Từ lâu, trinh nữ hoàng cung đã được sử dụng trong dân gian để điều trị nhiều loại bệnh. Dưới đây à một số công dụng được khoa học chứng minh
Tác dụng của Trinh nữ hoàng cung đã được khoa học chứng minh
Từ lâu, trinh nữ hoàng cung đã được sử dụng trong dân gian để điều trị nhiều loại bệnh, trong đó có các khối u lành tính cũng như ác tính (ung thư). Sau 15 năm nghiên cứu, cho đến nay công trình nghiên cứu khoa học của chúng tôi đã đạt nhiều kết quả rất khả quan: tìm ra cách phân biệt TNHC với các loại cây tương tự khác bằng DNA (nhằm tránh cho nhiều người uống nhầm mà bị ngộ độc), xác định được các chất trong TNHC có tác dụng kháng u, chiết xuất được các chất này từ trinh nữ hoàng cung để chế tạo ra một loại thuốc (lấy tên là Crila) điều trị u bướu, thử nghiệm trên người và khẳng định tính hiệu quả của nó, hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất thuốc.
Để đạt được thành quả như trên, nhất là việc thử nghiệm lâm sàng trên người và được Bộ y tế cho phép lưu hành, trong 15 năm qua, chúng tôi đã thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ, cấp Nhà nước với quy mô lớn.
Đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ: “Đánh giá tác dụng điều trị phì đại lành tính tuyến tiền liệt bằng viên nang trinh nữ hoàng cung”, do GS.TS. Trần Đức Thọ, Viện lão khoa, Bệnh viện Bạch Mai làm chủ nhiệm đề tài, cho thấy: sau 2 tháng dùng thuốc Crila, nhóm bệnh nhân được nghiên cứu đạt hiệu quả khá và tốt là 89,18%, tác dụng không mong muốn nhẹ và chỉ gặp trên 24/157 trường hợp. Hội đồng khoa học đã đánh giá kết quả nghiên cứu này là xuất sắc. Dựa trên cơ sở đánh giá của Hội Đồng Khoa Học cấp Bộ, Cục Quản Lý Dược đã cho phép viên nang Crila được lưu hành trên toàn quốc để điều trị u xơ tuyến tiền liệt.
Đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ: “Đánh giá hiệu quả và khả năng chấp nhận thuốc Crila trong điều trị bệnh u cơ nhẵn tử cung (u xơ tử cung)”, do PGS.TS. Vương Tiến Hoà, bệnh viện phụ sản trung ương làm chủ nhiệm đề tài, kết quả cho thấy: thuốc có hiệu quả điều trị đối với bệnh nhân u xơ tử cung (đặc biệt là đối với u xơ tử cung có kích thước từ 6 cm trở xuống) với hiệu quả điều trị đạt 79,5%. Thuốc có độ an toàn cao, không có tác dụng phụ, không ảnh hưởng đến chức năng gan, thận và các chức năng sống khác của cơ thể. Với kết quả nghiệm thu xuất sắc, hội đồng khoa học đã nhất trí đề nghị Bộ y tế cho phép bổ sung thêm tác dụng thứ hai của viên nang Crila là điều trị u xơ tử cung.
Theo chúng tôi được biết, cho đến nay, đây là loại thuốc sản xuất từ dược thảo đầu tiên trên thế giới có khả năng điều trị u xơ tử cung ở phụ nữ.
Sản phẩm Crila là kết quả nghiên cứu của 4 đề tài khoa học cấp bộ, hai dự án sản xuất thử nghiệm cấp bộ và cấp nhà nước cộng với quá trình nghiên cứu nhiều năm ở nước ngoài của TS.Nguyễn Thị Ngọc Trâm cùng các cộng sự.
