Những điều cần biết khi bắt đầu kinh doanh

Nhanluu1294 Nhanluu1294 @Nhanluu1294

Những điều cần biết khi bắt đầu kinh doanh

19/04/2015 02:07 PM
303


Tự xác định khả năng làm việc độc lập, biết đâu là thế mạnh bạn thân, định hướng doanh nghiệp từ ý tưởng độc đáo cho đến hiện thực... sẽ là bí quyết quan trọng để một người khởi động việc kinh doanh của mình. Chúng ta cùng tham khảo những điều cần biết khi bắt đầu kinh doanh nhé!

 

7 điều cần biết để khởi nghiệp kinh doanh


khoi-nghiep1-1914-1388634742.jpg

Người kinh doanh sẽ cần cụ thể hóa mọi thứ để đi đến thành công.

Không ít người có công việc văn phòng ổn định nhưng vẫn quyết tâm rời bỏ để bắt đầu kinh doanh. Tuy nhiên, đưa vào hoạt động một doanh nghiệp không phải là một việc dễ dàng và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Nhiều đơn vị mới nhanh chóng trở nên khó khăn vì khối lượng công việc đồ sộ cũng như môi trường làm việc thiếu tính ổn định.

Trước khi bắt đầu thử thách, người kinh doanh cần tự trả lời được một số câu hỏi để biết mình đã sẵn sàng cho các trường hợp có thể xảy ra hay chưa.

1. Khả năng làm việc độc lập của bạn có tốt không?

Liệu bạn có cần được hướng dẫn liên tục và được động viên từ người khác? Công việc của bạn sẽ như thế nào nếu như không có ai theo sát và quản lý?

Nhiều người nghĩ rằng nắm được quyền quyết định có thể dễ dàng hơn nhiều, nhưng điều đó không phải luôn đúng. Mọi chuyện có thể khó khăn khi bạn khởi đầu không có một chỉ dẫn nào cụ thể về những việc cần làm. Một doanh nhân thành đạt hội tụ đầy đủ 3 tính cách: độc lập, tháo vát và không cần một ai theo dõi để đảm bảo làm việc năng suất và hiệu quả.

2. Bạn là người nghiên cứu sản phẩm hay doanh nhân?

Rất nhiều doanh nghiệp thành công được ấp ủ từ những ý tưởng tuyệt vời. Tuy nhiên, chỉ nuôi một ý tưởng tuyệt vời lại không thể đảm bảo cho một doanh nghiệp thành công. Có rất nhiều trường hợp mà người thành lập chỉ dừng lại tập trung vào sản phẩm, nguyên mẫu, bằng sáng chế… mà bỏ qua các khía cạnh khác của phát triển một doanh nghiệp. Chỉ phát triển để có một sản phẩm hoàn hảo không có nghĩa là khách hàng sẽ ngay lập tức đổ xô đến với doanh nghiệp.

Như một điều hiển nhiên, nếu bạn tự thấy mình giống với một người phát minh hơn là một doanh nhân thì điều này cũng không ngăn cản bạn bắt đầu kinh doanh. Tuy nhiên, bạn nên tìm kiếm thêm đối tác thông thạo các kỹ năng kinh doanh và có quan tâm đến ý tưởng của bạn để vươn xa hơn.

3. Ý tưởng kinh doanh có đáng giá với người tiêu dùng?

Có lẽ bạn đã nghe câu nói: "Hãy theo đuổi những gì bạn làm và tiền sẽ đuổi theo bạn", thế nhưng trên thực tế mọi việc không hoàn toàn giống với triết lý đó. Đam mê là chìa khoá của thành công, nhưng để xây dựng một doanh nghiệp có lợi nhuận, bạn cần cung cấp giá trị nhất định mà khách hàng đang tìm kiếm.

Người tiêu dùng sẽ không quan tâm bạn đang theo đuổi ước mơ hay không, họ chỉ chi trả cho những sản phẩm và dịch vụ đáp ứng nhu cầu và mong muốn của họ. Nếu hoạt động trong lĩnh vực mà khách hàng không quan tâm, doanh nghiệp của bạn sẽ thất bại.

