Một số gia đình nhà trai phải có lễ xin dâu trước lễ đón dâu, còn một số khác lại gộp lễ xin dâu và lễ đón dâu làm một.
Trong lễ cưới, cô dâu có thể chọn trang phục áo dài truyền thống hoặc mặc váy cưới. Ảnh: Serendipity. |
Cũng giống như lễ ăn hỏi, lễ đón dâu đều có những quy tắc và thủ tục riêng mà không phải đôi uyên ương nào cũng nhớ hết. Báo Ngôi Sao sẽ giúp bạn tóm tắt những nghi lễ chính trong lễ đón dâu truyền thống của người Việt để các cặp đôi sắp cưới biết rõ được trình tự ngày thành hôn:
1. Lễ xin dâu
Trước khi đến giờ đón dâu chính thức, đại diện nhà trai, thường là mẹ chú rể cùng cô hoặc bác thân thiết sẽ mang cơi trầu đến nhà cô dâu trước để làm lễ xin dâu. Mẹ cô dâu sẽ nhận tráp trầu cau và mang lên thắp hương trên bàn thờ tổ tiên của nhà gái. Đây là nghi lễ truyền thống lâu đời, có ý nghĩa như lời chấp nhận chính thức cho cô dâu về nhà chồng. Tuy nhiên, hiện nay nhiều người thường muốn tranh thủ thời gian trong buổi lễ đón dâu nên thường gộp lễ xin dâu và đón dâu vào làm một, mẹ chú rể sẽ không phải đến nhà gái trước nữa.
- Nếu hai gia đình thống nhất nhập lễ xin dâu và lễ đón dâu vào làm một thì trước khi đến nhà gái, nhà trai chuẩn bị một cơi trầu để làm thủ tục xin dâu. Khi gộp hai lễ, lễ xin dâu phải diễn ra rất nhanh để lễ đón dâu được tiếp tục.
2. Màn chào hỏi, tuyên bố lý do
- Sau khi lễ xin dâu đã xong, nhà gái cho người mời nhà trai vào nhà, cùng ổn định chỗ ngồi và mời nước các thành viên trong đoàn.
- Đại diện nhà trai sẽ giới thiệu thành phần tham dự lễ đón dâu và trình bày nguyện vọng được đón cô dâu mới về nhà chồng.
- Đại diện nhà gái cũng sẽ có phần phát biểu đáp lại, đồng ý cho nhà trai đón cô dâu.
3. Cô dâu ra mắt gia đình
- Sau khi đại diện hai nhà phát biểu xong, nhà gái cho phép chú rể được lên phòng đón cô dâu xuống chào họ hàng. (Cũng giống như trong lễ ăn hỏi, trước khi chú rể lên đón, cô dâu không được xuất hiện).
- Chú rể cũng sẽ tặng bó hoa cưới cho cô dâu.
4. Cô dâu chú rể mời nước họ hàng và thắp hương tại nhà gái
- Sau khi chú rể đón cô dâu, hai người sẽ cùng nhau rót nước mời các thành viên của hai nhà.
- Tiếp đến, bố mẹ cô dâu hướng dẫn cô dâu chú rể thắp hương trên bàn thờ nhà gái. Tại miền Nam, trong đám cưới còn có một phong tục quan trọng không thể thiếu, đó là nhà trai phải mang một đôi nến to (đèn cầy) có hình long phụng để thắp trên bàn thờ nhà gái, còn nhà gái chịu trách nhiệm chuẩn bị chân nến. Các loại chân cắm và nến này đều phải có cùng kích cỡ với nhau.
5. Nhà gái căn dặn cô dâu trước khi về nhà chồng và lễ đón dâu kết thúc
- Mẹ cô dâu sẽ căn dặn con gái một số điều trước khi về nhà chồng và tặng quà hồi môn như kiềng vàng, nhẫn…
- Sau khi thủ tục dặn dò, trao quà đã xong, đại diện nhà trai sẽ phát biểu, xin phép được đón cô dâu về nhà. Một số nơi còn có phong tục khi cô dâu bước ra cửa, theo chồng, cô dâu không được ngoái đầu lại nhìn về nhà mẹ.
- Một số thành viên trong gia đình nhà gái cũng sẽ theo đoàn nhà trai đưa cô dâu về nhà mới. Theo tục lệ truyền thống, bố cô dâu sẽ là người đưa con gái về nhà chồng, mẹ đẻ không đưa dâu.
Cô dâu chú rể sẽ mời nước bày tỏ lòng thành tới các thành viên trong gia đình hai nhà. Ảnh: Serendipity. |
6. Làm lễ ra mắt cô dâu mới và tiến hành lễ thành hôn tại nhà trai
- Khi về đến nhà chú rể, đại diện nhà trai sẽ giới thiệu các thành viên tham dự lễ thành hôn.
