hàng, và gởi biên nhận bankdraft sang NUS.
Chế độ học bổng:
Với NUS, sinh viên VN có quyền tham dự xét tuyển hai loại học bổng do chính phủ Singapore tài trợ. Muốn được xét tuyển học bổng, ngoài thành tích học tập xuất sắc, ứng viên cần thể hiện có khả năng lãnh đạo thông qua các hoạt động ngoại khóa, văn thể mỹ, xã hội.
1. Học bổng ASEAN:
Do nhà trường NUS trực tiếp quản lý, đây là học bổng bao gồm: toàn bộ học phí và tiền sinh hoạt phí: 5.800 đôla Singapore/năm. Học bổng được cấp suốt thời gian học. Muốn được xét học bổng ASEAN, bạn không phải làm đơn xin học bổng riêng mà chỉ cần nộp đơn dự tuyển vào học tại NUS. Nếu thấy đạt tiêu chuẩn xét tuyển học bổng, nhà trường sẽ gởi thư mời bạn dự phỏng vấn tại Việt Nam. Mỗi năm có khoảng 20 sinh viên trúng tuyển giành được học bổng ASEAN.
2. Học bổng Singapore:
Do Bộ Ngoại giao Singapore quản lý, hàng năm chính phủ Singapore cấp khoảng 20 học bổng loại này cho sinh viên Việt Nam. Học bổng bao gồm: toàn bộ tiền học phí, sinh hoạt phí: hơn 4.300 đôla Singapore/năm, vé máy bay khứ hồi. Trong suốt thời gian học, Bộ Ngoại giao Singapore sẽ liên hệ thường xuyên người được học bổng.
Muốn xin học bổng này bạn có thể liên hệ Sứ quán Singapore hoặc Bộ Giáo dục & Đào tạo Việt Nam để nhận đơn và biết thêm thông tin. Sinh viên hội đủ điều kiện sẽ được mời phỏng vấn và làm bài thi tại VN. Nếu trúng tuyển học bổng Singapore, sinh viên có thể chọn học tại NUS, Đại học công nghệ NTU hoặc Đại học quản trị SMU tùy lựa chọn của cá nhân.
Ngoài ra, hàng năm NUS còn nhiều loại khen thưởng khác cho sinh viên giỏi sau khi nhập học (xem phần Financial aid trên web NUS).
Học phí được trợ giá cho SV quốc tế:
Học phí cho sinh viên nước ngoài tại NUS đã được Chính phủ Singapore trợ giá 80% nên không cao như học phí ở Âu, Mỹ, Úc và New Zealand.
Mức học phí hằng năm đã được trợ giá hiện tại như sau:
Các ngành học phí mức thấp nhất: 12.340 đôla Singapore (chưa trợ giá: 31.340 đôla Singapore)
Kinh doanh: 13.660 đôla Singapore (chưa trợ giá: 32.660 đôla Singapore)
Y và Nha: 35.280 đôla Singapore (chưa trợ giá: 124.280 đôla Singapore)
Mức học phí trên đây sẽ có thể thay đổi.
Cho vay học phí và sinh hoạt phí:
Nếu không được học bổng nhưng đạt yêu cầu tuyển sinh, sinh viên có quyền vay du học suốt thời gian khóa học với nhiều ưu đãi như sau: được vay khoảng 90% học phí đã được trợ giá nêu trên. Ngoài ra, còn được vay sinh hoạt phí là 3.600 đôla Singapore/năm. Số tiền này đủ trả tiền phòng và tiền ăn ở, đi lại tại ký túc xá. Tuy nhiên, để có thêm chi phí cho việc ăn mặc, mua sách vở, giải trí, du lịch, sinh viên cần có thêm trợ giúp của gia đình hoặc đi làm thêm. Từ sau học kỳ 1 trở đi sinh viên được phép đi làm thêm.
Sinh viên có hoàn cảnh khó khăn có thể nộp đơn xin thêm trợ cấp (Bursary), khoảng 1.500 đôla Singapore/năm. Các khoản vay trên là tiền của Chính phủ Singapore và NUS.
Sinh viên đã có học bổng rồi thì không được vay học phí và sinh hoạt phí.