4. Doanh nghiệp của bạn có gì khác biệt?

Ý tưởng của bạn có tương tự như các doanh nghiệp khác đang hoạt động hay cung cấp sản phẩm, dịch vụ độc đáo? Quy mô của thị trường mà bạn đang hướng tới? Đó là những câu hỏi quan trọng mà bạn cần suy nghĩ, nhưng chìa khoá thành công không phải lúc nào cũng là tìm bằng được một thị trường trống rỗng, không tồn tại cạnh tranh (điều gần như là không thể). Thay vào đó, mọi thứ phụ thuộc vào cách bạn định nghĩa công ty của mình và vị trí trên thị trường.

Trong ngắn hạn, bạn không nhất thiết phải đưa ra một ý tưởng mới mà cần có được cái nhìn cơ bản về ngành công nghiệp đang hướng tới và nhận biết đâu là lĩnh vực tiềm năng. Liệt kê các cách tốt nhất để đáp ứng nhu cầu đó và áp dụng chúng. Bạn không cần đi trên một con đường mới nhưng phải cung cấp cho khách hàng lý do chính đáng để thuyết phục họ lựa chọn sản phẩm, dịch vụ của mình.

5. Bạn có sẵn sàng làm nhiều việc một lúc?

Khi còn là dân công sở, công ty luôn có những người để bạn gọi điện sửa chiếc máy in bị hỏng hay để hợp tác mở một gian hàng triển lãm thương mại. Tuy nhiên, điều này sẽ không tồn tại nếu như bạn tự mình mở một doanh nghiệp.

Việc tự kinh doanh thường bao gồm rất nhiều các công việc, và đôi khi sẽ phải làm tất cả mọi thứ một mình. Bạn có thể trở thành kỹ thuật viên rồi ngay sau đó làm nhân viên bán hàng, chủ đơn vị kinh doanh... Trước khi tự mở doanh nghiệp cho riêng mình, hãy chắc chắn rằng bạn đã sẵn sàng để thực hiện hàng loạt các chức năng, bao gồm cả những công việc tẻ nhạt nhất.

6. Bạn có nền tảng tài chính để bắt tay ngay vào việc không?

Nếu bạn chưa thể biết chính xác khi nào bắt đầu thu lợi nhuận thì việc thiết lập và vận hành doanh nghiệp sẽ rất căng thẳng. Thu nhập của các doanh nghiệp nhỏ, kể cả các đơn vị làm việc độc lập, đều trong tình trạng lúc lên lúc xuống. Và khi bạn giới thiệu một sản phẩm mới, lợi nhuận có thể không đến ngay lập tức.

Làm sao để bạn vừa đảm bảo được yếu tố tài chính của bản thân và của doanh nghiệp là một việc rất quan trọng. Trong rất nhiều trường hợp, khoảng thời gian tốt nhất để chuẩn bị cho việc kinh doanh riêng là khi bạn vẫn đang sở hữu một công việc khác.

7. Bạn xử lý thế nào khi bị từ chối và đối mặt với sự thất vọng?

Khi bạn đã đầu tư, việc bị từ chối bất cứ lúc nào cũng rất khó khăn. Tuy nhiên, là một doanh nhân, bạn luôn phải đối mặt với rất nhiều tin xấu, có thể từ các nhà đầu tư, từ doanh số bán hàng đi xuống hoặc do ít lượng truy cập vào trang thương mại điện tử của mình. Nếu bạn suy nghĩ về các vấn đề phải từ bỏ hoặc do cảm xúc thất thường, bạn sẽ không những bị tốn thời gian mà còn không học được bất cứ bài học kinh nghiệm nào.

Tự trả lời những câu hỏi khó khăn phía trước là sự khác biệt giữa thành công và thất bại. Tuy nhiên, nếu một hoặc hai câu hỏi bạn không tìm được câu trả lời cũng đừng sợ hãi, chùn bước khỏi giấc mơ của mình. Bạn có thể phải thực hiện thêm một số bước cần thiết để đạt mục đích.


Theo Vnexpress.net


5 điều cần để tâm khi kinh doanh


Thoát ra khỏi sự kiểm soát của các ông chủ độc đoán và có thể tự đưa ra những quyết định là một trong số những điều thôi thúc chúng ta tạo lập sự nghiệp kinh doanh của riêng mình. Tuy rằng điều này nghe rất hấp dẫn, nhưng không phải ai cũng phù hợp với việc tự kinh doanh. Trước khi bạn tiến tới bất kì kế hoạch kinh doanh nào, việc suy xét kĩ lại bản thân và tự trả lời những câu hỏi sau đây là rất quan trọng.

