Nguyên nhân
Nguyên nhân chủ yếu gây nấm bàn chân là các chủng nấm Trichophyton rubrum, Trichophyton mentagrophytes và Epidermophyton floccosum, trong đó, Trichophyton rubrum là nguyên nhân thường gặp nhất trên toàn thế giới. Một số nguyên nhân khác ít gặp hơn là các loại nấm Trichophyton tonsurans (ở trẻ em), Scytalidium dimidiatum, Scytalidium hyalinum và các chủng Candida. Các loại nấm này xâm nhập vào lớp sừng trên bề mặt da bằng cách tiết ra các men keratinase có khả năng tiêu chất sừng. Ngoài ra, chúng còn có chứa các chất có khả năng ức chế đáp ứng miễn dịch của cơ thể và giảm sự sinh sản của các tế bào sừng, gây tình trạng nhiễm trùng mạn tính. Da bàn chân không có tuyến bã cũng là một yếu tố góp phần làm tăng nguy cơ nhiễm nấm ở bàn chân vì các chất bã có tác dụng ức chế sự phát triển của các loại vi sinh vật gây bệnh. Da bàn chân bị trầy xước, tăng tiết mồ hôi chân, thường xuyên mang giày kín trong môi trường nóng ẩm hoặc chân bị ngâm nước kéo dài cũng là những yếu tố thuận lợi cho sự xâm nhập của nấm.
Biểu hiện của bệnh
Nấm kẽ chân.
|
Nấm bàn chân có thể xảy ra ở 1 hoặc cả 2 chân, biểu hiện khác nhau tùy thuộc vào vùng da bị nhiễm nấm và loại nấm gây bệnh. Viêm kẽ là dạng tổn thương đặc trưng của nấm bàn chân, biểu hiện với các đám ban đỏ, nứt kẽ, tiết dịch ẩm ướt và đóng vảy tiết ở kẽ chân, thường gặp nhất là kẽ giữa các ngón 3, 4 và 5. Bệnh nhân có ngứa nhiều, đôi khi tổn thương có thể lan xuống mặt gan chân, hiếm khi lan lên mu chân. Bội nhiễm vi khuẩn cũng thường xảy ra sau nhiễm nấm làm tổn thương trở nên trầm trọng hơn và bệnh nhân có thể đau nhức. Ở gan bàn chân và mu chân, bệnh thường biểu hiện với các đám ban đỏ hình vòng cung, đường kính 1 - 5 cm, đóng vảy, ranh giới của tổn thương khá rõ, bờ gồ cao với các mụn nước hoặc vảy da, vùng da ở giữa thường có màu sắc tương đối bình thường. Bệnh nhân thường có ngứa ít hoặc không ngứa, tổn thương có xu hướng bong vảy mạn tính. Viêm và nổi mụn nước cũng là một dạng tổn thương có thể gặp của nấm bàn chân. Trong thể này, bệnh nhân có nổi các mụn nước hoặc bọng nước trong hoặc có mủ, gây ngứa và đau, thường ở mu chân và phía trước của gan bàn chân, sau khi vỡ để lại vảy tiết và ban đỏ dai dẳng. Loét là thể nặng nhất của nấm bàn chân, thường gặp ở những bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch hoặc mắc bệnh tiểu đường.
|
Phòng bệnh và điều trị
Nấm bàn chân cần được điều trị với các thuốc chống nấm tại chỗ hoặc toàn thân hoặc phối hợp cả hai. Các thuốc chống nấm tại chỗ có thể được dùng trong 1 - 6 tuần, tùy từng loại thuốc và loại tổn thương. Những bệnh nhân với tổn thương dày sừng mạn tính ở gan bàn chân nên được dùng thuốc chống nấm tại chỗ ở cả mặt dưới và mặt bên của bàn chân. Ngoài ra, với dạng tổn thương này, việc dùng các thuốc chống nấm đơn thuần thường không hiệu quả, cần phối hợp thêm các thuốc có tác dụng bạt sừng như salicylic acid. Các trường hợp nấm kẽ chân cũng nên được bôi thuốc chống nấm ở tại vùng tổn thương và cả gan bàn chân để đề phòng khả năng lan rộng của tổn thương. Các thuốc chống nấm đường toàn thân thường được sử dụng trong những thể nặng như thể có bọng nước, trợt loét, những trường hợp có kết hợp với nấm ở nơi khác hoặc ở những bệnh nhân có tiểu đường, suy giảm miễn dịch. Trong quá trình điều trị nấm bàn chân, khi triệu chứng mới thuyên giảm, nếu người bệnh đột ngột ngưng dùng thuốc có thể làm bệnh nặng trở lại. Do đó, người bệnh nên được kê đơn một số lượng thuốc đủ lớn để có thể dùng đủ lộ trình điều trị và phải được hướng dẫn để đảm bảo sự tuân thủ điều trị.
|