Suy dinh dưỡng thai nhi trong tử cung
Thế nào là suy dinh dưỡng thai nhi trong tử cung?
Sự phát triển của bào thai hoàn toàn thuộc vào người mẹ. Do đó, dinh dưỡng của trẻ trong bào thai hầu như phụ thuộc vào nguồn dinh dưỡng của mẹ qua ăn uống, tuần hoàn và quá trình trao đổi chất.
Suy dinh dưỡng thai nhi trong tử cung là hiện tượng trẻ sinh ra đủ tháng, nhưng cân nặng dưới 2,5kg. Nhìn bề ngoài, trẻ không khác một đứa trẻ đủ tháng nhưng vóc dáng bé nhỏ, da hơi nhăn nheo, khô và lớp mỡ dự trữ dưới da mỏng.
Phân biệt với trẻ đẻ non. Cả hai hiện tượng này đều giống nhau ở cân nặng của trẻ sau khi chào đời. Tuy nhiên, trẻ đẻ non còn liên quan tới yếu tố thời gian (tuần thai). Trẻ đẻ non khi ra đời từ tuần lễ thứ 22 đến hết tuần lễ thứ 36, cân nặng chỉ từ 1kg đến dưới 2,5kg, thậm chí chưa được 1kg. Trẻ đẻ non vóc dáng cũng nhỏ, lớp mỡ dưới da cũng ít nhưng da rất mỏng, có khi còn nhìn rõ các mạch máu ở phía dưới. Trên da còn mọc nhiều lông tơ. Bộ phận sinh dục ở con trai có thể tinh hoàn chưa xuống đến bìu (một hoặc cả hai bên), gan bàn chân trơn lì, rất ít nếp nhăn giống trẻ đủ tháng.
Các mức độ suy dinh dưỡng và khả năng sống sót của thai nhi
- Mức độ suy dinh dưỡng nhẹ: Những trẻ có vòng đầu bình thường là suy dinh dưỡng trong tử cung mức độ nhẹ, phần lớn là do mẹ bị bệnh cao huyết áp. Những trẻ này, khi trong thời kỳ bào thai, sự phân chia tế bào đã tương đối hoàn chỉnh, khối lượng tế bào bình thường, do đó vấn đề nuôi dưỡng không khó khăn lắm. Nếu sống qua được giai đoạn sơ sinh và nuôi dưỡng đúng cách thì sau này có thể phát triển tương đối bình thường về mặt tinh thần và vận động.
- Nếu suy dinh dưỡng trong tử cung ở mức độ trung bình: Trẻ có thể sống sót, nhưng khi sinh thường dễ bị ngạt, viêm phổi, chảy máu, hạ đường huyết. Lớn lên chúng có thể xảy ra một số nguy cơ như: chậm lớn, chậm phát triển về tinh thần và thậm chí còn có di chứng thần kinh.
- Mứa độ cao: Ngay trong bào thai đã có biểu hiện giảm rõ rệt số lượng tế bào trong cơ quan, chủ yếu là tế bào não. Trẻ có biểu hiện da khô nhăn nheo, vàng; viêm gan; nhiễm trùng hô hấp; đa hồng cầu, dung tích hồng cầu cao. Trẻ có thể bị chết trong giai đoạn sơ sinh do bị ngạt, viêm phổi, hít phải nước ối hoặc bị nhiễm trùng nặng. Những trẻ này thường hay bị dị tật bẩm sinh.
Nguyên nhân
Nguyên nhân gây ảnh hưởng dinh dưỡng thai nhi thường thuộc 4 nhóm:
- Từ phía người mẹ: Dinh dưỡng kém, bệnh lý nội khoa mãn tính, chất lượng tuần hoàn kém (trong các bệnh lý mạch máu, tim phổi), tiểu đường.
- Từ tình trạng tử cung: Do u xơ tử cung, tử cung dị dạng... làm giảm chất lượng dinh dưỡng.
- Từ bánh nhau: Xuất hiện các bất thường tại bánh nhau có liên quan đến hệ thống mạch máu, làm giảm tuần hoàn bánh nhau.
- Từ phía thai nhi: Xuất hiện những bất thường do di truyền hay do tình trạng nhiễm trùng bào thai, làm giảm khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng.
Các nguy cơ có thể gặp khi bị suy dinh dưỡng thai nhi
Trong lúc mang thai: Thai có thể bị chết đột ngột do không lấy được oxy và chất dinh dưỡng.
Trong lúc chuyển dạ: Thai vẫn có thể chết do ngạt hay các sang chấn như: gãy xương, liệt thần kinh, xuất huyết não. ..
