Sắn dây có vị ngọt, thường được dùng để nấu chè hay pha nước uống. Mùa đông nhiều người thường bị lạnh ngoài nóng trong, bạn có thể dùng sắn dây để làm mát cơ thể.
Sắn dây có nóng không?
Theo Đông y, củ sắn dây mát, tính bình, đi vào kinh tỳ, vị, phế, bàng quang, có tác dụng thanh nhiệt, sinh tân dịch, trừ phiền nhiệt, thông đại tiểu tiện, làm ra mồ hôi, giải độc. Thường dùng trong các trường hợp tiêu khát (đái tháo đường), cơ thể nóng nực, ngực bụng nóng bức muốn phát cuồng, nôn mửa, lỵ ra máu, tiểu trường không thông lợi và ngộ độc rượu. Bạn hãy an tâm sử dụng sắn dây vì sắn dây không nóng.
Những cách chữa bệnh bằng sắn dây
Tác dụng y học của sắn dây được nghiên cứu cẩn thận ở Trung Quốc từ những năm 70. Các kết quả công bố cho rằng sắn dây có tác dụng giảm huyết áp, giảm đau đầu, giảm các chứng đau nhức vai và cổ. Ở Trung Quốc, bột sắn dây chữa được các chứng bệnh điếc tai do sự suy giảm hệ tuần hoàn. Nó có tác dụng làm giảm colestrol, các khối mỡ máu, máu đông và chống bệnh đau tim.
Thuốc sắn dây được điều chế dưới hai dạng: dạng bột và dạng khô nguyên bản. Bột sắn dây để điều trị chứng ăn khó tiêu, đau đầu, cảm lạnh. Cũng có thể ăn nhiều củ sắn dây luộc cũng có tác dụng tương tự.
Bột sắn dây đun chín có tác dụng kỳ diệu như thần dược trong việc làm mát phía trong cơ thể một cách đắc lực và hữu hiệu nhất trong tất cả các phương cách đặc hiệu khác, không có một thứ trà hay thức ăn nào thanh nhiệt kỳ diệu bằng bột sắn dây chín.
Khi bị viêm họng, viêm thanh quản cấp tính, bạn hãy dùng dây sắn đốt chưa cháy hoàn toàn rồi đem tán bột, uống với nước.
Gạo tẻ ngâm nước một đêm, chắt bỏ nước, trộn đều với bột sắn dây, nấu cháo ăn trong ngày sẽ khắc phục tình trạng vùng ngực bụng nóng cồn cào, khát nước.
Bột sắn dây pha nước sôi cho chín, để nguội rồi cho uống giải kháthằng ngày giúp trị rôm sảy cho trẻ do nhiệt độc của mùa hè.
Dùng lá sắn dây tươi giã nát, đắp vào vết thương đang chảy máu cũng giúp cầm máu.
Củ sắn dây tươi giã nát, vắt lấy nước cốt, uống mỗi lần 1 cốc sẽ khắc phục tình trạng chảy máu mũi thường xuyên.