Thuốc trị chứng hoa mắt chóng mặt
Hoa mắt chóng mặt theo y học hiện đại là một triệu chứng của nhiều bệnh khác nhau trong đó hay gặp là tăng huyết áp, hội chứng rối loạn tiền đình, thiếu máu, xơ cứng động mạch não…
Theo y học cổ truyền hiện tượng hoa mắt chóng mặt đột ngột – mặt mày xây xẩm là “huyễn vựng”. “Huyễn” có nghĩa là hoa mắt, trước mắt tối sầm, không nhìn thấy gì; “vựng” là choáng váng, có cảm giác mọi vật quay cuồng, mất thăng bằng không thể đứng vững. Hoa mắt và chóng mặt hay xuất hiện đồng thời, cho nên Đông y gọi chung là “huyễn vựng”.
Có nhiều cách chữa chứng bệnh hoa mắt chóng mặt, trong phạm vi bài viết này, xin giới thiệu để bạn đọc có thể tham khảo ứng dụng một số cách chữa đơn giản có tác dụng hỗ trợ nhằm cải thiện tình hình trên.
Với biểu hiện chủ yếu của thể bệnh này là: Thỉnh thoảng bỗng nhiên bị hoa mắt, chóng mặt, kèm theo tai ù, có tiếng như ve kêu, buồn nôn … Mỗi khi tình cảm biến động mạnh, hoặc tinh thần căng thẳng, thì bệnh phát nặng hơn. Thường ngày hay đau đầu, thỉnh thoảng mặt đỏ bừng từng cơn, bồn chồn, dễ cáu giận, ngủ ít, mộng nhiều, miệng đắng hoặc chua, ngực sườn đầy trướng, nóng rét qua lại, lưỡi không rêu, mạch huyền (căng như dây đàn). Có thể sử dụng bài thuốc, để chữa:
Bài 1: Hạ khô thảo 20g, thịt lợn nạc 50g, mắm muối và gia vị lượng thích lượng. Thịt lợn nạc thái lát mỏng, cho vào nồi cùng với hạ khô thảo, thêm lượng nước thích hợp, nấu nhỏ lửa tới khi thịt chín nhừ, thêm mắm muối và gia vị, dùng làm thức ăn trong bữa trưa. Dùng liên tục 7-8 ngày.
Bài 2:
Đẳng sâm 20g, bạch truật 10g, xuyên khung 5g, bán hạ chế (tẩm nước gừng, sao vàng) 10g, hương phụ (củ gấu) 15g, sài hồ 12g, kinh giới 10g, câu đằng 10g, chi tử (dành dành) 10g, cam thảo 5g. Sắc với 1500 ml nước, đun cạn còn 600ml, chia thành 3 phần uống trong ngày vào lúc đói bụng. Liên tục 7-8 ngày (một liệu trình), nghỉ 3 ngày, lại tiếp tục liệu trình khác.
Với biểu hiện bỗng nhiên hoa mắt chóng mặt, ngực ngột ngạt, lợm giọng, nôn mửa, tai ù. Thường ngày thấy đầu nặng, tinh thần thiếu tỉnh táo, người uể oải, ngại cử động, chân tay tê – trướng – đau, ăn kém, ngủ nhiều, chất lưỡu bệu ở rìa có vết răng, rêu lưỡi cáu bẩn, mạch hoạt (trơn). Có thể sử dụng bài thuốc, hoặc món ăn – bài thuốc sau:
Bài 1: Vỏ quít tươi 20g (khô 10g), ý dĩ 50g. Nấu cháo ăn trong ngày, ăn liên tục 7-8 ngày (một liệu trình).
Bài 2:
Đẳng sâm 20g, bạch truật 15g, táo đỏ (táo tàu) 5 quả, xuyên khung 6g, hương phụ 15g, bạch chỉ 10g, ý dĩ 15g, can khương 5g, bán hạ chế 10g, trần bì 6g, cam thảo 5g. Sắc với 1000 ml nước, đun cạn còn 300ml, chia thành 3 phần uống trong ngày vào lúc đói bụng. Dùng liên tục 7-8 ngày (một liệu trình).