1.      Bạn có đủ vốn khởi nghiệp và các khoản thu nhập dự phòng không?

Muốn tạo ra tiền thì trước tiên phải cần tiền, ngay cả khi đó chỉ là một dự án kinh doanh gia đình. Hãy đảm bảo rằng bạn có một quỹ đủ lớn để trang bị ban đầu và tuyên truyền quảng bá trước khi chính thức lao vào kinh doanh. Bạn cũng không nên mong đợi có thể kiếm được thật nhiều lợi nhuận ngay từ những giai đoạn đầu tiên của công việc kinh doanh. Bạn sẽ cần phải dành ra một khoản tiền để chu cấp cho bản thân và gia đình trong thời kì đầu. Bạn cũng nên tham khảo những mối kinh doanh tương tự để biết được họ phải mất bao lâu để bắt đầu làm ăn có lãi.

2.      Bạn có khả năng tự thân vận động hay không?

Đây là một phẩm chất mấu chốt để phân biệt một doanh nhân và một người làm thuê. Nếu bạn thuộc tuýp người thích đợi chờ người khác bảo ban cho những gì cần làm thì sẽ dễ dàng cho bạn nếu làm việc cho một công ty của người khác hơn là lập nên công ty của riêng mình. Ngược lại, nếu bạn có khả năng nghĩ ra các ý tưởng mới và có thể biến chúng thành sự thật mà không cần sự tác động của người khác, thì bạn có thể thành công trong sự nghiệp kinh doanh của chính bạn.

3.      Bạn có sẵn sàng làm việc nhiều hơn thời gian cần thiết không?

Khi làm việc cho người khác, bạn có một thời gian biểu cụ thể quy định sẵn trong hợp đồng. Khi kết thúc ngày làm việc, bạn có thể tạm quên đi công việc, về nhà và nghỉ ngơi thư giãn. Khi bạn có một công ty riêng, bạn phải gánh trên vai mình một trọng trách lớn hơn và thường cũng phải kết thúc công việc sau những người làm công ăn lương khác hàng giờ đồng hồ. Ở đây không đề cập việc nào là “đúng” hay “sai” mà chỉ là một câu hỏi giúp bạn nhìn nhận mình kĩ hơn và tìm ra con đường đi đúng đắn nhất cho mình.

4.      Gia đình có sẵn sàng ủng hộ bạn hay không?

Có thể bạn có một ý tưởng tuyệt vời cho công việc của mình, nhưng để bắt đầu nó bạn phải chắc chắn rằng gia đình luôn luôn sẵn sàng ủng hộ cho ý tưởng đó của bạn. Khởi nghiệp kinh doanh của riêng mình có thể ẩn chứa rất nhiều rủi ro cũng như yêu cầu quỹ thời gian lớn hơn. Hơn nữa, việc đảm nhiệm nhiều trọng trách đôi khi cũng khiến bạn căng thẳng mệt mỏi.Vậy nên việc người thân yêu, gần gũi nhất với bạn không chỉ chia sẻ tình yêu mà còn chia sẻ tầm nhìn, cổ vũ tinh thần và hiểu rõ những gì bạn cần để đi đến thành công là một điều cực kì quan trọng.

5.      Bạn có thực sự đam mê lĩnh vực bạn định kinh doanh?

Để đưa doanh nghiệp của bạn đi đến thành công, bạn phải tự nỗ lực và làm việc vất vả hơn những người làm thuê cho công ty khác rất nhiều. Nếu bạn không thật sự thích việc bạn đang làm thì rất khó có thể tìm được cảm hứng trong công việc – một điều tối cần thiết cho sự nghiệp của bạn. Một doanh nghiệp lí tưởng là nơi mà bạn vừa có thể áp dụng kiến thức sẵn có, vừa khiến bạn yêu thích và hứng thú.

Có một điều mà bạn nên nhớ, làm việc cho một công ty của người khác cũng không tệ chút nào. Nó mang lại rất nhiều lợi ích như công việc được bảo đảm, thu nhập ổn định, thời gian biểu phù hợp và nhiều điều khác nữa. Tuy nhiên, nếu bạn thực sự sở hữu những phẩm chất của một doanh nhân/doanh chủ và có một ý tưởng xuất sắc dựa trên nền tảng vốn và kinh nghiệm đầy đủ, thì có một sự nghiệp kinh doanh riêng có thể là điều tốt nhất mà bạn nên làm.

