Sắm lễ cúng Ông Hoàng Mười. Truyền thuyết, văn cúng và những kinh nghiệm chia sẻ khi đi lễ Ông Hoàng Mười.
Truyền thuyết đậm chất sử thi
Theo “Nghệ An di tích và danh thắng” thì đền Ông Hoàng Mười được xây dựng năm 1634 từ thời hậu Lê trên diện tích hơn 1 ha ở làng Xuân Am, xã Hưng Thịnh, huyện Hưng Nguyên, đền còn có tên khác là Mỏ Hạc Linh từ. Trải qua nhiều lần tu bổ, đến nay, đền có 3 toà chính: Thượng điện, Trung điện và Hạ điện. Theo truyền thuyết, ông Hoàng Mười là con thứ mười của Đức Vua cha Bát Hải Động Đình. Theo lệnh ông giáng trần để giúp dân phù đời. Về thân thế của ông khi hạ phàm thì có rất nhiều dị bản nhưng sự tích được lưu truyền nhiều nhất có lẽ là câu chuyện: Ông Mười giáng sinh thành Nguyễn Xí, một tướng giỏi dưới thời Vua Lê Thái Tổ, có công giúp vua dẹp giặc Minh, sau được giao cho trấn giữ đất Nghệ An, Hà Tĩnh. Tại đây, ông một lòng chăm lo đến đời sống của nhân dân.
Truyện kể rằng có một lần xảy ra cơn cuồng phong làm đổ hết nhà cửa, ông liền sai quân lên rừng đốn gỗ về làm nhà cho dân, rồi mở kho lương cứu tế. Trong một lần đi thuyền trên sông, đến đoạn chân núi Hồng Lĩnh, thì lại có đợt phong ba nổi lên, nhấn chìm thuyền của ông và ông đã hóa ngay trên sông Lam. Trong khi mọi người đang thương tiếc cử hành tang lễ, thì trời quang đãng, nổi áng mây vàng, bỗng thấy thi thể của ông nổi trên mặt nước nhẹ tựa như không, sắc mặt vẫn hồng hào tươi tắn như người đang nằm ngủ, khi vào đến bờ, đột nhiên đất xung quanh ùn ùn bao bọc, che lấy di quan của ông. Lúc đó trên trời bỗng nổi mây ngũ sắc, kết thành hình xích mã (có bản nói là xích điểu) và có các thiên binh thiên tướng xuống để rước ông về trời. Sau này khi hiển ứng, ông được giao cho trấn thủ đất Nghệ Tĩnh, ngự trong phủ Nghệ An. Nhân dân suy tôn ông là Ông Hoàng Mười. Hiện nay, ngôi mộ của ông Hoàng Mười nằm trong quần thể di tích của đền.
|
Người dân tham gia Lễ hội Đền Ông Hoàng Mười. Ảnh: S.M
|
Di tích đền Ông Hoàng Mười còn có giá trị địa lý, cảnh quan lý tưởng, rất hấp dẫn du khách, thuận tiện giao thông và thuận lợi cho phát triển du lịch tâm linh. Di tích toạ lạc trên vùng đắc địa, rất "sơn thuỷ hữu tình". Phía sau là núi Dũng Quyết làm chỗ dựa vững chắc, phía trước là dòng Lam, dòng Mộc, dòng sông Vĩnh uốn lượn. Đền lại nằm giữa một cánh đồng lúa bát ngát, biệt lập với làng mạc nên không khí hài hoà, trong lành, tĩnh lặng. Cách đền không xa về phía Đông Bắc là quần thể di tích về Phượng Hoàng - Trung Đô, nơi xưa kia vua Quang Trung chọn làm nơi đóng đô. Tất cả đã hợp thành một bức tranh sinh động, có núi, có sông, đồng ruộng, làng mạc, mà điểm sáng là ngôi đền linh thiêng thờ ông Hoàng Mười.
Lễ hội Ông Hoàng Mười:
Phần lễ:
- Sáng 14/3 âm lịch: Lễ yết cáo
- Tối 14/3 âm lịch: Lễ đại tế
- Sáng 15/3 âm lịch: Lễ dâng hương
- Tối 15/3 âm lịch: Lễ yết cáo
-Tối 09/10 âm lịch: Lễ đại tế
- Sáng 10/10 âm lịch: Lễ tưởng niệm, dâng hương
- Tối 10/10 âm lịch: Lễ tạ
Phần hội:
- Chiều 14/3 và chiều ngày 9/10 âm lịch: rước sắc từ nhà thờ họ Nguyễn ra đền
- Chiều 15/3 và chiều ngày 10/10 âm lịch: hát chầu văn, thi chọi gà, đánh cờ người
- Sáng 16/3 và chiều ngày 11/10 âm lịch: rước sắc bằng thuyền từ đền về nhà thờ họ Nguyễn tại làng Xuân Am.
Khi thỉnh Ông Mười, văn hay hát rằng:
“Ông Mười trấn thủ Nghệ An
Về huyện Thiên Bản làm quan Phủ Dày”
Hay nói về tài đức của ông cũng có đoạn (cả trong hát văn và những câu hò xứ Nghệ):
“Gươm thiêng chống đất chỉ trời
Đánh Đông dẹp Bắc việc ngoài binh nhung
Hai vai nặng gánh cương thường
Sông Lam sóng cả buồm giương một chèo”
“Đất Nghệ An anh hùng hào kiệt
Tiếng Ông Mười lẫm liệt ngàn xưa
Cung gươm lên ngựa đề cờ
Ra tay gìn giữ cõi bờ Việt Nam”
“Chí anh hùng ra tay cứu nước
Đi tới đâu giặc bước lui ngay
Việt Nam ghi chép sử dày
Cung cao điện ngọc đêm ngày khói nhang”
“Năm cửa ô tới Đô Thành
Nam Đàn, Nghi Lộc nức danh Ông Mười”
Rồi có cả đoạn thơ hát khi Ông Hoàng Mười “tái đáo Thiên Thai”:
“Hoa đào rơi rắc lối Thiên Thai
Suối tiễn oanh đưa luống ngậm ngùi
Ngõ hạnh suối đào xa cách mãi
Nghìn năm thơ thẩn bóng trăng soi
Đá mòn rêu nhạt nước chảy hoa trôi
Ước cũ duyên xưa có thế thôi”
Hay khi dâng ông miếng trầu têm, văn thường hát:
“Đất lề quê thói Nghệ An
Miếng trầu cau đậu dâng Quan Hoàng Mười”
Và có cả khi văn tấu điệu hò Nghệ Tĩnh để ông vỗ gối ban thưởng:
http://dothophugiahung.com/admin_news/edit/235
“Muối đã mặn ba năm còn mặn
Gừng đã cay chín tháng vẫn cay
Ghế ông tình nặng nghĩa dày
Xa xôi đến mấy, ra đây ngự đồng”
“Xứ Nghệ vui nhất Chợ Vinh
Đẹp nhất Bến Thủy, anh linh Ông Mười”
(St)
Cách sắp xếp bàn thờ gia tiên
Cách bài trí bàn thờ gia tiên theo nghi lễ văn hóa dân tộc
Cách chọn hướng đặt bàn thờ
Thờ cả bố mẹ vợ thì phải có 5 bát hương
Những điều kiêng kỵ khi đặt bàn thờ