Basedow là một bệnh nội tiết hay gặp và rất nguy hiểm nếu không được chữa trị kịp thời. Cùng tìm hiểu khi bị bệnh basedow cần kiêng ăn gì để tốt nhất cho sức khỏe nhé!
Bệnh Basedow biểu hiện như thế nào?
Bệnh basedow (hay còn gọi là bệnh Graves) là bệnh lý cường chức năng tuyến giáp do nguyên nhân tự miễn. Đây là một bệnh lý phổ biến trong các bệnh nội khoa nói chung và là nguyên nhân phổ biến nhất gây cường chức năng tuyến giáp. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng hay gặp nhất ở phụ nữ, lứa tuổi sinh đẻ (20 - 40 tuổi).
Basedow là một bệnh lý của tuyến giáp với triệu chứng điển hình là bướu cổ, lồi mắt và rối loạn tim mạch. Các triệu chứng lâm sàng của Basedow gồm 3 hội chứng chính: nhiễm độc giáp (biểu hiện: rối loạn chức năng tim mạch, như mạch nhanh thường xuyên, đánh trống ngực, hồi hộp, khó thở, dễ xúc động, cáu gắt, tăng tiết mồ hôi, khát nước, cơ thể nóng bức, rối loạn tiêu hóa); rối loạn cơ mi và cơ vận nhãn ổ mắt (biểu hiện: run tay, dễ cáu gắt, bồn chồn, lo lắng, dễ xúc động, cơ mi trên của mắt co, khiến mắt lồi ra, mi dưới phù nề, bệnh nhân có thể bị liệt mắt, sung huyết, phù và viêm kết mạc); các biểu hiện ở da (phù khu trú ở mặt trước xương chày, rối loạn sắc tố da, thường ở vùng xung quanh mi mắt).
Bạn mới mắc bệnh ở giai đoạn đầu, đã kịp thời khám và điều trị bệnh là rất tốt; bạn nên tiếp tục dùng thuốc mà bác sĩ đã kê đơn và tái khám đúng hẹn. Điều trị bệnh Basedow cần kiên trì vì thời gian điều trị khá dài.
Nếu bạn tuân thủ đúng hướng dẫn của bác sĩ điều trị, tỷ lệ khỏi bệnh từ 5-30 năm, thậm chí khỏi suốt đời đến trên 60-70% hoặc cao hơn. Tuy nhiên, đây là một dạng bệnh nội tiết, nên rất khó nói là bệnh sẽ khỏi vào thời gian nào và cũng có thể bệnh sẽ tái phát.
Bị basedow cần ăn uống thế nào?
Khi điều trị, các thuốc điều trị basedow khá an toàn, tỷ lệ có tác dụng phụ là < 5% và đa phần là nhẹ. Vì vậy, nếu người bệnh basedow thấy người mệt mỏi, ăn uống kém thì nhiều khả năng là do bệnh chưa được kiểm soát tốt, nhất là trong những tuần đầu sau khi điều trị, mà vẫn còn cường giáp nặng.
Do đó, người bệnh basedow cần tuân thủ tốt chế độ uống thuốc, đồng thời có chế độ nghỉ ngơi tối đa (nhất là khi bệnh đang tiến triển nặng), tránh hoạt động thể lực gắng sức, không hoạt động tinh thần căng thẳng, tránh các xúc cảm hoặc stress.
Cơ thể người bệnh bị basedow thường dễ bị gầy sút, suy kiệt nên cần khuyến khích ăn chế độ ăn giàu đạm, giàu calo, uống thêm nhiều nước. Ngoài ra, cần tăng cường chế độ dinh dưỡng, cụ thể ăn đồ lỏng và mát, dễ tiêu, chia thành nhiều bữa nhỏ, kèm theo ăn nhiều hoa quả.
Nếu ăn kém thì người bệnh có thể uống các loại sữa để nâng cao thể trạng. Lưu ý là trong tháng đầu điều trị, người bệnh basedow cần kiêng các loại thức ăn có nhiều i-ốt như hải sản, rong biển... vì i-ốt là nguyên liệu để tuyến giáp sử dụng tổng hợp hormon.
Basedow - căn bệnh nguy hiểm chưa rõ nguyên nhân
Basedow (bướu cổ lồi mắt, bướu độc tuyến giáp) là một bệnh nội tiết rất hay gặp ở Việt Nam và trên thế giới. Nếu không được điều trị hoặc điều trị không hiệu quả, bệnh nhân có thể tử vong. Cho đến nay, chưa có một phương thức dinh dưỡng nào giúp phòng ngừa được bệnh.
Lồi mắt và có bướu ở cổ là hai triệu chứng điển hình của bệnh Basedow.
Ở Việt Nam chưa có thống kê chính thức về tỷ lệ người mắc Basedow trong cộng đồng dân cư. Tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) nó chiếm tới 46% các bệnh nội tiết và gần 3% các bệnh nội khoa.