Bạn có đam mê, có ý tưởng, có kiến thức, có đầu óc sắp xếp thực hiện… Đừng bỏ phí những điều đó, hãy khởi nghiệp ngay khi có thể!


10 bước để đi đến thành công trong kinh doanh nhỏ

 

Kinh doanh luôn bao hàm cả lợi nhuận và rủi ro. Do vậy, bắt đầu một công việc kinh doanh mới cần một sự nỗ lực rất lớn và sự chuẩn bị thích đáng. Nếu bạn sẵn sàng chấp nhận thách thức trong kinh doanh thì bạn phải làm tất cả mọi việc trong khả năng của mình để cơ hội thành công được cao hơn. Dưới đây sẽ là 10 bước để bạn có thể thành công trong kinh doanh.

Mỗi một bước chỉ là một phương tiện đơn lẻ nhưng khi được tập hợp với nhau, 10 bước này sẽ là một bản kế hoạch chi tiết để có được những bước khởi đầu thành công một công việc kinh doanh nào đó. Cho dù bạn kinh doanh cái gì thì thực hiện 10 bước này sẽ giúp bạn tăng cơ hội thành công lên. Tuy nhiên, chúng không hề dễ dàng và đơn giản. Để thực hiện từng bước một cách hiệu quả đều cần những nỗ lực rất lớn và sự thông minh của bạn. Nó tương tự như khi bạn chơi game, bạn sẽ phải vượt qua những phần trước thì mới được chơi ở phần sau.
Dưới đây là 10 bước đó:

1. Xây dựng các mục tiêu cá nhân và mục tiêu của công ty
Sự thành công trong một lĩnh vực kinh doanh mới luôn yêu cầu bạn phải biết được mình sẽ kinh doanh cái gì và đầu tư như thế nào khi có một cơ hội thuận lợi. Hình thành và nêu rõ các mục tiêu của bạn trong một bản kế hoạch chi tiết mà đó sẽ là định hướng cho bạn khi kinh doanh. Những mục tiêu sẽ chỉ dẫn cho bạn đi tới được đích cuối cùng – kinh doanh thành công - với thời gian, công sức và chi phí nhỏ nhất.

2. Phát hiện được những phân đoạn thị trường cho sản phẩm hoặc dịch vụ của bạn
Bước tiếp theo là bạn phải xem xét kỹ thị trường. Phải phát hiện được những nhu cầu nào của khách hàng còn chưa được đáp ứng để từ đó hình thành sản phẩm của mình. Nếu không dựa vào thị trường thì chắc chắn công việc kinh doanh của bạn sẽ thất bại cho dù bạn có là người khôn ngoan đến mấy. Tuy nhiên, phần lớn các nhà kinh doanh lại thường khởi đầu với sản phẩm mà họ nghĩ là đang “sốt” trên thị trường trước khi đánh giá nhu cầu thực tế của sản phẩm. Sản phẩm của bạn phải là hấp dẫn nhất thế giới và đối với khách hàng đó là sản phẩm tuyệt với nhất mà họ đã từng biết tới trong suốt một thời gian dài. Nhưng nếu bạn chỉ bán ra với số lượng nhỏ giọt thì thất bại sẽ chờ đợi bạn ở phía trước. Để phát hiện được những nhu cầu cho sản phầm, bạn nên thực hiện nhiều cuộc điều tra thị trường.

3. Xây dựng kế hoạch marketing
Mục tiêu của một kế hoạch marketing là thể hiện việc bạn sẽ phải nỗ lực như thế nào để tạo ra và duy trì được một lượng khách hàng đủ để thu được lợi nhuận. Bạn cần phải tự trả lời được các câu hỏi như: Mình sẽ bán sản phẩm cho đối tượng khách hàng nào? Làm thế nào để thâm nhập vào thị trường? Lượng bán hàng năm sẽ là bao nhiêu trong vòng 5 năm tới?…Kế hoạch marketing sẽ trở thành bộ phận cần thiết cuối cùng cho kế hoạch kinh doanh của bạn nhưng bạn lại cần phải hoàn thiện nó trước tiên.

