Dị ứng thuốc tây

Hoaibui2395 Hoaibui2395 @Hoaibui2395

Dị ứng thuốc tây

18/04/2015 01:40 PM
2,814

Dị ứng thuốc.

Dị ứng thuốc là trường hợp cơ thể không dung nạp được với thuốc uống, chích, thoa vào cơ thể dẫn đến các biểu hiện gây hại cho sức khỏe người dùng thuốc.

Tùy theo cơ địa mà người dùng thuốc có thể bị dị ứng với bất cứ thuốc nào kể cả những thuốc được xem là “hiền” như vitamin B1. Trường hợp dị ứng thuốc nặng, người dùng thuốc bị sốc thuốc gọi là choáng phản vệ có thể dẫn đến tử vong. Vì thế việc biết đến tình trạng dị ứng thuốc và sốc thuốc là điều cần thiết cho mọi người.

VÌ SAO BỊ DỊ ỨNG THUỐC?

Histamine là một chất có sẵn trong cơ thể như máu, các mô dưới dạng liên kết tĩnh điện histamine-héparine không có hoạt tính. Khi có chất lạ vào cơ thể người dễ bị dị ứng thì nối tĩnh điện bị cắt đứt làm histamine được phóng thích tạo nên tác dụng dược lực tác động lên hệ tuần hoàn làm giãn mạch gây tụt huyết áp, lên tim làm tim đập nhanh, lên não gây nhức đầu do bị tăng áp lực nội sọ, lên hô hấp làm co thắt khí phế quản gây nghẹt thở, lên hệ tiêu hóa làm co thắt cơ trơn… Vì thế các thuốc chống dị ứng thường được gọi chung là nhóm anti- histamine.

Ngay trong lĩnh vực dị ứng, sữa mẹ cũng được chứng minh là tốt nhất cho con. Theo một công trình nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí Journal of the American Academy of Dermatology thuộc Viện Hàn lâm Da liễu Hoa Kỳ thì nhờ tác động bảo vệ từ các kháng nguyên chống dị ứng của sữa mẹ nên đứa bé có tiền căn gia đình bị dị ứng sẽ giảm thiểu được tình trạng dị ứng. Việc cho con bú sữa mẹ trong 3 tháng đầu đời giúp giảm được 32% các trường hợp dị ứng.

CÁC HÌNH THỨC DỊ ỨNG THUỐC THƯỜNG GẶP

Khi Histamin được phóng thích tự do trong cơ thể, hiện tượng dị ứng xảy ra được biểu hiện dưới các hình thức:

Dị ứng thuốc nhẹ:

- Mẩn ngứa, phát ban, nổi mề đay, mắt ngứa, đỏ, tụt huyết áp do mao mạch bị giãn nở.

- Khó thở do khí phế quản bị co thắt.

- Kích thích cơ trơn đường tiêu hóa gây co thắt, nôn mửa.

Dị ứng thuốc trầm trọng : Hội chứng Lyell, hội chứng Steven Johnson

- Hội chứng Lyell: Da loét, tạo nhiều mảng lớn như bị bỏng, có thể dẫn đến tử vong.

- Hội chứng Steven-Johnson: Một bệnh nhân dùng thuốc sulfamid kết hợp hai hoạt chất Sulfamethoxazol và Trimethoprim đã bị hội chứng Steven Johnson với các biểu hiện hai ngày sau khi uống thuốc, lưỡi bị viêm, nổi bọng nước, vỡ ra, đau rát rất nhiều. Đồng thời bộ phận sinh dục cũng rỉ nước, đau rát đầu dương vật. Với những người nhạy cảm sulfamid, thuốc sẽ gây phản ứng dị ứng trầm trọng ở da và máu, gây phát ban đỏ, loét niêm mạc, nóng lạnh, đôi khi viêm cơ tim, viêm thận, viêm phế nang. Hiện tượng quá mẫn ấy thường gặp ở:

- Miệng, môi, niêm mạc má, nướu, lưỡi: tạo bọng nước. Khi vỡ ra gây đau rát, kém ăn uống.