Quyền lợi và nghĩa vụ:
Chính phủ Singapore đã tạo những ưu đãi nói trên cho sinh viên nước ngoài nên cũng yêu cầu sinh viên có nghĩa vụ đóng góp trở lại (governmental bond). Trừ học bổng Singapore, tất cả sinh viên được học bổng ASEAN hay vay du học đều phải thực hiện nghĩa vụ này. Cụ thể sau khi ra trường, sinh viên sẽ làm việc ba năm cho bất cứ công ty (hoặc bất cứ cơ quan nào) đóng tại Singapore. Đấy có thể là công ty do người Singapore thành lập hoặc do người nước ngoài thành lập tại Singapore.
Nhiều sinh viên sau khi tốt nghiệp cũng có thể mở công ty tại Singapore và làm việc cho chính công ty đó. Nếu những công ty này có văn phòng đại diện hoặc chi nhánh hoạt động ở Việt Nam hay các nước khác thì làm việc tại những cơ sở ấy vẫn được coi là làm việc cho Singapore.
Hiện Singapore có hơn 8.000 công ty đa quốc gia hoạt động. Nhiều công ty lớn của thế giới như IBM, Hewlett Packard đều có trụ sở đóng tại Singapore. Dĩ nhiên, những công ty trên đều trả lương thẳng cho nhân viên (lương trung bình cho người tốt nghiệp đại học ở Singapore là 2.500 đôla Singapore/tháng). Ở Việt Nam, hiện giờ có hơn 500 dự án đầu tư có vốn của các công ty đóng tại Singapore, trong đó có hai khu công nghiệp ở Bình Dương và Bắc Ninh, Hải Phòng.
Nếu không muốn ràng buộc nghĩa vụ làm việc thì sinh viên phải trả đủ 100% học phí không trợ giá (full fees), trên 31.000 đôla Singapore/năm.
Cho vay du học trả trong 20 năm sau khi ra trường:
NUS sẽ chỉ định một ngân hàng Singapore trực tiếp ký hợp đồng cho vay với sinh viên. Toàn bộ khoản vay học phí và sinh hoạt phí chỉ phải trả sau khi ra trường và trả trong vòng 20 năm với lãi suất. Mỗi tháng sinh viên chỉ phải trả tối thiểu 100 đôla Singapore thông qua ngân hàng.
Thủ tục cho vay khá đơn giản, không phải thế chấp tài sản. Hợp đồng cho vay quy định sinh viên muốn vay phải có một người đứng ra chịu trách nhiệm bảo lãnh (guarantor). Người này phải là người đang đi làm trên 21 tuổi (có thu nhập thường xuyên) và không nhất thiết là cha mẹ của người vay. Với những trường hợp khác với các điều kiện trên, nhà trường sẽ xem xét từng trường hợp để có cách giải quyết riêng.
Sau khi trúng tuyển, các bạn sẽ qua học thẳng năm thứ nhất tại NUS, hoàn toàn không có năm dự bị.
* Con tôi đang học năm thứ 4 ngành ngoại ngữ tiếng Anh - cử nhân tiếng Anh tại một đại học ngoại ngữ trong nước, khoảng tháng 6-2012 sẽ ra trường. Gia đình và cháu có nguyện vọng xét tuyển đi học NUS thạc sĩ một ngành kinh tế như: quản trị du lịch, makerting hay ngành quản trị kinh doanh...
Xin chương trình cho biết: thời hạn khóa học thạc sĩ? Có học bổng cho thạc sĩ không và điều kiện để được xét? Điều kiện để được xét tuyển đi học, có đáp ứng một trong các ngành đó được không? Mức học phí một năm (trọn khóa kể cả chi phí khác gồm chỗ ở, đi và về, sinh hoạt phí)? Điều kiện thế chấp khi vay du học? Trường lớp, học ở đâu: trong nuớc hay ngoài nước, bằng cấp? Khả năng xin việc làm sau này? Thời gian nộp hồ sơ đối với trường hợp của cháu? (Hồ Vân Nghi)
- Trường hợp con bạn có thể theo học thạc sĩ tại NUS ở các ngành quản trị kinh doanh (Business school) hoặc các ngành về ngoại ngữ, ngoại giao, kinh tế học, báo chí (Faculty of Arts and Social sciences). Tại Singapore, sinh viên nước ngoài tốt nghiệp cử nhân hay thạc sĩ đều có quyền đến đây tìm việc. Nếu có nơi tiếp nhận, họ sẽ làm thủ tục xin giấy phép lao động (work permit) cho nhân viên.
