Tràn ngập nội y nhái hàng hiệu
Gần đây thị trường có nhiều mẫu áo ngực và quần lót của một số thương hiệu như Triumph, Bonbon, Walcoal, Boya… được bán với giá rất rẻ, chỉ khoảng bằng 1/4-1/3 giá so với hàng được bán trong các kênh chính thống. Không ít chị em tỏ ra vui mừng vì nghĩ đã mua được hàng hiệu với giá hời.
Từ vỉa hè đến cửa hàng sang trọng
Trong các nhãn hiệu nội y nổi tiếng bị nhái thì Triumph phổ biến hơn cả, tràn ngập các kênh phân phối. Chị Nhung (Bùi Hữu Nghĩa, Q.5, TP.HCM) kể: “Một bạn trong công ty vừa mua mấy cái áo lót Triumph giá rất mềm, chỉ 120.000đ/cái, hỏi tôi có dùng thì cô ấy mua giùm”. Tuy nhiên, khi xem hàng, chị Nhung thấy nét áo, đường may không được tinh xảo như những chiếc áo chị đã từng mua.
Hàng nhái tập trung vào những mẫu mã được đa số khách hàng lựa chọn có ren quyến rũ, có mút nâng ngực tạo khe; đồng thời có đủ màu sắc và kích cỡ đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng.
Tại một gian hàng bán đồ lót ở chợ Thủ Đức (Q.Thủ Đức, TP.HCM), đập vào mắt người mua là hàng xấp quần áo lót Triumph, Boya. Chị bán hàng giới thiệu: “Hàng này là hàng xuất đi Nhật, mác chỉ toàn tiếng Nhật. Mặc rất đẹp, nâng ngực rất tốt. Vì số lượng thừa nhiều nên công ty mới bán ra với giá rẻ”.
Thoạt nhìn, lô hàng trên trông rất giống với hàng chính hãng, nhưng khi nhìn kỹ sẽ thấy đường may khá thô; ren, vải không được mịn màng, mềm mại.
“Trước đây tôi chỉ bán hàng Triumph chính hãng, nhưng gần đây phải lấy thêm hàng nhái về bán kèm. Hàng nhái bán rất chạy, được khách hàng chuộng vì tin rằng đã mua được hàng hiệu với giá rẻ hơn” - chị L., chủ cửa hàng thời trang Thuận Thanh trên đường Bùi Đình Túy (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) tiết lộ. Chị này còn nhiệt tình hướng dẫn cho chúng tôi cách phân biệt giữa hàng Triumph thật với giả. Về nguồn hàng, chị cho biết đã lấy từ các cơ sở gia công ở trong nước, song không chắc chắn nguyên liệu từ Việt Nam hay Trung Quốc.
Hàng thật - Hàng giả
Phân biệt hàng hiệu thật-giả
Phản hồi về vấn đề trên, bà Tống Thị Hoàng Oanh, giám đốc nhãn hàng của Công ty TNHH Triumph International Việt Nam khẳng định: “Công ty chỉ sản xuất đúng số lượng sản phẩm theo các đơn đặt hàng nên không có tình trạng dôi dư sau khi xuất khẩu. Hơn nữa, cũng không có trường hợp hàng lỗi, kém chất lượng được đưa ra tiêu thụ”. Tuy nhiên, đến nay Triumph cũng chưa xác định được hàng nhái là sản phẩm từ Trung Quốc hay nội địa. Để khách hàng không bị nhầm lẫn, Triumph mới chỉ đưa ra khuyến cáo đến người tiêu dùng và thông tin về cách phân biệt hàng thật - hàng giả như sau:
Về mặt chất lượng, hàng giả được may bằng vải sợi có chất lượng kém, dây vai, thun mau giãn, đường may cẩu thả, mau biến dạng, không thoải mái khi sử dụng.
Trên mỗi sản phẩm đều có phần nhãn vải và nhãn giấy, khi mua hàng, người tiêu dùng cần xem kỹ để tránh bị nhầm lẫn. Nhãn giấy hàng thật được phân chia thành hai phần có thể tách rời theo đường cấn giấy; mặt trước có đầy đủ thông tin về số hiệu sản phẩm, màu, kích cỡ, bầu ngực trên cả hai phần, mặt sau có đầy đủ thông tin, địa chỉ của công ty và nơi sản xuất. Nhãn giấy hàng giả in mờ (tên công ty có khi ghi không đúng: Trump, Triump hoặc Trimph….), hoặc được ghi bằng ngôn ngữ khác tiếng Việt; không có đường cấn giấy; thông tin không đúng, không đầy đủ và không trùng khớp với nhãn vải. Nhãn vải hàng thật có thông tin về sản phẩm thống nhất với nhãn giấy và có tên sản phẩm, số hiệu sản phẩm, tháng năm sản xuất và hướng dẫn sử dụng. Ngược lại thông tin trên nhãn vải hàng giả thường không đầy đủ và không khớp với nhãn giấy.
Về nguồn gốc của hàng nhái hiện cũng chưa thể biết được xác thực từ đâu. Do vậy, để bảo vệ sức khỏe, tránh tiền mất tật mang, người tiêu dùng nên cẩn trọng khi đi mua hàng. Riêng các nhãn hiệu khác thì vẫn chưa thấy nhà sản xuất lên tiếng về sản phẩm “cực rẻ” giống hệt của mình.
An Hà
Hàng Triumph - Cách phân biệt hàng thật, hàng nhái
Hiện nay, với những thông tin đăng la liệt trên các trang rao vặt thì chỉ cần bỏ ra hơn 100.000 đồng, khách hàng có thể dễ dàng mua được chiếc áo ngực mang thương hiệu Triumph. Tuy nhiên, khi xem kỹ về chất lượng và nhãn mác, nhiều khách hàng tinh tế sẽ nhận ra ngay đó là hàng Triumph nhái.
Nhãn giấy (Paper Tag):
+ Được đính vào sản phẩm để giúp nhận biết sản phẩm đó thuộc nhãn hàng nào của công ty Triumph như nhãn hàng Valisere (logo màu Tím), Triumph (logo màu đỏ, hoặc xanh cho dòng Essence by Triumph), sloggi (logo màu xanh) và DIVA by Triumph (logo màu trắng)
+ Trên nhãn giấy có thông tin về mã hàng, kích cỡ, mã màu và mã vạch của sản phẩm
+ Phía sau nhãn giấy có in địa chỉ của công ty Triumph, và địa chỉ của nhà máy Triumph nơi sản xuất ra sản phẩm
Nhãn giặt (Washing label):
+ Được may dính vào sản phẩm, phải còn nguyên vẹn, không bị cắt góc và không bị nhàu nát.
+ Trên nhãn giặt: Có logo của nhãn hàng, ghi rõ loại sản phẩm (Áo lót, quần lót…)
+ Mã hàng, tên, kích cỡ và mã màu của sản phẩm (trùng khớp với nhãn giấy)
+ Thành phần nguyên liệu, ký hiệu hướng dẫn và bảo quản sản phẩm
+ Xuất xứ của sản phẩm: nhà máy của Triumph nơi sản xuất ví dụ Thái Lan, Việt Nam, Trung Quốc, Malaysia…
Nên lưu ý tất cả thông tin phải được in bằng tiếng Việt, một số sản phẩm quần lót được đóng gói trong bao bì như hộp giấy, túi Plastic… thì không có nhãn giấy, nhưng bắt buộc phải có nhãn giặt như nêu trên.
Ngoài ra, khi chọn mua hàng, người tiêu dùng cần lưu ý, hàng chính hàng khi rờ nhẹ sẽ thấy mịn tay còn hàng giả nó hơi khô ráp hơn, màu sắc hàng giả thấy “lì” hơn vì dùng thuốc nhuộm kém chất lượng.
Theo tư vấn của thành viên heroscat – nhân viên kinh doanh của nhãn hàng Triumph trên diễn đàn lamchame, hiện nay có rất nhiều người kinh doanh hàng Triumph, bên cạnh hàng chính hãng thì hàng nhái cũng rất nhiều, điển hình là hàng “đội lốt” Triumph xuất Nhật. Vì thế, khách hàng cần phải lưu ý tem nhãn đính trên áo, cho dù là xuất đi đâu thì hàng chính hãng trên tem phải ghi "made in Viet Nam" chứ không phải ghi mấy chữ Nhật rồi tung hô là hàng xuất Nhật. Nếu đúng là hàng xuất Nhật thì giá chỉ rẻ tương đối so với hàng Triump ở Việt Nam chứ không rẻ hơn quá nhiều.
(St)
Cách chọn size áo lót triumph cưc chuẩn
Nên chọn áo ngực Triumph 'Made in nước nào' tốt?
Cùng Triumph hâm nóng mùa lễ hội