Mùa đông, lẩu là món rất được ưa chuộng; tuy nhiên để chuẩn bị cho gia đình mình một nồi nước dùng vừa ngon, ngọt lại không bị ngán, bạn cũng cần phải có những bí quyết riêng.
Mẹo làm nước lẩu ngon
1. Lựa chọn nguyên liệu, gia vị và chuẩn bị nồi nước dùng
Điều kiện đầu tiên để có nồi nước dùng thật trong, ngọt là bạn phải chọn nguyên liệu thật tươi, ngon rồi sau đó dùng kỹ thuật chế biến phù hợp. Chẳng hạn, với nước dùng gà và lợn không nên sử dụng xương đầu nấu vì hôi. Xương hom và xương đuôi sẽ thích hợp hơn vì vừa ngọt vừa thơm.
Mỗi loại nước dùng cần gia vị đặc trưng, do đó tùy từng loại nguyên liệu mà có gia vị. Ảnh: internet
Lẩu gà phải làm nguyên chất bằng xương lợn và xương gà, không cho thêm vị chua ngọt vì khi nhúng ngải cứu sẽ không ngon.
Mỗi loại nước dùng cần gia vị đặc trưng, do đó tùy từng loại nguyên liệu mà có gia vị phù hợp kèm theo.
Lẩu các loại gia súc cần có gừng, hành tím nướng, riềng, sả. Nước dùng bò không thể thiếu quế chi, thảo quả, hoa hồi, gừng, hành khô. Hành và gừng nướng cho chín nhưng không cháy vỏ (lớp vỏ đỏ của hành khô có tác dụng làm nước dùng trong, màu đẹp), hoa hồi bẻ từng cánh, quế bẻ nhỏ, thảo quả lấy hạt vàng khô thơm, dùng khăn chà xát cho sạch, giã nhỏ rồi gói bằng vải sạch, cho vào nồi nước dùng. Trên nồi nước dùng bò thường có lớp mỡ để giữ nhiệt và giữ được mùi các tinh dầu thơm.
Đối với lẩu gà bạn nướng hành khô và gừng rồi đập dập bỏ vào, nêm nếm gia vị, hạt nêm cho vừa miệng, thêm 1 - 2 cây sả, dứa, cà chua. Khi chế vào nồi lẩu thì bỏ thêm gói thuốc bắc và nấm hương ngâm nở, sa tế, ăn kèm rau ngải cứu, rau muống, cải thảo.
Lẩu thập cẩm thì không phải cho thuốc bắc, ăn kèm rau muống, các loại rau cải. Cả hai loại lẩu này đều có thể ăn kèm thêm nấm tươi.
Hải sản cần có dứa, gừng, sả, cần tây, sa tế... vị ăn tuỳ theo khẩu vị của từng gia đình. Lẩu hải sản thường hơi cay, chua và ngọt. Với lẩu cá, ngoài xương heo ra bạn bỏ luôn xương cá đã lọc thịt vào.
Với nước lẩu này không cho sả và gừng nướng, tuy nhiên tăng vị chua so với những loại khác. Cá sau khi lọc, thái lát, nên ướp với gia vị, hạt nêm, gừng, sả đã băm nhỏ. Khi chế vào nồi lẩu bỏ thêm rau thì là, ăn kèm rau cần, cải cúc, dọc mùng, …
Thời gian nấu các loại nước dùng tùy thuộc vào từng loại nguyên liệu. Ảnh: internet
2. Thời gian đun
Cho xương đã chần vào nước lạnh, đun lửa to cho sôi lại nhanh, sau đó hạ nhỏ lửa cho sôi lăn tăn vài phút để các bọt cứng lại rồi hớt sạch. Cả quá trình còn lại đun sôi liu riu.
Thời gian nấu các loại nước dùng tùy thuộc vào từng loại nguyên liệu. Chẳng hạn, nước dùng gà và lợn thường nấu 4-6 giờ (vì trước chủ yếu là chăn thả tự nhiên, thịt chắc, vị ngọt, thành phần dinh dưỡng bền vững), nay thời gian đun ít hơn.
Riêng nước dùng bò thì ninh lâu hơn, từ 8 - 10 giờ. Nước dùng thủy hải sản không nên đun quá 45 phút, nếu không sẽ đục và chua.
Với xương bò, nhất là xương ống, trước khi ninh cần nướng với nhiệt độ cao thì nước dùng thơm, trong và ngon hơn.
3. Cách khắc phục nước dùng đục
Lòng trắng trứng đánh tan, cho vào nước dùng (lúc nguội), đặt lên bếp vừa đun vừa khuấy đều cho các vẩn đục bám hết vào trứng và vớt ra.
Băm thịt (nước dùng gì thì băm thịt ấy), trộn lòng trắng trứng, nấm hương cho vào nước dùng nguội sẽ làm nước dùng vừa trong vừa ngon hơn.
Nếu nấu nước gà bị đục, cho tiếp xương gà vào đun cũng làm nước trong và ngon hơn.
MỜI BẠN THAM KHẢO THÊM:
3 món lẩu ngon ngày lạnh
Trời mưa và lạnh, vì thế bạn hãy dành cho gia đình những khoảnh khắc ấm cúng, vui vẻ bên bữa cơm bằng cách chế biến món lẩu thơm ngon nóng hổi.
Có rất nhiều món lẩu ngon mà bạn có thể nấu. Chỉ cần dựa sở thích và khẩu vị của các thành viên trong gia đình để bạn lựa chọn rồi chế biến.
Lẩu nấm chua cay
Nấm là thực phẩm vô cùng bổ dưỡng. Tuy nhiên, khi đi mua nấm, các chị em cũng cần phải lựa chọn kỹ càng vì nấm để lâu không thể dùng được. Màu sắc của nấm đã bị để lâu có thể chuyển màu, từ trắng sang vàng, hoặc khi sờ vào sản phẩm cảm thấy nấm bị nhớt và mùi bị chua hoặc lên men, rất khó chịu. Những sản phẩm đã có những dấu hiệu này thì chị em không nên mua về chế biến nhé.
Giữa tiết trời mùa đông lạnh lẽo, được cùng cả nhà ngồi thưởng thức nồi lẩu nấm cay, tận hưởng cảm giác nóng ấm lan tỏa dần dần vào trong cơ thể thật là thích thú.
Nguyên liệu:
- Nước lẩu: 2kg xương ống lợn, 150g ớt sa tế, 120g hạt nêm nấm, 10ml dầu vừng, táo tàu, kỷ tử, tỏi, đầu hành, đẳng sâm, 150g nấm tiên, 150g nấm măng hoa, 150g nấm đùi gà.
- Thịt ăn kèm: thịt bò, dê, gà...
- Rau ăn kèm: tùy thích
- Nước chấm lẩu: dầu vừng, hành, rau mùi thái nhỏ, vừng rang, lạc rang, tỏi xay, gừng xay, ớt xay, hạt nêm gà, tiêu. Bún hoặc mì để dùng kèm với lẩu.
Cách làm:
- Hầm xương ống 60-90 phút cho ra hết chất ngọt, vớt bọt thường xuyên.
- Cho vài tép tỏi đã bóc vỏ, táo tàu, kỷ tử, đầu hành, đẳng sâm, dầu vừng, ớt sa tế vào nồi nước dùng, nấu khoảng 5 phút. Nêm hạt nêm nấm vừa ăn.
- Nấm tiên, nấm măng hoa, nấm đùi gà rửa sạch, để ráo, thái miếng vừa ăn. Cho nấm vào nước dùng, nấu thêm 10 phút.
- Trộn đều các nguyên liệu làm nước chấm lẩu. Khi thưởng thức, húp bát nước cốt nấm đầu tiên, tiếp theo là các loại nấm. Cho các loại thịt, rau vào nồi lẩu, ăn kèm mì hoặc bún tùy thích.
Lẩu xí quách
Xí quách thường dùng làm lẩu xí quách, một loại lẩu có hương vị mới lạ, ít xuất hiện trong thực đơn của các nhà hàng. Lẩu xí quách được chế biến từ nước xương hầm kết hợp với các nguyên liệu như táo đỏ, lê, nấm tuyết nhĩ… nên nước lẩu thơm mùi rau quả rất tinh khiết… Có nhiều người còn cho thêm vào lẩu thịt gà, tôm... cũng rất ngon. Cái này tùy theo khẩu vị của mỗi gia đình.
Giữa trời đông lạnh giá, làm nồi lẩu xí quách rồi cùng cả nhâm nhi, nghe tiếng gió lào xào ngoài khe cửa, cảm giác thật là ấm áp.
Nguyên liệu:
- Nước dùng heo, xương heo (còn thịt)
- Nấm tuyết, củ năng
- Cà rốt, Ngô Mỹ, gừng, hành Boarô
- Hành tím, tần ô, xà lách xoong, cải thảo
- Bún
Cách làm:
- Xương làm sạch. Nấm tuyết ngâm và cắt vừa ăn. Củ năng: cắt vừa ăn. Cà rốt: tỉa hoa và cắt lát. Ngô Mỹ và hành tím cắt khoanh. Gừng cắt sợi, hành Boarô cắt khúc xéo.
- Các loại rau: làm sạch và trình bày ra đĩa.
- Xương nấu chín mềm sau đó cho nấm tuyết, củ năng, bắp Mỹ và gừng, nấu thêm 10 phút.
- Nêm gia vị vừa ăn
- Trình bày nồi lẩu ngon với cà rốt, hành tím và hành Boarô.