Việc tìm kiếm việc làm sẽ thực hiện theo cơ chế thị trường (tìm thông tin tuyển dụng, nộp đơn, dự phỏng vấn, lương theo thỏa thuận). Dĩ nhiên muốn chọn được việc làm tốt, phù hợp với nguyện vọng thì bản thân phải có khả năng cao. Các bạn muốn tìm việc làm tại Singapore có thể vào website của Bộ lao động Singapore.
Thông tin chung về việc học cao học tại NUS: NUS có 15 trường thành viên (Faculty hay School) gồm nhiều ngành nghề khác nhau, bao gồm từ khoa học tự nhiên, kỹ thuật, xã hội & nhân văn đến kinh doanh, hành chính công, y tế... Mỗi trường có chương trình đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ khác nhau, yêu cầu tuyển sinh khác nhau, các loại học bổng và trợ giúp tài chính khác nhau.
Nói chung, để học thạc sĩ tại NUS cần có những điều kiện chính như sau: 1. Tốt nghiệp một bằng cử nhân vào loại giỏi 2. Có kinh nghiệm làm việc, nghiên cứu (tùy ngành sẽ có yêu cầu cụ thể) 3. Có điểm Anh văn quốc tế và chứng chỉ chuyên môn (tùy ngành sẽ có yêu cầu cụ thể) 4. Có thư giới thiệu ít nhất của một người trong giới học thuật (academic), một người trong giới chuyên môn (professionals) 5. Phải qua phỏng vấn (tùy ngành sẽ có yêu cầu cụ thể). Thời hạn nộp đơn thông thường từ đầu tháng 10 hằng năm trở đi.
Học bổng phổ biến tại NUS cho chương trình thạc sĩ là học bổng của Chính phủ Singapore mang tên Học bổng ASEAN, bao gồm toàn bộ học phí và một khoản sinh hoạt phí là 3.000 đôla Singapore/tháng. Với học bổng tiến sĩ, mức sinh hoạt phí từ 5.000 đôla Singapore/tháng trở lên. Ngoài ra, sinh viên thạc sĩ có thể tìm được việc trợ giảng hay trợ lý nghiên cứu và được trả lương cho việc này. Một số ngành cao học tại NUS có thể cho vay học phí.
Hồ sơ xin xét tuyển vào trường NUS (Singapore) gồm những gì?
Trường MDIS mà bạn định xin học là một trường tư tại Singapore, do đó không có chương trình vay học phí của chính phủ. Còn trường NUS là trường Công lập, do đó, SV của trường này nếu có nhu cầu sẽ được nhà nước cho vay 100% học phí và 1 khoản sinh họat phí (khoảng 2100 USD/ năm).
Điều kiện xét tuyển vào NUS cho đối tượng đã tốt nghiệp lớp 12 là:
Hồ sơ dự tuyển bao gồm:
1. Đơn đã điền đủ chi tiết theo mẫu
2. Photocopy bản gốc văn bằng Tú Tài và một bản dịch tiếng Anh
3. Các văn bằng về thành tích học tập, thành tích văn thể mỹ, hoạt động xã hội từ cấp hai đến cấp ba (nếu có). Các văn bằng này cũng gồm một photocopy văn bản gốc và một bản dịch tiếng Anh
4. Một bản photocopy bản gốc khai sinh và một bản dịch tiếng Anh
5. Chứng nhận điểm TOEFL quốc tế (trên 550 điểm) hoặc IELTS (trên điểm 6.0) còn thời hạn sử dụng
6. Lệ phí nộp đơn là 20 SGD hoặc 15 USD bằng bankdraft (1 hình thức gống thư chuyển tiền, mua tại ngân hàng)
Sau khi xét tuyển dựa trên đơn và toàn bộ hồ sơ cá nhân, nhà trường sẽ có thư thông báo đến các đối tượng đủ điều kiện được tuyển thẳng. Bạn sẽ không phải qua bất kỳ một kỳ thi nào khác. Việc xét tuyển sẽ chỉ dựa trên các hồ sơ trên.
Hiện nay kỳ tuyển sinh cho năm học 2005 – 2006 vừa kết thúc. Bạn phải đợi đến khoảng giữa tháng 10/2005 mới có thể có đơn xin xét tuyển cho năm học 2006 – 2007.
MỜI BẠN THAM KHẢO THÊM:
Đề thi NUS & cách ôn, cách học
Dưới đây là ý kiến mang tính chất tham khảo của một số giáo viên chuyên ngữ đã và đang tham gia hướng dẩn ôn thi cho các bạn.
