Khái niệm về khí hư
Cũng giống như khái niệm “ruột thừa”, gọi là ruột thừa nhưng không phải là một bộ phận thừa, không có vai trò gì trong hoạt động sống và phát triển của cơ thể. Gọi là “khí hư” nhưng thực chất đó không phải là một chất khí bị hư.
Đây là cách gọi dân gian để chỉ chất dịch tiết ra từ bộ phận sinh dục của bạn nữ xuất hiện khi đến tuổi dậy thì, còn trong khoa học gọi là huyết trắng hay dịch tiết âm đạo. Khí hư là một dấu hiệu thể hiện sự phát triển và hoạt động của cơ quan sinh dục nữ và có liên quan đến bệnh lý đường sinh dục.
Khí hư sinh lý (dịch tiết âm đạo)
Khí hư bình thường có màu trắng trong có thể hơi ngả vàng. Số lượng và tính chất của khí hư thay đổi tùy theo từng giai đoạn trong chu kì kinh nguyệt. Ở giai đoạn trước và sau khi trứng rụng, khí hư thường ít và không dai. Ở thời điểm rụng trứng, khí hư thường nhiều, loãng và dai. Vào giai đoạn này, để một ít khí hư vào hai ngón tay có thể kéo dài ra được.
Tác dụng: ngoài việc giữ ẩm cho âm đạo, khí hư còn có chức năng tạo điều kiện thuận lợi cho tinh trùng vào tử cung khi có trứng rụng, hoặc cản trở việc thâm nhập đó khi không có trứng đợi tinh trùng.
Khí hư được hình thành do tác dụng của nội tiết tố sinh sản nữ estrogen. Ở các bé gái, bộ máy sinh dục chưa phát triển đầy đủ, nhìn chung trong âm đạo không có nội tiết nên không có khí hư. Bước vào tuổi dậy thì, buồng trứng dần dần phát triển và tiết ra chất kích thích khiến bộ máy sinh dục sản sinh ra các chất nội tiết, vì thế mới có khí hư. Đến tuổi trưởng thành, buồng trứng phát triển hoàn thiện, hàng tháng đều tiết ra estrogen và progesteron, vì thế lượng khí hư xuất hiện và thay đổi theo chu kỳ, tùy thuộc hàm lượng của estrogen nhiều hay ít. Sau khi hết đợt hành kinh, bạn có thể thấy khô ở cửa mình, không có dịch tiết. Tuy nhiên, khoảng thời gian giữa chu kỳ kinh nguyệt, (đặc biệt là trước thời điểm rụng trứng 12-24 giờ), lượng estrogen tăng lên, dịch tiết ra càng nhiều, vì thế làm cho chị em cảm thấy ẩm ướt, khó chịu ở cửa mình. Trong khoảng thời gian này, khi thấy dịch tiết ra nhiều, nhiều bạn gái lại tỏ ra lo lắng, lầm tưởng mình bị bệnh. Sau rụng trứng, lượng estrogen giảm, lượng progesteron tăng lên, ức chế việc tiết ra chất nhầy ở cổ tử cung làm dịch tiết mất đi độ ướt, trở nên đặc dính. Ở một số bạn, nó biến mất hẳn, một số lại có dịch đặc cho đến tận kỳ kinh sau, một số bạn khác khi sắp hành kinh lại có dịch loãng.... Đó là những thay đổi thông thường của dịch tiết âm đạo.
Khí hư bệnh lý và việc viêm nhiễm
Bên cạnh khí hư sinh lý, trong nhiều trường hợp khí hư là biểu hiện của các bệnh lý đường sinh dục. Để thuận lợi cho việc nghiên cứu và khám chữa bệnh, các bác sĩ đã phân ra 3 loại khí hư bệnh lý sau:
Khí hư trong: dịch trong, trắng, nhầy dính, có khi loãng như nước, không hôi.
Nguyên nhân: u xơ tử cung, polype cổ tử cung, lộ tuyến cổ tử cung, quá sản nội mạc tử cung do cường estrogen.
Khí hư vàng: dịch trong, trắng, loãng, có váng như sữa. Nguyên nhân thường do rối loạn tâm lý, rối loạn thần kinh thực vật.
Khí hư đục: dịch đặc, hôi và nhiều, thường có màu vàng và xanh, có bọt hay không phụ thuộc tác nhân gây bệnh. Nguyên nhân do virus, vi khuẩn, kí sinh trùng. Tất cả các dạng trên của khí hư đều là biểu hiện của bệnh lý đường sinh dục, cần phát hiện và điều trị kịp thời, nếu để lâu sẽ dẫn tới những viêm nhiễm nặng hơn và có thể gây vô sinh ở các bạn nữ.
