Hướng dẫn học làm MC chuyên nghiệp

Hoaibui2395 Hoaibui2395 @Hoaibui2395

Hướng dẫn học làm MC chuyên nghiệp

19/04/2015 01:36 PM
1,840
Cùng tham khảo những hướng dẫn học làm MC chuyên nghiệp cực kì chi tiết và bài bản nhé các bạn


Kỹ năng làm dẫn chương trình ( SPEAKER – MC )

I. DẪN NHẬP:

Chúng ta có thể nhận thấy, hiện nay, trong mọi chương trình từ các dạng sinh hoạt chuyên nghiệp như văn nghệ sân khấu, lễ hội sân khấu hóa, các shows trên truyền thanh, truyền hình... đến các dạng nghi lễ khánh thành, bế giảng, động thổ, tang ma, cưới hỏi, bổn mạng, sinh nhật, ngân khánh, kim khánh hôn phối... hoặc trong các buổi sinh hoạt tập thể có đông đảo quần chúng tham dự như một buổi văn nghệ dã chiến, đêm lửa trại truyền thống, đại hội liên hoan, giao lưu văn hóa, bán đấu giá gây quỹ từ thiện... luôn luôn có sự xuất hiện của một Xướng Ngôn Viên ( Speaker ).


Một cách nào đó, có thể nói, nếu gạn lọc các khía cạnh thuần túy sân khấu đi, thì đối với các nghi lễ tôn giáo, công việc hướng dẫn cộng đoàn của một Linh Hoạt Viên Phụng Vụ ( Animateur Liturgique ) trong một Thánh Lễ bình thường, hoặc của một Chưởng Nghi ( MC – Master of Ceremony ) trong một Thánh Lễ đặc biệt trang trọng, có khá nhiều yếu tố giống với công việc của một Xướng Ngôn Viên chương trình ngoài xã hội.
Rõ ràng, chương trình càng quan trọng bao nhiêu thì vai trò của Xướng Ngôn Viên lại càng cần thiết bấy nhiêu. Vậy, chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu về vai trò, nhiệm vụ, tiêu chuẩn, phong cách và các trang bị cần thiết cho một Xướng Ngôn Viên.
Bài khóa này được biên soạn dựa theo tài liệu đào tạo của trường Văn Hóa Nghệ Thuật, cùng với những kinh nghiệm thực tế của các Huynh Trưởng và Linh Hoạt Viên có được từ các dịp sinh hoạt với giới trẻ, thiếu nhi Giáo Lý và cộng đoàn Giáo Dân các Xứ Đạo hoặc cấp Giáo Phận.
II. VAI TRÒ CỦA MỘT XƯỚNG NGÔN VIÊN:
1. LÀ NGƯỜI GIỚI THIỆU CHƯƠNG TRÌNH:

Xướng Ngôn Viên có trong tay toàn bộ chương trình các phần, các tiết mục theo thứ tự diễn tiến từ khai mạc cho đến bế mạc, từ đó sẽ giữ vai trò xuất hiện để giới thiệu từng tiết mục cho khán thính giả hoặc quần chúng tham dự.
2. LÀ NGƯỜI DẪN DẮT CHƯƠNG TRÌNH:
Xướng Ngôn Viên chịu trách nhiệm có tính quyết định về hiệu quả toàn bộ chương trình, làm cho chủ đề đưa ra được mọi người có thể nhận thấy luôn ẩn chứa đậm nét xuyên suốt qua các phần, các tiết mục của chương trình.
3. LÀ NGƯỜI ĐIỀU KHIỂN CHƯƠNG TRÌNH:
Xướng Ngôn Viên có khả năng gây bầu khí cho toàn bộ chương trình bằng cách tạo ra các đột biến cao trào phấn khởi hay lắng đọng sâu xa nhằm thu hút, lôi cuốn mọi người theo một tiết tấu có tính toán trước một cách khéo léo và chu đáo.
4. LÀ DIỄN VIÊN ĐẶC BIỆT CỦA CHƯƠNG TRÌNH:

Nếu các diễn viên khác chỉ ra biểu diễn một lần thì mọi người lại có thể gặp Xướng Ngôn Viên rất nhiều lần từ đầu đến cuối chương trình, do vậy, cần có những nét mới, duyên dáng, hấp dẫn, lôi cuốn và gây được cảm xúc mới. Tiết mục của Xướng Ngôn Viên tuy ngắn ngủi thoáng qua, không quá 1, 2 phút nhưng lại có thể làm nổi bật hơn những tiết mục khác vừa diễn xong hoặc sắp diễn trong chương trình.
Nghệ thuật của Xướng Ngôn Viên là nghệ thuật của ngôn ngữ và cử điệu, do vậy, nếu bản thân có thêm được các kỹ năng ca, múa, kịch, kịch câm thì càng dễ thành công.