Cây Trinh nữ hoàng cung
Cây trinh nữ hoàng cung (Crinum latifolium L.) họ thủy tiên (Amaryllidaceae), thuộc loài cây thân thảo, gần giống cây náng hoa trắng, thân hành, đường kính 10 - 16 cm, bẹ lá úp vào nhau thành thân giả dài khoảng 8 - 15cm, có màu đỏ tía của sắc tố antocyan. Lá mỏng hình dải, mép lá nguyên, hơi uốn lượn, dài 70 - 120 cm, rộng 3 - 9 cm, gân lá song song. Khác với lá náng hoa trắng là mặt dưới, giữa sống lá có một gờ sắc nhỏ chạy dọc theo lá. Cán hoa dài 20 - 50 cm, trên đầu mang 10 - 20 hoa hợp thành tán, có bẹ hình tam giác màu xanh ve, dài 5 - 7 cm, cuống hoa ngắn. Hoa dài 10 - 20 cm, đài và cánh hoa như nhau, màu trắng, ở giữa có vệt phớt hồng tạo thành ống dài 7 - 10 cm cong, nhị ngã, dài 5 - 7 cm. Bao phấn hình sợi dài 20 – 25 cm, dính lưng. Bầu hình ống chỉ, vòi nhị mảnh, vượt lên trên nhị.
Phân bố thu hái chế biến
Trinh nữ hoàng cung có nhiều ở Thái Lan, Campuchia; Ở Việt Nam cây phát triển tốt với khí hậu miền Nam nước ta. Bộ phận dùng là lá, dùng tươi hoặc phơi khô, có người thái nhỏ sao khô, hạ thổ để dùng dần. Nhưng ở một số nước, người dân dùng cánh hoa, thân hành của cây, thái nhỏ phơi khô.
Các chất có tác dụng kháng u
Từ năm 1983 cho đến nay, các công trình nghiên cứu về trinh nữ hoàng cung đã công bố thành phần hóa học của nó có khoảng 32 alcaloids. Trong số đó đáng quan tâm là một số alcaloids có tác dụng kháng u như : crinafolin, crinafolidin, lycorine, và b - epoxyambellin tác dụng trên tế bào T - lymphocyte và còn có tác dụng kháng khuẩn như hamayne (bulbispenmine, flavonoid, demethylcrinamine). Ngoài alcaloids còn có các hợp chất bay hơi, aldehyd, acid hữu cơ, terpens và glucan A, glucan B.
Công dụng và liều dùng
Trong dân gian, người ta dùng nước sắc của lá trinh nữ hoàng cung để trị u xơ tử cung, u nang buồng trứng và u xơ tiền liệt tuyến. Cách dùng: mỗi ngày uống nước sắc của 3 lá trinh nữ hoàng cung hái tươi, thái nhỏ ngắn 1 – 2 cm, sao khô màu hơi vàng, uống luôn trong 7 ngày rồi nghỉ 7 ngày, uống 7 ngày. Tổng cộng 3 đợt uống 7 x 3 x 3 = 63 lá, xen kẽ giữa 2 đợt nghỉ uống một đợt 7 ngày.
Phân biệt với các cây khác để tránh bị ngộ độc
Hiện nay trong nhân dân có nhiều người nhầm lẫn cây trinh nữ hoàng cung với một số cây náng khác, sử dụng lá đun sôi lấy nước uống bị ngộ độc, nôn ói. Do đó, phải phân biệt rõ cây trinh nữ hoàng cung với các cây náng khác có tại Việt Nam . Ngay trong chi Crinum chỉ có Crinum latifolium L. có tác dụng trị u xơ theo kinh nghiệm dân gian.
Một số đặc điểm phân biệt náng hoa trắng và cây trinh nữ hoàng cung.