- Mắt: Có thể gây viêm kết mạc chảy mủ, phù mí mắt, xuất huyết dưới kết mạc.

- Niêm mạc sinh dục: Làm viêm qui đầu, viêm niệu đạo, âm hộ.

Dị ứng thuốc nặng: “sốc” thuốc còn gọi là choáng phản vệ

Xảy ra rất nhanh sau khi tiêm hoặc uống thuốc, người khó thở, trụy tim mạch. Đây là trường hợp dễ dẫn đến tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời. Thường gặp khi tiêm chích thuốc nhất là các thuốc kháng sinh như Penicillin, Streptomycin (vì thế trước khi tiêm các thuốc trên cho bệnh nhân, nhân viên y tế cần phải thử test) hoặc ngay cả khi thuốc được xem là “hiền” như vitamin B1 cũng có thể gây sốc thuốc cho những người mẫn cảm với thuốc này.

THUỐC CHỐNG DỊ ỨNG

Hiện nay tình trạng dị ứng thuốc, thực phẩm cũng như dị ứng môi trường xảy ra ngày càng nhiều nên các loại thuốc chống dị ứng chiếm một thị phần đáng kể trên thương trường để hóa giải tác động của histamine tự do gây ra dị ứng.

Thuốc chống dị ứng cổ điển

Các thuốc chống dị ứng cổ điển thường có thời gian tác dụng ngắn, (từ 4-6 giờ) nên phải uống nhiều lần và có phản ứng phụ gây buồn ngủ. Hiện nay còn sử dụng nhiều là chlorpheniramin và các nhóm tương tự thuộc thế hệ 1 thường được phối hợp trong các thuốc trị cảm, ho…

Thuốc chống dị ứng thế hệ mới

Các thuốc chống dị ứng thế hệ mới ra đời nhằm tăng thời gian tác dụng của thuốc đồng thời hạn chế tác dụng phụ gây ngầy ngật, buồn ngủ của các nhóm thuốc chống dị ứng cổ điển. Vì thế người bệnh có thể chỉ cần uống một hoặc hai viên trong ngày và vẫn có thể làm việc bình thường.

- Cetirizine: Dạng viên 10mg dùng 1 viên/ngày. Thuốc không dùng cho phụ nữ mang thai, cho con bú và trẻ em dưới 12 tuổi.

- Terfenadine: Dạng viên 60mg và 120mg, có dạng hỗn dịch cho trẻ em dưới 12 tuổi. Hiện nay thuốc này cần được dùng theo chỉ định của thầy thuốc.

- Loratadine: Viên 10mg uống một viên/ngày vào bữa ăn sáng.

- Acid Cromoglicic: Tác động chống dị ứng nhờ ức chế sự xâm nhập ion Ca2+ trong tế bào, tác dụng tại chỗ và trực tiếp lên niêm mạc (phế quản, kết mạc, tiêu hóa). Có nhiều dạng thuốc như nhỏ mắt, bơm mũi-miệng, uống. Tránh dùng trong ba tháng đầu có thai.

Ngoài ra còn có thể kể đến Tritoqualine (Hypostamine), Fexofenadine (Telfast), Acrivastine (Semprex)…

THUỐC CHỐNG DỊ ỨNG CHỈ TRỊ TRIỆU CHỨNG BỆNH

Người có cơ địa dị ứng việc dùng thuốc gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra nhiều nghiên cứu đã cho thấy có mối liên hệ di truyền giữa cha mẹ và con cái. Nếu cha mẹ bị dị ứng thì xác suất sinh con có 50% bị dị ứng và có liên hệ với cùng một nguyên nhân dị ứng. Trường hợp cha mẹ không bị dị ứng thì tỉ lệ con mắc bệnh dị ứng chỉ là 10%. Điều ấy cho thấy có mối liên hệ giữa hiện tượng dị ứng và yếu tố di truyền với sự bùng nổ của các ca dị ứng.

Khi bị dị ứng do thuốc, cần ngưng ngay dùng thuốc đó, bên cạnh việc dùng các thuốc chống dị ứng, điều quan trọng là nhớ nhóm thuốc gây ra dị ứng để về sau không dùng nữa và sử dụng thuốc khác thay thế để loại trừ nguyên nhân gây ra dị ứng. Việc dùng thuốc chống dị ứng chỉ mang tính chất tạm thời để giải trừ tác động của Histamin trong cơ thể, làm mất hậu quả của dị ứng do đó không nên lạm dụng thuốc chống dị ứng.

Điều quan trọng của điều trị dị ứng, đó là tìm nguyên nhân gây ra dị ứng và tránh tiếp xúc với nguyên nhân ấy, như không dùng các loại thuốc đã từng gây ra dị ứng… Với các bệnh nhân có cơ địa dị ứng, nếu không chú ý đến vấn đề này thì có thể dẫn đến những hậu quả trầm trọng, đó là sốc phản vệ do thuốc (như Penicillin, Streptomycin hoặc cả vitamin B1 chích), nếu không cấp cứu kịp thời sẽ dễ dẫn đến tử vong.

Cảnh giác với dị ứng thuốc.

Dị ứng thuốc được coi là một tai biến khủng khiếp, xảy ra ở mọi lứa tuổi, bất kỳ lúc nào và với mọi loại thuốc. Bất kỳ loại thuốc nào dùng để điều trị cho con người đều có thể gây dị ứng, trong đó thuốc kháng sinh chiếm tỷ lệ cao nhất.

Nguyên nhân gây dị ứng thuốc

Dị ứng thuốc là danh từ dùng để chỉ sự phản ứng của cơ thể với vật lạ, đây là một loại phản ứng quá mẫn và có nhiều biểu hiện ở các mức độ khác nhau. Phản ứng thuốc là loại phản ứng của hệ thống miễn dịch cơ thể, tức là phản ứng giữa kháng thể sẵn có trong máu con người với dị nguyên lạ. Vì vậy có những trường hợp khi dùng thuốc lần đầu thì không bị dị ứng nhưng lần sau dùng thuốc đó lại bị dị ứng. Theo thống kê, dị ứng thuốc ở nước ta chiếm một tỷ lệ khá cao (khoảng từ 7 - 8% dân số).

Nguyên nhân  của dị ứng thuốc rất đa dạng, chẳng hạn thuốc đã quá hạn sử dụng: Mỗi một loại thuốc đều có ghi rõ ngày, tháng, năm sản xuất và hạn sử dụng đến ngày, tháng, năm nào. Nếu thuốc để quá hạn thì cho dù là loại thuốc nào cũng đã thay đổi tính chất và có thể sẽ trở thành dị nguyên nguy hiểm cho người sử dụng. Sử dụng thuốc một cách bừa bãi cũng là một nguyên nhân đáng kể làm cho tỷ lệ dị ứng thuốc tăng cao. Sử dụng thuốc bừa bãi có nhiều dạng khác nhau như không tuân theo lời dặn trong đơn thuốc của bác sĩ khám bệnh; tự cho mình là có hiểu biết về bệnh tật rồi mua thuốc để tự điều trị; một số dược tá bán thuốc ở các quầy thuốc, nhà thuốc tư nhân với trình độ về y học có hạn nhưng vì lợi nhuận nên tư vấn sai cho người bệnh… Một số người quan niệm rằng thuốc đông y (thuốc nam, thuốc bắc) là không dị ứng. Đấy là một sự hiểu lầm cần phải sửa đổi vì thuốc nào cũng gây dị ứng. Thuốc đông y thì trong mỗi một thang thuốc có rất nhiều vị khác nhau mà hầu hết các bài thuốc đông y có thể biết được tác dụng chính của nó nhưng tác dụng phụ thì còn rất khó để xác định. Ngoài ra, thuốc đông y còn tùy thuộc vào cách bào chế cũng như bảo quản thuốc kém như để bị mốc, làm thay đổi tính chất của vị thuốc… Cần cảnh giác với một số trường hợp bị dị ứng thuốc mà không hề hay biết, tưởng là bị thêm bệnh khác cho nên lại tự động mua thuốc để dùng làm cho bệnh dị ứng thuốc trầm trọng thêm.

Một trường hợp dị ứng thuốc.

Một điều cần quan tâm là người sử dụng thuốc bị dị ứng là do cơ địa dị ứng, đặc biệt là dị ứng với thuốc kháng sinh. Người có cơ địa dị ứng như hen suyễn, mề đay, viêm mũi, viêm xoang dị ứng, chàm (eczema), tổ đỉa, viêm da dị ứng rất dễ mẫn cảm với chất lạ đối với cơ thể (dị nguyên), trong đó có thuốc dùng để chữa bệnh cho người. Dị ứng thuốc là một loại phản ứng xảy ra do những tế bào và các chất hoá học của hệ thống miễn dịch cơ thể cùng loại với những dị ứng trên một cơ địa dị ứng. Vì vậy, trên một cơ địa dị ứng khi dùng thuốc, đặc biệt là kháng sinh bất kể là loại nào (uống, bôi, tiêm) đều phải hết sức thận trọng. Tuy nhiên không nên nhầm lẫn giữa tác dụng phụ của thuốc với phản ứng dị ứng thuốc. Tác dụng phụ của thuốc là các biểu hiện không mong muốn không liên quan đến hệ thống miễn dịch của cơ thể như dị ứng thuốc. Tác dụng phụ của thuốc không nguy hiểm như dị ứng thuốc. Tác dụng phụ của thuốc nếu xảy ra thì có thể giảm liều hoặc ngừng dùng thuốc là khỏi, nhưng dị ứng thuốc thì không thể như vậy được. Tuy vậy tác dụng phụ của thuốc nếu không phát hiện sớm và tìm mọi cách loại bỏ chúng thì cũng có thể ảnh hưởng đến chức năng của một số cơ quan quan trọng của cơ thể như gan, thận hoặc gây xuất huyết…Thông thường thì tác dụng phụ của thuốc tây y đều có ghi rõ trong bản hướng dẫn kèm theo của nhà sản xuất, vì vậy luôn luôn lưu ý đọc kỹ hướng dẫn trước khi dùng.

Biểu hiện của dị ứng thuốc

Dị ứng thuốc là một tai biến khó lường trước được, ngay cả đối với những bác sĩ khám chữa bệnh có kinh nghiệm. Dị ứng thuốc được thể hiện nhiều dạng, kiểu khác nhau từ nhẹ, thoáng qua đến trung bình hoặc rất nguy kịch. Về mặt diễn biến, dị ứng thuốc có thể xảy ra trong giây lát, có khi sau vài giờ, vài ngày nhưng cũng có thể dị ứng xảy ra sau vài tuần. Biểu hiện của dị ứng thuốc thường thể hiện ở da và niêm mạc rõ nhất, sớm nhất (ngoại trừ sốc phản vệ thì một số triệu chứng khác xuất hiện sớm hơn). Thông thường, dị ứng thuốc thể hiện ngứa, da xuất hiện mảng tấy, đỏ, đau, có khi đau rát mỗi khi sờ vào, thậm chí có hiện tượng phồng rộp ở vùng môi, mắt. Người bị dị ứng có thể có sốt, có khi sốt cao, choáng váng, rất khó chịu và nổi da gà hoặc dạng nổi mề đay. Nếu bị sốc phản vệ thì triệu chứng nhanh, khẩn cấp và rầm rộ như khó thở, tím tái, vã mồ hôi, hốt hoảng, mạch nhanh, huyết áp tụt, nếu không cấp cứu kịp thời có thể tính mạng của người bệnh sẽ bị đe doạ.
Nên làm gì để hạn chế dị ứng thuốc?