Món lẩu này cực kỳ được các quý ông yêu thích vì vị ngọt của nước lẩu lẫn những xí quách cực ngon.
Lẩu mắm
Đỉnh cao trong nghệ thuật thưởng thức mắm của người dân Nam Bộ là món lẩu mắm. Đây là một món ăn thể hiện nét tài hoa của người miền Nam, khiến nó được tôn vinh thành một trong các món đặc sản đặc sắc Nam Bộ.
Lẩu mắm là một món ăn tổng hợp nhiều thực phẩm như: cá, tôm, cua, mực, bò, heo... và đặc biệt là một số lượng phong phú, đa dạng của các loài rau.
Ăn lẩu mắm, nếu thiếu rau thiếu vị mắm, không thể gọi là lẩu mắm. Bạn hãy thử một lần nhé, đảm bảo bạn không chỉ muốn ăn một lần thôi đâu.
Tuy là đặc sản của Nam Bộ nhưng giữa đất Bắc với cái lạnh đang xâm chiếm, hay không khí ấm áp quen thuộc của Miền Nam thì bạn vẫn có thể cùng gia đình quây quần bên bữa cơm gia đình và cùng nhâm nhi nồi lẩu mắm thơm ngon.
Nguyên liệu:
- Nước dùng heo, mắm sặc, tỏi
- Sả xay, ớt xay
- Khổ qua, cà tím
- Cá hú, thịt ba rọi, tôm sú
- Thịt bò, mực lá, nghêu
- Rau đắng, cải bẹ xanh, kèo nèo, bông súng
- Bún
Cách làm:
- Thịt ba rọi làm sạch, cắt vừa ăn.
- Cà tím, khổ qua làm sạch, cắt miếng vừa ăn, trình bày trong nồi lẩu.
- Cá hú, tôm sú, thịt bò, mực lá làm sạch và trình bày ra đĩa.
- Rau đắng, cải bẹ xanh, kèo nèo, bông súng làm sạch và trình bày ra đĩa.
- Cho mắm vào nước dùng, nấu cho tan mắm, lọc mắm qua rây, bỏ phần xác mắm.
- Nêm gia vị vừa ăn.
- Phi thơm tỏi, sả và ớt, cho thịt ba rọi, xào cho săn, cho hỗn hợp vào nước lẩu. Món này không thể thiếu rau và bún cùng nước mắm.
5 món lẩu ngon cho ngày hè
1. Lẩu cua đồng
Lẩu cua đồng là một món ăn dân dã có ở nhiều vùng miền với nhiều hương vị khác nhau. Món ăn trông đơn giản nhưng khâu chế biến lại cầu kỳ, nhất là phần riêu cua. Muốn riêu cua ngon, phải chọn những được những con cua chắc thân, còn sống. Có như thế, riêu cua mới thơm ngon và kết thành mảng. Cua rửa sạch, bóc vỏ lấy gạch cua để riêng rồi giã nhuyễn. Sau đó đem lọc kỹ với nước, đun sôi cho thịt cua nổi lên, vớt ra bát, phần nước để làm nước dùng.
Lẩu cua đồng là món ăn phổ biến của người dân miền Tây Nam bộ. Ảnh: T.T. |
Khi ăn, đun sôi nồi nước dùng, nêm nếm gia vị vừa ăn rồi cho riêu cua nổi lên trên mặt. Tiếp đó, cho thêm các loại hải sản như tôm, mực, chả cá làm tăng thêm vị ngọt của nước dùng. Ăn kèm là bún tươi và các loại rau như: cải xanh, bông bí, rau nhút, kèo nèo,… tất cả hòa quyện lại tạo nên sự thanh mát và cho món ăn không bị ngấy.
2. Lẩu cá đuối
So với nhiều món lẩu khác, lẩu cá đuối không có gì đặc biệt nhưng lại hấp dẫn bởi sự lạ miệng. Nồi lẩu nóng hổi, vị chua của măng chua, vị ngọt và hơi dai của cá khiến cho hương vị món lẩu bình dân này trở nên ngon miệng hơn rất nhiều.
Lẩu cá đuối với tính hàn thích hợp trong ngày trời nắng nóng. Ảnh: X.T. |
Chế biến món ăn này đơn giản và không mất nhiều thời gian. Cá đuối sau khi mua về được cắt bỏ mang, mổ dọc dưới miệng cá, bỏ hết phần ruột bên trong. Rửa cá lại bằng nước sạch, sau đó rửa qua với giấm hoặc rượu rửa sạch để tránh mùi tanh đồng thời tăng thêm hương vị cho cá.