Khi trẻ ra đời: Đó là các bất thường về tiêu hóa, thường gặp là tình trạng hạ đường huyết, hạ canxi huyết hay gây vàng da trong giai đoạn sơ sinh.
Về lâu dài, có thể gặp tình trạng bất thường về các hệ cơ quan, rối loạn tiêu hoá, rối loạn dậy thì.
Chăm sóc trẻ suy dinh dưỡng
Nếu ở mức độ suy dinh dưỡng nhẹ, khả năng sống của thai nhi rất cao. Tuy nhiên cần phải lưu tâm hơn trong việc chăm sóc chúng, bởi trẻ yếu và sức đề kháng thấp nên có rất nhiều nguy cơ đe doạ. Ngoài việc chăm sóc, nuôi dưỡng tốt và đầy đủ như đối với trẻ bình thường, trẻ sơ sinh suy dinh dưỡng trong tử cung cần được quan tâm hơn về nguyên tắc vô khuẩn và sữa mẹ. Cụ thể hơn cần chú ý thực hiện thật nghiêm túc các điều sau:
- Mọi thao tác chăm sóc và nuôi dưõng phải đảm bảo sạch sẽ, vô trùng.
- Cần nuôi trẻ bằng sữa mẹ. Trường hợp bà mẹ không có sữa, hoặc vì lí do bệnh tật không thể cho con bú được cần cho trẻ "bú rình" người trong họ hàng đang cho con bú.
- Số lần bú hàng ngày phải nhiều hơn. Ba ngày đầu phải cho trẻ bú trên 20 lần/ngày (gần 1giờ/ lần). Từ ngày thứ 4 đến ngày thứ 7 cũng phải từ 12 - 15 lần/ngày. Sang tuần thứ hai, số lần có thể giảm xuống 8 - 10. Mỗi lần bú cho trẻ bú ít một, bú từ từ. Trường hợp trẻ không tự bú được phải vắt ra và cho trẻ uống.
- Phải luôn giữ ấm cho trẻ. Đi tất, gang tay, đội mũ cho trẻ. Ngoài ra có thể dùng các dụng cụ hỗ trợ điều hoà thân nhiệt như điều hoà, đèn sưởi. Tuy nhiên, trong tháng đầu người mẹ nên ấp ủ con trực tiếp vào ngực, bụng mình sao cho da mẹ và da con sát vào nhau để hơi ấm của mẹ truyền sang con, có thể sử dụng phương pháp "chuột túi".
Cách phòng tránh
- Từ phía người mẹ: Như đã nói ở trên, việc mẹ thiếu chất dinh dưỡng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến thai nhi. Do vậy, bà bầu cần ăn uống các loại thức ăn giàu chất dinh dưỡng là điều cần thiết. Đồng thời, các chế độ làm việc, nghỉ ngơi cũng cần phải hợp lí để đảm bảo sức khoẻ cho cả mẹ và thai nhi. Nếu thai phụ bị mắc một số bệnh nằm trong danh sách không nên mang thai như: tim, viêm gan... hoặc các bệnh khác thì cần hết sức cẩn thận.
- Cần đến khám thai định kì: Bằng các kĩ thuật hiện đại, các bác sĩ có thể phát hiện ra sớm tình trạng trẻ bị suy dinh dưỡng. Chẩn đoán thường dựa trên việc xác định kích thước và trọng lượng thai nhi qua các chỉ số đo được bằng siêu âm. Các chỉ số này được so sánh với thông số bình thường (bảng bách phân) như: cân nặng, (cân nặng của thai phụ không tăng đủ mức trung bình), chiều cao tử cung (nhỏ hơn ở người có tuổi thai tương ứng), chu vi vòng bụng và chu vi vòng đầu. Các giá trị khác như: đường kính ngang bụng hay chiều dài xương đùi cũng được dùng để tham khảo. Thêm vào đó còn có thể căn cứ vào độ dày lớp mỡ một số vùng trên cơ thể. Khi tìm ra nguyên nhân họ có thể sử dụng các biện pháp can thiệp trên cơ sở cân nhắc mức độ nguy hiểm đối với mẹ và trẻ, đặc biệt là tương lai của trẻ sau khi chào đời.
- Một tin vui là nếu có chế độ nuôi dưỡng tốt sau một năm (hoặc có thể sau vài năm) trẻ bị suy dinh dưỡng vẫn có thể đuổi kịp những đứa trẻ bình thường khác nhờ tiến bộ của ngành khoa học di truyền. Người ta sẽ tiến hành điều trị bằng hormon tăng trưởng. Đa số trẻ sau khi điều trị đã cho kết quả khả quan, cải thiện rõ rệt về tầm vóc.
