Ở các thành phố, chuột trở thành nỗi kinh hoàng, có khi có người phải nhập viện do bị chuột cắn, cũng có nhiều người bất an vì nạn chuột đang hoành hành ở khắp nơi.
Suýt mất mạng vì chuột
Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới Tp.HCM từng tiếp nhận một bệnh nhân nam có triệu chứng viêm phổi, giảm tiểu cầu, nổi mẩn da, rồi diễn tiến nặng vì suy thận trong ngày hôm sau. Theo kết quả xét nghiệm, bệnh nhân dương tính với loại virus có tên Hanta. Được biết, cách đó 15 ngày hai cha con bệnh nhân này bị chuột cắn. Tuy nhiên, do cơ địa từng người nên khi người cha đã khỏi thì người con mới phát bệnh.
Tại Hà Nội hiện cũng đã từng có 3 bệnh nhân phải nhập viện do bị chuột cắn. Không bị suy thận như trường hợp ở Tp.HCM nhưng người bệnh bị sốt cao, vết thương đau nhức, sưng tấy và có dấu hiệu lan rộng. Trước khi nhập viện, bệnh nhân đã uống thuốc và tiêm phòng uốn ván mà vẫn không có tác dụng.
Đặc biệt, không chỉ bị chuột cắn mới nhiễm bệnh mà chỉ cần tiếp xúc hoặc hít phải các chất bài tiết của chuột là có nguy cơ mắc bệnh. Tại nhiều khu dân cư, người dân luôn phấp phỏng lo lây bệnh từ chuột. Ở các phòng trọ, ký túc xá – nơi được mệnh danh là “thiên đường của chuột”, nhiều sinh viên hoang mang, mất ăn mất ngủ trước sự đông đúc và nguy hiểm chết người của “vị khách không mời” này.
Theo PGS. TS Trương Sĩ Niêm (Khoa Côn trùng và Động vật học, Viện Vệ sinh Dịch tễ TW): Có hai loài chuột chứa virus Hanta gây bệnh là chuột cống và chuột nhà. Virus Hanta chủ yếu lây truyền qua nước miếng của chuột. Ngoài ra, con người có thể bị nhiễm bệnh khi tiếp xúc hoặc hít phải các chất thải như nước tiểu và phân chuột. Khi nhiễm bệnh, bệnh nhân có thể gây sốt xuất huyết ở thận và ở phổi.
Chuột - ổ dịch bệnh khổng lồ
TS. Nguyễn Văn Kính (Giám Đốc Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương) khẳng định: Không chỉ có virus Hanta, chuột còn mang rất nhiều mầm bệnh như dịch hạch và nhiều ký sinh gây bệnh khác. Nguy hiểm nhất là ký sinh trùng Angiostrongylus Cantonensis gây bệnh viêm màng não.
Theo thống kê, có khoảng 40 bệnh do chuột gây ra. Trong đó, những bệnh đáng e ngại nhất, thường phải cấp cứu, điều trị là bệnh dịch hạch, Sodoku và hiện nay là Hanta.
SOS: Thời gian từ khi người bị nhiễm virus Hanta đến khi phát bệnh khoảng 9-35 ngày (đa số từ 9-24 ngày). Bệnh nhân nhiễm virus Hanta phát bệnh có các triệu chứng: Sốt cao (từ 3-5 ngày, có khi sốt kéo dài 4-6 tuần), khó thở, đau cơ, suy nhược, đau đầu, chán ăn, buồn nôn, đau bụng (tăng dần), tiêu chảy, suy gan, suy thận cấp.
Bệnh viện Nhiệt đới TW đã tiếp nhận nhiều bệnh nhân nhập viện do chuột cắn, nhưng chưa có trường hợp nào nhiễm virus Hanta. Bệnh nhân chủ yếu mắc bệnh nhiễm độc do chuột cắn (hay còn gọi là bệnh Sodoku). Bệnh này do xoắn trùng Spirillum minus gây ra.
