Yoga - Những kiến thức cơ bản

seminoon seminoon @seminoon

Yoga - Những kiến thức cơ bản

18/04/2015 10:37 AM
309
Yoga

Yoga là một nghệ thuật cổ xưa có nền tảng là một môn khoa học cực kỳ tinh tế nghiên cứu về thể xác, tâm trí và tinh thần. Việc thực hành lâu dài yoga sẽ dần dần cho phép hành giả cảm nhận được sự yên tĩnh và sự hợp nhất của bản thân với môi trường xung quanh.

Phần lớn mọi người đều biết rằng thực hành yoga sẽ làm cho cơ thể khoẻ mạnh, dẻo dai và yoga cải thiện chức năng hoạt động của các hệ hô hấp, tuần hoàn, tiêu hoá, nội tiết. Đồng thời yoga cũng đem lại sự ổn định và sáng suốt cho ý chí của bạn. Nhưng đó mới chỉ là bước khởi đầu trong cuộc hành trình đi tới samadhi , hay còn gọi là sự tự ngộ ra bản ngã của mình. Đây chính là mục đích cuối cùng của yoga.

Từ yoga có nguồn gốc từ tiếng Phạn là yuj , có nghĩa là “hợp nhất lại” hoặc “kết nối lại”, còn một nghĩa khác có liên quan là “đặt trọng tâm vào” hoặc “sử dụng”. Trong thuật ngữ triết học thì sự hợp nhất giữa cá nhân jivatma và vũ trụ paramatma chính là yoga. Sự hợp nhất xuất hiện trong một trạng thái hoàn hảo và tinh khiết của ý thức, mà trong đó không hề có chỗ đứng cho “cái tôi”. Trước trạng thái này sẽ là trạng thái hợp nhất giữa thể xác và tinh thần, và giữa tinh thần và “cái tôi”.

Mục tiêu của yoga là làm dịu đi sự náo loạn của các xúc cảm và các suy nghĩ mâu thuẫn. Ý chí, trong khi chịu trách nhiệm về các suy tư và những thôi thúc của chúng ta, lại luôn có khuynh hướng ích kỷ. Đây cũng chính là cội nguồn của những định kiến, thiên vị, gây ra các nỗi đau và phiền muộn cho cuộc sống đời thường của chúng ta. Chỉ có yoga mới xoá bỏ được những nỗi đau khổ này và rèn luyện tinh thần, cảm xúc, trí tuệ và lý trí của chúng ta.

SINH TÂM HỌC YOGA
Có lẽ đặc tính quan trọng nhất của sinh vật, cái phân biệt nó với chất vô cơ, là khả năng tương tác và thích ứng của nó với môi trường xung quanh. Sau hàng triệu năm tương tác và thích ứng, thế giới hữu cơ đã sản sinh ra đứa con quí giá nhất của mình,
con người mà ở đó khả năng này lại càng được nâng cao. Ai cũng có thể công nhận rằng con người sẽ thích ứng được với những mối đe doạ không lường trước của tương lai, một điều kiện cho sự tồn tại và thành công về mặt sinh học. Do vậy, con người đã có được một tâm trí và cơ thể phức tạp nhất với một hệ thống sinh học phức tạp. Hệ thống sinh học và tâm trí như vậy rất thiết yếu cho sự tiến hoá tiếp tục của loài người.

Khả năng thích ứng dường như vô giới hạn có được bởi vì con người có được khả năng tương tác giữa cơ thể và tâm trí. Những thay đổi của môi trường ảnh hưởng đến cơ thể được phản ánh trong tâm trí và những điều ảnh hưởng đến tâm trí đó biểu hiện ra trên cơ thể. Để thực hiện tương tác đó cần có một phương tiện phức tạp nhờ đó tâm trí có thể chuyển đổi các ý tưởng, cảm xúc và tưởng tượng đến cho cơ thể; ngược lại, cơ thể có thể truyền những đau đớn và thích thú của nó đến tâm trí.

Phương tiện thông qua đó tâm trí và cơ thể tương tác là các tế bào thần kinh và hóc môn. Chính nhờ các yếu tố này mà con người đáp ứng nhu cầu của phân tử, cái trừu tượng được biểu hiện và cái vô hình được hình thành. Hơn nữa, khả năng thích ứng lại nằm ở những tế bào thần kinh và tuyến, nơi tiết ra các hóc môn. Nền Khoa học Mới phụ thuộc nhiều vào hai yếu tố này.

