Tiếng Việt cho người nước ngoài, hướng tiếp cận trong những bài học đầu tiên
Những năm gần đây, tại các trường đại học, các lớp, các chương trình dạy tiếng Việt cho người nước ngoài liên tục được mở ra. Cùng với đó là việc xuất hiện hàng loạt giáo trình dạy tiếng Việt ở mọi trình độ. Một số học viên, bằng cách này hay cách khác, ít nhiều đã biết tiếng Việt khi đăng ký học tại các cơ sở đào tạo chính quy. Số còn lại phần lớn là những người lần đầu làm quen với tiếng Việt (beginer). Với đối tượng này, dạy cái gì, dạy như thế nào trong những buổi học đầu tiên là vấn đề khiến nhiều giáo viên còn lúng túng. Dưới đây, xin đề xuất một hướng dạy bài mở đầu cho những đối tượng học viên đã nêu trên.
Bước 1: Giới thiệu bảng chữ cái (Alphabet) và cách phát âm
a.Làm quen với bảng chữ cái là bước đầu tiên nhưng hết sức quan trọng đưa người học tiếp cận với một ngôn ngữ mới. Bất kỳ ai học tiếng Anh cũng biết ngôn ngữ phổ biến nhất thế giới này có 26 chữ cái, bắt đầu bằng A và kết thúc bằng Z. Các con chữ A, B, C, phát âm là ây, bi, xi… đã trở nên vô cùng quen thuộc với mọi người. Bảng chữ cái tiếng Hàn (người Hàn Quốc gọi là Hangul) có tất cả 40 con chữ. Việc gọi đúng tên 21 nguyên âm và 19 phụ âm của Hangul cũng là yêu cầu bắt buộc trong những buổi học đầu tiên đối với ai muốn tiếp cận ngôn ngữ này.
Trong quá trình giao tiếp, nhiều người nước ngoài có thể nói tiếng Việt nhưng không biết gọi tên các con chữ trong bảng chữ cái. Khi cần sử dụng, họ lấy cách phát âm bảng chữ cái tiếng Anh (A – ây, B – bi, C – xi…) để thay thế. Từ thực tế đó, chúng tôi đề xuất: nhất thiết phải giới thiệu bảng chữ cái tiếng Việt cho người học (learner) trong những buổi học đầu tiên.
Tiếng Việt có 29 chữ cái, theo thứ tự như sau:
A,Ă, Â,B,C,D,Đ,E,Ê,G,H,I,K,L,M,N,O,Ô,Ơ,P,Q,R,S,T,U,Ư,V,X,Y
Cho đến nay, vẫn tồn tại hai cách phát âm bảng chữ cái tiếng Việt, một theo tên gọi (có từ lúc Alexandre de Rhodes truyền bá quốc ngữ) và một theo phiên âm (có từ sau 1945).
Dưới đây là bảng chữ cái tiếng Việt và hai cách phát âm như đã nói ở trên:
STT |
Chữ cái |
Phát âm theo tên gọi |
Phát âm theo âm |
1 |
A/a |
a |
a |
2 |
Ă/ă |
á |
á |
3 |
Â/â |
ớ |
ớ |
4 |
B/b |
bê |
bờ |
5 |
C/c |
xê |
cờ |
6 |
D/d |
dê |
dờ |
7 |
Đ/đ |
đê |
đờ |
8 |
E/e |
e |
e |
9 |
Ê/ê |
ê |
ê |
10 |
G/g |
giê |
gờ |
11 |
H/h |
hát |
hờ |
12 |
I/i |
i/ i ngắn |
i |
13 |
K/k |
ca |
cờ |
14 |
L/l |
e lờ |
lờ |
15 |
M/m |
em mờ |
mờ |
16 |
N/n |
en nờ |
nờ |
17 |
O/o |
o |
o |
18 |
Ô/ô |
ô |
ô |
19 |
Ơ/ơ |
ơ |
ơ |
20 |
P/p |
pê |
pờ |
21 |
Q/q |
quy/cu/quờ |
cờ |
22 |
R/r |
e rờ |
rờ |
23 |
S/s |
ét sì/ sờ nặng |
sờ |
24 |
T/t |
tê |
tờ |
25 |
U/u |
u |
u |
26 |
Ư/ư |
ư |
ư |
27 |
V/v |
vê |
vờ |
28 |
X/x |
ích xì/ xờ nhẹ |
xờ |
29 |
Y/y |
i grec/ y dài |
i |
Trong quá trình giới thiệu bảng chữ cái, cần lưu ý học viên một số vấn đề sau:
- Cách phát âm thứ nhất (theo tên gọi) dùng để gọi tên các con chữ, vd: London: e-lờ, o, en-nờ, dê, o, en-nờ…
- Cách phát âm thứ hai (theo âm) dùng để đánh vần các từ, vd: ba = bờ a ba; ca = cờ a ca, tôi = tờ ôi tôi. Không sử dụng cách phát âm theo tên gọi trong trường hợp này, vd: ba = bê a ba, ca = xê a ca, tôi = tê ôi tôi…
Tiếp theo, giáo viên yêu cầu học viên thực hành ngay. Vd: Một học viên Hàn Quốc có tên được viết là Lee Sun Hee (theo phiên âm tiếng Anh), người Việt đọc là: Lee Sun Hee = Li Sun He , nhưng người Hàn Quốc đọc là: Lee Sun Hee = Li Sơn Hi. Như vậy, nếu chỉ bằng phương pháp nghe - hiểu, người Việt thường không thể viết đúng tên của người Hàn Quốc. Lúc này, giáo viên hướng dẫn học viên dùng cách thứ nhất - gọi tên các con chữ trong bảng chữ cái - để giúp người nghe viết đúng tên của họ: Lee Sun Hee =E-lờ, e, e (Lee); Ét- sì, u, en-nờ (Sun), Hát, e, e (Hee). Kết quả, sinh viên học tiếng Việt đã có thể gọi tên chữ cái theo cách phát âm của người Việt. Giáo viên có thể lấy thêm vài ví dụ nữa để học viên thực hành (Newyork, Samsung, Tokyo…).
b. Bảng chữ cái Tiếng Việt có tất cả 12 nguyên âm: a,ă,â,o,ô,ơ,e,ê,u,ư,i,y . Đối với người nước ngoài, phát âm chính xác 12 nguyên âm này là thử thách không đơn giản. Ngoài phương pháp nghe - nhắc lại (listen - repeat), người dạy cần có thêm những hướng dẫn, giải thích cụ thể, đưa ra một số nguyên tắc cơ bản nhằm giúp học viên phát âm những nguyên âm khó nói trên dễ dàng hơn. Dưới đây là một trong những gợi ý:
b1. Nhóm nguyên âm a, ă, â
-a: khẩu hình mở to, càng to càng tốt, ngang, hơi đưa ra ngoài.
-ă: phát âm như “a” nhưng âm vực đưa lên cao (sau khi đã giới thiệu hệ thống thanh điệu, có thể hướng dẫn học viên phát âm “ă” như “a” thêm dấu sắc (ă = á).
-â: khẩu hình mở nhỏ hơn khi phát âm a, ă.
Chú ý:“a” phát âm dài hơn trong một số âm như am, an, ang, ac, ap, at.
“ă”, “â” phát âm ngắn hơn trong một số âm như ăm, ăn, ăng, ăc, ăp, ăt âm, ân, âng, âc, âp, ât.
vd: am, an, ang, ac, ap, ata----------------
ăm, ăn, ăng, ăc, ăp, ătă---
âm, ân, âng, âc, âp, âtâ---
b2. Nhóm nguyên âm o, ô, ơ
Với 3 nguyên âm này nên vẽ hình biểu thị cách phát âm:
-o = hình tròn, phát âm sâu trong cổ họng.
-ô = hình dẹt cao, phát âm tròn môi, luồng hơi đưa ra ngoài.
-ơ = hình dẹt ngang, luồng hơi đưa ra ngoài.
Lúc này, giáo viên có thể so sánh “ơ” và “â” nhằm giúp học viên phát âm hai nguyên âm này đơn giản hơn:
- ơ: hình dẹt ngang, luồng hơi đưa ra ngoài.
- â: phát âm như “ơ” nhưng âm vực đưa lên cao, tương tự thêm dấu sắc (â = ớ).
b3. Nhóm nguyên âm e, ê
-e: Theo giáo trình Tiếng Việt của Nguyễn Anh Quế, nguyên âm “e” phát âm giống e trong emprie. Cũng có thể dùng tiếng kêu của con dê (a goat) để hướng dẫn học viên phát âm nguyên âm này (me, me). Nguyên tắc: phát âm sâu trong cổ họng.
-ê: luồng hơi đưa ra ngoài.
Nhiều học viên cho rằng, không có sự khác biệt khi phát âm nhóm nguyên âm “e”, “ê”. Từ thực tế đó, trong quá trình hướng dẫn, giáo viên cần phát âm mẫu nhiều lần cặp nguyên âm này cùng một lúc nhằm giúp học viên nhận ra sự khác biệt giữa chúng.
b3. Nhóm nguyên âm u, ư, i, y
Đây là nhóm nguyên âm dễ, học viên có thể phát âm không quá khó khăn.