Khi bị cắn, xoắn khuẩn sẽ theo nước miếng của chuột xâm nhập vào cơ thể con người, cư trú trong gan, thận, thượng thận, tinh hoàn, buồng trứng… rồi xâm nhập vào máu gây ra các đợt sốt. Chuột cống, chuột đồng được coi là “ổ bệnh” bởi trong máu của chúng có từ 10-20% xoắn khuẩn. Bệnh Sodoku cũng có thể dẫn đến những biến chứng nặng và tử vong (tỉ lệ khoảng 13%) nếu như không được điều trị kịp thời.
Theo thông tin từ Viện Viện Pasteur Tp.HCM: Trung bình mỗi tháng, Viện tiếp nhận từ 30-50 trường hợp bị chuột cắn đến tiêm ngừa uốn ván. Các trường hợp này bị chuột cống, chuột nhắt, và cả chuột nuôi làm cảnh tấn công. Viện vừa tiến hành lấy 25 mẫu chuột cống và chuột nhắt (bắt chuột ngẫu nhiên). Kết quả, có 3 con chuột cống mang virus Hanta.
Không nguy hiểm nếu điều trị kịp thời
TS. Nguyễn Văn Kính cũng cho biết thêm, virus Hanta được mô tả lần đầu tiên vào năm 1969 ở Mỹ, phổ biến ở khu vực châu Mỹ, đặc biệt là Mỹ Latinh và Caribe. Ở châu Á, tỉ lệ mắc bệnh thấp hơn nhiều so với các vùng trên.
Như vậy, nhiễm virus Hanta không phải là bệnh mới vì đã được ghi nhận từ lâu. Tuy vậy, đến nay trên thế giới, bệnh do virus Hanta gây ra chưa bao giờ bùng phát thành dịch mà chỉ là những ca lẻ tẻ. Bên cạnh đó, cũng cần phải nhấn mạnh: Bệnh do virus Hanta không lây từ người sang người. Ngoài ra, không phải ai nhiễm virus cũng mắc bệnh và không phải bệnh nhân nào mắc bệnh cũng bị suy gan thận dẫn đến tử vong.
Hàng năm, tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Tp.HCM ghi nhận 1-2 ca nhiễm virus Hanta nặng, đến từ nhiều nơi. Đối với những ca nhẹ, bệnh nhân có thể tự khỏi sau 7-10 ngày. Còn đối với bệnh Sodoku, khi được phát hiện, bệnh này rất dễ chữa khỏi bằng kháng sinh. Cách đơn giản nhất nhưng vẫn có hiệu lực là dùng Penicillin. Nếu vết thương không có bội nhiễm sẽ khỏi rất nhanh. Nếu bị bội nhiễm, mức độ nghiêm trọng tùy thuộc vào mật độ của xoắn khuẩn này.
Hiện nay chưa có vaccine và thuốc đặc trị virus lây lan từ chuột sang người. Do đó, không nên chủ quan khi sống ở những nơi thường xuyên tiếp xúc với chuột.
Tạo dựng môi trường sống sạch có ý nghĩa quyết định đối với việc phòng chống các bệnh từ chuột nói riêng và loài gặm nhấm nói chung. Cần triệt nguồn thức ăn và nơi ở của chuột. Không nên để thức ăn vương vãi để tránh lây nhiễm bệnh khi chuột ăn phải. Nên dọn dẹp nhà cửa gọn gàng, trong nhà không để những hóc kẹt, vì như thế, nếu chuột chui vào cũng không có chỗ để ở. Không nên dùng hoá chất để diệt chuột vì có thể gây nguy hiểm cho trẻ nhỏ và vật nuôi. Phải đi găng tay khi tiếp xúc với chuột.
Đặc biệt, các chuyên gia khuyến cáo: Trong trường hợp bị chuột cắn thì nên rửa bằng nước muối, nước xà phòng thật sạch, sát trùng bằng cồn 70 độ rồi khẩn trương đến bệnh viện để được khám và tư vấn. Sau đó, cần theo dõi cẩn thận. Nếu có biểu hiện bất thường, cần phải đến ngay trung tâm y tế để được điều trị kịp thời.