Đặc điểm |
Trinh nữ hoàng cung | Náng hoa trắng |
Hình thái | -Thân hành như củ hành tây. -Lá mỏng hơn, màu xanh nhạt hơn. - Mặt dưới sống lá có một gờ sắc chạy dọc. -Hoa trắng phớt hồng. |
-Thân hành hình trứng thuôn. -Lá dày hơn, màu xanh đậm hơn. -Hoa trắng. |
Vi phẫu | -Mặt dưới sống lá tạo thành một góc tù. -Không đối xứng qua sống lá, một bên mặt lõm vào. -Mô huyết nhỏ, không rõ. -Tinh thể canci oxalat hình ruột chì. |
-Mặt dưới sống lá là một vòng cung đều đặn. -Đối xứng qua sống lá. -Mô huyết rất to, giữa 2 bó libe-gỗ. -Tinh thể canci oxalat hình kim. |
Để có thể phân biệt cây trinh nữ hoàng cung với cây lan huệ cùng chi Crinum, phải dựa trên sự khác nhau về hình thái thực vật. Sự khác nhau về hình thái giữa những cây này trình bày trong bảng sau:
Trinh nữ hoàng cung | Lan huệ |
Hoa ít thơm. | Hoa rất thơm. |
Cánh hoa mảnh, rộng, màu phớt hồng. | Cánh hoa hẹp bản hơn, màu trắng xanh. |
Nụ hoa lúc chưa nở phồng to, ngắn | Nụ hoa lúc chưa nở thon dài hơn. |
Số hoa thường là 6 trên một tán lá đôi, có khi 9,10,12. | Tán hoa thường có 12 hoa. |
Chỉ nhụy hoa màu trắng. | Chỉ nhụy hoa màu đỏ tía. |
Cuống hoa tròn, đế tán hoa hơi cong, dài khoảng 7cm, đế hoa và cuống hoa màu xanh. | Cuống hoa dài hơn trinh nữ hoàng cung (10 – 12 cm), đế hoa và cuống hoa màu đỏ tía. |
Khi hoa nở hết, các cánh hoa cẫn xếp sát nhau giữ hình ống. | Khi hoa nở hết, các cánh hoa tách rời nhau, uốn cong xuống. |
Lá có màu xanh nhạt hơi vàng. | Lá có màu xanh đậm (xanh rì) lá dày hơn lá trinh nữ hoàng cung. |
Thân thường ngắn có màu đỏ tía. | Thân cao hơn, thường có màu xanh, đôi khi cũng có màu đỏ tía. |
Phân biệt trinh nữ hoàng cung với các cây khác
Sau nhiều năm nghiên cứu, chúng tôi đã phân biệt được cây Trinh Nữ Hoàng Cung có khả năng điều trị khối u với các loại cây khác. Việc phân biệt này rất quan trọng, vì thực tế có rất nhiều loại cây giống Trinh Nữ hoàng cung mà người không có chuyên môn khó mà phân biệt, đã có nhiều người nhầm lẫn dẫn đền ngộ độc.
Nghiên cứu trong nước
Ở Việt Nam đã có nhiều tác giả quan tâm nghiên cứu về căn bệnh này. Theo các tác giả trên, việc điều trị nội khoa có nhiều ưu điểm thuận lợi cho người bệnh vì phương pháp điều trị ngoại khoa có nhiều nhược điểm. Nếu bệnh nhân bị phì đại lành tính tuyến tiền liệt kết hợp với một số bệnh khác, hay tình trạng bệnh nhân quá nặng, có thể có nhiều rối loạn chức năng sau mổ, nhất là ở những người trẻ tuổi, do đó phần lớn bệnh nhân đều muốn tìm đến phương pháp điều trị nội khoa.
Để có thuốc điều trị hiệu quả cao và khắc phục được nhược điểm của những biệt dược đang có trên thị trường, như đau đầu, chóng mặt, choáng váng và ảnh hưởng đến quan hệ tình dục, trong những năm gần đây, ở Việt Nam đã có nhiều tác giả quan tâm nghiên cứu từ dược liệu và đặc biệt đáng quan tâm trong số đó là cây TNHC, nhằm tìm được những hoạt chất có tác dụng sinh học kháng ung bướu, để có nguyên liệu sản xuất thuốc.
Chúng tôi đã xác định được cách trồng trọt, loại đất trồng, xử lí sâu bệnh, tuổi của cây và thời điểm thu hái để nguyên liệu có tác dụng sinh học điều trị ung bướu. Bên cạnh đó là chứng minh trong dịch chiết bằng nước nóng từ lá cây TNHC có chứa những yếu tố hoạt hoá tế bào lympho T, làm cho tế bào lympho T phát triển và hoạt động .
Các tác giả Nguyễn Thị Ngọc Trâm, I.Yanchev, E.Zvetkova đã tiến hành thử nghiệm gây ung thư trên chuột đực giống Wistar từ 50 đến 55 ngày tuổi, bằng cách cấy dưới da chất hoá học gây ung thư 20-methylcholanthren, tiến hành thí nghiệm cho uống những chất chiết bằng nước nóng của cây TNHC. Kết quả cho thấy, những chất này đã làm chậm sự tăng trưởng khối u của chuột thí nghiệm. Tác giả còn chứng minh thêm được 4 phân đọan alcaloid có tác dụng gây độc tế bào ung thư da, ung thư màng tử cung, ung thư cơ tim có kết quả dương tính mạnh.
Để có thuốc hỗ trợ cho điều trị u xơ tuyến tiền liệt và tránh nhầm lẫn cây TNHC với các cây náng khác có ở Việt Nam, công ty dược liệu Trung ương II đã sản xuất trà túi lọc trinh nữ hoàng cung từ năm 1998. Năm 2001, tại Bệnh viện Hữu Nghị, BS. Nguyễn Xuân Hướng đã sử dụng nước sắc lá Trinh nữ hoàng cung của công ty dược liệu trung ương 2 cung cấp để điều trị u xơ tuyến tiền liệt cho các bệnh nhân, hiệu quả 92,68%
Tác dụng hỗ trợ điều trị ung thư của Trinh nữ hoàng cung
Cây trinh nữ hoàng cung (Crinum latifolium L.) đã được nhân dân ta sử dụng để điều trị u xơ tuyến tiền liệt (phì đại lành tính tuyến tiền liệt) và u xơ tử cung, ngoài ra còn có người sử dụng để điều trị bệnh ung thư như ung thư vú, tử cung, dạ dày, phổi và tuyến tiền liệt. Trong những năm qua đã có nhiều công trình khoa học nghiên cứu về cây thuốc quý hiếm này.
Yui và cộng sự đã chứng minh alcaloid lycorine, hoạt chất chính từ TNHC có tác dụng kích thích tế bào lympho T trong ống nghiệm và trên sinh vật hoạt động và phát triển. Các tác giả Nguyễn Thị Ngọc Trâm, E. Zvetkova và cộng sự cũng đã chứng minh dịch chiết nước nóng từ lá cây TNHC Việt Nam có thể kích thích hữu hiệu sự sinh sản của tế bào lympho T và đặc biệt có tác dụng kích thích trực tiếp lên các tế bào TCD3, TCD4 invitro . Nguyễn Thị Ngọc Trâm, I.Yanchev và cộng sự cũng đã tiến hành thử nghiệm gây ung thư trên chuột đực Wistar 50 - 55 ngày tuổi, bằng cách cấy dưới da chất hóa học gây ung thư 20-methylcholantrene và tiến hành thí nghiệm cho uống những chất chiết bằng nước nóng của cây TNHC. Kết quả cho thấy dịch chiết này đã làm chậm sự tăng trưởng khối u thực nghiệm. Ở Ấn Độ, tác giả Ghosal khẳng định một số alcaloid từ TNHC như crinafoline, crinafolidine đã được thử nghiệm với tế bào ung thư và cho kết quả dương tính. Để chứng minh tác dụng của viên Crila, một loại thuốc được chiết xuất từ lá cây TNHC (đã được dùng trên bệnh nhân u xơ tuyến tiền liệt và u xơ tử cung) có hỗ trợ điều trị ung thư (tác dụng tăng miễn dịch (MD) trên thực nghiệm, khả năng chữa tình trạng suy tủy xương của bệnh phóng xạ cấp, bán cấp và có thể loại bỏ được tác dụng phụ nặng nề của hóa trị liệu) hay không, chúng tôi đã tiến hành: dùng mô hình chiếu tia xạ bán cấp cho chuột nhắt để gây suy giảm dòng tế bào tủy và dòng tế bào lympho rồi điều trị với viên Crila, sau đó đánh giá khả năng hồi phục dòng tế bào lympho T (cả về số lượng và chức năng tiết hai CK (dịch chiết từ tế bào) chủ yếu của MD chống ung thư: lL-2 và lFNa), và khả năng hồi phục dòng tế bào tủy của những chuột bị chiếu tia gamma này.
Thuốc dùng trong nghiên cứu này là viên nang Crila 250 mg của Công ty cổ phần dược liệu TW2, được bào chế từ những alcaloid có hoạt tính sinh học điều trị u xơ tuyến tiền liệt (phì đại lành tính tuyến tiền liệt) đang được lưu hành trên toàn quốc với số đăng ký VNB-3391-05. Liều sử dụng cho chuột thí nghiệm là 1250mg/kg cân nặng/ngày, gấp 30 lần liều sử dụng cho người. Thuốc được sử dụng trong 6 ngày song song với 6 ngày chiếu tia xạ, cho uống thuốc một lần trong ngày sau khi chiếu xạ. Giết chuột ở ngày thứ 7 để làm các xét nghiệm đánh giá số lượng và chức năng tế bào MD, đồng thời đánh giá số lượng một số tế bào dòng tủy chủ yếu.
Tác dụng của thuốc trên tế bào dòng lympho
Sự giảm sút nặng nề của dòng tủy và dòng lympho xảy ra ở chuột nhắt chiếu tia cấp, bán cấp là các biến đổi đã được tất cả các nhà nghiên cứu y học và thực hành lâm sàng khẳng định. Kết quả thu được của chúng tôi phù hợp với các tác giả đã công bố trước đây. Khi nhận định bằng hình thái học, chủ yếu dựa vào kích thước tế bào thì không phát hiện được sự thay đổi của bạch cầu ái toan và nhất là bạch cầu diệt tự nhiên (NK – natural killer). Nhưng khi sự nhận dạng được dựa trên dấu ấn MD (kháng nguyên CD16+ / 56+ của NK) rõ ràng, chính xác thì tia gamma đã làm NK giảm sút đặc biệt có ý nghĩa, cả trong máu ngoại vi và trong lách, với p đều <0,001.
Các tế bào NK được phát hiện vào những năm 1980, khi người ta thấy máu có khả năng gây độc với virus, với các tế bào máu gốc và tế bào ung thư. Dưới tác dụng của tế bào NK, các tế bào ung thư máu, myeloma, carcinoma, sarcoma, melanoma của người bị dung giải hay ức chế. Các chuột Beige có hoạt tính NK kém, rất nhạy cảm với bệnh ung thư máu.
NK được chính thức xem như một quần thể chống ung thư mạnh của MD bẩm sinh không đặc hiệu vì không cần mẫn cảm trước với kháng nguyên. Chuột chiếu tia, uống viên Crila làm số lượng NK hồi phục về trị số sinh học.
Các tế bào TCD4, TCD8 là các quần thể gây độc với virus và với ung thư, thông qua 2 CK quan trọng nhất là lL-2 và TNFa hay là trực tiếp gây dung giải tế bào ung thư và tế bào nhiễm virus. Liều tia xạ đã sử dụng trong thực nghiệm đã gây giảm có ý nghĩa đặc biệt toàn bộ các nhóm tế bào lympho, đặc biệt dòng T và NK. Số lượng cả hai loại TCD8a (CD8a/a) và TCD8b (CD8a/b) đều giảm mạnh ở cả lách và máu ngoại vi. TCD8b là quần thể chủ yếu , chiếm đa số các tế bào tuyến ức chín và tế bào T chín ở máu ngoại vi, được giới hạn trong MHC lớp 1, có thể đại diện cho TCD8. TCD8a là quan thể TCD8 chín chiếm tỷ lệ rất thấp.
Tế bào TCD8 là tế bào gây độc đặc hiệu chính với tế bào ung thư. Ở đây, tia gamma không những gây giảm có ý nghĩa số lượng tế bào của những quần thể này mà chức năng của chúng cũng giảm mạnh, thể hiện bằng giảm lL2. Do TNFa có nhiều nguồn gốc hơn (đại thực bào, tế bào Mast, tế bào lympho) nên hàm lượng của nó vẫn duy trì được.
Khi được điều trị bằng Crila, các quần thể tế bào lympho CD3, CD4, CD8a và CD8b (kể cả NK) ở máu ngoại vi và ở lách được phục hồi cả số lượng, tỷ lệ % và cả chức năng chế tiết lL-2 về gần trị số sinh học. lL-2 có tác dụng làm tăng sinh và tăng biệt hóa tế bào lympho T, hoạt hóa các Tc (T cytotoxic) và hoạt hóa đại thực bào, có vai trò rất quan trọng trong MD chống ung thư.
Hàm lượng TNFa được đảm bảo bằng nhiều nguồn. TNFa có tác dụng hoạt hóa các đại thực bào, bạch cầu hạt và các tế bào gây độc, tăng cường sự dính của bạch cầu với tế bào nội mạc, gây gầy mòn, sốt, cảm ứng sự tiết protein pha cấp, kích thích sự tạo mạch máu, tăng cường sản xuất các phân tử MHC lớp 1. Tác dụng của TNFa vì thế có trên một phổ rộng hơn, trong đó có cả tác dụng gây độc tế bào ung thư, tăng các phân tử MHC lớp một cho tế bào Tc hoạt động, nhằm tiêu diệt các tế bào ung thư. Khi dùng Crila để điều trị cho chuột chiếu tia thì các tế bào đều có xu hướng gây tăng chế tiết, đưa về trị số sinh học hay cao hơn, của cả hai CK nghiên cứu là TNFa và IL-2.
Các cây thuốc điều biến MD khác đã được các tác giả Việt Nam nghiên cứu hầu như chưa khảo sát chức năng tế bào MD, mà mới nghiên cứu sự biến đổi số lượng tế bào MD, trừ cây nhàu, nhưng cũng chỉ khảo sát chức năng chế tiết lL-2 in vitro. Đối với viên Crila - TNHC thì Nguyễn Thị Ngọc Trâm đã nghiên cứu một cách có hệ thống và đầy đủ. Thành phần hóa học có hoạt tính sinh học được tác giả tập trung chủ yếu vào 4 phân đoạn alcaloid và các flavonoid với các tác dụng sinh học đã giới thiệu ở trên, như tăng MD, độc với tế bào ung thư da thực nghiệm bằng 20 - methylcholantrene. Trong nghiên cứu bổ sung lần này đã chứng minh viên Crila từ TNHC có tăng số lượng và tỷ lệ % tế bào MD máu ngoại vi và lách có mang các dấu ấn CD3, CD4, CD8a, CD8b, CD16/56 và tăng khả năng chế tiết IL2 và TNFa của các loại tế bào đơn nhân phân lập ở lách nuôi cấy ngắn ngày (48 giờ) có kích thích bằng PHA.
Lugan và cộng sự (2003) cũng thấy phức hợp polysaccharide-protein của TNHC tăng cường sự chế tiết lL 2 và TNFa ở cả mức độ gen (MRNA) và protein (cytokine) của tế bào MD phân lập từ bệnh nhân ung thư. Siheeja K. và cộng sự (2007) thấy andrographis paniculata và andrographolide làm tăng CTL (cytotoxic T lympho- cyte), tăng sản xuất lL2, TNFa của tế bào T và tăng thời gian sống thêm của chuột mang khối u tuyến ức EL4.
Hy vọng về khả năng tăng cường MD chống ung thư của viên Crila là có cơ sở: các tế bào T lympho tăng cao về số lượng, tỷ lệ ở máu và ở lách, tăng chế tiết đặc biệt lL2 và cả TNFa.
Mới đây, Amandeep Kaur và cộng sự (Ấn Độ, 2006) đã phân lập được một lectin mới từ TNHC, với sắc ký lọc gel P-200 thì lectin mới này có trọng lượng phân tử là 24 kDa và 1 băng peptid với trọng lượng phân tử 12kDa trên SDS-PAGE, chứng tỏ lectin này là một protein dimmer có hai tiểu đơn vị giống nhau. Hoạt tính sinh học của lectin mới này chưa được nghiên cứu đầy đủ.
Tác đụng của viên Crila trên tế bào dòng tủy
Dựa trên kết quả nghiên cứu, có một số gợi ý về khả năng mở rộng diện sử dụng trong điều trị của Crila cho các bệnh phóng xạ cấp và bán cấp, hay các bệnh nhân suy tủy xương do hóa trị liệu ung thư.
Ngoài các tác dụng hồi phục cấu trúc, chức năng tế bào hệ MD như đã trình bày còn thấy các bạch cầu hạt, bạch cầu mono và ưa acid, những tế bào có nguồn gốc tủy xương đều có khả năng hồi phục lên bằng hay gần bằng trị số sinh học. Chỉ có mono là tuy có tăng cao nhưng còn thấp hơn trị số sinh học. Cần thiết phải nghiên cứu sâu hơn và đầy đủ hơn về cấu trúc và chức năng của các tế bào có nguồn gốc tủy dưới tác dụng của Crila để có thể mở rộng diện chỉ định điều trị, đặc biệt trong các bệnh phóng xạ cấp, bán cấp, loại bỏ tác dụng phụ của hóa trị liệu ung thư, điều trị các bệnh nhiễm trùng, nhiễm virus.
Như vậy, có thể kết luận: viên Crila sản xuất từ dịch chiết alcaloid toàn phần của lá cây TNHC, trên chuột bị chiếu tia gamma thực nghiệm, có các tác dụng sau đây: hồi phục, tăng sinh tế bào dòng lympho cả số lượng dòng T, NK và tăng chức năng chế tiết lL2, TNFa; có khả năng hồi phục bạch cầu hạt trung tính và bạch cầu ưa acid của dòng tủy về trị số sinh học.
Hỏi và đáp về cây Trinh nữ hoàng cung
Trồng cây trinh nữ hoàng cung trong chậu có khác gì so với trồng ngoài đất?
Cây THNC trồng trong chậu không có hoạt chất điều trị bệnh ung bướu như cây TNHC trồng ngoài ruộng đồng.
Sử dụng trinh nữ hoàng cung như thế nào cho đúng?
Đối với u lành thì việc sử dụng lá TNHC để hỗ trợ điều trị là tốt, nhưng phải uống đúng liều thì mới có tác dụng. Tôi hướng dẫn các bạn cách sử dụng như sau: nếu nhà có trồng cây TNHC (đúng là cây thật), có thể dùng 10 lá (khô)/ngày, cắt thành từng đoạn ngắn, sao khô, hạ thổ, sắc lấy nước uống. Cách sắc: đun sôi 3 bát ăn cơm nước, thả lá THNC (khô) vào, đậy nắp, đun trong 15 phút với lửa nhỏ, đến khi chỉ còn một bát, chia làm 3 lần uống trong ngày sau bữa ăn 1 tiếng đồng hồ, bã còn lại tiếp tục ngâm nước sôi uống thay nước trong ngày. Uống liên tục trong 63 ngày. Nếu trong nhà không có cây TNHC thì các bạn nên mua trà túi lọc TNHC của Trung tâm nghiên cứu phát triển sản xuất dược phẩm CRINA thuộc Công ty cổ phần dược liệu TW 2, dùng với liều 10 gói/ngày theo đúng hướng dẫn sử dụng trên bao bì.
Trinh nữ hoàng cung có chữa được ung thư dạ dày?
Bệnh nhân ung thư dạ dày đã được bệnh viện ung bướu xạ trị và hóa trị có thể kết hợp dùng lá cây TNHC nhằm tăng sức đề kháng của cơ thể, vì bản thân lá cây TNHC chiết xuất bằng nước nóng có khả năng ức chế sự phát triển của tế bào ung thư, kích thích tế bào lympho-T phát triển và hoạt động. Công trình này đã được nghiên cứu ở Viện hàn lâm Áo và Bungari, đã được công bố trên tạp chí Y học quốc tế.
Trinh nữ hoàng cung có chữa được viêm xoang?
Trong cây TNHC có chất kháng viêm nhưng cho đến nay chưa có nhà khoa học nào chứng minh (qua lâm sàng) về tác dụng này của cây TNHC chữa viêm xoang. TNHC chỉ chữa được bệnh u xơ tuyến tiền liệt và u xơ tử cung (đã qua thử nghiệm lâm sàng).
Uống trinh nữ hoàng cung để phòng chống ung thư có bị vô sinh?
Nếu cây mà các bạn trồng đúng là cây TNHC thì có thể sử dụng lá tươi để uống có tác dụng phòng chống ung thư. Lá cây TNHC không làm ảnh hưởng đến khả năng sinh sản. Có một loại cây náng khác cũng có tên là trinh nữ hoàng cung nhưng là loài của Campuchia, có nửa hoa màu trắng, có mùi thơm như hoa huệ - loại này mới gây vô sinh. Cây TNHC mà chúng tôi nghiên cứu là loại cây Việt Nam có nửa hoa màu trắng có ánh tím. Nếu cần xác định rõ hơn, bạn có thể liên hệ trực tiếp với tôi.
Cây trinh nữ hoàng cung sử dụng thế nào cho đúng?
Trinh Nữ Hoàng Cung chữa u xơ tử cung, u nang buồng trứng, u vú… giúp chị em phụ nữ tránh được khỏi đau đớn của những cuộc phẫu thuật làm cho con người giảm bớt nỗi lo âu tốn kém khi phải phẫu thuật và những tai biến đưa đến cắt bỏ tử cung, buồng trứng.
Trinh Nữ Hoàng Cung còn làm giảm bớt nỗi khổ của nam giới phải dậy tiểu tiện năm bảy lần trong đêm vì căn bệnh u xơ tiền liệt tuyến ( phì đại lành tính tuyến tiền liệt ). Căn bệnh u phì đại lành tính tuyến tiền liệt làm cơ thể mệt mỏi, làm giảm khả năng làm vịêc, và giảm khả năng hoạt động tình dục.
Trinh Nữ Hoàng Cung đã giúp cho chị em phụ nữ và nam giới thoát khỏi căn bệnh u xơ tử cung, u nang buồng trứng, u xơ tiền liệt tuyến,… và các bệnh khối u khác. Nhưng nếu chúng ta sử dụng không đúng những sản phẩm thuốc từ cây Trinh Nữ Hoàng Cung mà nhầm lẫn những cây náng khác giống cây Trinh Nữ Hoàng Cung là một điều rất nguy hiểm, bởi vì những hoạt chất có trong các cây náng khác sẽ làm cho các bệnh nhân có thể ngộ độc hoặc ảnh hưởng đến các cơ quan quan trọng khác của cơ thể như: gan, thận…việc kết hợp Trinh Nữ Hoàng Cung với các cây thuốc khác phải được nghiên cứu xem chúng có tương kị không? Và chính những cây thuốc phối hợp với Trinh Nữ Hoàng Cung có làm giảm khả năng kháng u của cây Trinh Nữ Hoàng Cung hay không? Cho đến nay chưa có công trình khoa học nào trong nước và trên thế giới chứng minh được có thể kết hợp Trinh Nữ Hoàng Cung với tam thất, bán chi liên… bởi vậy để sử dụng Trinh Nữ Hoàng Cung có hiệu quả và tránh những điều đáng tiếc xảy ra với người bệnh nên liên hệ với Tiến sĩ. Nguyễn Thị Ngọc Trâm là người đã nghiên cứu cây Trinh Nữ Hoàng Cung từ năm 1990 đến nay và là tác giả của ba sản phẩm CRILA, CRILIN, trà túi lọc Trinh Nữ Hoàng Cung được trồng nhiều trên vùng trồng dược liệu sạch và ổn định về hoạt tính sinh học kháng u.
(St)
Coi chừng nhiễm độc do dùng trinh nữ hoàng cung
Trinh nữ hoàng cung có chữa được u nang buồng trứng?
Cảnh giác với trinh nữ hoàng cung không rõ nguồn gốc
Chỉ "trinh nữ hoàng cung" tự nhiên mới có thể chữa bệnh
Tác dụng điều trị u xơ tử cung từ cây trinh nữ hoàng cung