Việc ăn chín, uống sôi tưởng chừng như là điều bình thường ai cũng biết. Thế nhưng thói quen ăn sống, ăn tái vẫn diễn ra phổ biến và hầu như ít người quan tâm đến tác hại của cách ăn này.
Theo các chuyên gia dinh dưỡng và sức khỏe, sau đây là 5 món ăn có chứa nhiều ký sinh trùng nhất, khuyến cáo bạn nên đặc biệt cẩn thận khi ăn. Nếu không để ý, mỗi bữa ăn bạn có thể trực tiếp đưa vào cơ thể hàng ngàn ký sinh trùng.
1. Thịt bò tái, bít tết: Thịt bò là món ăn bổ dưỡng và chúng ta thường ăn hàng ngày. Nhưng cách mà chúng ta đang ăn món bò tái, bít tết khiến cho các bác sĩ lo lắng. Món thịt bò khi đưa lên miệng, bên trong vẫn còn nguyên màu máu đỏ, đặc biệt là món bít tết với khối thịt dày mà chỉ nướng sơ qua. Ai cũng biết rằng, nếu thịt bò nấu chín sẽ dễ bị dai và mất đi hương vị thơm ngọt. Vì thế đa phần sẽ chọn cách chế biến thịt bò tái.
Theo Giáo sư Nguyễn Văn Đề - Nguyên trưởng bộ môn ký sinh trùng trường Đại học Y Hà Nội, thói quen ăn phở tái, thịt bò, thịt trâu tái chính là nguyên nhân gây ra bệnh sán dải bò. Một bát phở tái nhìn rất hấp dẫn nhưng có thể chứa nang sán dải bò rất nguy hiểm. Sán có thể dài từ 2 - 12m. Thịt bò thông thường có chứa ký sinh trùng sán dây, màu trắng đục, thân dẹt phẳng, có nhiều đốt, có chiều dài từ 4 - 8 mét. Loại ký sinh trùng này có thể gây ra những nguy hại khôn lường cho sức khỏe.
2. Gỏi cá: Các món thủy hải sản tươi như hàu sống, cá ngừ, cá hồi, cá diêu hồng, cá lóc… rất được ưa chuộng vì quan niệm bổ dưỡng và mát. Tuy nhiên, ít người biết rõ những nguy cơ tiềm ẩn trong các món ăn này.
Khi ăn sống các thực phẩm tươi như hàu, cá hồi, cá ngừ... thì các chất dinh dưỡng và khoáng chất sẽ hấp thu được hầu hết nhưng lại rất dễ bị nhiễm các bệnh như sán lá ruột nhỏ, sán lá gan... Cá đã chế biến làm gỏi xét nghiệm thấy 95% ấu trùng vẫn còn sống. 13 loại lá hay dùng ăn gỏi cũng được xay ra xét nghiệm thì 93% ấu trùng vẫn còn sống sau 4 giờ. Tuy nhiên, các loại cá là ký chủ trung gian của nhiều giun sán và là ký chủ tích trữ nhiều mầm bệnh dễ lây cho người.
3. Lươn: Theo nghiên cứu của GS Trần Vinh Hiển, cố vấn khoa học BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM, ở cả lươn nuôi và lươn hoang dã thì tỉ lệ nhiễm ấu trùng Gnathostoma spinigerum là từ 0,8-29,6%, mùa khô tỉ lệ thấp và tăng dần trong mùa mưa. GS Trần Thị Kim Dung, bộ môn ký sinh trùng ĐH Y dược TP.HCM, cũng cảnh báo tình trạng nhiễm ấu trùng Gnathostoma spinigerum khá cao ở người có thói quen ăn thức ăn chưa nấu chín kỹ như lươn xào tái, lươn gỏi...
4. Tôm hùm: Nhiều người thường ăn món tôm hùm hấp vào bữa tối cùng với chút bia. Đây được xem là cách thưởng thức món ăn tao nhã và vui vẻ. Trên thực tế những loại thủy sản này là “khách sạn” của vô số các loại giun sán ký sinh. Điển hình nhất là loại giun Paragonimus westermani. Cua, tôm, tôm hùm là vật chủ trung gian cho loại ký sinh này. Những người ăn sống những loại thực phẩm này sẽ mắc chứng bệnh Paragonimiasis (tạm dịch: chứng ho ra máu địa phương).
5. Ốc: Ốc chứa rất nhiều ký sinh trùng như giun, sán. Đặc biệt là ốc được thu bắt ở những nơi có nguồn nước ô nhiễm thì nguy cơ nhiễm ký sinh trùng càng cao. Vì vậy, nếu bạn chế biến ốc không kĩ, đặc biệt là món ốc luộc thì nguy cơ nhiễm giun sán là rất cao. Khi vào cơ thể, chúng có thể kí sinh tại rất nhiều bộ phận nội tạng, gây ra những biểu hiện bên ngoài như phù chân, tay, nôn mửa, đau bụng, sốt, tiêu chảy… Ngoài ra một số loại giun sán kí sinh lâu trong cơ thể còn có thể gây bệnh ung thư.
Chúng ta thường xem tin tức về những bệnh nhân có hàng ngàn ký sinh trùng tồn tại trong cơ thể và cảm thấy vô cùng sợ hãi, nhưng lại nghĩ rằng đó là những trường hợp cá biệt. Để đảm bảo sức khỏe cho bản thân, gia đình, hãy ăn chín, uống sôi mọi lúc, mọi nơi nhé!