Hỏi: Tôi hay có những vết bầm tím trên cơ thể. Chúng thường xuất hiện sau những va chạm (dù nhẹ) nhưng vết bầm lại rất lâu tan. Tôi xin hỏi quý báo có cách nào làm nhanh tan vết máu bầm không?
Ngọc Hoa (Hà Nội)
Trả lời:
Khi bị chấn thương, các mạch máu nhỏ sẽ bị vỡ, máu thoát ra ngoài, tụ lại dưới da và hình thành nên máu bầm hay còn gọi là xuất huyết dưới da. Hiện tượng này dễ xảy ra sau chấn thương, va chạm, tụ máu sau phẫu thuật, sau tiêm truyền và cũng có khi do các bệnh lý về máu...
Vết bầm máu có thể nhỏ hoặc lớn tùy theo mức độ tổn thương mạch máu, thông thường sau 3 - 5 ngày các vết bầm này sẽ thay đổi màu sắc từ màu đỏ sậm qua màu xanh rồi màu vàng và từ từ biến mất. Nhưng có những vết bầm do va chạm mạnh rất lâu không tan, thì bạn nên áp dụng cách sau:
Đắp nước đá: Khi vừa đụng phải cạnh bàn, cảm thấy đau điếng, bạn biết chắc rằng nơi đó sẽ xuất hiện một vết bầm xanh, tím hoặc đen trong 1 - 2 ngày sau. Đừng thử chờ xem vết bầm có hiện lên hay không, vì lúc đó có lẽ đã hơi trễ. Hãy dùng đá hoặc nước đá đắp ngay lên chỗ đau. Đắp liên tục trong vài tiếng đồng hồ. Mục đích là giúp mạch máu co lại, khiến vết thương giảm viêm giảm sưng, giảm chảy máu.
Hơ nóng: Với trường hợp va đập mạnh, sau chườm lạnh, ngày hôm sau cần dùng khăn nhúng nước thật nóng, vắt khô rồi đắp lên chỗ bầm. Khăn nguội thì lại làm lại, cứ thế liên tục trong 1 - 2 tiếng đồng hồ tùy theo vết bầm lớn hay nhỏ.
Nếu bạn thường xuyên bị những vết bầm không rõ nguyên nhân hoặc những vết bầm máu đã tan sau đó cứ bị đi bị lại, hãy đi khám bác sĩ.
B.s Hữu Hạnh