III. NHIỆM VỤ CỦA MỘT XƯỚNG NGÔN VIÊN:
1. LÀM RÕ Ý NGHĨA TỪNG TIẾT MỤC:

Mỗi tiết mục là một thành phần, một diễn ý của chủ đề chung của toàn bộ chương trình. Do vậy, Xướng Ngôn Viên cần chuẩn bị trước phần thuyết minh cho tiết mục đó sao cho ý nghĩa được khơi gợi lên gắn bó sâu xa nhưng tự nhiên với yêu cầu hàm chứa của chủ đề.
2. ĐỊNH HƯỚNG CẢM XÚC, THẨM MỸ CỦA KHÁN GIẢ:

Xướng Ngôn Viên đóng góp phần khá lớn vào việc giúp khán thính giả nhận ra cái đúng, cái hay, cái đẹp, thậm chí có thể điều chỉnh được cả những thành kiến không tốt của dư luận quần chúng đối với thể loại nghệ thuật, đối với tác phẩm, tác giả, và có khi cả đối với diễn viên sắp biểu diễn.
3. GIỚI THIỆU THÔNG TIN:

§ Xướng Ngôn Viên cần diễn tả được mục đích, sự kiện, lý do hình thành chương trình: bác ái từ thiện, giao lưu văn hóa, mừng Đại Lễ Vượt Qua, Giáng Sinh, tiệc cưới, mừng tân chức Linh Mục, bế giảng niên khóa Giáo Lý, Đêm Lửa Trại...
§ Xướng Ngôn Viên trình bày vắn tắt về tác phẩm: thể loại nghệ thuật, hoàn cảnh ra đời, thời điểm, ý nghĩa lúc ra đời và hiện tại, được yêu thích thế nào, có tác dụng ra sao, đã đạt được giải thưởng gì...
§ Xướng Ngôn Viên lược tóm đôi nét về tác giả: cuộc đời và quá trình sáng tác, khuynh hướng nghệ thuật, cảm xúc khi viết tác phẩm...

§ Xướng Ngôn Viên giới thiệu về diễn viên hay Nhóm diễn viên đang hoặc sắp ra sân khấu: cuộc đời và quá trình hoạt động nghệ thuật, hiện đang được dư luận đánh giá thế nào. Cần chú ý đến mối liên hệ giữa diễn viên – tác giả – tác phẩm và quần chúng.
§ Xướng Ngôn Viên làm thư giãn bầu khí: kể một mẩu truyện vui, phỏng vấn bỏ túi bằng những câu hỏi liên quan đến chủ đề, đến tiết mục vừa diễn hoặc sắp diễn với diễn viên, tác giả, đạo diễn, và với khán thính giả...
§ Xướng Ngôn Viên phải có khả năng biến báo, ứng xử duyên dáng, dí dỏm để có thể xử lý các tình huống đột xuất, bất ưng xẩy ra trên sân khấu như mất điện, mất âm thanh, diễn viên vấp chân hoặc chậm ra sân khấu...

IV. TIÊU CHUẨN VÀ NĂNG LỰC CỦA XƯỚNG NGÔN VIÊN:

• Xướng Ngôn Viên cần có nhân dáng đẹp, duyên dáng, ăn mặc lịch sự, đôi khi chính nhờ vào chiều cao hay thấp, vóc người mập hay gầy mà tạo thêm nét đặc thù lôi cuốn.
• Xướng Ngôn Viên cần nhất là có giọng nói dễ nghe, truyền cảm, bắt micro, rõ, chuẩn, không bị đớt hay ngọng, không nói pha nhiều giọng địa phương...
• Xướng Ngôn Viên cần biết sử dụng ngôn ngữ, ít nhất là không dùng từ sai nghĩa, hàm hồ lệch ý, thừa hay thiếu từ, phát âm chuẩn về Việt ngữ và ngoại ngữ, biết cách ngắt chữ, ngắt câu chính xác...
• Xướng Ngôn Viên cần nhạy cảm với tâm lý chung và yêu cầu của khán giả, vốn dĩ là đối tượng chính của chương trình: muốn giải trí, thưởng thức, giao lưu, đón nhận một cảm xúc nào đó liên quan đến chủ đề...