Một phần tâm trí của chúng ta được thừa hưởng, hoặc đúng hơn tái sinh mang theo các nghiệp (samskara) của các kiếp trước. Tuy nhiên một phần khác được tích luỹ trong suốt cuộc đời, là kết quả của những điều chúng ta làm trong kiếp sống hiện nay. Sự kết hợp của hai loại nghiệp đó khiến chúng ta trở thành con người toàn bộ như đang có.
Samskara hay nghiệp là nguồn động lực của tâm trí cho phép nó biểu hiện các ham muốn của mình. Các lực tâm trí hay khuynh hướng phải được chuyển đổi thành lực vật chất. Các điểm mà ở đó diễn ra các quá trình chuyển đổi tâm trí đó được gọi là các luân xa. Mỗi điểm hoặc trung tâm chuyển đổi đó liên quan tới các tuyến nội tiết tiết xuất ra hóc môn.
Sự tiết xuất hóc môn không phải là tự động như nhiều người vẫn tưởng. Đúng hơn nó chịu ảnh hưởng của các tư tưởng và tình cảm của chúng ta. Ngược lại, các hóc môn cũng ảnh hưởng và biểu hiện các hoạt động tâm trí của chúng ta như suy nghĩ, ghi nhớ và ứng xử. Do vậy chúng là hệ thống kiểm soát hai chiều giữa cơ thể và tâm trí.

Bộ não của chúng ta là tập hợp của các tế bào thần kinh, chúng phụ thuộc và phát triển nhờ vào nhiều loại hóc môn. Chúng điều tiết và bị điều tiết bởi sự tiết xuất hóc môn. Một số luân xa nằm trong bộ não của chúng ta dành cho quá trình chuyển đổi tâm trí.
Những tuyến nội tiết quan trọng nhất với chức năng điều tiết nằm ngay trong bộ não của chúng ta. Sự gần gũi như vậy là bằng chứng cho mối quan hệ phức tạp giữa chúng và vì cùng mục tiêu chung. Các tế bào thần kinh chịu trách nhiệm cho tất cả các hành động và phản hành động, cũng như điều chỉnh hành vi của chúng ta.

Lymph hay bạch huyết là một chất có nhiều nghĩa khác nhau ở các nền văn hoá khác nhau. Tuy nhiên họ đều đồng ý rằng đó là một cái gì đó được trích xuất từ những chất sống bên trong cơ thể chúng ta. Kiến thức khách quan về lymph rất hữu hạn bởi vì sức sống và chất lượng cuộc sống không thể đo lường được.
Nền Khoa học Mới gợi ý rằng lymph là thiết yếu cho các tế bào thần kinh và cho sự tiết xuất hóc môn. Không đủ lymph, cơ thể mất đi sức sống và sự bóng bẩy, dẫn đến nhiều sự rối loạn khác nhau của các tế bào thần kinh và tuyến nội tiết.

Bệnh suy giảm hệ thống miễn dịch AIDS chủ yếu là sự rối loạn của hệ thống lymph, trong đó tất cả các năng lượng và sức sống của lymph bị các vi rút HIV lấy hết. Vi rút HIV đặc biệt gây hại cho hệ thống miễn dịch mà các tuyến bạch huyết là một phần không tách rời.
Các tuyến bạch huyết bổ sung các tế bào bạch huyết (các tế bào miễn dịch và tiêu diệt tự nhiên) và các kháng thể (các protein miễn dịch) vào bạch huyết khi nó đi qua các tuyến này.
Vi rút HIV tiêu diệt các tế bào ở tuyến bạch huyết nơi tạo ra các yếu tố trên, khiến cho cơ thể mất sức đề kháng chống lại sự nhiễm khuẩn từ bên ngoài. Sự phá huỷ của hệ thống miễn dịch khiến cho cơ thể chịu nhiều rối loạn liên quan tới hầu hết các hệ thống trong cơ thể người. Dần dà sức sống ở các cơ quan, như não, tim, phổi, tuyến nội tiết, dạ dày, ruột bị mất dần. Người bệnh đang bị chết dần.