- Bất thường dinh dưỡng và phát triển của thai nhi theo hai hướng không đầy đủ, hay quá mức đều có tác động đáng kể đến sức khoẻ thai và diễn tiến của thai kỳ. Phát hiện sớm các tình trạng này thông qua chương trình khám thai đầy đủ và chặt chẽ sẽ giúp chúng ta có hướng can thiệp và dự liệu tốt. Số liệu tại Việt Nam năm 2005 đưa ra: 25% trẻ suy dinh dưỡng có nguồn gốc từ tình trạng suy dinh dưỡng bào thai.
Để có được những đứa trẻ khỏe mạnh, chúng ta hãy tích cực phòng tránh trẻ bị suy dinh dưỡng ngay từ khi trẻ còn trong bào thai.
(Theo mangthai.vn)
Triệu chứng thai nhi suy dinh dưỡng và cách phòng ngừa
Thai suy dinh dưỡng (SDD) còn được gọi bằng một tên khác là "thai chậm phát triển trong dạ con". Đó là những thai đẻ ra có thể đủ tháng, có thể thiếu tháng (hoặc non tháng) nhưng cân nặng của thai không đạt được mức độ trung bình thấp nhất của các thai ở lứa tuổi thai đó. Ví dụ với thai đủ tháng nếu cân nặng dưới 2.500g thì thai đó là SDD.
Tại sao thai bị SDD?
Nguyên nhân thai bị SDD có nhiều: Nguyên nhân từ mẹ, do bản thân thai nhi và có khi do bất thường ở các phần phụ của thai như rau thai, dây rốn.
Về phía mẹ: Nhiễm độc thai nghén, tăng huyết áp, các bệnh thận, bệnh
tim, thiếu máu, tiểu đường, tình trạng ăn uống kém, ăn không đủ no về
chất hoặc cả về lượng kéo dài (đói ăn); các bà mẹ nghiện rượu, nghiện
thuốc lá, ma túy; các bà mẹ phải lao động quá sức, luôn phải sống trong
tình trạng lo âu căng thẳng, sợ hãi đều có thể làm cho thai bị SDD.
Nên khám định kỳ để phát hiện các dấu hiệu bất thường thai nhi. (Ảnh minh họa)
Về phía con: Tình trạng chửa nhiều thai (thai đôi, thai ba...), thai bị nhiễm khuẩn, nhiễm virus ngay khi còn trong bụng mẹ, các thai có dị tật di truyền ở nhiễm sắc thể... cũng có thể làm cho thai phát triển chậm trong dạ con.
Về phía các bất thường của phần phụ thai nhi như rau tiền đạo, rau bong non một phần khi có thai, các u máu ở rau, các bất thường về dây rốn như dây rốn bám màng, khuyết tật chỉ có một động mạch rốn đơn độc. Ngoài ra, còn khoảng 20-30% các trường hợp thai SDD không rõ nguyên nhân. Có điều một bà mẹ lần trước có thai đã SDD, thì lần có thai sau cũng dễ lặp lại tình trạng đó.
Làm sao biết thai đã bị SDD?
Thai bị SDD không có các triệu chứng rõ rệt trên cơ thể người mẹ, do đó
khó chẩn đoán. Khi khám thai, người nữ hộ sinh thường chỉ thấy bụng bà
mẹ nhỏ, chiều cao dạ con phát triển không phù hợp với tuổi thai.
Ví dụ một thai đủ tháng, chiều cao dạ con đo từ xương mu trở lên phía
rốn ít nhất cũng phải bằng hoặc lớn hơn 30cm nhưng nếu khi khám chỉ đo
được 26-27cm thì phải nghĩ đến thai bị SDD. Mỗi tuổi thai có một chiều
cao dạ con tương ứng với nó, ví dụ khi chiều cao dạ con 28cm ở người có
thai khoảng 8 tháng (33-34 tuần) là bình thường, nhưng nếu là ở người có
thai đủ tháng thì là thai SDD.
Vì thế các bà mẹ luôn phải nhớ đúng ngày có kinh lần cuối trước khi có
thai của mình để từ đó thầy thuốc tính được tuổi thai một cách chính
xác. Ở các chuyên khoa sản, người ta có thể dùng các máy hiện đại (siêu
âm) để giúp chẩn đoán và theo dõi tuổi thai và sự phát triển của thai.
Tuy nhiên các dấu hiệu dạ con nhỏ, chiều cao dạ con thấp so với tuổi
thai vẫn là dấu hiệu chính để phát hiện, chẩn đoán thai SDD.
Nguy hại của thai SDD
Thai SDD có thể coi như thai đã bị ốm yếu ngay khi còn trong bụng mẹ, thậm chí có thể gây tử vong cho thai (thai chết lưu). Nếu đẻ ra thì thai SDD cũng dễ ốm đau, quặt quẹo, khó nuôi, đặc biệt khi thai SDD kết hợp với non tháng thì tiên lượng cho con càng xấu, tử vong sơ sinh sẽ rất cao. Thai SDD nếu nuôi được cũng thường phát triển chậm cả về thể chất lẫn tinh thần.
Làm thế nào để thai không bị SDD?
Trước hết về phía bà mẹ, khi có thai cần được ăn no, ăn đủ chất cần thiết cho sự phát triển của bào thai như các loại thịt, đậu, trứng, sữa, tôm, cá, các rau quả tươi. Cần uống thêm viên sắt từ khi có thai đến sau khi đẻ để chống thiếu máu. Ngoài chế độ dinh dưỡng còn cần một chế độ lao động và nghỉ ngơi hợp lý, tránh mọi lo âu phiền muộn trong cuộc sống. Bà mẹ không uống rượu và hút thuốc lá, thuốc lào khi có thai.
Thực hiện kế hoạch hóa gia đình: Đẻ thưa,
không nên đẻ khi còn ít tuổi (dưới 18) và khi đã lớn tuổi (trên 35)
cũng sẽ góp phần giảm thiểu tình trạng thai SDD.
Khi đã có thai, bà mẹ phải được khám thai định kỳ đều đặn (1 tháng/lần)
để thầy thuốc kịp thời phát hiện các bất thường về thai nghén và sự phát
triển của thai từ đó có thể tư vấn cho bà mẹ cách chăm sóc sức khỏe để
thai không bị SDD.
(theo Giadinhnet)
Chống suy dinh dưỡng thai nhi
Người ta cho rằng có 4 yếu tố ảnh hưởng lớn đến việc phát triển của bào thai, tác động đến sức khỏe sau này của đứa trẻ, mà chỉ cần có lời khuyên cho người mẹ cũng có thể đem lại kết quả đáng kích lệ. Đó là:
Tuổi tác của người mẹ
Cơ
thể của con người được phát triển và lớn lên trong một quá trình rất
dài cho đến 25 tuổi mới thực sự ngừng lớn và phát triển hoàn toàn, với
người phụ nữ cũng vậy. Tuy nhiên với cơ thể của phụ nữ thì tuổi 30 trở
đi đã bắt đầu có hiện tượng thoái hóa, già cỗi dần.
Chính vì vậy thời gian thực hiện thiên chức sinh sản, sinh con tốt nhất của người phụ nữ là từ 25 đến 30 tuổi. Nếu đẻ sớm hơn, đẻ trước 25 tuổi sẽ làm cho cơ thể người mẹ ngừng lớn, ngừng phát triển, vì phải chia sẻ phần mình cho cái thai. Chính vì vậy, ở các nước nghèo, chậm phát triển, đặc biệt là các nước phương đông, châu Á, do tục lệ gả chồng sớm cho con gái, đã làm cho phụ nữ thấp bé, còi cọc, đứa trẻ đẻ ra cũng dễ bị còi cọc cho dù người chồng có cao to. Điều này có nghĩa là tầm vóc, chiều cao của người mẹ sẽ quyết định tầm vóc, chiều cao của các con. Tầm vóc phụ thuộc vào tuổi của người mẹ lúc mang thai. Tuổi của người mẹ không những ảnh hưởng đến chiều cao của trẻ, mà còn có thể vì tuổi quá lớn vẫn sinh con sẽ dễ đẻ ra những đứa trẻ không bình thường, bị dị tật bẩm sinh, điển hình là hội chứng Down, tim bẩm sinh, hở hàm ếch, sứt môi, nên sau 35 tuổi sinh đẻ sẽ không an toàn.
Sức khỏe của bà mẹ
Cần chăm sóc thai nhi ngay từ đầu để có những đứa trẻ khỏe mạnh cả về thể chất và trí tuệ sau này.