• Xướng Ngôn Viên cần có khả năng hiểu và phân tích được tác phẩm: kiến thức tương đối vững, sâu rộng, nắm bắt được các thông tin và dư luận mới nhất liên quan đến tác giả và tác phẩm vừa diễn xong hoặc sắp diễn...
• Xướng Ngôn Viên cần có khả năng thích ứng nhanh, chính xác, thông minh, có óc hài hước, dí dỏm nhưng tế nhị và duyên dáng trong các tình huống đột ngột bất ưng, hóa giải mọi phức tạp thành ra đơn giản, tránh nói cương dài–dai–dại... có thể xúc phạm đến người khác.
• Xướng Ngôn Viên nếu có thêm được một số kỹ năng phụ trợ như: kể truyện, làm băng reo, hò bằng thơ lục bát, thổi harmonica, ca, múa, đóng kịch dạng tiểu phẩm, giả tiếng, nói lái... để có thể tung hứng với các diễn viên, pha trò, gây bầu khí chung mỗi khi xuất hiện trên sân khấu, nhưng chú ý đừng kéo dài lê thê.
V. PHONG CÁCH VÀ TRANG PHỤC CỦA XƯỚNG NGÔN VIÊN:
1. CHƯƠNG TRÌNH VĂN NGHỆ:

Vì liên quan nhiều đến nghệ thuật, phong cách và ngôn ngữ của Xướng Ngôn Viên cần gợi lên được những hình tượng nghệ thuật, gây được xúc cảm nơi người thưởng thức, cũng có thể đôi khi pha chút dí dỏm để bầu khí được cởi mở thư giãn. Trang phục nên lịch sự, tự nhiên, tránh không quá điệu hoặc quá nghiêm trọng cứng ngắc, gây ra sự thô thiển, lố bịch.
2. CHƯƠNG TRÌNH NGHI LỄ:

Trong các dịp cần bầu khí long trọng như: khai giảng, khánh thành, bế mạc, đại hội, ngày truyền thống, cử hành một buổi cầu nguyện ( célébration de la prière ), tổ chức một đêm Lửa Dặm Đường trong Hướng Đạo, phát bằng tốt nghiệp... Xướng Ngôn Viên cần có phong cách trang trọng, nghiêm túc và chính xác, nhưng vẫn mang dáng dấp nghệ thuật cao. Trang phục nên tề chỉnh, gọn gàng.
3. CHƯƠNG TRÌNH GIAO LƯU:

Trong các dịp giao lưu văn hóa, giới thiệu tài năng, tác phẩm, tác giả hoặc một nhân vật đặc biệt, Xướng Ngôn Viên cần có phong cách ngôn ngữ tự nhiên, lịch sự, pha chút dí dỏm và ngẫu hứng, nhưng tối kỵ không được để lộ ra một sự xếp đặt từ trước. Trang phục có thể tùy nghi, trẻ trung nhưng vẫn cần tề chỉnh.
4. CHƯƠNG TRÌNH HỘI THI:

Trong các dịp tổ chức đố vui Giáo Lý tại Giáo Xứ, đố vui để học tại trường học hoặc lên truyền hình như các chương trình Trò Chơi Liên Tỉnh SV 97 ( đại học ), Bẩy Sắc Cầu Vồng ( cấp 3 ), Kính Vạn Hoa ( cấp 2 ), Khu Vườn Cổ Tích ( mẫu giáo ), Đường Lên Đỉnh Olympia... Xướng Ngôn Viên cần có phong cách nghiêm minh, ngôn ngữ chính xác, dứt khoát mà vẫn lịch sự, có thể pha trò trong những trường hợp cần thiết. Trang phục tùy nghi, sao cho hợp với các đối tượng tham dự.
VI. VIẾT THUYẾT MINH:
Trọng tâm của công việc này là cố gắng làm nổi bật chủ đề chương trình mà những người đứng ra tổ chức muốn gửi gấm. Mặt khác, còn tùy vào tính chất chương trình như đã nêu ở phần trên để chọn phong cách nghệ thuật và khẩu ngữ, hành chánh hay khoa học cho thích hợp. Do vậy, Xướng Ngôn Viên cần soạn vắn tắt bản thuyết minh trên những tờ phiếu nhỏ có đánh số ký hiệu cho từng phần trọng tâm cần có độ nhấn, từng tiết mục theo thứ tự biểu diễn sao cho yêu cầu của chủ đề được thể hiện xuyên suốt toàn bộ chương trình, định hướng cảm xúc và thẩm mỹ của khán giả một cách nhẹ nhàng khéo léo.
Cũng có thể ứng biến ngẫu hứng, giới thiệu thêm một số thông tin hoặc thời sự bên lề mới nhất, kèm theo một vài ý, một vài câu pha trò duyên dáng làm thu giãn bầu khí.
Trong trường hợp Xướng Ngôn Viên là một Linh Hoạt Viên Phụng Vụ hay một Chưởng Nghi trong một nghi lễ tôn giáo, cần soạn một bản hướng dẫn chi tiết: ý nghĩa chung của buổi lễ, ý nghĩa các bài đọc Lời Chúa, các bài Thánh Ca, các lời nguyện cộng đoàn và các nghi thức trang trọng đặc biệt khác ( như đón đoàn chủ tế, rước kiệu hành hương, xông hương, rẩy nước phép, lắc chuông, tắt đèn, thắp nến, đặt tay trao sứ vụ, các tân chức phủ phục, các em học sinh Giáo Lý lên tuyên tín hoặc nhận Bí Tích... ), cần ghi rõ lời mời cộng đoàn tiến lên theo hàng, đứng, ngồi hay quỳ xuống...