- Đại diện nhà gái cũng giới thiệu thành phần gia đình có mặt trong lễ thành hôn.
- Đại diện nhà trai hướng dẫn cô dâu chú rể thắp hương trên bàn thờ tổ tiên.
- Đại diện nhà trai sẽ tặng quà cưới cho cô dâu chú rể.
- Đại diện nhà trai sẽ đưa cô dâu chú rể và họ hàng nhà gái lên xem phòng tân hôn. Ý nghĩa của việc này là nhà trai sẽ cho nhà gái thấy hoàn cảnh, điều kiện gia đình mới mà cô dâu sẽ gắn bó trọn đời.
Khi đưa cô dâu chú rể lên phòng tân hôn, một số gia đình còn chuẩn bị lễ trải giường tân hôn cho cặp uyên ương mới trước sự chứng kiến của gia đình nhà gái. Nghi lễ trải giường cưới phải do một người phụ nữ trong gia đình họ nhà trai thực hiện, đặc biệt, người này phải có cuộc sống hôn nhân hạnh phúc và phải sinh được cả con gái, con trai. Theo người xưa quan niệm, những người phụ nữ như vậy sẽ đem đến hạnh phúc và con đàn cháu đống cho đôi uyên ương.
Nếu không làm nghi thức này, gia đình nhà trai có thể trải giường, chuẩn bị phòng tân hôn trước khi đi đón dâu.
Có quan niệm, khi đón dâu về nhà, mẹ chồng không nên giáp mặt cô dâu mới, để tránh xung khắc sau này.
7. Cô dâu chú rể mời nước hai gia đình, lễ thành hôn kết thúc
- Đôi vợ chồng trẻ sẽ rót nước mời các vị quan khách tham gia lễ thành hôn.
- Nhà gái dặn dò cô dâu về cuộc sống tại nhà chồng sau này.
- Nếu hai gia đình tổ chức tiệc cưới chung tại khách sạn, nhà hàng, sau khi lễ thành hôn kết thúc, cả hai sẽ cùng đến tiệc cưới. Nếu hai nhà tổ chức riêng, nhà gái phát biểu, xin phép ra về và cảm ơn nhà trai đã chuẩn bị chu đáo cho cuộc sống của cô dâu mới.
Cách tiếp khách chu đáo để đám cưới ấn tượng
Sắp xếp chỗ ngồi hợp lý, chuyện trò thân tình hay sắp xếp không gian dễ chịu là những cách thiết thực giúp các đôi uyên ương tạo thiện cảm với khách.
Trong khi nhiều đám cưới đều tựa tựa nhau về cách tổ chức, lịch trình hay tới cả thực đơn, thì việc tạo ấn tượng tốt, khác lạ cho khách mời là điều cô dâu chú rể nào cũng muốn hướng tới. Thay vì "chạy đua" bằng cách trang trí tiệc hoành tráng, tổ chức đám cưới ở khách sạn hạng sang, hay tặng khách những món quà cảm ơn cầu kỳ, đắt tiền, các đôi uyên ương có thể gây ấn tượng với khách mời bằng chính thái độ niềm nở, nhiệt tình và gần gũi của mình. Chắc chắc các vị khách sẽ nhớ mãi một đám cưới vui vẻ, có thể chuyện trò, chụp ảnh cùng cô dâu chú rể và thoải mái tận hưởng không khí gần gũi, thân mật.
1. Chọn giờ đón khách
Trước giờ cử hành hôn lễ, đa số đôi uyên ương sẽ đứng ở cửa phòng tiệc để chào mừng mọi người tới dự đám cưới. Đây là dịp cô dâu chú rể tạo ấn tượng đầu tiên, đáng nhớ với quan khách. Thay vì chỉ bắt tay và mời khách vào tiệc, bạn có thể tranh thủ chụp ảnh nhanh với những người thân thiết hay không quên trò chuyện, thăm hỏi các vị khách quen biết. Để làm tốt vai trò người "chủ nhà", bạn nên mời ít khách để có nhiều thời gian quan tâm tới mọi người xung quanh.
Trong thời gian chờ tới giờ cử hành hôn lễ, các đôi uyên ương có thể sắp xếp một bàn tiệc cocktail nhỏ với đồ uống và đồ ăn đơn giản, nhẹ nhàng để các vị khách thưởng thức tiệc nhẹ trước đám cưới. Đây cũng là cách thú vị, chu đáo để đón khách, để họ thư giãn, hòa vào không khí đám cưới trước khi chính thức tham gia vào lễ thành hôn.
2. Xếp chỗ ngồi riêng
Nếu muốn từng vị khách của mình hài lòng, cô dâu chú rể không thể xem thường việc xếp chỗ trong tiệc cưới. Điều quan trọng nhất là vị trí ngồi phải phù hợp với cá tính, độ tuổi của khách mời. Hầu hết mọi người đều muốn được ngồi cùng bàn với những người quen biết, vì vậy bạn cần chia khách theo nhóm để sắp xếp hợp lý. Chắc chắn những bạn trẻ sẽ không muốn ngồi dùng tiệc với các vị khách lớn tuổi vì họ sẽ phải ý tứ, giữ kẽ và khó trò chuyện hơn. Ngược lại, các vị khách có tuổi sẽ không thích ngồi giữa đám thanh niên ồn ào hay ngồi gần loa với âm thanh quá lớn.
Ngoài ra, cũng nên xếp những nhóm khách có cùng độ tuổi, hình thức công việc tương đồng ngồi cùng nhau để có điểm chung, dễ dàng bắt chuyện, làm quen. Chính việc sắp xếp khéo léo này sẽ giúp khách mời dễ chịu và ấn tượng về sự chu đáo của cô dâu chú rể.
3. Nói lời cảm ơn hoặc tặng quà tri ân
Trong nghi thức cưới thường gặp, sau khi cô dâu chú rể hoàn thành lễ kết hôn, cha mẹ hai bên sẽ phát biểu cảm ơn khách mời. Nhưng nếu muốn làm hài lòng mọi người trong tiệc, cô dâu hoặc chú rể nên là người trực tiếp cảm ơn các vị khách.
Đặc biệt, nếu đám cưới đông, khách mời lên tới hàng trăm người và cô dâu chú rể không đủ thời gian tới từng bàn tiệc mời rượu, cảm ơn thì nên tận dụng chính lúc thành hôn để gửi lời tri ân tới mọi người. Chắc chắn mọi người sẽ cảm thấy mình được tôn trọng, và sự hiện diện của họ cũng sẽ có nhiều ý nghĩa.
4. Đặt mình vào vị trí khách mời để lựa chọn mọi việc
Đôi uyên ương nên đặt mình vào vị trí khách mời khi quyết định mọi việc. Ví dụ, bạn không nên để âm thanh trong tiệc quá to, hay bật nhạc quá sôi động, không phù hợp với phần đông thị hiếu của mọi người. Âm thanh và nhạc trong đám cưới chính là yếu tố quan trọng ảnh hưởng tới không khí buổi lễ và tâm trang của khách. Cô dâu chú rể nên chọn những bản nhạc nhẹ nhàng, quen thuộc hoặc những bài hát nói về tình yêu lãng mạn để chơi trong đám cưới, tạo không khí êm dịu, dễ chịu.
Ngoài ra, có một số vấn đề cô dâu chú rể cần quan tâm như chọn địa điểm tổ chức tiệc nằm ở khu gần trung tâm hoặc dễ tìm, tổ chức cưới vào giờ thuận tiện cho khách mời tới dự... Tất cả những điều tưởng chừng như nhỏ nhặt nhưng sẽ góp phần lớn tạo nên nghệ thuật đón khách và sự chu đáo của bạn.
Các công việc nên chuẩn bị sớm cho đám cưới
Khi đã quyết định tổ chức hôn lễ, cô dâu chú rể nên dần chuẩn bị những việc cần thiết ngay từ sớm để vừa thảnh thơi, lại tìm được dịch vụ giá cả hợp lý.
cô dâu chú rể không nên chậm trễ khi bắt tay vào mua sắm và đặt dịch vụ cho hôn lễ ngay từ ngày hè. |
Trong đám cưới, có những việc phải chờ tới đúng hôn lễ mới được sử dụng như trang điểm, làm tóc cô dâu. Nhưng cũng có nhiều công việc cô dâu chú rể có thể đặt trước hay chuẩn bị từ nhiều tháng trước ngày cưới. Ví dụ, nếu cưới vào mùa thu, bạn nên có kế hoạch tìm dịch vụ từ mùa hè là mùa ít đám cưới. Việc đặt trước các dịch vụ cưới này không chỉ giúp các đôi uyên ương thảnh thơi mà còn giúp bạn tiết kiệm chi phí đáng kể vì vào mùa ít đám cưới, các nhà cung cấp sẽ giảm giá nhiều loại dịch vụ.
- Đặt mua váy cưới: Váy cưới mùa hè luôn giảm giá, nên tốt nhất cô dâu cần tranh thủ dịp này để chọn cho mình chiếc váy ưng ý. Bạn cần lưu ý tìm những mẫu váy đan dây ở phía lưng, vì phần dây này có thể nới rộng hay thu nhỏ, tùy thuộc với việc cô dâu tăng hay giảm cân trước đám cưới. Ngoài ra bạn không nên mua vets chú rể trước vì các chàng trai cũng dễ thay đổi cân nặng, làm bộ lễ phục không vừa. Mà áo vest chú rể lại khó sửa chữa nên tốt nhất cần đợi trước hôn lễ khoảng 1 tháng mới đi đặt may vest.
- Tìm wedding planner hoặc dịch vụ trang trí: Nếu đã nghĩ đến việc thuê wedding planner lo trọn vẹn cho đám cưới, cô dâu chú rể nên tìm tới nhà cung cấp sớm nhất có thể vì thời gian wedding planner tìm hiểu cô dâu chú rể càng lâu, họ sẽ càng hiểu phong cách, tâm lý đôi uyên ương, từ đó mới sáng tạo ra đám cưới phù hợp nhất.
- Chọn nhà hàng cưới và đặt cọc: Với những sảnh tiệc lớn, nổi tiếng, đôi khi cô dâu chú rể phải đặt chỗ sớm cả năm, vì vậy tìm khách sạn ngay từ mùa hè cho đám cưới cuối năm không phải là quá sớm mà thực tế, đó lại là điều cần thiết mà đôi uyên ương không thể bỏ qua. Khi ký hợp đồng với địa điểm cưới, bạn đừng quên đưa ra yêu cầu phải giữ nguyên giá tiền thực đơn cưới tới tận ngày cuối năm, tránh tăng giá bất hợp lý.
- Tìm ý tưởng, chủ đề cho đám cưới: Việc tìm phong cách trang trí cho đám cưới không bao giờ là sớm, nhưng cô dâu chú rể nên nghiêm túc nghĩ tới chủ đề đám cưới vào mùa hè để bắt đầu thu thập các phụ kiện cần thiết. Mùa hè cũng là mùa giảm giá nên việc xác định chủ đề đã chọn sẽ giúp bạn nhanh chóng và dễ dàng mua được nhiều phụ kiện trang trí với mức giá hợp lý.
- Thiết kế các loại phông, thiệp: Cô dâu chú rể nên dành khoảng 1 tháng để thiết kế các loại phông, thiệp hay backdrop chụp ảnh nói chung. Việc này diễn ra càng sớm, bạn sẽ càng có nhiều thời gian để chuẩn bị cho các vấn đề khác.
Cô dâu chú rể có thể chuẩn bị thiệp cưới từ nhiều tháng trước hôn lễ. |
- Chụp ảnh cưới: Chụp ảnh cưới vào mùa hè là lời khuyên mà nhiều nhiếp ảnh gia dành cho cô dâu chú rể.
+ Thứ nhất, khung cảnh mùa hè với ánh nắng rực rỡ sẽ làm cho bộ ảnh đẹp hơn. Nếu ngại nắng nóng, bạn có thể giảm bớt các khung hình ngoại cảnh, thay vào đó chụp tại các quán cafe, hay không gian đẹp trong nhà. Ngoài ra, chụp ảnh vào bình minh hay hoàng hôn cũng sẽ khiến đôi uyên ương tránh ánh nắng gay gắt.
+ Ưu điểm thứ hai khi chụp ảnh cưới mùa hè là giá chụp ảnh rẻ hơn vào mùa cưới, đồng thời các studio cũng chưa bắt đầu thời kỳ bận rộn nên sẽ tận tình phục vụ các đôi uyên ương.
- Mua nhẫn cưới: Với giá vàng tăng, giảm bất thường như hiện nay, các cô dâu chú rể nên tìm mua cặp nhẫn cưới ngay khi có thể. Các cửa hàng trang sức hầu hết đều có dịch vụ bảo hành trọn đời, nên tới sát ngày cưới, bạn có thể mang nhẫn đi đánh bóng hay chỉnh sửa kích cỡ tùy theo tay mình mà không phải trả thêm chi phí nào khác.
Việc chuẩn bị sớm sẽ khiến mọi việc diễn ra đúng như kế hoạch và làm đám cưới suôn sẻ, vì vậy cô dâu chú rể không nên chậm trễ khi bắt tay vào mua sắm và đặt dịch vụ cho hôn lễ ngay từ ngày hè.
Chọn đội bê tráp cho lễ ăn hỏi
Phong tục cưới hỏi của người Hà Nội
Chuẩn bị cho lễ ăn hỏi
Chọn áo dài ăn hỏi cho cô dâu thật đẹp, nổi bật
Chuẩn bị trước lễ ăn hỏi
(ST)