MÔN TIẾNG ANH “ DỂ THỞ” NHƯNG PHẢI BIẾT ĐẦU TƯ
“Dể thở” về thời gian
Nếu để ý, các bạn sẽ nhận thấy môn thi tiếng Anh (bắt buộc) ở các kỳ thi tuyển sinh NUS có một số điểm “dể thở” hơn những kỳ thi kiểm tra trình độ tiếng Anh quốc tế khác, điển hình như IELTS chẳng hạn.
Các thí sinh tham dự tuyển sinh NUS sẽ phải “thi đấu” ở 3 loại “ kỹ năng” Writing, Reading và Cloze test (điền từ vào ô trống). Tổng thời gian dành cho cả ba phần thi được quy định là 2 giờ và 30 phút. Mặc dù thí sinh được khuyên nên sử dụng bao nhiêu thời gian cho mỗi phần thi (được ghi rõ ở đầu đề hướng dẫn cho từng phần kỹ năng), thực hiện hoàn toàn theo cách phân bổ thời gian trên chưa chắc là tốt nhất.
Theo số điểm (tính dưới hình thức %) tính cho mỗi phần kỹ năng thi, xem ra cũng rất hợp lý: môn Writing 60 phút chiếm 40% số tổng điểm, Reading 60 phút cũng được 40% và Cloze test 30 phút với 20%. Thế nhưng việc phải làm xong bài Writing trong 60 phút, hay Reading trong 60 phút cũng như Cloze test trong 30 phút là không hề bắt buộc. Vì vậy, áp lực về thời gian lớn như ở kỳ thi IELTS gần như không có mặc dù phần thi Reading ở kỳ thi IELTS cũng là 60 phút và tiếp theo sau là môn Writing với 60 phút nhưng sau đúng thời gian này thí sinh thi IELTS phải nộp bài thi phần kỹ năng đó.
Thế thì, môn thi tiếng Anh trong các kỳ thi tuyển sinh NUS mở ra cho các thí sinh một cơ hội tốt để thử sức mình xem ai “khôn khéo” hơn trong việc phân bổ thời gian hợp lý cho cả 3 phần kỹ năng thi. Và theo kinh nghiệm của các thí sinh đã từng thi và kinh nghiệm giảng dạy của riêng tôi, một vài điều hướng dẫn, có thể gọi là “mẹo” (tips) dưới đây sẽ giúp các bạn tự tin hơn trong việc ôn tập và đối phó với các phần thi kỹ năng ở môn thi tiếng Anh tuyển sinh vào NUS.
Có thể ưu tiên cho Writing
Đây là điều mà đa số các thí sinh IELTS ao ước có được nhưng không bao giờ làm được vì 60 phút dành cho môn thi viết IELTS là khá “eo hẹp” khi thí sinh phải viết tối thiểu là 400 từ về 2 thể loại : bài luận (essay) và bài miêu tả biểu đồ. Khác hẳn với bài thi môn Writing IELTS, bài thi Writing tuyển NUS cho phép thí sinh được quyền chọn lựa đề tài viết trong 3 đề tài và chỉ cần viết một bài essay tối thiểu 350 từ mà thôi. Vậy nói chung, cùng với thời lượng là 60 phút, khi làm bài thi Writing tuyển sinh NUS, các bạn sẽ cảm thấy thoải mái hơn nhiều.
Tuy nhiên, mặc dù thời gian thoải mái hơn, nhưng các thí sinh từ Việt Nam có thể thể hiện kém ở phần thi Writing này. Một trong những nguyên nhân và lý do lý giải cho hiện tượng này là thí sinh thường để lại các “bụi bặm” trong bài viết của mình (ngầm hiểu cho các lỗi như sai chính tả, động từ và chủ ngữ không phù hợp số ít hay số nhiều, sai cấu trúc câu, thiếu từ do không cẩn thận...). Đây không phải là do các thí sinh yếu kém về văn phạm Anh văn, nhưng là do các bạn này đã không dành một lượng thời gian cần thiết để đọc và “dọn dẹp” sạch các “bụi bặm” này. Chưa kể còn tệ hơn nữa là một số bạn đã phát biểu rằng sau khi viết xong thì không cảm thấy đủ “can đảm” để đọc lại tác phẩm của mình !