Học làm MC: Dễ trong khó.

Nhiều người vẫn hình dung rằng chỉ cần ngoại hình dễ nhìn, khả năng ăn nói lưu loát, tự tin trước đám đông... là có thể trở thành MC. Thực tế có nhiều người thành công và cũng không ít người bỏ nghề sau vài lần "chinh chiến".

Trăm hoa đua nở
Trong những năm gần đây, nghề MC – người dẫn chương trình – ngày càng được nhiều bạn trẻ yêu thích. Tuy nhiên, không phải chỉ cần có vóc dáng đẹp, gương mặt ăn ảnh, giọng nói ngọt, ăn nói khéo… là có thể đạt yêu cầu của một MC.
MC tuy không phải là những sao nổi tiếng với lực lượng fan hùng hậu, đi đâu cũng phải bao bọc cẩn thận và nhận hoa tíu tít, nhưng có thể là “linh hồn” của những chương trình lớn, thu hút hàng triệu ánh nhìn.
Một điều nữa khiến cho nghề MC trở thành nghề được săn đuổi chính là khoản thu nhập trong mơ với cơ hội được thăng tiến nhanh chóng nếu bạn thực sự có tài. Những MC “cứng” dẫn chương trình cho truyền hình ngoài việc nhận lương của đài còn được các tụ điểm, show nhạc mời dẫn chương trình. Thậm chí, cả dẫn những chương trình họp báo cho một tập đoàn lớn, với khoảng 1 giờ đồng hồ MC được trả 1 triệu/chương trình.
Với những bạn sinh viên, Mc tuổi teen thì công việc Promotion (giới thiệu sản phẩm) đang là sự lựa chọn hàng đầu. Thù lao giới thiệu sản phẩm cho các công ty nổi tiếng như LG, Sam Sung cho một chương trình khoảng 3 giờ là 2 -5 triệu. Với những event lớn của các “đại gia” như OMO, S – fone, Mattel (búp bê Barbie) thì giá trả cho MC khoảng 1.000 USD, một khoản tiền không nhỏ. 
Tổng thu nhập bình quân của một MC có tiếng khoảng hơn 20 triệu/tháng, còn MC bình thường, MC tuổi teen cũng nằm trong khoảng 5 – 7 triệu/tháng. Đó là chưa kể đến khoản thu nhập nếu có khuôn mặt ăn hình, có thể những MC còn được mời chụp hình cho các tạp chí, hoặc chính họ được mời làm nhân vật chính của một chương trình quảng cáo, có cơ hội được giao lưu, gặp gỡ những nhân vật nổi tiếng, được tham gia vào các sự kiện lớn, đi du lịch nhiều nơi cả ở trong và ngoài nước…Không ngoa khi nói MC là một nghề “hái ra tiền”.
Trên thực tế, để tìm kiếm MC chuyên nghiệp tại Việt Nam thật khó, vì chưa có trường nào đào tạo nghề MC theo chuẩn. Những MC có nội lực, tạo được dấu ấn riêng, nổi bật trong nghề không nhiều, tính thử cũng chỉ có một số ít MC tên tuổi đã quá quen thuộc với khán giả thường theo dõi các đài truyền hình Bắc – Nam như Lại Văn Sâm, Tạ Bích Loan, Diễm Quỳnh, Anh Tuấn, Quỳnh Hương, Quỳnh Hoa, Thanh Bạch… Họ là những MC có thể khiến khán giả thích thú bởi sự chững chạc, khéo léo, duyên dáng, có trình độ, biết cách làm chủ sân khấu, xử lý tình huống bằng những kinh nghiệm và phong cách riêng.
Kiến thức đi đôi với nét duyên