Lời khuyên của bác sĩ đối với người bệnh là dù trong bất cứ trường hợp nào khi nghi bị bệnh hoặc muốn dùng thuốc bổ trợ sức khoẻ cũng nên xin ý kiến bác sĩ, tuyệt đối không nên tự ý mua thuốc để dùng dù là thuốc gì (tây y hay đông y) và dạng nào (uống, tiêm, bôi, đặt...). Khi dùng thuốc nếu thấy khác thường (có thể là dị ứng thuốc, có thể là tác dụng phụ của thuốc), người bệnh nên đến cơ sở y tế gần nhất để khám bệnh càng sớm càng tốt. Sau khi khám bệnh, cần tuân theo chỉ định của bác sĩ, không tự động thay đổi thuốc hoặc thay đổi liều lượng và số lượng thuốc. Trong cuộc sống thường ngày, mỗi lần đi khám bệnh định kỳ hay khám đột xuất (do ốm đột xuất) cũng nên cho bác sĩ đang khám bệnh cho mình biết về tình trạng bệnh tật của mình, nhất là các bệnh dị ứng và có bị dị ứng với loại thuốc nào hay không, đặc biệt là các loại kháng sinh.

Tác hại của dị ứng thuốc

Khi dùng thuốc điều trị bệnh, bao gồm tất cả các loại thuốc tây, thuốc nam, thuốc y học dân tộc, thuốc đông y…tức là ta đưa những “chất lạ” vào cơ thể. Cơ thể ta có thể chấp nhận những “chất lạ” đó với phản ứng bình thường, không ảnh hưởng đến các quá trình sinh học khác của hoạt động sống. Nhưng đôi khi, những hóa chất trong các thuốc điều trị lại gây ra các phản ứng quá mẫn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động khác của cơ thể. Đó là tình trạng dị ứng thuốc, có khi chỉ là các triệu chứng nhẹ như ngứa ngáy, nổi mày đay…, nhưng cũng có thể nghiêm trọng như sốc phản vệ, dẫn đến tử vong.

Dị ứng thuốc được định nghĩa là phản ứng khác thường của cơ thể khi tiếp xúc lần thứ hai hay những lần sau với một loại thuốc mà thành phần của thuốc có tính chất gọi là “gây dị ứng” (dị nguyên).

I. Dị ứng thuốc có những đặc điểm gì?

Nên lưu ý một số đặc điểm của dị ứng thuốc như sau:

- Dị ứng thuốc không phụ thuộc vào liều lượng nên sẽ xảy ra dị ứng dù thuốc được dùng đúng liều hoặc thậm chí dùng rất ít. Đây là những phản ứng không đoán trước được của hệ miễn dịch. Trường hợp bị dị ứng thuốc thì hệ thống miễn dịch sẽ tạo ra mức độ nhạy thuốc cực lớn, nhất là khi dùng thuốc lần đầu nhưng cũng có trường hợp dùng thuốc lần đầu không bị dị ứng nhưng những lần tiếp theo lại có thể bị dị ứng.

- Phản ứng dị ứng chỉ xảy ra ở một số ít bệnh nhân được gọi là người dễ dị ứng hoặc người có “cơ địa dị ứng”. Cho nên, có thuốc nhiều người dùng chẳng việc gì nhưng ở người khác thì bị dị ứng, thậm chí dị ứng rất nặng.

- Trong thuốc, ngoài dược chất còn có tá dược, chất bảo quản, kể cả tạp chất và người dùng thuốc có thể bị dị ứng với bất cứ thành phần nào trong đó.

- Phản ứng dị ứng sẽ biến mất khi ngưng dùng thuốc.

- Dị ứng thuốc không phải là tác dụng phụ của thuốc.Tất cả các loại thuốc chữa bệnh đều có thể có những tác dụng phụ không mong muốn và những tác dụng phụ đó đều được ghi cụ thể bên ngoài nhãn mác, trong khi đó dị ứng thuốc lại ít xảy ra hơn, chiếm 5-10% các trường hợp điều trị.

- Dị ứng thuốc cũng không phải là trường hợp tích lũy thuốc do dùng môt số thuốc lâu dài như: thuốc có chứa thủy ngân, vàng, arsen, belladone (cà độc dược),strychnine (mã tiền).