Tóm lại, khí hư giữ vai trò hết sức quan trọng trong đời sống sinh lý, thể hiện tình trạng nội tiết, sức khỏe của người phụ nữ. Khí hư không chỉ giữ cho âm đạo luôn có một độ ẩm nhất định mà còn có tác dụng chống các vi khuẩn gây bệnh xâm nhập cơ thể. Tuy nhiên, môi trường ẩm ướt mà khí hư tạo ra lại là một điều kiện thuận lợi cho các vi khuẩn gây bệnh xâm nhập và phát triển nếu không được vệ sinh sạch sẽ. Chính vì vậy, các bạn nữ cần giữ gìn vệ sinh bộ phận sinh dục của mình hằng ngày. Bạn nên chọn loại quần lót thấm ẩm, thoáng mát, cảm thấy dễ chịu. Nên thay quần lót tối thiểu mỗi ngày 1 lần, (những ngày gần rụng trứng, khí hư ra nhiều hơn, bạn có thể thay nhiều hơn hoặc có thể sử dụng băng vệ sinh hằng ngày để thấm ẩm).
Mỗi lần thay, bạn lại rửa sạch bằng nước sạch hoặc có pha một chút muối trắng rồi lau khô. Bạn cũng cần chú ý để phân biệt đâu là khí hư sinh lý và đâu là khí hư bệnh lý. Việc viêm nhiễm đường sinh dục, chất dịch sẽ có biểu hiện bất thường, như màu vàng sậm, màu xanh, mùi hôi tanh khó ngửi, tiết ra nhiều hơn bình thường, kèm theo ngứa ngáy cơ quan sinh dục. Khi đó bạn cần đi khám bác sĩ để điều trị kịp thời.
Ra nhiều khí hư khi mang thai có đáng ngại?
Nguyên nhân
- Do thay đổi hormone khi mang thai.
- Trong suốt thời kỳ “bầu bí”, khung xương chậu và thành âm đạo trở nên mềm hơn; do đó, khí hư tăng lên để ngăn cản vi khuẩn xâm nhập từ bên ngoài âm đạo vào tử cung.
Xử trí khi tăng tiết khí hư
- Bạn nên vệ sinh vùng kín, thay quần lót khoảng 2 lần/ngày. Tránh những loại quần lót bằng chất liệu nylon, bó khít cơ thể.
- Tránh việc thụt rửa âm đạo quá mức: hành vi này sẽ khiến môi trường âm đạo bị thay đổi, tạo điều kiện dễ dàng cho sự xâm nhập của vi khuẩn gây bệnh.
Ngoài ra, bạn cũng không nên sử dụng xà phòng thơm, các loại dung dịch vệ sinh phụ nữ có mùi thơm quá mức khi vệ sinh vùng kín. Bạn nên chọn loại dung dịch an toàn để vệ sinh vùng kín (tốt nhất bạn nên trao đổi với bác sĩ trước về vấn đề này).
Dấu hiệu nên đi khám
- Khí hư có mùi; màu sắc khác thường; bạn bị đau rát, sưng đỏ ở vùng kín. Đây là dấu hiệu cảnh báo nguy cơ viêm nhiễm âm đạo nên bạn cần đi khám sớm.
+ Nếu khí hư có mùi chua, sủi bọt; khí hư có màu vàng, xanh hoặc xám; có thể bạn đang mắc phải chứng viêm nhiễm âm đạo hoặc các bệnh lây truyền qua đường tình dục, ngay cả khi vùng kín không có dấu hiệu nóng rát, ngứa, sưng đỏ.
+ Những tuần cuối của thai kỳ, nếu khí hư chứa nhiều chất nhầy, có thể kèm theo những vệt màu hồng hoặc đỏ sậm thì có thể bạn sẽ chuyển dạ sớm.
Lưu ý: Bạn không nên tự ý dùng thuốc uống hoặc thuốc rửa âm đạo khi chưa có chỉ định của bác sĩ.
- Một số trường hợp bị viêm âm đạo trong thai kỳ nhất định phải dùng thuốc theo đơn của bác sĩ (nếu không sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của cả mẹ và bé). Bác sĩ sẽ quyết định việc dùng thuốc an toàn cho thai phụ.
Canh thịt lợn nấu với hoa mào gà: Thịt nạc thăn 100g, hoa mào gà 30g, kim anh tử 15g, bạch quả 10 quả, nước, gia vị đủ dùng. Thịt lợn rửa sạch, thái miếng. Các vị hoa mào gà, kim anh tử, bạch quả rửa sạch, bọc vào túi vải buộc kín đem đun với nước trong vòng 30 phút, bắc ra bỏ bã lấy nước. Sau đó, thả thịt lợn vào nước đun tới khi thịt chín, nêm gia vị là được. Ăn cả cái lẫn nước, ăn liên tục trong 5 ngày, mỗi ngày 1 lần. Món canh này có tác dụng thanh nhiệt, lợi thấp, chữa được các bệnh ra nhiều khí hư, khí hư hư tổn.
Gà đen hầm hoàng kỳ: Gà đen 1 con, hoàng kỳ 60g, gừng tươi, gia vị, nước đủ dùng. Gà làm sạch lông, bỏ nội tạng rửa sạch. Hoàng kỳ rửa sạch, thái miếng nhỏ nhồi vào bụng gà rồi khâu chặt lại. Đem gà hấp cách thủy, khi hấp cho gừng lên trên gà. Ăn 3 thang, cách nhật. Món ăn này có thể chữa suy nhược thần kinh, băng huyết, tiêu chảy, người mệt mỏi do khí hư gây nên.