Như bao nghề khác, nghề MC cũng phải có cái duyên của nó cùng một cái đầu nhạy, biết xử lý nhanh tình huống. Hiểu biết rộng, vốn từ phong phú sẽ giúp MC ứng phó được những tình huống bất ngờ không có trong kịch bản, tránh được cảm giác nhàm chán cho khán giả.
Trong một game show, MC không thể chỉ có một câu "Hoàn toàn chính xác" hoặc "Đúng rồi"  khi người dự thi trả lời đúng câu hỏi, mà cần phải có nhiều câu khác có nghĩa tương tự. Còn cái "duyên" ở đây không phải sự duyên dáng của một người đẹp, mà nó gần như là khả năng thiên phú của một người, được toát ra từ lời nói, nụ cười, ánh mắt. Điều đó sẽ tạo ra một cá tính, đặc điểm nhận dạng riêng cho bạn giữa bao người MC khác, nếu không bạn sẽ chỉ là hình bóng của một ai đó và dần lu mờ trong lòng công chúng.
Giọng nói và cách thể hiện cũng góp phần đáng kể trong thành công của một MC. Giọng nói MC phải rõ ràng, truyền cảm và cách dẫn dắt phải tinh t��� với những câu chữ gãy gọn, súc tích. Hầu hết các MC trẻ hiện nay thường mắc "bệnh" rào trước đón sau bằng lời sáo rỗng, dông dài, đôi khi chẳng ăn nhập gì đến nội dung. Quỳnh Hoa, MC đã có hơn 10 năm kinh nghiệm bổ sung thêm: "MC chỉ nên nói những điều thật cần thiết, tuyệt đối không nói nhiều và nói những điều không biết rõ".
Phải có niềm đam mê
Mấu chốt quan trọng nhất đến với nghề MC là cần phải có đam mê, bởi nếu không đam mê, bạn sẽ dễ dàng bị những khó khăn của nghề làm chùn bước và dẫn đến thất bại. MC Anh Tuấn khẳng định: “Làm gì chúng ta cũng cần sự đam mê, với công việc của tôi cũng vậy, gắn bó với truyền hình 15 năm nên chắc chắn làm vì đam mê chứ không phải là trách nhiệm”. 
Hay với Mc Thanh Vân hugo: “Sự nổi tiếng chưa bao giờ là lựa chọn hay là đích đến của Vân, những gì Vân làm từ trước đến bây giờ đều xuất phát từ sự ngẫu nhiên và cả may mắn nữa. Khi bạn làm một điều gì đó bằng tình yêu và sự đam mê đích thực, bạn sẽ gặt hái được những thành quả xứng đáng!”.
Nghề MC hấp dẫn giới trẻ không chỉ bởi những hào quang xung quanh nó, mà còn vì nó mới mẻ, đòi hỏi bạn phải hoàn thiện mình từ ngoại hình đến tâm hồn, vốn là những thử thách khắt khe mà những người trẻ thích chinh phục. Vậy cũng không hề nói quá rằng nghề MC đang là nghề hot hiện nay. Nếu có một nền tảng đào tạo vững chắc, một cơ sở đào tạo chuyên nghiệp cùng với tố chất và đam mê với nghề, thành công sẽ không quá xa xôi với bạn.


Thông tin về MC Diệp Chi
Tiểu sử diễn viên Võ Sông Hương
Thông tin về MC Diễm Quỳnh
Tiểu sử MC Nguyên Khang
Gia đình của MC Quỳnh Hoa và những điều bây giờ mới biết

(St)
Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
tôi muốn làm một mc ...vậy xin ad cho biết tôi phải làm gì và bắt đầu từ đâu ...xin chân thành cảm ơn ad nhé
hơn 1 tháng trước - Thích (11) - Trả lời
Toi muon lam mot mc gi vay xin ad cho biet toi phai lam gi va bat dau tu dau de xin chan thanh cam on ad nhe
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý