Những ngày gần đây Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã tiếp nhận một số ca bị chuột cắn nhập viện trong tình trạng sưng tấy vết cắn, sốt.
Một người dân với vết sưng trên tay do chuột cắn - Ảnh: VGP/Vân Hà
Ths. Nguyễn Hồng Hà, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, những bệnh nhân này bị chuột cắn nhiễm xoắn khuẩn mang tên Spirillum minu - hay còn gọi là bệnh Sodoku.
Trước đó, một bệnh nhân 55 tuổi ngụ tại phường 9, quận 3, TP. Hồ Chí Minh sau khi bị chuột cống cắn đã phải nhập viện trong tình trạng sốt cao kéo dài, nghi ngờ sốt xuất huyết và có dấu hiệu suy thận. Đặc biệt, kết quả xét nghiệm cho thấy, bệnh nhân bị nhiễm virus Hanta từ chuột.
Ngay sau đó, Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh đã công bố kết quả xét nghiệm 25 con chuột cống và chuột nhắt được bắt tại khu vực bệnh nhân sinh sống thì có 3 mẫu (chuột cống) dương tính với virus Hanta, đã gây hoang mang, lo lắng cho người dân.
Theo Ths. Nguyễn Hồng Hà, BV thỉnh thoảng vẫn tiếp nhận các bệnh nhân nhập viện vì bị chuột cắn, nhưng chưa trường hợp nào bị suy thận. Phần lớn các bệnh nhân có biểu hiện các triệu chứng mức độ nhẹ và đáp ứng tốt với các thuốc kháng sinh thông thường.
Tuy nhiên, bệnh Sodoku cũng có thể dẫn đến những biến chứng nặng và tử vong (tỉ lệ khoảng 13%) nếu như không được điều trị. Biến chứng có thể xảy ra như: Viêm nội tâm mạc, viêm màng não, nhồi máu cơ tim, viêm gan, viêm màng phổi, viêm mào tinh hoàn, thiếu máu nặng.
Bệnh có thời gian ủ bệnh trong vòng từ 5 ngày đến 4 tuần. Khi khởi phát, bệnh nhân có biểu hiện sốt cao 39-40 độ C, ớn lạnh, sốt thành từng cơn, không có tính chu kỳ. Các dấu hiệu ngoài da là các ban sần xuất huyết có xu hướng dính liền với nhau, thường tập trung ở da đầu, mặt và nửa thân trên. Ở chỗ bị cắn, các tổn thương ngoài da có thể tự khỏi, nhưng phần lớn các trường hợp xuất hiện ban xuất huyết hoại tử tại chỗ và có phản ứng của hạch khu vực. Trong quá trình bị bệnh, bệnh nhân có thể có các biểu hiện đau cơ, đau khớp, viêm khớp. Trong trường hợp nặng, bệnh nhân có thể đau đầu, ảo giác, mê sảng dẫn đến hôn mê.
Để có phác đồ điều trị hợp lý giúp bệnh tiến triển tốt, tránh được tử vong thì cần căn cứ vào tiêu chuẩn dịch tễ cùng các dấu hiệu lâm sàng. Bởi các dấu hiệu sốt, nổi ban, viêm khớp thường dễ bị nhầm với các bệnh khác. Vì thế, người bệnh cần thông báo cụ thể về tình trạng bệnh của mình khi bị chuột cắn.
PGS. TS Nguyễn Văn Châu, Khoa Côn trùng, Viện Sốt rét, ký sinh trùng, côn trùng Trung ương, cho biết, loài chuột có thể gây nên các dịch bệnh như dịch hạch, sốt mò.
Vì vậy, để phòng tránh các bệnh lây từ chuột sang người, người dân không nên để chuột cắn phải. Thường xuyên dùng lồng, bẫy dính đánh chuột. Khi bắt chuột tuyệt đối không dùng tay không mà phải đi găng tay dày, hoặc dìm cả lồng có chuột xuống nước cho chuột chết. Trong trường hợp bị chuột cắn thì nên rửa bằng nước muối, nước xà phòng thật sạch, sát trùng bằng cồn 70 độ rồi khẩn trương đến bệnh viện để được khám và tư vấn kịp thời.