Cho em hỏi em đá banh bị bong gân thì có thể tự điều trị ở nhà không? Và nếu được thì bằng cách nào? Phòng mạch có thể giúp em 1 số phương pháp dân gian đơn giản được không, nếu không thì phải đi điều trị ở đâu thì tốt? (em cũng bị không nặng lắm, dùng băng sơ mi vẫn đi lại được)
Bạn đọc
- Trả lời Th.s, BS TĂNG HÀ NAM ANH - phòng mach online:
Bong gân là từ dùng để chỉ tình trạng tổn thương các dây chằng giữ vững khớp do một chấn thương. Bong gân không liên quan gì đến các gân là thành phần cuối cùng của cơ để chuyển sức mạnh của cơ thành hoạt động của chân hay tay. Sở dĩ phải dài dòng vì nhiều khi bệnh nhân được bác sĩ giải thích bị tổn thương gân vùng tứ chi là hay nghĩ đến bong gân hay ngược lại nghĩ bong gân là tổn thương các gân như gân gấp các ngón tay …
Bong gân có thể ở nhiều mức độ khác nhau như từ nhẹ chỉ là tổn thương một vài bó sợi hay giãn dây chằng mà không làm đứt dây chằng. Nặng hơn, dây chằng có thể bị đứt một phần, phần còn lại vẫn còn nguyên nhưng cũng đủ để làm lỏng lẻo khớp nếu không điều trị đúng. Và nặng nhất là tình trạng đứt hoàn toàn dây chằng làm khớp lỏng lẻo.
Khi bị bong gân, sẽ có tình trạng chảy máu nơi vùng dây chằng bị đứt, tùy theo mức độ nặng nhẹ mà máu sẽ chảy nhiều hay ít. Máu chảy ra làm sưng nề vùng khớp bị bong gân. Dấu bầm tím quanh khớp do máu tụ lại, vùng bong gân nóng lên và ấn đau. Sau khi chấn thương, tình trạng viêm sẽ xảy ra ngay vùng bong gân. Các bạch cầu sẽ được huy động đến để dọn dẹp vùng chấn thương đồng thời mô xơ sẽ được huy động đến để hàn gắn vùng dây chằng bị hư.
Nếu sau khi bị bong gân, chúng ta chườm nóng, bóp dầu, bóp rượu hay thuốc sẽ làm tình trạng chảy máu nặng hơn. Khi đó, vùng bong gân trở thành một bãi chiến trường vì có sự đánh nhau giữa bạch cầu và các phần tử hư hại sau chấn thương.
Nạn nhân sau khi thấy đỡ đau do chườm nóng thì nay bị đau gấp nhiều lần do máu chảy nhiều hơn, phản ứng viêm nặng hơn. Khớp sưng nề lại càng sưng hơn do sự hồi lưu máu kém đi. Hậu quả là nhiều khi bong gân cổ chân mà phải đến gần sáu tháng mới về bình thường.
Hiểu được cơ chế bệnh lý sau bong gân nên các bác sĩ chỉnh hình đã nghĩ ra phương pháp điều trị hiệu quả cho bong gân. Đó chính là phương pháp “hạt gạo”. Đây là dịch từ chữ RICE. Chữ này là chữ viết tắt của 4 chữ Rest là nghỉ ngơi, Ice là chườm lạnh, Compression là băng ép và Elevation là nâng cao chi bị bong gân.
Sau khi bong gân dù nặng hay nhẹ cũng nên chườm lạnh ngay tức thì dù lúc này chườm lạnh làm bệnh nhân hơi khó chịu. Nhưng nếu chúng ta chư���m nóng sẽ làm khớp sưng to hơn và rất lâu mới xẹp. chườm lạnh bằng cách dùng nước đá đập thành cục nhỏ, cho vào túi nylon, đặt túi nước đá này lên vùng bong gân sau khi đã phủ lên da một lớp khăn mỏng. Mục tiêu là tránh không cho nước đá tiếp xúc trực tiếp lên da có thể gây bỏng lạnh.
Tuyệt đối không xoa bóp bất kỳ thứ gì dù là mật gấu chính danh. Các phương pháp dân gian như chườm lá, bóp muối… là nên tránh. Băng ép bằng cách dùng băng thun băng nhẹ nhàng, không ép quá cũng không lỏng quá.
Chỉ nên hơi căng nhẹ cuộc băng thun, băng theo kiểu lợp ngói nghĩa là lớp băng sau chồng lên 2/3 lớp băng trước. Băng từ ngọn chi đến qua khớp bị bong gân. Ví dụ bong gân gối nên băng từ bàn chân lên qua gối tới đùi. Nếu bị cổ chân (đây là nơi hay bị bong gân nhất) thì băng từ bàn chân qua cổ chân lên tới cẳng chân.
Kê cao chi bằng cách nằm gác chân lên gối ôm khoảng 10cm là vừa, nếu ngồi thì chân kê cao ngang hông (khung chậu). Nếu tay thì treo tay vào cổ hay nếu nằm thì tay để trên bụng. hạn chế đi lại chạy nhảy nếu bị bong gân vùng chân nếu không sẽ làm máu dồn xuống chân làm sưng chân.
Nên tư vấn bác sĩ chỉnh hình để dùng thuốc giảm đau, giảm sưng. Nếu bong gân độ 3 có thể phải phẫu thuật nối dây chằng tùy vào dây chằng nào bị và thời gian bị.
Phương pháp “hạt gạo” nếu áp dụng sớm sẽ làm giảm biến chứng do bong gân, giúp khớp hồi phục nhanh.
Trường hợp của bạn có thể là bị nhẹ nên có thể áp dụng phương pháp trên để tự điều trị, nhớ phải bất động ít nhất 6 tuần.