Hãy cố gắng gây ấn tượng với ban chấm thi bằng một bài viết thật “sạch” và rõ ràng. Trong khi các bạn khác thi IELTS phải “đua” từng phút một để kịp giờ, các bạn khi đi thi tuyển sinh NUS nên tận dụng ưu thế thời gian này để “đánh bóng” bài essay của mình.
Xử lý phần Reading
Ngay sau khi làm xong phần thi viết luận, theo kinh nghiệm của riêng tôi, các bạn nên tiếp tục làm câu 11, 12, 13 ở phần thi Reading. Những câu hỏi này cũng đòi hỏi thí sinh phải viết trả lời ngắn gọn hay riêng câu 13, viết ngắn 1 đoạn khoảng 100 từ. Vậy thì các bạn nên “xử lý” dứt điểm các phần mình phải viết rồi hãy nên chuyển sang tư duy các câu còn lại. Một điểm nữa đáng lưu ý là riêng 3 câu 11, 12 và 13 đã chiếm nửa số điểm bài Reading nên việc trả lời xong chúng trước cũng là hợp lý.
Mười câu còn lại của môn Reading thật ra không đòi hỏi đầu tư càng nhiều thời gian càng tốt. Ngược lại, đây là vấn đề về từ vựng nên do đó khi các thí sinh nào biết thì làm được ngay, còn ai không biết thì chỉ có “đánh lô-tô” thôi. Lấy ví dụ như câu 1 “Take a leaf from Keizo Miura’s book “, yêu cầu các thí sinh chọn lựa nghĩa phù hợp (trích dẫn đề thi mẫu môn tiếng Anh).
Có 4 sự lựa chọn như sau:
-
tear a page from Keizo Miura’s book (xé một trang sách từ quyển sách của Keizo Miura)
-
read a page from Keizo Miura’s book (đọc một trang từ quyển sách của Keizo Miura)
-
follow what Keizo Miura has written in his book (làm theo những gì Keizo Miura viết trong sách)
-
Follow the behaviour of Keizo Miura (làm theo cách cư xử của Keizo Miura)
Nếu các bạn thí sinh nào biết từ “leaf” trong tiếng Anh còn có nghĩa là trang sách thì sẽ dễ dàng chọn câu b bởi vì từ “take ” thường xuất hiện trong các kiểu nói “lấy ví dụ “ , “xem thử”. Vậy nghĩa chính xác phù hợp chỉ có thể là câu b khi những diễn dãi của các câu a, c, d không có nghĩa. Trong trường hợp các thí sinh không hiểu nghĩa từ “leaf ” vẫn có thể đoán câu b hợp lý hơn. Thế thì, theo tôi, thời gian dành cho các loại câu như thế này không cần quá nhiều vì khi đã không hiểu từ vựng thì ta cứ đoán vậy chứ đọc tới đọc lui chỉ tốn thời gian thôi. Ngoài ra, nếu thời gian còn ít, các bạn vẫn có thể đánh dấu tất cả các câu còn lại theo suy luận nhanh, điều mà các bạn rất khó thực hiện ở câu 11, 12 và 13.
Kỹ năng “đoán” …
Tương tự, ở đề thi phần Cloze test, việc tìm ra hết 20 từ đúng để điền vào đòi hỏi một kiến thức từ vựng, văn phạm và vốn đọc rộng để suy ra. Và đây là vốn có từ trước khi thi của mỗi người nên việc sử dụng nhiều thời gian trong phòng thi không giúp ích được nhiều lắm. Chỉ có một vài ô là các thí sinh có thể suy luận theo văn phạm và cụm từ thành ngữ mà thôi, còn những ô còn lại các bạn thí sinh cũng thường làm “theo linh cảm” nên cũng không thực sự tốn nhiều thời gian lắm. Một bạn thí sinh tên T., hiện đang học tại Singapore, kể lại rằng trong kỳ thi tuyển sinh NUS 2006 vừa rồi bạn T. đã làm bài viết xong thì còn lại các câu hỏi Reading và Cloze test đều được “đoán” không hà. Thậm chí bạn sau khi đã làm xong hết vẫn còn dư thời gian “ngáp tới ngáp lui” chán rồi thì quay lại trau truốt thêm bài Writing của mình. Theo bạn T. cũng như một số thí sinh cùng đợt thi này cho biết, các câu hỏi từ vựng Reading rất khó vì toàn là từ vựng khó không thôi. Còn riêng bài Cloze test có thể xác định được từ loại điền vào còn đúng hay không vẫn khó có cơ sở chắc chắn được.