4. Soạn thảo sơ lược kế hoạch kinh doanh
Kế hoạch kinh doanh sẽ phải phản ánh được môi trường bạn sẽ hoạt động cũng như các lợi thế cạnh tranh bạn đã dự tính. Nó là một bản phác thảo các định hướng để bạn điều hành công ty, là bản phân tích những điểm mạnh và điểm yếu của DN và là bộ khung cho việc xây dựng kế hoạch kinh doanh chính thức sau này. Nó sẽ hỗ trợ bạn giữ được những người chủ chốt mà bạn cần cũng như giúp bạn bắt đầu đề thảo ra các kế hoạch về tài chính.

5. Tính toán nguồn tài chính cần thiết cho kinh doanh
Một khi bạn đã có được bản kế hoạch kinh doanh sơ lược, bạn có thể bắt đầu xem xét đến việc mình cần bao nhiêu vốn mà điều này sẽ được thể hiện trong kế hoạc kinh doanh hoàn chỉnh. Bản phân tích thị trường sẽ cho bạn các dự đoán về doanh số bán đề từ đó bạn quyết đinh số lượng nhân viên, ngân quỹ dùng cho việc điều hành. Từ đó bạn có thể tạo lập ra mức tài chính dự tính và xem xét nên huy động ở đâu.

6. Định hình đội ngũ chủ chốt của công ty
Những người sáng lập, điều hành và các giám đốc. Trước khi bạn xây dựng kế hoạch kinh doanh chính thức, bạn phải chắc chắn được rằng mình có được một đội ngũ quản lý hoàn chỉnh không được có bất kỳ một chỗ trống nào. Kế hoạch kinh doanh sơ lược sẽ giúp bạn thu hút được nhân tài đến với mình. Thêm nữa, nó sẽ giúp bạn tạo dựng một đội ngũ quản lý vững mạnh.

7. Hoạch định xong những nguồn tài chính cần thiết và tạo lập kế hoạch kinh doanh chính thức
Đã đến lúc bạn có thể tạo lập một kế hoạch kinh doanh chính thức hoàn chỉnh. Một kế hoạch kinh doanh sẽ thể thể hiện một cách rõ ràng cần bán bao nhiêu sản phẩm hàng hoá hoặc dịch vụ để thu được mức lợi nhuận mong muốn. Bản kế hoạch nàysẽ có thể thu hút được các nhà đầu tư. Đây cũng là cơ sở để bạn tính toán nguồn vốn cần thiết cần thiết để đảm bảo cho công việc kinh doanh sẽ luôn tiến triển. Nó cũng là công cụ để điều hành công việc kinh doanh sau này.

8. Xây dựng một chiến lược “tiếp thị” để thu hút nguồn tài chính cho công ty của bạn
Tiếp thị ở đây không phải là tiếp thị để nhằm bán hàng hoá hay dịch vụ mà là một chiến lược “tiếp thị” chính bạn và công ty của mình cho các nhà đầu tư nhằm tăng thêm nguồn vốn mà bạn cần cho công việc kinh doanh.

9. “Tiếp thị” thành công kế hoạch kinh doanh của bạn để thu hút nguồn vốn theo những điều kiện bạn đưa ra
Một khi bạn đã có được một chiến lược để tiếp cận với những nguồn tài chính, bạn cần phải có được những sách lược “đàm phán” khôn khéo để chiếm được thế thượng phong khi thoả thuận với các nhà đầu tư. Nhờ đó bạn sẽ có được nguồn vốn dựa trên những điều kiện do chính bạn đưa ra mà không phải là do các nhà đầu tư áp đặt.

10. Quảng bá sản phẩm/dịch vụ và quản lý công việc kinh doanh tốt để đạt được mục tiêu đã đề ra
Bước cuối cùng trong quy trình này chính là những công việc quản lý và phát triển công việc kinh doanh của bạn. Mở ra công ty mới chỉ là bước khởi đầu nếu bạn muốn đi đến thành công. Một khi bạn bắt đầu kinh doanh thực sự, bạn sẽ cần những công cụ quản lý và kỹ năng marketing đủ mạnh để đảm bảo được vị trí của mình trên thương trường.



(ST)
Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý