Tiêu chảy là bệnh được đặc trưng bởi phân lỏng, tăng khối lượng phân, tăng tần số đi đại tiện, tiêu chảy có hai dạng là tiêu chảy cấp tính và tiêu chảy mạn tính.
Có nhiều nguyên nhân gây ra tiêu chảy ở trẻ:
Tiêu chảy do coli
Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ hay mắc bệnh này hơn ở trẻ lớn. Bệnh có thể phát triển lây lan thành những vụ dịch.
Triệu chứng:
- Sốt
- Biếng ăn, nôn.
- Phân lỏng, đi tiêu nhiều lần.
- Trẻ bị mất nước nhanh: da nhăn, thóp lõm, môi khô, hiện tượng cô đặc máu trụy mạch tim.
Bạn có thể làm gì?
Khi một trẻ dưới 2 tuổi tiêu chảy, nhất là trẻ sơ sinh, cần phải nghĩ rằng trẻ bị tiêu chảy coli.
Hãy cho trẻ nghỉ ngơi và ăn uống theo chỉ định của bác sĩ.
Tiêu chảy do ăn sữa bò
Nguyên nhân:
Thường ở những trẻ được nuôi bằng sữa bò tươi không pha thêm nước. Hệ tiêu hóa của trẻ không tiêu hóa hết chất casein của sữa gây hiện tượng lên "men thối".
Triệu chứng:
- Giai đoạn đầu, trẻ ăn sữa bò tươi thường táo, phân "chắc", màu xám hay trắng bệch như đất sét, mùi thối.
- Về sau, các triệu chứng mới xuất hiện, thiếu máu, bụng to.
- Tiêu chảy: phân toàn nước, hoặc có phân và chất nhầy.
- Sút cân.
Những việc bạn có thể làm:
Nếu có thể, bạn hãy cho trẻ uống sữa bằng cách pha sữa bột, sữa đặc, hoặc cho thêm sữa bột vào sữa bò tươi (2-3%) và đường (5%), và chú ý pha sữa bò tươi với một số lượng nước thích hợp (tùy theo tuổi pha loãng 1/3 hay 1/2).
Nếu trẻ tiêu nhiều, cho trẻ tạm dừng ăn, chỉ uống trong 6-8 giờ.
Tiêu chảy do ăn nhiều bột
Tiêu chảy do ăn nhiều bột là bệnh rất hay gặp ởtrẻ em nước ta do thói quen ăn uống.
Nguyên nhân:
Do ăn bột quá sớm hay số lượng quá nhiều hoặc đun nấu chưa kỹ. Chất aminđon không tiêu hóa hết bị ứ đọng ở manh tràng gây nên hiện tượng lên "men chua".
Triệu chứng:
- Tuy trẻ vẫn lên cân nhưng bị tiêu chảy. Phân lỏng có nhầy, mùi chua, đi tiêu nhiều lần: 6-7 lần trong một ngày.
- Đít hăm đỏ.
- Bụng trướng. có hiện tượng trẻ hay trung tiện.
- Thiếu máu.
- Sút cân.
- Nếu bệnh kéo dài, trẻ bị rối loạn dinh dưỡng.
Bạn có thể làm gì?
Sau khi trẻ khỏi bệnh, hãy cho trẻ trở lại chế độ ăn bình thường một cách từ từ. Giảm số lượng bột và chọn loại bột tốt. Thêm sữa trong khẩu phần của trẻ.
Nếu trẻ dưới 6 tháng tuổi: hạn chế bột, cho ăn thêm sữa bò, sữa đậu nành. Tất nhất là cho trẻ được bú sữa mẹ.
Nếu trẻ trên 6 tháng, cho ăn thêm các loại thực phẩm có nhiều protein: sữa, cá, thịt. . .
Tiêu chảy ở trẻ bú sữa mẹ
Nguyên nhân:
Đây là một bệnh do ruột vận động mạnh hơn mức bình thường nên sữa mẹ đi qua ruột nhanh, chất lactoza trong sữa chưa được chuyển hóa hết, gây nên hiện tượng men chua trong ruột.
Triệu chứng:
Bệnh bắt đầu sớm, độ 10 - 15 ngày sau khi đẻ.
- Triệu chứng chủ yếu: tiêu chảy nhiều lần (5-6 lần một ngày), mùi chua, có bọt, lổn nhơn nhiều nước.
- Đít bị hăm đỏ.
- Hay bị trớ.
Bạn có thể làm gì?
Bạn không cần phải cai sữa cho trẻ, hãy tiếp tục cho trẻ bú sữa đúng giờ, đúng số lượng.
Tiêu chảy cấp ở trẻ em
Trẻ em đi tiêu nhiều lần (trên 3 lần một ngày) và tính chất phân thay đổi: phân loãng, nhiều nước.
Bệnh tiêu chảy cấp thường diễn ra dưới 5 ngày, nếu trên 2 tuần là tiêu chảy kéo dài.
Nguyên nhân:
- Thường do ăn và uống phải thức ăn, nước uống bị nhiễm khuẩn hoặc tiếp xúc với phân của người mắc bệnh.
- Không rửa tay trước khi ăn, ăn rau sống rửa không sạch, uống nước lã chứa nhiều vi khuẩn gây bệnh. Trẻ không được nuôi bằng sữa mẹ hoặc mắc một số bệnh như sởi, suy dinh dưỡng. . .
Triệu chứng:
Triệu chứng thay đổi tùy theo mức độ nặng nhẹ.
- Hội chứng tiêu hóa: tiêu chảy phân loãng, nhiều nước, đi nhiều lần (có khi 15-20 lần/ngày). Phân mùi chua hoặc khó ngửi, có nhiều mũi nhày hoặc có máu. Có thể nôn.
- Mặt nước điện giải: Trẻ quấy khóc. vật vã hoặc lờ đờ, khát nước, nước tiểu giảm khối lượng, khóc không có nước mắt, mắt trũng, miệng khô, thở nhanh, sâu hơn bình thường, mạch nhanh nhỏ, thóp lõm, huyết áp tụt.
- Sốt: có thể sốt hoặc không.
Bạn nên làm gì?
- Bồi phục nước điện giải bằng các đường uống, tiêm truyền tĩnh mạch hoặc dùng ống thông mũi - dạ dày (tại các cơ sở y tế).
Một số dung dịch để uống: Oresol 1 gói pha trong đúng 1 lít nước sôi để nguội cho uống trong một ngày. Nếu chưa có sẵn gói Oresol, có thể dùng 1 thìa cà phê muối (3,5g), 8 thìa cà phê đường (40g) pha vào 1 lít nước hoặc dùng bột gạo nấu thành nước cháo: bột gạo 50g (5 thìa canh), muối 3,5g (1 thìa cà phê), 1 lít nước; đun sôi 2-5 phút. Cho thêm vài thìa nước quả vào cháo để bổ sung kali.
- Không nên kiêng khem tránh thiếu hụt chất dinh dưỡng. Ngay sau khi bồi phục nước điện giải, có thể cho trẻ bú và ăn ngay. Những trẻ nuôi bằng sữa bò sau khi bù đủ nước điện giải, cho trẻ ăn sữa loãng hơn bình thường hoặc cho ăn sữa pha với Oresol (1/3 sữa pha với 2/3 Oresol). Dần dần cho ăn theo chế độ bình thường, khi trẻ khỏi bệnh, mỗi ngày cho ăn thêm một bữa trong một tuần để trẻ lấy lại sức.
- Kháng sinh: chỉ nên dùng trong một số trường hợp và theo chỉ định của thầy thuốc.