Sức khỏe của mẹ sẽ quyết định sức khỏe của con. Nếu mẹ khỏe mạnh sẽ đẻ ra những đứa con khỏe mạnh. Trong thời gian có thai, nếu mẹ bị cúm, sốt phát ban, mắc các bệnh nhiễm khuẩn cấp, sẽ dễ đẻ ra những đứa trẻ bị dị tật bẩm sinh. Khi mẹ đang có những bệnh mạn tính như sốt rét, viêm gan, thấp tim, phù thận, cần phải chữa khỏi bệnh rồi mới mang thai. Có những bệnh của người mẹ có khả năng lây truyền cho con như giang mai, HIV/AIDS, vì vậy cần khám sức khỏe, nếu thực sự an toàn khỏe mạnh hãy sinh con.
Có một số bệnh di truyền, mẹ mang các gen bệnh trong người nhưng vì thể ẩn nên không biểu hiện thành bệnh (như một số các bệnh nột tiết và di truyền, chuyển hóa). Trong trường hợp này bà mẹ cần đến gặp các thầy thuốc nhi khoa về di truyền học, nội tiết học để có lời khuyên và những biện pháp chẩn đoán sớm, cái thai nào là lành mạnh nên để sinh, cái thai nào mang mầm bệnh cần chấm dứt sớm để không đẻ ra những đứa con mang bệnh.
Dinh dưỡng của người mẹ
Thời kỳ trẻ còn trong bào thai, dinh dưỡng của trẻ phụ thuộc vào dinh dưỡng của mẹ. Nguồn dinh dưỡng của mẹ, sẽ theo máu, qua rau thai đến cung cấp cho con. Vì vậy khi có thai mẹ vừa ăn cho mình, vừa ăn cho con.
Thành phần dinh dưỡng lúc này không phải chỉ cần có số lượng, ăn nhiều và đủ mà mẹ phải ăn có chất mới bảo đảm sự phát triển của bào thai. Ví dụ, mẹ chỉ ăn đủ no, nhưng bữa ăn toàn chất bột, cơm ngô khoai sắn. Đứa con cũng sẽ to, nhưng chiều cao sẽ ngắn, lớn lên sẽ thấp lùn. Vì để cấu tạo nên bộ khung xương, cơ thể của trẻ cần có chất đạm, đó là thịt, trứng, đậu, tôm, cá. Những chất này sẽ xây dựng các tổ chức cơ quan cho trẻ như hệ thống não thần kinh trung ương, tim, gan, phổi, bộ máy tiêu hóa, hô hấp, tuần hoàn, tiết niệu,...
Mẹ cần phải ăn đủ rau xanh, hoa quả vì trong đó sẽ cho nhiều chất khoáng như sắt, đồng, kẽm, canxi, photpho cũng như các loại vitamin, nếu thiếu những thứ này sẽ bị thiếu máu, còi xương, thiếu vitamin A, ảnh hưởng đến phát triển trí tuệ, còi xương, mù lòa do thiếu vitamin A, v.v...
Ở những nước phát triển, không chờ đến khi có thai mới đặt vấn đề chăm sóc bà mẹ mà việc chăm sóc này được làm sớm hơn nhiều, ngay từ khi còn là một bé gái (bảo đảm ăn uống đủ chất để cơ thể phát triển cân đối, tầm vóc cao khỏe), có thế mới có được một thế hệ tương lai khỏe mạnh hơn.
Điều kiện lao động của mẹ khi mang thai và cho con bú
Bình thường, khi chúng ta lao động đã phải tiêu hao năng lượng, lao động càng nặng thì tiêu hao năng lượng càng nhiều. Khi có thai, ngoài năng lượng tiêu hao do lao động người mẹ còn phải dành một phần đáng kể năng lượng cho phát triển thai nhi và dự trữ để sinh sữa cho con bú sau này.
Cuối thai kỳ (tức sau 9 tháng 10 ngày), bà mẹ phải tăng cân được 12kg trở lên, 3 tháng đầu chỉ tăng 1kg, 3 tháng thứ hai tăng 5kg, 3 tháng cuối mỗi tháng tăng 2kg. Số cân nặng này chia cho bào thai, rau thai, nước ối, và máu hết 7,5kg, 5kg còn lại được chuyển vào mô mỡ dự trữ để tiết sữa nuôi con.
Nếu mẹ chỉ tăng được 6-7kg trong thời kỳ mang thai như chị em phụ nữ ta hiện nay thì sau sinh con, mẹ không còn gì để sinh sữa. điều này đã giải thích vì sao ở nước ta hiện nay vẫn còn nhiều bà mẹ bị ít sữa, mất sữa sớm, không có sữa để nuôi con.
Tóm lại, 4 yếu tố trên đây rất có ý nghĩa quyết định đến phát triển bào thai, sức khỏe đứa trẻ lúc ra đời, sức khỏe thể chất và trí tuệ lâu dài sau này.
Theo Sức Khỏe & Đời Sống