Tập cho bé bú bình nhanh, hiệu quả
Công cuộc thay “ti” thật bằng “ti” giả cũng lắm nhiêu khê nhưng là việc cần thiết để dạy con cách tự lập và mẹ yên tâm đi làm sau thời gian ở cữ.
Khi bé được 4-5 tháng các mẹ cũng bắt đầu phải quay lại với công việc (trừ khi chồng bảo ở nhà chồng nuôi). Vì vậy, các mẹ ra sức tập luyện cho con bú bình. Ngay việc cho con quen với núm vú giả đã là chuyện khó, có ai thích đồ dởm đâu. Nhưng vẫn có những “tuyệt chiêu” giúp chị em dạy con biết cách bú bình, đồng thời, con cũng quen với việc tự cầm bình bú luôn.
"Cứ từ từ rồi khoai sẽ nhừ"
Mới sinh con ra xong, bạn đã muốn cho con làm quen ngay với bình bú. Không phải vì bạn sợ ngực mình xấu đi mà bởi nghe rất nhiều lời khuyên rằng như thế cho con quen đi, sau này cai sữa hay đi làm cũng dễ dàng hơn.
Thực ra, không cần phải lo lắng thái quá như vậy. Việc cho trẻ bú bình quá sớm có thể gây tác dụng ngược, bé không thèm bú mẹ nữa. Hơn nữa, việc cho bé bú bình trước 2 tháng tuổi được khuyến cáo là không nên.
Mẹ phải thật kiên trì khi dạy con bú bình. (Ảnh minh họa).
Chị em cứ bình tĩnh, tận hưởng cảm giác ôm ấp con vào lòng, cái miệng xinh xắn của con mút chùn chụt dòng sữa ngọt ngào trực tiếp từ cơ thể và lắng nghe tình mẫu tử thiêng liêng. Hãy chờ cho đến khi gần đi làm mới bắt đầu chiến dịch “ti giả thay ti thật” vẫn kịp. Chỉ cần 2 – 3 tuần là con đã hình thành thói quen ấy.
“Ti” giả càng giống “ti” thật càng tốt
Việc quan trọng đầu tiên khi bạn muốn con mình nhanh bú bình là núm vú bình sữa phải giống thật nhất có thể. Bé con cực kỳ nhạy cảm thường sẽ phát hiện ra ngay mình đang “bị lừa” nên mẹ phải chọn bình bú kỹ càng. Không chỉ xem xét hình dáng mà còn phải thử độ mềm, tốc độ sữa chảy của núm vú, cũng như để ý việc núm có mùi cao su hay không… Đây là việc làm rất quan trọng, quyết định bé có chấp nhận loại núm vú giả này hay không.
Cho bé mút “ti” giả trước
Sau khi mua “đồ nghề” về, mẹ nên tiệt trùng và cho bé chơi với ti giả để bé quen thay vì cứ thế đổ sữa, “nhét” vào miệng, bắt bé “chịu đựng” thứ “lạ lẫm” khi ăn. Các mẹ cứ cho bé cầm núm vú chơi, cho cắn, nhai thoải mái. Khi bé đã quen quen thì mới bắt đầu bước tiếp theo. Lưu ý là các mẹ mua một vài loại “ti” khác nhau để con lựa chọn, ti nào con thích nhất thì dùng.
Tập luyện cũng phải đúng lúc
Thời gian “đào tạo” này, mẹ nên lợi dụng lúc con đang đói, đang buồn ngủ, mắt lơ mơ để cho con bú bình... Khi đó, phản xạ bú mút của trẻ lên cao nên dễ bảo hơn. Tuy nhiên, không bao giờ cho con bú khi bé ngủ say hay nghẹt mũi.
Đừng thay đổi vị trí khi cho bé thử “ti” giả
Khi ẵm cho con bú thật như thế nào thì giờ hãy giữ y chang thế. Việc tiếp xúc tối đa giữa mẹ và con sẽ làm bé an tâm hơn, thấy quen thuộc hơn. Bạn nhớ giữ con chắc chắn, cẩn thận và nghiêng 45 độ, phòng trường hợp bé nôn trớ, sặc. Rồi sau đó hãy từ từ đưa núm vú giả vào miệng bé nhẹ nhàng theo hướng từ môi dưới lên. Đặt núm vú phía trên lưỡi của bé. Cần cho bé ngậm hết đầu vú thay vì mớm mớm.
Con sẽ nhanh chóng tự bú bình nếu mẹ hướng dẫn đúng cách. (Ảnh minh họa).
“Ti giả sữa mẹ thật”
Khi tập cho con bú bình, mẹ vắt sữa ra để con không thấy “mùi lạ”. Tạo cho con cảm giác thân thuộc, dễ dàng bú hơn. Sau đó, mẹ xem kẽ các bữa sữa mẹ và sữa ngoài theo liều lượng tăng dần đều. Ban đầu là 3 cữ sữa mẹ, 1 cữ sữa ngoài, sau lên 2 cữ sữa mẹ, 2 cữ sữa ngoài…
Mẹ cầm bình cho con
Khi mới cho con tập bú bình, mẹ cần học và chú ý cách cầm bình cho con. Cầm không đúng, con mút sữa không đủ hoặc mẹ mất tập trung khiến núm vú không đầy sữa, làm con nuốt phải khí, gây sặc, trớ. Mẹ cũng nên canh lượng sữa cho con thật phù hợp, không bắt con “ngốn” quá nhiều dù sữa trong bình vẫn còn, vì khi đó, bé dễ bị ọc trớ.
Cho con cơ hội “thể hiện”
Sau khi bé đã quen với việc bú bình, mỗi lần ăn, đặt tay con lên bình cho con quen cảm giác. Dần dần, để con cầm bình còn mẹ đỡ bình phía dưới. Khi thấy con cứng cáp và có kĩ thuật thì bỏ tay, để con tự xử. Chú ý là chọn bình nhỏ vừa với độ tuổi và lượng sữa con cần, nếu bình quá to và nặng, con bạn chắc chắn “chào thua” ngay từ đầu.
Chúc các mẹ thành công!
Những điều mẹ cần biết khi lần đầu cho bé bú bình
Dù bạn đang nuôi con bằng sữa mẹ, bạn cũng nên chuẩn bị những kiến thức về việc cho bé bú bình vì chắc chắn sẽ đến lúc bạn cần cho con ăn bằng cách này.
Dưới đây là những lời khuyên hữu ích để các mẹ chuẩn bị cho lần đầu tiên để bé ăn bằng bình sữa.- Vệ sinh bình sữa: Rửa sạch và khử trùng bình, núm vú như hướng dẫn trên bao bì trước khi bạn bắt đầu dùng bình sữa cho bé ăn.
- Làm ấm sữa trong bình: Sau khi khử trùng bình sữa khô ráo, cho lượng sữa mẹ hoặc sữa ngoài cần dùng vào trong bình để làm ấm sữa. Bạn có thể dùng thiết bị làm ấm bình sữa hoặc đơn giản là đặt bình sữa vào một bát nước ấm (không nên dùng lò vi sóng vì lò vi sóng làm ấm sữa không đều).
Sau đó, kiểm tra độ nóng của sữa bằng cách thử chạm bình lên phần da bên trong cánh tay bạn trước khi cho bé ăn hoặc nhỏ vài giọt sữa trong bình lên mu bàn tay.
- Tạo cho bé cảm giác thoải mái: chọn một nơi thoáng và dễ chịu để ngồi cùng bé trong lúc bé ăn và đừng quên cầm theo một chiếc khăn trong tay.
- Giúp bé bú bình: dùng một tay hoặc một chiếc gối để hơi dựng phần đầu và lưng của bé lên một chút trong khi tay còn lại cầm bình sữa.
- Nghỉ giải lao: bạn cần quan sát khi bé bú bình để có những lúc nghỉ giải lao hợp lý, tránh làm bé sặc sữa hoặc chớ sữa sau khi bú.
- Cố gắng thử và thử: nếu bé con của bạn đã quá quen với việc bú mẹ trực tiếp, thì có thể đầu tiên bé sẽ không chịu bú bình. Lúc này bạn không nên ép bé ngay từ lần đầu, hãy kiên nhẫn cho bé thử hàng ngày, chắc chắn sẽ đến lúc bé quen với việc bú bình như đã quen với bú mẹ.
Hầu hết các chuyên gia đồng ý rằng bạn không nên cho con ăn theo một thời gian biểu cứng nhắc trong những tuần đầu tiên của bé sơ sinh mặc dù bạn có thể có một lịch trình khá tương tự như thế sau một hoặc hai tháng.
Bạn nên cho bé bú mẹ trực tiếp hoặc bú qua bình khoảng 2 - 3 tiếng một lần hoặc khi bé có dấu hiệu đói. Theo tính toán trung bình của các chuyên gia, đến khi cân nặng khoảng 4,5kg, bé có thể bú khoảng từ 30ml đến 60ml sữa mỗi lần. Dựa vào đó bạn có thể đong lượng sữa tương đương nếu cho bé bú bằng bình.
Lưu ý cách hâm sữa tốt nhất:
Khi đã sẵn sàng cho bé bú bằng bình, bạn cũng có nhiều cách để hâm nóng sữa trong bình. Bạn có thể mua một chiếc máy làm ấm sữa chuyên dụng hoặc đơn giản là dùng một bát nước ấm hay xoay bình chứa sữa dưới vòi nước ấm.
Nếu em bé của bạn quen với sữa ở nhiệt độ thường tức là ngang với nhiệt độ trong phòng hoặc mát hơn một chút, bạn có thể tiết kiệm được thời gian hâm nóng nhất là trong trường hợp bé đang khóc đòi ăn.
Đặc biệt, không bao giờ sử dụng lò vi sóng để làm nóng bình sữa, dù bên trong là sữa mẹ hay sữa bột. Nguyên nhân là do lò vi sóng làm nóng không đều và có thể tạo ra những phần nóng cục bộ dẫn đến bỏng. Một lý do quan trọng khác là dùng lò vi sóng làm nóng sữa trong bình có thể phá vỡ các chất dinh dưỡng trong sữa.
Bạn cũng cần nhớ không bao giờ được dựng đứng bình sữa trong khi bé bú bởi lượng sữa tràn vào miệng bé quá nhiều có thể gây sặc sữa, thậm chí là nghẹt thở cho bé. Bên cạnh đó, hãy coi việc cho bé bú qua bình cũng giống như cho bé bú mẹ trực tiếp bằng cách bế bé thật gần mẹ và trìu mến. Như vậy, thời gian cho bé ăn sẽ là những khoảnh khắc thân mật nhất, dịu ngọt nhất giữa hai mẹ con.
5 sai lầm nghiêm trọng khi cho con bú bình
Sai lầm thứ nhất cha mẹ dễ mắc là pha sữa bình đặc (hoặc loãng) hơn hướng dẫn.
Để pha sữa đúng cách, đảm bảo cho bé có đủ dinh dưỡng để phát triển, các mẹ cần tránh những sai lầm dưới đây:
1. Pha sữa bột với nước quá nóng hoặc quá nguội
Một số chất dinh dưỡng (như lysin, axit folic, các vitamin nhóm B, …) trong sữa dễ bị hỏng, mất tác dụng ở nhiệt độ cao. Vì vậy, nếu bạn pha sữa nóng hơn nhiệt độ đã hướng dẫn thì sẽ mất chất.
2. Pha loãng hoặc đặc hơn hướng dẫn
Một số người mẹ cố ý pha sữa đặc để bé bú lượng ít nhưng nhận được nhiều chất dinh dưỡng; hoặc có người lại pha loãng sữa để bé “mau tiêu”, hạn chế tiêu chảy… Thật ra, tất cả những điều trên đều không đúng.
3. Vặn nắp bình sữa quá chặt khi cho bé bú
Một nguyên tắc vật lý xảy ra khi sữa được mút từ bình vào miệng bé là không khí từ bên ngoài phải đi vào trong bình sữa, tức là bé chỉ bú tốt khi thấy nhiều bọt sữa lớn trào lên trong bình. Nếu vặn nắp bình quá chặt thì bé sẽ phải mút rất mạnh mới lấy sữa được, rất tốn sức, lại bú ít và bú chậm.
Trước khi cho bú, bạn nên vặn nắp núm vú lỏng ra hoàn toàn sau đó vặn ngược chiều lại vừa sít nhẹ là được. Dù bé bú còn ít nhưng không nên dùng bình sữa nhỏ (60ml) mà nên mua loại trung (140ml) để bé dễ bú.
4. Pha sẵn một bình đầy sữa để cho bé uống dần trong đêm
Sữa là một môi trường rất tốt để vi trùng phát triển nhanh chóng. Chỉ cần 2 tiếng, vi trùng sẽ sinh sản 210 lần.
Cách này thì rất thuận tiện cho mẹ và cho... vi trùng, vì vậy sẽ không tốt cho con. Khi bé ngậm núm vú, nước bọt sẽ lưu lại trên núm và có thể vào trong bình sữa, sữa sẽ bị ôi thiu nhanh hơn. Tốt nhất là pha sữa cho bé vừa đủ với cữ bú và cho bú ngay sau khi pha. Bình sữa sau khi pha chỉ để tối đa 1 tiếng với điều kiện luộc sôi bình, kỹ thuật pha sữa đúng và bé chưa mút vú. Nếu bé đã ngậm vú thì phải bú hết trong vòng 15-30 phút.
5. Lưu trữ bình sữa trong tủ lạnh hoặc dùng bình ủ ấm
Bình ủ ấm chỉ có tác dụng giữ ấm lâu chứ không có tác dụng ngăn ngừa nhiễm khuẩn. Việc trữ sữa trong tủ lạnh giúp kìm hãm sự phát triển của vi trùng, nhưng không nên để lâu quá 2-3 tiếng. Trước khi cho bú, bạn cần làm ấm lại bằng cách ngâm bình trong nước ấm.
Mẹo giúp bé bú bình ngoan như bú mẹ
Làm gì khi bé không chịu bú bình
Cho trẻ tập bú bình từ lúc nào thì hợp lý
Những việc thường lệ khi cho bú bình
Em bé không chịu bú bình phải làm sao?
(ST)