Hy vọng từ những ý kiến và kinh nghiệm chia xẻ trên đây sẽ giúp cho các bạn hiểu thêm về môn thi tiếng Anh tuyển sinh NUS và có những sự tính toán tinh tế trong khi thi. Chúc nhiều may mắn và thành công!
* Đại học công nghệ Nanyang – NTU (Singapore) cũng tổ chức thi tuyển tương tự nhưng đối tượng dành cho học sinh lớp 12 và sinh viên. Thực tế cho thấy, số học ôn thi thường học ôn thi chung cho cả NUS và NTU
VÀI NHẬN XÉT VỀ MÔN LÝ TRONG ĐỀ THI NUS
Qua một vài đề thi mẫu được phổ biến công khai, có thể nhận thấy những điều sau đây :
Hình thức :
Thời gian làm bài 120 phút. Gồm hai phần :
-
20 câu trắc nghiệm
-
5 câu tự luận
Mục tiêu kiểm tra:
-
Thông hiểu kiến thức đã được học
-
Giải thích và vận dụng được kiến thức vào thực tế
Nội dung:
Chương trình gồm toàn bộ các kiến thức vật lý: cơ, nhiệt, điện, quang, dao động, sóng, giao thoa, nhiễu xạ, điện từ, quang điện, phóng xạ, hạt nhân, . .
• 20 câu trắc nghiệm dùng để:
- Kiểm tra kiến thức đã học. Cụ thể là định nghĩa, khái niệm, định luật, định lý, được đặt xen vào các dấu hiệu, các phát biểu khác bắt buộc thí sinh phải phán đoán và nhận ra.
- Kiểm tra sự hiểu của thí sinh về định nghĩa, khái niệm, định lý, định luật qua việc giải thích hiện tượng, vận dụng được vào từng tình huống cụ thể.
Thí dụ :
1. When electricity conduction is compared with heat conduction, the electrical analogue of rate of flow of heat is
-
drift velocity of the charge carriers
-
power dissipated
-
electrical conductivity
-
electric current
-
potential gradient
2. Photon is the name given to
-
an electron emitted from a metal surface by the action of light
-
a unit of energy
-
a positively charged atomic particle
-
an electron emitted from a metal surface by the action of heat
-
a quantum of electro-magnetic radiation.
• 5 câu hỏi tự luận chủ yếu kiểm tra khả năng vận dụng, liên hệ các kiến thức đã học của thí sinh vào việc giải quyết các sự việc, vận động trong thực tế
Học như thế nào?
• Học thật kỹ và hiểu thật kỹ định nghĩa, khái niệm, định luật, định lý.
• Xem xét cẩn thận các điều kiện mà các định luật, định lý được hình thành
• Làm đầy đủ các bài tập nhỏ để kiểm tra mức độ thông hiểu
• Đọc kỹ đầu bài để phát hiện ra sự khác biệt về các điều kiện trong đề bài với các điều kiện được xây dựng trong các định luật, định lý
• Một bài toán chính là các mối liên hệ giữa các định luật, định lý. Giữa các bài tập nhỏ, do đó điều quan trọng là phát hiện ra các mối liên hệ này.
• Phải hiểu được sự tương đồng giữa các ngôn từ dùng để chỉ cùng một sự vật, sự kiện.
• Làm nhiều bài tập và trình bày rõ ràng.
ĐỀ THI TOÁN NUS PHẢI CÓ “MÁNH” GIẢI NHANH
Ở đề thi NUS, phần A là phần rất hay, trải dài toàn bộ nội dung học mà không đòi hỏi bạn trình bày. Tuy nhiên, mỗi câu hỏi lại rất đơn giản, ở dạng câu hỏi này, mỗi câu hỏi chỉ cần khoảng một phút để giải. Một số câu hỏi sẽ đòi hỏi “mánh” để giải nhanh, bạn không thể ngồi “tàng tàng” để giải, vì bạn phải tranh thủ thời gian từ những phút đầu. Bên cạnh đó, khi chọn câu trả lời cũng rất dễ “bị lừa” đấy, nếu bạn không nhìn kỹ. Một số câu trả lời rất giống nhau, chỉ khác nhau một “chút”, nếu bạn vội vã “mừng vui” đến độ “tít mắt” và chọn sai. Thật tội nghiệp cho bạn!