Bởi vậy, tâm trí, luân xa, tuyến, tế bào thần kinh và bạch huyết là năm nhân tố cơ bản của quá trình tương tác giữa cơ thể và tâm trí.
Astaunga Yoga: Tám bước đạt tới sự hoàn thiện

Mục tiêu của Yoga là đạt tới hạnh phúc hoàn hảo và phương pháp đạt tới mục tiêu đó nằm ở sự phát triển toàn diện của cơ thể và tâm trí. Mặc dù cơ thể và tâm trí có thể được hoàn thiện dần dần qua các phương pháp tự nhiên, nhưng cũng có phương pháp được xây dựng để phát triển cá nhân nhanh hơn.
Có tám phần của phương pháp này, và do mục tiêu của phương pháp là hợp nhất (yoga) với Ý thức Vũ trụ nên nó cũng được gọi là Astaunga Yoga, hay yoga tám bước.
Hai bước đầu tiên là thực hành Yama và Niyama, hay các nguyên tắc đạo đức hướng dẫn sự phát triển của con người.
Sự cần thiết của đạo đức ở đây là ở chỗ nhờ kiểm soát hành vi, chúng ta có thể đạt tới trạng thái sống cao hơn. Vấn đề không phải là chỉ đơn thuần theo một nguyên tắc nào đó chỉ vì đó là một nguyên tắc. Đúng hơn, mục tiêu là để đạt tới sự hoàn thiện của tâm trí.
Khi tâm trí đã hoàn thiện thì không còn vấn đề “các nguyên tắc” bởi vì lúc đó ý muốn làm điều gì tổn hại đến bản thân hoặc người khác không còn tồn tại trong tâm trí nữa – đó là trạng thái cân bằng hoàn hảo. Yama có nghĩa là “cái kiểm soát”, và việc thực hành Yama có nghĩa là kiểm soát các hành vi liên quan đến ngoại giới.
Trong cuốn sách Hướng dẫn hành vi con người, Shrii Shrii Anandamurti đã giải thích rõ ràng các khía cạnh khác nhau của Yama và Niyama, một cách giải thích rất rõ ràng và cũng thực tế cho con người của thế kỷ 21.

Bước thứ ba của Astaunga Yoga là Asana. Một asana là một tư thế được giữ cố định một cách thoải mái. Đây là phần nổi tiếng nhất của yoga, nhưng nó cũng thường bị hiểu sai. Asana không phải là các bài tập thông thường như thể dục. Asana là những bài tập đặc biệt có hiệu quả cụ thể lên các tuyến nội tiết, các khớp, cơ bắp, dây chằng và dây thần kinh.

Khía cạnh quan trọng nhất của asana là tác động lên các tuyến nội tiết, nơi tiết xuất hóc môn trực tiếp vào máu. Các tuyến nội tiết bao gồm tuyến tuỵ, tuyến ức, tuyến giáp trạng, tuyến cận giáp trạng, tuyến thượng thận và tuyến sinh dục (tinh hoàn và buồng trứng). Nếu một trong các tuyến trên tiết xuất quá ít hoặc quá nhiều thì cơ thể sẽ có vấn đề.

Bên cạnh việc mang lại sức khoẻ thể chất, các asana có một ảnh hưởng quan trọng đối với tâm trí. Khi hoạt động của các tuyến được cân bằng, điều này giúp cho sự cân bằng của tâm trí. Cũng nhờ làm mạnh lên các trung tâm thần kinh các asana giúp kiểm soát các khuynh hướng tâm trí (vrttis) ở các trung tâm này. Có năm mươi các khuynh hướng tâm trí được phân bổ ở sáu luân xa thấp của cơ thể.

Phần thứ tư của Astaunga Yoga là Pranayama hay kiểm soát năng lượng sức sống. Pranayama cũng là phần luyện tập nổi tiếng của yoga nhưng nguyên tắc của cách luyện tập này thường không được giải thích rõ.

Yoga định nghĩa cuộc sống như trạng thái tồn tại song song của sóng thể chất và tâm trí trong quan hệ với năng lượng sức sống. Các năng lượng sức sống này gọi là các vayu hay “khí”.
Có mười loại khí vayu trong cơ thể con người, chúng chịu trách nhiệm về các hoạt động chuyển động bao gồm thở, lưu thông máu, bài tiết, vận động tứ chi v.v... Điểm kiểm soát của tất cả các khí vayu này là một cơ quan gọi là Pranendriya. (Pranendriya, giống như các luân xa, không phải là một cơ quan giải phẫu).
Cơ quan Pranendriya này cũng có chức năng nối các giác quan với một điểm trên não. Pranendriya nằm ở giữa ngực và nó đập theo nhịp hô hấp.

Trong pranayama có một quá trình đặc biệt điều chỉnh hơi thở để nhịp của Pranendriya dừng lại và tâm trí trở nên yên tĩnh. Điều này giúp cho thiền định rất nhiều. Pranayama cũng điều chỉnh lại sự cân bằng của năng lượng sức sống trong cơ thể.
Luyện tập Pranayama là một bài tập phức tạp và có thể nguy hiểm nếu không được chỉ dạy và hướng dẫn bởi một người thầy có khả năng.

Bước thứ năm của Astaunga Yoga là Pratyahara có nghĩa là rút tâm trí khỏi sự gắn bó với các đối tượng bên ngoài. Trong thiền định yoga, đó là quá trình người tập thiền thu rút tâm trí về một điểm trước khi nhắc câu chú mantra.

Phần thứ sáu của Astaunga Yoga là Dharana. Dharana có nghĩa là tập trung tâm trí vào một điểm cụ thể. Trong bài thiền cơ bản, người tập đưa tâm trí tới một luân xa nhất định, đó là hạt nhân tâm trí và tâm linh của người đó. Điểm này (gọi là Ista Cakra) khác nhau ở từng người và do người thầy dạy thiền chỉ dẫn khi khai tâm.
 Khi tâm trí được tập trung vào điểm đó, quá trình niệm câu chú mantra bắt đầu. Khi mất tập trung, người tập phải lặp lại quá trình đưa tâm trí trở về điểm tập trung đó. Việc luyện tập mang tâm trí đến một điểm tập trung là một dạng của Dharana.

Khi một người thành thạo kỹ năng Dharana, người đó có thể học bước thứ bảy của Astaunga Yoga là Dhyana. Trong quá trình này, trước hết tâm trí được mang đến một luân xa cụ thể, sau đó được hướng theo một luồng chảy liên tục tới Ý thức Tối cao.
 Luồng chảy này tiếp tục tới khi tâm trí hoàn toàn bị thu hút vào Ý thức Tối cao. Quá trình này phức tạp và chỉ được dạy khi người tập đã luyện tất cả các bước trước đó, đặc biệt là Dharana.

Dhyana giúp hoàn thiện lớp tâm trí tinh vi nhất và dẫn người tập tới bước cuối cùng của Astaunga Yoga là samadhi.

Samadhi không giống bảy bước nêu trên bởi nó không phải là một bài tập mà đúng hơn là kết quả của các phần khác của Astaunga Yoga. Đó là thu hút tâm trí vào Ý thức Tối cao.
Có hai dạng samadhi, nirvikalpa và savikalpa. Savikalpa là trạng thái nhập định chưa hoàn toàn. Trong savikalpa samadhi người tập cảm thấy “Tôi là Ý Thức Tối cao”, nhưng trong nirvikalpa samadhi không còn cảm giác cái “Tôi” nữa. Ý thức cá nhân hoàn toàn hoà nhập với Ý thức Vũ trụ.

Những ai kinh nghiệm trạng thái này không thể giải thích hoặc miêu tả được nó bởi vì nó diễn ra khi tâm trí ngưng hoạt động.
Cách duy nhất mà họ có thể biết được họ đã kinh nghiệm trạng thái này là sau khi tâm trí thoát khỏi trạng thái nhập định. Khi đó họ kinh nghiệm các sóng của hạnh phúc tột cùng và có thể biết rằng họ đã trải qua trạng thái nirvikalpa samadhi.
Việc đạt tới trạng thái samadhi là kết quả của nhiều năm luyện tập trong kiếp này, hoặc kiếp trước hoặc nhờ ân huệ của người Thầy. Nó là đỉnh cao của hàng triệu năm tiến hoá từ những dạng sống thấp hơn cho tới kiếp người và cuối cùng là hoà nhập với Cội nguồn của tất cả hiện hữu.

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý