Giá trị dinh dưỡng của nước dừa?
Uống nước dừa rất có lợi cho cơ thể bởi trong nước dừa chứa nhiều vitamin và khoáng chất như: canxi, kali, clorua, vitamin A, E. Ngoài ra, nó còn có tác dụng giảm huyết áp, giảm lượng đường huyết, giúp cải thiện sức khỏe của xương và răng.
Nước dừa cũng được dùng để thay thế các sản phẩm sữa, nhất là đối với những người không dung nạp được lactose thì có thể uống nước dừa mà vẫn nhận đủ các vitamin và khoáng chất cần thiết.
Một lợi ích về sức khỏe của nước dừa nữa là giúp cơ thể tăng cường hệ miễn dịch, chống lại các vi khuẩn gây bệnh, bởi trong nước dừa chứa thành phần acid lauric, có khả năng kháng khuẩn, vi trùng, virus, nấm. Do vậy, nước dừa có thể giúp đẩy lùi các vi khuẩn xâm nhập vào dạ dày, ngăn ngừa cảm cúm, cảm lạnh, đau họng cũng như một loạt các triệu chứng đau ốm khác.
Acid lauric trong nước dừa còn hỗ trợ “đắc lực” cho tim và huyết mạch luôn hoạt động khỏe mạnh. Sự hiện diện của acid lauric cùng với một số chất béo no bão hòa và các thành phần acid có lợi khác cũng giúp chống lại bệnh tim hay xơ vữa động mạch.
Nước dừa còn được xem như là một liệu pháp tự nhiên tại nhà giúp chăm sóc da và tóc khỏe mạnh, giúp tái tạo da, tóc và ngăn ngừa các bệnh về da, tóc.
Đây cũng là thực phẩm “hoàn hảo” thúc đẩy quá trình giảm cân hiệu quả, thêm nước dừa vào chế độ ăn uống hàng ngày có thể giúp bạn duy trì mức cân nặng hợp lý. Các chất béo no, bão hòa có trong nước dừa sẽ giúp cơ thể nhanh chóng chuyển đổi thành năng lượng thay vì lưu trữ như là chất béo.
Hiện có nhiều chất chống oxy hóa được tìm thấy trong nước dừa, có thể giúp ngăn chặn các bệnh ung thư, lão hóa da, nếp nhăn, thị lực kém, và các vấn đề về xương.
Thêm nước dừa vào chế độ ăn uống cũng rất tốt cho bộ máy tiêu hóa, ngoài việc giúp cho quá trình tiêu hóa diễn ra dễ dàng hơn thì nó còn có khả năng kháng khuẩn gây đầy bụng, khó tiêu trong dạ dày.
Tại sao nên uống nước dừa khi mang thai?
Dừa luôn được xem là nguồn dinh dưỡng quý giá tốt cho sức khoẻ. Nước dừa non từ các quả dừa có màu xanh mướt là một trong những loại nước giàu dinh dưỡng nhất, là một trong những nguồn bổ sung chất điện giải tuyệt vời nhất. Nó rất giàu clorua, kali và magiê và chứa 1 lượng đường, muối và protein hợp lý. Kali giúp điều chỉnh huyết áp và nhanh chóng giải cơn khát do cơ thể bị mất muối. Nó cũng rất hữu hiệu trong việc thay thế nước điện giải khi bị tiêu chảy. Không chất béo, cholesterol và hơn thế, nó còn giúp cải thiện các cholesterol tốt trong cơ thể.
Vào mùa hè nóng bức, khi bạn muốn thoả cơn khát thì không gì tốt bằng nước dừa. Nó hoàn toàn có thể thay thế cho các loại nước có đường và năng lượng cao như các loại đồ uống có ga hay nước hoa quả.
Nước dừa cũng là một loại thuốc lợi tiểu tự nhiên và cũng giúp tăng tiết nước tiểu, giúp ngăn ngừa tình trạng viêm đường tiết niệu cũng như giảm nguy cơ sỏi thận.
Nước dừa cũng giúp giảm tình trạng táo bón, cải thiện chức năng đường ruột và các vấn đề về tiêu hoá như tăng tiết axit dạ dày, viêm loét dạ dày.
Táo bón, đầy bụng, ợ hơi là những vấn đề thường gặp khi mang thai và nước dừa hoàn toàn có thể khắc phục được vấn đề này.
Nước dừa cũng rất giàu axit lauric mà khi vào cơ thể sẽ được chuyển hoá thành monolaurin, có tác dụng chống lại các vi rút, vi khuẩn có lớp vỏ lipit; kháng nấm giúp bảo vệ cơ thể khỏi các bệnh viêm nhiễm và tăng cường hệ miễn dịch.
Với tất cả những lợi ích tuyệt vời kể trên, nước dừa luôn được khuyến nghị cho các bà mẹ đang mang thai.
Những lưu ý khi uống nước dừa?
Theo sách Nam dược thần hiệu của Tuệ Tĩnh, quả dừa (da tử) có vị ngọt, tính bình, không độc, tác dụng khử phong, ích khí, tiêu phù thủng, trừ tiêu chảy, tâm phiền, giải nhiệt độc. Nước dừa vô trùng còn được sử dụng làm dung dịch tiêm truyền tĩnh mạch, trị tiêu chảy.
Tuy nhiên, không nên lạm dụng nước dừa (ngày uống hơn 3 - 4 trái và uống liên tục nhiều ngày). Theo kinh nghiệm dân gian, uống nước dừa không đúng cách sẽ bị một số phản ứng như:
- Đi ngoài trời nắng nóng, đến khi về nhà, vì khát nước nên uống quá nhiều nước dừa sẽ bị “trúng” với các triệu chứng: ớn lạnh, đầy bụng, hâm hấp sốt hoặc sốt cao.
- Trước cuộc thi đấu thể dục thể thao, nếu uống nước dừa quá nhiều, sẽ làm cho tay chân rũ nước, giảm sức dẻo dai và phản xạ nhanh lẹ cần thiết.
- Những người có thể tạng thuộc âm như: da xanh tái, bắp thịt mềm nhão, mát, tay chân lạnh, ăn uống chậm tiêu, ăn ít, ít khát nước, thích uống ấm, dễ bị tiêu chảy, phân mềm, người nặng, bải hoải, chậm chạp…, thì không nên dùng nước dừa.
Lý do là vì theo y học cổ truyền, dừa (cũng như nhiều loại trái cây chứa nhiều nước như: dưa hấu, bí đao…) có nhiều thấp khí, thường gây trở ngại cho hoạt động của trạng tỳ. Do đó, khi uống nước dừa trong các trường hợp trên, sẽ đưa thấp khí vào trong cơ thể quá nhiều, gây ra các rối loạn chức năng hoạt động bình thường của cơ thể.
Khi uống nước dừa để giải khát, nên thêm ít muối để điều hoà. Món nước dừa trộn với nước ép rau má cũng là một thức uống giải khát, thanh nhiệt, tiêu độc, nhuận gan rất tốt. Tuy nhiên, những người có tạng âm như đã nêu, cần lưu ý để tránh những điều bất lợi khi sử dụng.
Món ăn ngon cho bà bầu chế biến với nước cốt dừa
Ngoài nước dừa, bà bầu cũng có thể hấp thụ dinh dưỡng từ nước dừa thông qua những món ăn chế biến với nước dừa.
Thịt kho nước dừa:
Nguyên liệu:
500 gr thịt đùi heo, nước dừa tươi, 3 quả trứng vịt, 1 muỗng cà phê nước cốt chanh, 1 muỗng cà phê nước tỏi ép, nước mắm ngon, muối, đường, hạt nêm.