HỌC KỸ VÀ BIẾT SUY LUẬN TRƯỚC ĐỀ THI HÓA
Cấu trúc của bộ đề thi bộ đề thi gồm có hai phần:
Phần 1:
Phần hướng dẫn làm bài “Please read the follow instructions carefully”.
Phần này cung cấp cho thí sinh nội dung của đề bài và những yêu cầu cần thiết trong quá trình trả lời các câu hỏi của đề bài.
Nội dung của đề thi bao gồm 4 trang chia thành 2 section A & B.
Hướng dẫn làm bài:
Thí sinh trả lời tất cả câu hỏi của phần A. Mỗi câu trả lời được ghi vào answer paper được cung cấp. Mỗi câu trả lời đúng được 2 điểm.
Thí sinh trả lời bất kỳ 3 trong số các câu của phần B. Mỗi câu trả lời được viết trên paper sheet. Bắt đầu của mỗi câu trả lời được viết trên trang giấy mới. Đánh số câu hỏi rõ ràng. Mỗi câu trả lời đúng được hai 20 điểm.
Phần này thường trình bày rõ ràng, văn phong đơn giản và dễ hiểu. Thí sinh cần phải nắm vững trước khi làm bài, tránh nhầm lẫn tốn thời gian.
Phần 2:
Nội dung đề thi gồm section A & B
Section A gồm 20 câu hỏi trắc nghiệm, có tổng số điểm là 40 điểm mỗi câu trả lời đúng được 02 điểm. Đây là dạng câu hỏi có nhiều lựa chọn. Mỗi câu hỏi có bốn câu trả lời có thể. Thí sinh cần đọc kỹ câu hỏi để chọn câu trả lời đúng.
Nhìn chung đây là những câu hỏi về phần lý thuyết. Các câu hỏi được dàn đều tất cả nội dung lý thuyết. Thường người ta quan niệm rằng, chỉ cần học “thuộc lòng” kiến thức là có thể trả lời được dạng câu hỏi trắc nghiệm. Nhưng để có thể trả lời các câu hỏi trắc nghiệm trong section A, thí sinh “thuộc lòng” kiến thức là chưa đủ, nhiều trường hợp cần phải vận dụng linh hoạt trong nhiều tình huống, đôi khi yêu cầu cả kỹ năng tính toán nhưng không quá phức tạp.
Section B gồm 5 câu hỏi thí sinh có quyền làm bất kỳ 3 trong 5 câu. Mỗi câu hỏi đúng được 20 điểm. Nhìn chung đây là những câu hỏi bài tập liên quan đến dùng nhiều kỹ năng toán học trong việc tìm kiếm câu trả lời đúng. Tuy nhiên, các bài tập này không đặt nặng việc tính toán. Những bài tập này yêu cầu thí sinh phải vận dụng lý thuyết hóa học cùng với những kỹ năng toán học đơn giản để giải quyết những tình huống hóa học cụ thể.
Mặt khác, việc tăng cường sự lựa chọn câu hỏi của thí sinh cho thấy đề thi không bắt bí thi sinh mà tạo điều kiện cho thể sinh thể hiện sự hiểu biết và vận dụng kiến thức hóa học của mình trong những tình huống cụ thể.
Tóm lại, nội dung của đề thi dàn trải đều ở các phần kiến thức, tập trung kiểm tra mức độ vận dụng kiến thức của thí sinh trong những tình huống hóa học cụ thể. Kiểm tra kiến thức thí sinh ở mức độ rộng không đi quá sâu và không yêu cầu kỹ năng tính toán phức tạp. Để có thể làm được điểm cao ở dạng đề thi này thí sinh cần chú ý các gợi ý sau:
-
Đọc kỹ hướng dẫn làm bài thi.
-
Đọc kỹ yêu cầu của từng câu hỏi chú ý đến chủ từ được sử dụng.
-
Nắm vững kiến thức cơ bản và rèn luyện kỹ năng vận dụng chúng.
-
Không nên học quá sâu vào một vấn đề.
-
Khi đọc đề nhất là section B nên đọc lướt qua tất cả các câu hỏi và chọn câu hỏi nào mà thí sinh có thể làm được nhiều nhất.
Cách dạy con của người Singapore rất đáng học hỏi
Có nên cho con đi du học?
Kinh nghiệm du lịch Singapore 2013
Kinh nghiệm du lịch Singapore giá rẻ
Món ăn ngon ở Singapore hấp dẫn níu chân du khách
Kinh nghiệm ăn uống ở Singapore
(ST)