Bệnh còi xương là gì?
Bệnh còi xương là bệnh thiếu vitamin D, làm cho chuyển hoá canxi và photpho bị rối loạn, gây nên những tổn thương xương.
Nguyên nhân:
- Do thiếu ánh sáng mặt trời hay do chế độ ăn uống không cung cấp đầy đủ vitamin D.
- Thiếu ánh nắng mặt trời: Do bức xạ của tia cực tím ở ánh sáng mặt trời, chất 7 - dehydrocholesterol ở da được biến thành vitamin D3. Thiếu ánh nắng mặt trời khi: nhà ở chật chội, tối tăm hoặc do tập quán sai lầm, không cho trẻ ra ngoài trời. Thời tiết sương mù u ám hay không khí bị ô nhiễm vì khói của các nhà máy.
- Chế độ ăn uống thiếu các loại vitamin tan trong mỡ, nhất là vitamin D: trẻ em ăn nhiều bột, ăn sữa bò.
- Bệnh thường xuất hiện ở trẻ từ 3 tháng tuổi đến 2 tuổi, do đẻ non, sinh đôi, đẻ yếu, các bệnh nhiễm khuẩn, rối loạn tiêu hoá kéo dài hoặc chế độ ăn của mẹ nếu quá thiếu vitamin D cũng là một yếu tố dẫn đến sinh con mắc bệnh còi xương.
Triệu chứng:
- Thời kỳ 1: Các triệu chứng ở xương chưa có. Trẻ chỉ có các triệu chứng không đặc biệt như: quấy khóc, ra mồ hôi, rụng tóc ở vùng gáy.
- Thời kỳ 2: Các triệu chứng ở xương rõ: đầu mềm, thóp chậm liền, răng mọc chậm, nhuyễn sọ, gù lưng.
Những việc bạn nên làm:
- Nên cho trẻ ăn theo chế độ ăn nhiều protein, chất béo. Cho ăn các thức ăn có nhiều vitamin D như trứng gà, dầu cá.
- Nếu trẻ bị gù, hãy đặt trẻ nằm sấp và xoa bóp hàng ngày.
- Phòng bệnh: Người mẹ cần ăn uống đầy đủ thịt, cá. Các thức ăn giàu canxi trong thời gian mang thai.
- Ngay từ tháng đầu sau khi sinh và tiếp tục trong 2-3 năm đầu. Cần cho trẻ một chế độ ăn cân đối có sữa mẹ.
- Nơi ở phải thoáng, có ánh nắng mặt trời.
- Tùy theo thời tiết, cho trẻ ra ngoài trời ngay khi trẻ được 2 tháng tuổi.
- Cho trẻ uống vitamin D hay dầu cá (nhu cầu hàng ngày của trẻ em về vitamin D là 500 đơn vị/ ngày).
- Triệu chứng sớm nhất của trẻ khi dùng vitamin D quá liều là biếng ăn, uống nhiều, tiểu nhiều, sút cân, táo bón hay tiêu chảy, có thể trẻ tỏ ra buồn bã, nằm tư thế cò súng. Bạn cần cho trẻ đi gặp bác sĩ ngay để được điều trị kịp thời.
Những việc bạn không nên làm:
- Kiêng kĩ, giữ gìn trẻ một cách thái quá, không cho trẻ tiếp xúc với môi trường xung quanh.
- Không lạm dụng vitamin D để tránh tình trạng trẻ bị ngộ độc vitamin D. Khi dùng nhiều vitamin D2 (liều cao 10 - 15mg) có thể nguy hiểm.