Với biểu hiện vận động mạnh một chút là mặt mày đột nhiên xây xẩm: Thường ngày người mệt mỏi, tinh thần uể oải, hơi thở yếu, ngại nói, sắc diện không tươi, môi và móng chân tay nhợt nhạt, tóc khô, trống ngực, tim đập dồn loạn nhịp từng cơn, ngủ ít, ăn uống giảm, bụng đầy, chất lưỡi bệu, rêu lưỡi trắng mỏng, mạch tế nhược (nhỏ yếu). Có thể áp dụng bài thuốc sau:
Bài 1: Hà thủ ô 30-60g, gạo tẻ 90g, táo tầu 4 quả (sấy khô), đường phèn lượng thích hợp. Sắc hà thủ ô lấy nước (bỏ bã), đem nấu với táo tầu, gạo tẻ thành cháo, chia ra ăn trong ngày. Dùng liên tục 7-8 ngày (một liệu trình).
Bài 2:
Đẳng sâm 12g, hoàng kỳ 15g, bạch truật 12g, đương quy 12g, phục linh 10g, long nhãn 9g, viễn chí 6g, táo nhân (sao đen) 12g, mộc hương 9g, đại táo 7 trái, cam thảo 6g. Sắc với 1200 ml nước, đun cạn còn 300ml, chia thành 2 phần uống lúc sáng sớm và buổi tối trước khi đi ngủ. Dùng liên tục 7-8 ngày (một liệu trình).
Bài 3: Thịt dê 250g (thái miếng), hoàng kỳ 25g, đẳng sâm 25g, đương quy 25g, gừng tươi, mắm muối gia vị lượng thích hợp. Hoàng kỳ, đẳng sâm, đương quy bọc vào túi vải, cùng với thịt dê cho vào nồi, thêm nước, hầm nhỏ lửa tới khi thịt chín nhừ, thêm mắm muối cho vừa miệng. Chia ra ăn trong các bữa ăn (ăn thịt, uống nước canh).
Nhức đầu chóng mặt – Triệu chứng thiểu năng tuần hoàn não
Nhức đầu là triệu chứng phổ biến và xuất hiện sớm nhất. Người bệnh có cảm giác căng nặng trong đầu, thường lấy tay xoa trán, vuốt hoặc gãi đầu, bóp trán, đấm nhẹ vào trán.
Thiểu năng tuần hoàn não là bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng phổ biến nhất ở người cao tuổi, đặc biệt là người lao động trí óc. Nguyên nhân chính là xơ vữa các động mạch nuôi não. Dấu hiệu sớm mà bệnh nhân thường nhận thấy ban đầu là cảm giác mơ hồ rằng mình có thay đổi từ thể chất đến tinh thần, người trông có vẻ già hơn, dáng đi chậm chạp, kém hoạt bát, tính tình thay đổi dần, những điều thích thú quan tâm trước đây, nay thấy nhạt nhẽo, hay nghiền ngẫm sự đời, ưa nơi yên tĩnh.
Khi bệnh nặng lên sẽ có các biểu hiện sau:
Nhức đầu: Là triệu chứng hay gặp (chiếm 90%) đồng thời cũng là triệu chứng xuất hiện sớm nhất. Nhức đầu lan tỏa khắp đầu, có cảm giác căng nặng trong đầu, nhất là mỗi khi phải suy nghĩ nhiều. Người bệnh thường có thói quen xoa trán, vuốt hoặc gãi đầu, có người bóp trán, đấm nhẹ vào trán.
Chóng mặt (gặp 87% trường hợp) hoặc có cảm giác hơi loạng choạng khi đi hoặc đứng, bập bềnh như say sóng. Có người cảm thấy hoa mắt, tối sầm mặt lại nhất là khi chuyển tư thế nằm sang tư thế đứng đột ngột. Điển hình là cơn chóng mặt, thấy mọi vật như chao đảo quay chung quanh mình. Hiện tượng này xảy ra mỗi khi thay đổi tư thế làm cho bệnh nhân phải nằm nhắm mắt nằm im, hễ cử động là chóng mặt, buồn nôn. Các cơn chóng mặt kiểu này có thể chỉ ngắn vài phút, có khi dài đến vài ngày.
Dị cảm: Là những cảm giác không thật, bất thường do bệnh nhân tự cảm thấy. Ví dụ như cảm giác tê tê, bì bì ở đầu ngón, cảm giác kiến bò. Có bệnh nhân xuất hiện cảm giác đau dọc các xương sườn, đau ở cổ theo hai đường ở phía gáy, cảm giác lạnh ở dọc xương sống. Có cảm giác như có tiếng ve kêu, cối xay lúa trong tai, tiếng này tồn tại cả ban ngày lẫn ban đêm, có khi ảnh hưởng đến mọi sinh hoạt, giấc ngủ và sức khỏe người bệnh.
Rối loạn về giấc ngủ: Rất hay gặp và có đặc điểm là dai dẳng, khó chịu, khó chữa. Biểu hiện rất đa dạng; một số người biểu hiện chính là mất ngủ, ở người khác lại là rối loạn nhịp ngủ, lúc tối ngủ được, nửa đêm trằn trọc không ngủ, gần sáng lại ngủ. Đêm không ngủ được, ngày lại ngủ gà ngủ gật.
Rối loạn về sự chú ý: Bệnh nhân rất khó truyền sự chú ý từ vật này sang vật khác. Dần dần họ bị suy nhược cả cơ thể lẫn tinh thần. Những kích thích từ ngoài trước đây thu nhận một cách dễ dàng và nhanh chóng thì nay chậm chạp và khó khăn, đòi hỏi một sự tập trung chú ý lớn. Bệnh nhân trở nên đãng trí, đang nghĩ chuyện này lại nhảy sang chuyện kia; đang nói về vấn đề này lại nhảy sang vấn đề khác một cách bất ngờ. Khả năng tập trung tư tưởng rất kém.
Rối loạn về cảm xúc: Trong người luôn cảm thấy bồn chồn, không hoàn toàn làm chủ được mình với những lý do rất vụn vặt chẳng đâu vào đâu, bệnh nhân cũng phản ứng mạnh mẽ. Bản thân bệnh nhân cũng cảm thấy phản ứng như vậy là không đúng nhưng không kìm chế được, dần dần trở thành người trái tính, trái nết. Ngoài ra, còn hay mủi lòng, dễ tủi thân, than vãn, ca cẩm hết việc này đến việc khác.
Thay đổi nhân cách: Ở những người trước kia nông nổi, nóng tính nay trở nên hay gây gổ, sinh sự. Người trước kia hiền lành an phận nay trở thành đa sầu đa cảm, tự ti… Trước kia thận trọng đúng mức, nay trở nên tủn mủn, đa nghi, trước kia căn cơ, tiết kiệm, nay trở nên hà tiện, bủn xỉn, chi li.
Trên đây là một số biểu hiện mà bệnh nhân và người thân có thể nhận biết được. Tuy nhiên, cách tốt nhất để đề phòng thiểu năng tuần hoàn não là khám sức khỏe định kỳ để có hướng dự phòng và điều trị kịp thời, tránh biến chứng nhũn não.
Người bị thiểu năng tuần hoàn não nên làm gì?
Trong đợt cấp:
Chế độ vận động: Bệnh nhân phải nằm yên tĩnh tại giường, gối đầu thấp. Hạn chế vận động cột sống cổ.
Dùng các loại thuốc: chống viêm (vô khuẩn); giảm đau; giãn mạch hoạt
huyết, điều hòa rối loạn tuần hoàn não; tăng bền vững thành mạch; trấn
tĩnh thần kinh, an thần.
Tâm lý giáo dục liệu pháp: giải thích cho người bệnh hiểu rõ về bệnh,
tránh lo âu quá mức và tự giác hợp tác với thầy thuốc thực hiện các yêu
cầu điều trị.
Sau đợt cấp:
Người bệnh nên thực hiện thể dục liệu pháp cột sống cổ (có hướng dẫn của thầy thuốc vật lý trị liệu),
tránh vận động đột ngột cột sống cổ; chế độ và phong cách sinh hoạt
thích hợp với từng độ tuổi của người bệnh; chế độ lao động nghề nghiệp
phù hợp; chế độ ăn uống của người cao tuổi hợp lý chống xơ vữa động mạch
(mỡ máu tăng cao) theo hướng dẫn của chuyên khoa dinh dưỡng; tránh các
chấn động thần kinh (stress) trong đời sống gia đình và xã hội.
Về thuốc: Dùng thuốc chống rối loạn lipid máu trên cơ sở kết quả xét nghiệm máu. Thuốc chống ngưng kết tiểu cầu để đề phòng tắc mạch não do cục huyết khối gây tắc mạch máu não và tái phát bằng aspirin pH8, dipyridamol… theo chỉ định của thầy thuốc. Khi sử dụng các thuốc này cần chú ý: với người bệnh có tiền sử mắc bệnh tiêu hóa (viêm loét dạ dày – hành tá tràng, chảy máu dạ dày…) và người có thể địa chảy máu.
Nhức đầu chóng mặt? Coi chừng bị bệnh tim mạch
Một cuộc nghiên cứu mới cho thấy những người đàn
ông bị bệnh nhức đầu trầm trọng (migraine headache) có nguy cơ mắc bệnh
tim mạch cao hơn, nhất là nguy cơ lên cơn đau tim (heart attack).
Các nhà nghiên cứu nhận thấy có sự gia tăng 24 phần trăm nguy cơ đối với
các thứ bệnh tim mạch, và 42 phần trăm nguy cơ lên cơn đau tim, nơi
những người đàn ông thường bị nhức đầu trầm trọng, so với những người
bình thường.
Cuộc nghiên cứu, đã xuất bản trên đặc san y khoa Archives of Internal
Medicine hôm 23 Tháng Tư, theo sau những kết quả tương tự nơi phụ nữ.
Bác Sĩ Tobias Kurth, thuộc trường y khoa Harvard Medical School ở
Boston, và các đồng nghiệp đã theo dõi 20,084 người đàn ông ở tuổi từ 40
tới 84 không có tiểu sử mắc bệnh tim mạch từ thập niên 1980 cho tới năm
2005. Khoảng 7 phần trăm số người này báo cáo mắc bệnh nhức đầu
migraine.
Bác Sĩ Kurth nói rằng các nhà nghiên cứu chưa biết yếu tố nào của bệnh nhức đầu migraine làm gia tăng nguy cơ lên cơn đau tim.
“Câu trả lời thành thật là: chúng tôi chưa biết,” Bác Sĩ Kurth nói.
Nhưng ông ghi nhận rằng những người thường lên cơn nhức đầu trầm trọng
cũng thường có nhiều yếu tố về bệnh tim mạch hơn, như áp huyết cao và
mức cholesterol trong máu cao.
“Hiện thời còn quá sớm để có thể biết có phải bệnh nhức đầu migraine
trực tiếp liên hệ tới bệnh tim mạch hay không,” Bác Sĩ Kurth nói trong
một cuộc phỏng vấn.
Bệnh nhức đầu migraine là chứng nhức đầu trầm trọng thường xuyên, đi kèm
với những triệu chứng như chóng mặt, buồn nôn, nôn mửa, hoặc rất nhậy
cảm đối với ánh sáng và âm thanh. Giới phụ nữ có tỉ lệ mắc bệnh này cao
hơn nam giới gấp ba lần.
Cuộc nghiên cứu này chú trọng vào những người đàn ông mắc bệnh nhức đầu
migraine. Cũng chính toán chuyên gia trên đây năm ngoái đã xuất bản một
cuộc nghiên cứu trong đó theo dõi gần 28,000 phụ nữ và thấy rằng những
bà nào mắc loại bệnh nhức đầu này thì đồng thời có nguy cơ cao hơn về
bệnh tim mạch.
Nói một cách tương đối, bệnh nhức đầu migraine ít làm tăng nguy cơ đau
tim hơn khi so sánh với những yếu tố khác, như áp huyết cao, hút thuốc
lá, chứng phì mập và mức cholesterol cao, theo lời Bác Sĩ Kurth.
Ông nói thêm rằng những ai thường bị nhức đầu loại này hãy nên lưu tâm tới những yếu tố nói trên.
“Vì vậy, nếu quý vị vẫn còn hút thuốc lá thì hãy bỏ hút. Hãy điều trị
chứng áp huyết cao, nếu quý vị ở trong tình trạng này. Hãy làm giảm mức
cholesterol. Hãy xét tới chế độ dinh dưỡng của quý vị. Hãy tránh phì
mập. Ðây là những điều mà người ta có thể thực hiện được một cách tích
cực,” Bác Sĩ Kurth khuyên.
Các nhà nghiên cứu nói rằng những người quá nặng cân thì cũng thường bị
nhức đầu migraine cùng với nguy cơ cao hơn về bệnh tim. Họ nói thêm rằng
chứng nhức đầu loại này có thể là một dấu hiệu rằng chất cholesterol
bám nhiều vào vách động mạch.
Phúc trình của cuộc nghiên cứu nói rằng ở Hoa Kỳ có hơn 28 triệu người
bị bệnh nhức đầu migraine - gồm khoảng 18 phần trăm phụ nữ và 6 phần
trăm đàn ông Mỹ.
(ST)