Với hai nguyên âm “i”, “y” cần lưu ý: khi đứng một mình, chúng được phát âm giống nhau, nhưng khi kết hợp với các âm tiết tạo thành từ thì cách phát âm thay đổi.
Vd: Mai→ i ngắn, phát âm dài.
May → y dài, phát âm ngắn.
Bước 2: Giới thiệu hệ thống thanh điệu (dấu) và cách phát âm:
Tiếng Việt có 6 thanh (6 dấu):
Ma - Thanh không hoặc không dấu. Cách phát âm: âm vực đưa ngang, luồng hơi kéo dài.
Mà - Thanh huyền hoặc dấu huyền. Cách phát âm: âm vực đưa xuống, luồng hơi kéo dài.
Má - Thanh sắc hoặc dấu sắc. Cách phát âm: âm vực đưa lên cao, luồng hơi đi lên, kéo dài.
Mả - Thanh hỏi hoặc dấu hỏi. Cách phát âm: uốn theo hình vòng cung, phần cuối
của luồng hơi đi lên (Gíao viên đọc mẫu, học viên đọc theo, có thể dùng phương pháp trực quan).
Mã - Thanh ngã hoặc dấu ngã. Cách phát âm: âm vực cao, luồng hơi đi lên
nhưng không theo đường thẳng như dấu sắc mà giữa luồng hơi có khúc gãy.
Mạ - Thanh nặng hoặc dấu nặng. Cách phát âm: luồng hơi đi xuống, thấp và ngắn.
Nếu phát âm đi xuống nhưng kéo dài sẽ dễ nhầm sang dấu huyền. Với dấu nặng,
không cần phát âm quá mạnh, chỉ cần nhớ 3 nguyên tắc: đi xuống thấp, ngắn và nhẹ.
Bước 3: Luyện đọc các nguyên âm ghép, phụ âm đôi
-Các nguyên âm ghép: iê, ươ, uô, ua, ưa
-Các phụ âm đôi: ph, th, ch, tr, nh, ng, ngh, kh.
Người Hàn Quốc và người Nhật gặp nhiều khó khăn khi phát âm các phụ âm đôi như ng, ngh, kh. Phụ âm thcũng không dễ đối với một số người. Phương pháp “mưa dầm thấm lâu”, luyện tập hàng ngày, mỗi ngày một chút (step by step, day by day) tỏ ra hữu hiệu đối với những trường hợp này. Lưu ý: học viên thường phát âm không chính xác trong những lần đầu tiên. Khi đó, giáo viên nên chuyển qua các âm khác dễ hơn, đợi đến cuối buổi học mới quay lại những nguyên âm, phụ âm khó ban đầu. Với cách làm như vậy, nhiều trường hợp mang lại hiệu quảkhông ngờ.
Trên đây là ba nội dung cơ bản mà người học cần được làm quen, hướng dẫn trong những buổi học đầu tiên. Người dạy phân chia thời gian tùy trình độ học viên, nhưng với ba nội dung trên, có thể dạy từ hai đến ba buổi. Tuy nhiên, đến tiết 2 của buổi hai hoặc đầu buổi ba, giáo viên có thể dạy xen những câu hội thoại đơn giản như hỏi tên, tuổi, sức khỏe… hoặc đếm số để tạo hứng thú cho người học. Việc nhắc lại, ôn tập lại thường xuyên kiến thức đã học cũng là việc làm cần thiết.
Một số vấn đề cần lưu ý khác
- Khi dạy, giáo viên cần tạo điều kiện để học viên thường xuyên được thực hành kỹ năng nói, tiếp đó là các kỹ năng nghe, đọc, viết tùy trình độ. Ngoài ra, cũng cần khuyến khích học viên đặt câu hỏi. Nhiều học viên trả lời tốt nhưng rất lúng túng khi hỏi một vấn đề nào đó.
- Luôn có ý thức giúp học viên sửa phát âm, nhắc lại thường xuyên những nguyên tắc phát âm thanh điệu cũng như các nguyên âm, phụ âm khó.
- Trong quá trình dạy, không nên chỉ phụ thuộc vào giáo trình. Trên cơ sở vốn từ của học viên, cần linh hoạt mở rộng nội dung hội thoại để tạo hứng thú. Tuy nhiên, mở rộng đến đâu cũng là vấn đề phải lưu ý, bởi nếu mở rộng quá, đưa thêm quá nhiều từ chưa thật cần thiết sẽ làm học viên rối.
(st)