Cho đến nay, nguyên nhân của bệnh vẫn chưa được làm rõ. Nhiều người cho rằng đây là một bệnh tự miễn (cơ thể người bệnh tự sinh ra các yếu tố chống lại chính mình và gây nên bệnh). Các yếu tố khiến bệnh khởi phát thường là stress, chấn thương thần kinh, nhiễm khuẩn, uống nhiều loại thuốc có chứa chất iốt như Cordarone (chống loạn nhịp tim) và nhất là yếu tố gia đình. Có nhà có tới 5 chị em cùng bị bệnh Basedow.
Nếu không được điều trị hoặc điều trị không hiệu quả, người mắc Basedow có thể bị suy kiệt và bị các biến chứng về tim mạch (suy tim, rối loạn nhịp tim). Ngoài ra, còn có thể xuất hiện tình trạng cơn bão giáp: sốt cao (có khi đến 40-41 độ C), rối loạn tâm thần, có thể kích động, mê sảng, tim đập rất nhanh (có khi lên đến trên 150 lần/phút). Bệnh nhân có thể tử vong.
Do có hiện tượng tăng tốc độ chuyển hóa chất đạm nên bệnh nhân cần ăn nhiều thịt, cá và các loại thực phẩm có protein. Tránh ăn chay hoặc ăn kiêng.
Các phương pháp điều trị Basedow
- Nội khoa: Phương pháp này tương đối tốn kém, đòi hỏi bệnh nhân phải uống thuốc một cách kiên nhẫn. Hầu hết các trường hợp đáp ứng thuốc; nhưng khi ngừng thuốc, bệnh rất hay tái phát (2/3 bệnh nhân tái phát trong vòng 2 năm sau khi ngừng điều trị).
- Dùng đồng vị phóng xạ “tàn sát” tuyến giáp: Áp dụng cho những trường hợp hay tái đi tái lại. Đây là “cuộc phẫu thuật không kiểm soát được” nên hiện ít được sử dụng.
- Phẫu thuật: Được chỉ định khi điều trị nội khoa thất bại. Sau đó, bệnh nhân vẫn phải dùng thuốc với liều lượng thấp. Trên thế giới đã áp dụng mổ nội soi. Phương pháp này cũng đem lại kết quả như mổ hở nhưng không để lại sẹo; tuy nhiên tốn rất nhiều thời gian và kinh phí (ở Singapore là khoảng 5.000 USD/ca).
- Dùng sóng siêu âm: Sau khi siêu âm tuyến giáp, các bác sĩ nhận thấy triệu chứng cường giáp giảm và biến mất dù chưa điều trị gì. Tuy nhiên, phương pháp này chưa được công nhận.
Phẫu thuật là phương pháp điều trị cơ bản và hiệu quả
Tiến sĩ Nguyễn Hoài Nam, Tổng Thư ký Hội Phẫu thuật lồng ngực và tim mạch TP HCM, cho biết, trong điều trị Basedow, phẫu thuật là phương pháp chắc chắn, hiệu quả và ít để lại di chứng nhất. Người bệnh tránh được các biến chứng có thể có trong điều trị nội khoa, chi phí lại thấp hơn so với các phương pháp khác.
Tuy nhiên, phẫu thuật Basedow cũng có thể dẫn đến một số biến chứng (tuy ít xảy ra):
- Chảy máu trong và sau khi mổ: Tỷ lệ 1-2%. Đây là biến chứng lành tính, hầu như không có tử vong, chỉ cần theo dõi kỹ trong và sau mổ.
- Chuột rút do hạ canxi máu: Tỷ lệ 2,7-8,5%. Nguyên nhân là bác sĩ làm tổn thương tuyến cận giáp trạng trong lúc mổ. Triệu chứng: Sau mổ 2-3 ngày, bệnh nhân tê chân tay, mệt mỏi nhiều, thần kinh dễ bị kích thích, lo lắng... Nếu nặng, bệnh nhân bị đau bắp chân như chuột rút, bàn tay co quắp, các ngón rút lại. Chỉ cần một liều thuốc canxi (thường là Canxi Bronat tiêm tĩnh mạch) là các triệu chứng hết ngay.
- Khàn tiếng sau mổ: Tỷ lệ 0,5%. Nguyên nhân là dây thần kinh quặt ngược hay dây thần kinh thanh quản trên bị tổn thương, thường gặp trong trường hợp bướu giáp lớn, chảy máu nhiều khi phẫu thuật. Một nguyên nhân khác là viêm dính nhiều quanh bướu (đặc biệt là ở những bệnh nhân đã điều trị không đúng bằng cách đốt, chích trên bướu). Tình trạng khàn tiếng có thể là tạm thời nhưng cũng có thể là vĩnh viễn.
- Cơn bão giáp trạng: Do công tác chuẩn bị phẫu thuật chưa tốt, bệnh nhân được mổ trong tình trạng chưa bình giáp hoàn toàn. Nếu không phát hiện và xử trí kịp thời, bệnh nhân có thể tử vong. Hiện nay, biến chứng này hầu như không xảy ra nữa.
(ST)