Cách làm:
Trứng vịt chà sạch vỏ, luộc chín. Thịt đùi thái nguyên cạnh 6 cm. Ướp thịt với nước cốt chanh, để 5 phút cho ngấm đều (ướp chanh vào thịt làm cho phần mỡ sau khi kho xong sẽ trong). Kế đến, ướp thịt với nước mắm, bột nêm, muối, đường, nước tỏi để 30 phút cho ngấm đều.
Nước dừa đun sôi, đổ ngập thịt, kho khoảng 20 phút thì cho trứng vịt vào rồi tiếp tục đun đến khi thịt ngả màu cánh gián, mềm thì nêm lại gia vị cho vừa ăn. Món này ăn với cơm nóng kèm dưa giá hoặc dưa cải chua.
Bò hầm nước dừa:
Vật liệu:
1kg thịt bò + 1 trái dừa; 200g cà rốt tỉa hoa + 100 sả băm nhuyễn; 1 muỗng cà phê ớt băm nhuyễn; 1 muỗng cà phê tỏi băm nhuyễn; 2 muỗng canh dầu; 1 muỗng canh hạt nêm; 1 muỗng canh bột bắp; 100g gừng đập dập; đầu hành chẻ nhỏ và ngò trang trí
Cách làm:
1. Thịt bò luộc với gừng đập dập 5 phút, cho ra rổ xả nước nguội, để ráo, dùng mũi dao xâm đều miếng thịt bò.
2. Phi vàng sả + ớt + tỏi với dầu, để nguội xát đều lên thịt bò, để ngấm 30 phút.
3. Khuấy tan bọt bắp trong nước nguội.
4. Nấu sôi nước dừa, cho thịt bò vào nấu sôi và hớt bọt thật kỹ, đậy nắp và hầm trên lửa nhỏ đến khi thịt bò mềm, cho cà rốt + hạt nêm vào nấu sôi, cho nước bột bắp vào khuấy đều, sôi lại nhấc xuống.
5. Múc thịt bò hầm vào nồi đất, trang trí ngò và hành lá chẻ sợi, đặt lên bếp cồn giữ nóng, dọn dùng với bánh mì.
Gà om nước dừa:
Nguyên liệu:
300gr gà đùi
1 trái dừa xiêm lấy nước
4 củ hành khô bằm nhỏ
3 củ tỏi bằm nhỏ
1 muỗng cà phê bột nghệ
1 muỗng cà phê ớt bột
1 ít rau ngò
2 cây sả
1 muỗng canh sả bằm
1 muỗng canh dầu ăn
hạt nêm.
Cách làm:
Gà chặt miếng vừa ăn, ướp với một nửa hành, tỏi, sả bằm, bột nghệ, hạt nêm khoảng 15 phút.
Đun nóng dầu ăn, cho nốt hành vào xào sơ đến khi dầu trong và láng chảo thì cho tiếp chỗ tỏi, ớt bột, sả bằm xào khoảng 1 phút. Cho sả cây vào nồi, cho tiếp gà vào xào sơ, đảo đều, đậy nắp để khoảng vài ba phút thì cho nước dừa vào, quậy và đun nhỏ lửa để nước dừa đặc lại và hơi sền sệt, giảm lửa, đậy vung trong khoảng 10 phút nữa. Dùng nóng với bánh mì hoặc cơm trắng.
Chè nếp nước dừa:
Nguyên liệu:
300g dừa nạo, 50g đường, 10 cọng lá dứa, 1 thìa cà phê bột năng, 1/4 thìa cà phê muối.
Cách làm:
Cho khoảng 1/2 chén nước ấm vào dừa, vắt lấy nước cốt để riêng rồi thêm nước vắt khoảng 2 chén nước dảo. Lá dứa rửa sạch, cắt ngắn, cột lại thành bó.
Hoà bột năng với nước dảo dừa, bắc lên bếp nấu sôi, vừa nấu vừa khuấy đều tay, thêm đường và muối vào đợi tan thì cho nước cốt dừa vào khuấy đều, thả lá dứa vào để lấy mùi thơm, tắt bếp.