Thái cá thành từng miếng nhỏ khoảng hai ngón tay rồi xếp vào đĩa, tẩm ướp gia vị cho vừa miệng. Phần sụn cá đuối rất mềm nên có thể cắt nhỏ cho vào nồi ninh để ngọt nước. Ngoài phần thịt cá, lẩu cá đuối còn hấp dẫn người ăn bởi vị chua nhẹ của nước dùng được nấu từ măng chua cùng hương thơm của rau ngổ, ngò gai... Ăn kèm lẩu là các loại rau như rau muống, rau chuối, bún và không thể thiếu chén nước mắm với vài trái ớt tươi thái lát.
3. Lẩu gà hấp hèm
Điều làm nên sự đặc biệt, hấp dẫn cho món ăn này chính là vị chua thanh của nước lẩu được nấu từ hèm. Hèm là chất thải ra sau khi người dân nấu rượu, thường thì người ta tận dụng để làm thức ăn cho gia súc. Nhưng, từ chất thải tưởng chừng bỏ đi đấy, người dân ở đây dùng làm nguyên liệu chính để chế biến nên món lẩu gà hấp hèm vừa thơm ngon vừa lạ miệng.
Lẩu gà hấp hèm là món ăn quen thuộc của các quận ngoại thành TP. HCM. Ảnh: K.H. |
Trước khi nấu lẩu, lấy một lượng hèm vừa phải, vắt lấy nước, bỏ bã. Nước hèm để lắng, lọc lại một lần nữa để bỏ đi phần lợn cợn của bã hèm còn sót lại. Cho nước hèm vào nồi và đun sôi, nêm đường và các loại gia vị vừa ăn. Gà ta sau khi làm sạch, chặt thành từng lát vừa ăn, cho vào nồi, để lửa vừa cho đến khi thịt chín là được.
Rau ăn kèm chỉ có cải bẹ xanh, cải thảo và hành lá thái khúc. Thịt gà được nấu trong nước hèm nên chín mềm rất ngon, bên cạnh đó là vị ngọt của rau cải, vị chua thanh của nước lẩu rất vừa ăn và ngon miệng.
4. Lẩu cá thác lác khổ qua
Món ăn có đầy đủ các nguyên liệu như cá thác lác, xương lợn, tôm khô, khổ qua, bún tươi, ớt… Thành phần làm nên sự hấp dẫn của món lẩu này là cá thác lác và nước dùng. Chả cá thác lác muốn dai thì thịt cá phải tươi ngon, trộn thịt cá với ít muối, hành ngò, hạt nêm, tiêu…quết thật nhuyễn và vo viên tròn. Khổ qua rửa sạch, cắt đôi, bổ ruột, thái mỏng. Rau thơm rửa sạch, nhặt lá sâu, hành ngò xắt nhuyễn. Ớt xắt lát mỏng.
Đơn giản với cá thác lác và khổ qua nhưng đây là món lẩu có tác dụng giải nhiệt rất tốt. Ảnh: K.H. |
Nước dùng được lấy từ nước hầm xương, đun sôi với ít tôm khô cho có thêm vị ngọt, nêm gia vị cho vừa ăn. Đặt nồi lẩu lên bếp, cho sôi, sau đó cho chả cá vào, khi cá chín, cho tiếp khổ qua. Cá thác lác ngon dai, có nhiều đạm. Khổ qua có tính giải nhiệt, mát. Vì vậy, nếu kết hợp cả hai với nhau sẽ tạo nên một món lẩu vừa ngon miệng, vừa mang tính lành rất có lợi cho sức khỏe.
5. Lẩu ghẹ xanh nấu dứa
Trong những ngày hè nắng nóng, món lẩu ghẹ nấu dứa ăn kèm rau muống thơm phức là món ăn ngon mà không phải ai cũng có thể bỏ qua. Ghẹ sơ chế rửa sạch, cắt đôi. Rau muống nhặt rửa sạch, bỏ bớt lá, vò qua hơi dập. Gừng gọt vỏ, thái lát mỏng. Cà chua bổ cau, dứa gọt vỏ, thái lát hơi dày.
Vị chua chua ngọt ngọt của nồi lẩu là điểm kích thích của món ăn này. Ảnh: K.H. |
Đun nước sôi, cho ghẹ, gừng vào đun tới khi ghẹ chín hẳn. Tiếp đến cho dứa, cà chua vào đun sôi, nêm lại gia vị cho vừa miệng. Nồi lẩu nghi ngút khói, nước lẩu ngọt lại rất thanh mát, là món ăn giải nhiệt rất tốt dành cho bạn và gia đình.
Hướng dẫn làm nước lẩu cực ngon
Cách làm lẩu Thái chua cay
Công thức nấu lẩu bò đơn giản tại nhà
Công thức nấu lẩu gà ngon tuyệt
Cách làm lẩu nấm Ashima đặc biệt thơm ngon
Công thức nấu lẩu gà nấm hấp dẫn
(ST)