II. Thuốc nào gây dị ứng? 

- Tất cả các thuốc đều có khả năng gây ra phản ứng có hại. Trong số các loại thuốc gây dị ứng, kháng sinh là nhóm thuốc xếp "đầu bảng" chiếm tới hơn 50%. Các thuốc kháng sinh thường gây dị ứng là  Penilicilin,  Ampicillin, Streptomicine, Sulfonamide. Kế đến là các thuốc điều trị động kinh, thuốc giảm đau,kháng viêm, giảm sốt, vitamin, các thuốc có nguồn gốc từ chất đạm (protein, peptid) như các hormon… Một số thuốc ảnh hưởng trên hệ tim mạch như thuốc tê novocain, lidocain, vitamin C chích, vitamin B1 chích... có thể gây choáng phản vệ. Ngay cả aspirin uống cũng có thể gây choáng phản vệ. Có thuốc dùng nhiều lần trước đó không việc gì nhưng sau lại bị phản ứng.

- Đặc biệt lưu ý có hiện tượng gói là phản ứng chéo giữa thuốc gây dị ứng với thuốc khác cùng nhóm. Thí dụ, người đã bị dị ứng với kháng sinh amoxicillin thì có thể bị dị ứng với các thuốc khác nằm cùng nhóm beta-lactam (gọi là nhóm penicillin, nhóm cephalosporin). Người đã dị ứng với aspirin cũng có thể bị dị ứng với các thuốc khác nằm trong nhóm thuốc kháng viêm không steroid (NSAID).

- Dị ứng thuốc do đường uống nhiều nhất (hơn 70%), thường gây ra các hội chứng loại hình dị ứng muộn, tiếp đó là đường tiêm chích (gần 20%). Các loại thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi, bôi ngoài da, tẩy-nhuộm lông,tóc… cũng đều có khả năng gây ra các dị ứng tại chỗ và toàn thân như dùng đường uống, đường tiêm chích.

- Trong các trường hợp dị ứng với kháng sinh thường xảy ra, đáng lo ngại nhất là Penicillin và nhóm beta-lactam. Đây là kháng sinh đầu được tìm ra và áp dụng vào điều trị và cũng chính Penicillin gây sốc phản vệ do dùng kháng sinh.

- Sốc phản vệ là tai họa khủng khiếp, là trường hợp nặng nhất của dị ứng thuốc, có thể dẫn đến khó thở, hạ huyết áp, trụy mạch và tử vong có thể xảy ra trong vài phút nếu không cấp cứu đúng và kịp thời. Vì thế có kiến thức về tình trạng dị ứng thuốc và sốc thuốc là điều rất cần thiết cho tất cả mọi người.

- Thuốc đông y đứng thứ ba trong số các nhóm thuốc gây dị ứng. Đây thực sự là điều rất đáng báo động vì người dân vẫn thường quan niệm không những các thuốc đó lành tính, không độc mà còn mát, bổ và hợp với tạng người Việt. Vì vậy, mọi người cứ "thoải mái" sử dụng mà không cần phải đề phòng". 

- Theo các chuyên gia y tế, việc lạm dụng, chữa bệnh theo kiểu mách bảo, xem nhẹ tác dụng phụ của thuốc đông y là vấn đề hết sức nguy hiểm. Thực ra, thuốc đông y không đơn giản là lành, mát, bổ như nhiều người lầm tưởng. Thuốc tây, thuốc đông y, thuốc nam, y học dân tộc về bản chất đều như nhau, chỉ khác chăng là phương thức trích ly hoạt chất để sử dụng. Cách sử dụng thuốc đông y là đun để chiết suất ra thuốc với hàm lượng thấp, còn thuốc tây là được “hoá liệu” để tổng hợp tinh chất và hàm lượng cao hơn. Ngoài ra, việc sử dụng thuốc đông y cũng phức tạp hơn thuốc tây vì không những có dược chất chính mà còn rất nhiều chất khác nữa. Thông thường, trong mỗi thang thuốc có hàng chục vị, mà mỗi vị lại có nhiều chất khác nhau mà cho đến giờ, kể cả người bốc thuốc cũng chưa hiểu được hết tác dụng của các vị thuốc. Bên cạnh đó, người sử dụng thuốc đông y cũng có nguy cơ nhiễm độc với các loại hoá chất bảo quản như: lưu huỳnh, phosphor, thuốc chống ẩm, mốc…Tình trạng dị ứng thuốc đông y thường chậm, nhiều bệnh nhân khi đến cơ sở y tế cũng không biết mình bị dị ứng thuốc đông y.

III. Nguyên nhân dẫn đến dị ứng thuốc.

1. Tùy theo cơ địa mà người dùng thuốc có thể bị dị ứng với bất cứ thuốc nào kể cả những thuốc bổ, thuốc nam. Ở những người có cơ địa dị ứng, việc dùng thuốc gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều nghiên cứu đã cho thấy có mối liên hệ di truyền giữa cha mẹ và con cái. Nếu cha mẹ bị dị ứng thì xác suất sinh con có 50% bị dị ứng và có liên hệ với cùng một nguyên nhân dị ứng. Trường hợp cha mẹ không bị dị ứng thì tỉ lệ con mắc bệnh dị ứng chỉ là 10%. Ngoài ra, ở một số trường hợp là nhân viên y-dược bệnh viện, qua nghiên cứu người ta cũng thấy họ có nguy cơ bị dị ứng thuốc cao gấp 2,5 lần người khác.

Có người xuất hiện các triệu chứng dị ứng thuốc ngay sau khi uống một vài giờ, nhưng cũng có khi sau một vài ngày, thậm chí hằng tuần. Đáng lưu ý là trong rất nhiều trường hợp thấy bị sốt, ngứa, nổi mày đay, bệnh nhân lại nghĩ rằng mình bị một bệnh khác và dùng thêm vài loại thuốc nữa, càng làm cho tình trạng dị ứng thuốc trầm trọng hơn.

2. Thuốc đã quá thời gian sử dụng: khi đó, chúng không chỉ hết tác dụng mà có thể biến thành chất khác, gây ngộ độc cho người sử dụng.

3. Tình trạng tự điều trị và sử dụng thuốc bừa bãi. Không ít trường hợp tự kê đơn cho mình hoặc nhờ người bán thuốc kê đơn.

- Những người bệnh trước khi uống thuốc cần phải làm thử phản ứng cơ thể với loại thuốc đó như đặt vào lưỡi, hốc mũi (thuốc uống), hoặc thử ngoài da đối với các loại thuốc tiêm, bôi thử một lượng nhỏ thuốc vào da vùng sau tai…

- Ngoài ra, có quá nhiều loại thuốc được đưa vào thị trường nhưng lại thiếu thông tin hướng dẫn sử dụng an toàn hợp lý và chúng ta chưa quản lý được các nguồn thuốc sản xuất trong nước cũng như nhập khẩu này. 

IV. Vì sao cơ thể bị dị ứng thuốc?

Histamine là một chất có sẵn trong cơ thể như máu và các mô dưới dạng liên kết tĩnh điện histamine-héparine không có hoạt tính. Khi có chất lạ vào cơ thể người dễ bị dị ứng thì nối tĩnh điện này bị cắt đứt, phóng thích histamine tạo nên tác dụng dược lực tác động lên hệ tuần hoàn làm giãn mạch gây tụt huyết áp, lên tim làm tim đập nhanh, lên não gây nhức đầu do bị tăng áp lực nội sọ, lên hô hấp làm co thắt khí phế quản gây nghẹt thở, lên hệ tiêu hóa làm co thắt cơ trơn… Vì thế các thuốc chống dị ứng thường được gọi chung là nhóm kháng histamine.

Khi Histamin được phóng thích tự do trong cơ thể, hiện tượng dị ứng xảy ra được biểu hiện dưới các hình thức:

1. Dị ứng thuốc nhẹ: xuất hiện sớm ngay sau khi dùng thuốc hay trễ hơn sau đó.
- Mẩn ngứa, phát ban, nổi mề đay tại chỗ hay toàn thân, mắt ngứa, đỏ, tụt huyết áp do mao mạch bị giãn nở.
- Khó thở, hen suyễn do khí phế quản bị co thắt.
- Kích thích cơ trơn đường tiêu hóa gây co thắt, đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy.

2. Dị ứng thuốc trầm trọng: xảy ra sau vái giờ hay vài ngày dùng thuốc: Hội chứng Lyell, hội chứng Stevens- Johnson.
3. Dị ứng thuốc nặng: “sốc” thuốc còn gọi là choáng phản vệ
- Xảy ra rất nhanh sau khi tiêm hoặc uống thuốc, bệnh nhân khó thở, tím tái, trụy tim mạch. Đây là trường hợp dễ dẫn đến tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.

- Có nhiều triệu chứng dị ứng thuốc không có biểu hiện rõ ràng mà người bệnh không thể nào biết như sau khi uống thuốc bị rối loạn tiền đình, suy thận,mất tế bào máu…

V. Các nhóm bệnh lý dị ứng thuốc

Dị ứng thuốc thuộc nhóm bệnh lý quá mẫn, được chia thành 4 nhóm:

1. Type I:Phản ứng miễn dịch kiểu trung gian IgE, thuộc nhóm bệnh lý quá mẫn nhanh ( sốc phản vệ) do cơ thể tiếp xúc với kháng nguyên từ lần thứ 2 trở đi, thường xảy ra do thuốc dùng đường tiêm. Phản ứng có thể xảy ra đột ngột khi đang tiêm thuốc, vừa ngừng mũi tiêm hay trong vòng chỉ 1 vài phút sau. Bệnh có liên quan đến cơ địa bệnh nhân,Thường gặp trong sốc phản vệ, hen, mày đay, phù mạch.

2. Type II: Phản ứng quá mẫn độc tế bào, xảy ra do cơ thể bị kích thích sinh quá nhiều kháng thể (IgM và IgG) dị ứng chống tế bào của chính mình, kết hợp với kháng nguyên (thuốc) tạo ra phức hợp miễn dịch kháng nguyên - kháng thể. Các bệnh phổ biến thuộc nhóm này là tan máu tự nhiên, giảm tiểu cầu tự miễn sau truyền máu, hạ bạch cầu hoặc do thuốc (hội chứng Stevens-Johnson, hội chứng Lyell).

3. Type III:Nhóm quá mẫn do phức hợp miễn dịch kháng nguyên - kháng thể lắng đọng ở thành mạch máu nhỏ gây viêm mao mạch, kết dính tiểu cầu gây tắc nghẽn, thiếu máu, hoại tử các mô. Kháng thể là IgG, IgM. Bệnh thường xảy ra 5-7 ngày sau khi dùng thuốc, gặp trongbệnh huyết thanh, viêm mao mạch do thuốc với các biểu hiện viêm mao mạch, mề đay, viêm khớp, viêm thận, thiếu máu tán huyết, mất bạch cầu hạt, viêm cơ tim, viêm đa dây thần kinh.

4. Type IV:Nhóm quá mẫn chậm qua trung gian tế bào do phản ứng quá mức của tế bào Lympho T đối với đáp ứng miễn dịch. Thường gặp trong viêm da tiếp xúc dị ứng, hồng ban cố định nhiễm sắc và bệnh chàm do thuốc.

VI. Làm thế nào để phòng ngừa dị ứng thuốc?

- Chỉ nên dùng thuốc điều trị bệnh theo đúng toa chỉ định của bác sĩ, không tự ý mua thuốc để tự điều trị cũng như giới thiệu thuốc điều trị cho người khác vì đơn giản nghĩ rằng họ có bệnh lý giống mình. Việc sử dụng thuốc đúng hướng dẫn của bác sỹ điều trị và được theo dõi, chăm sóc là điều cần thiết nhằm giảm thiểu các phản ứng có hại của thuốc.

- Dị ứng thuốc là tình trạng xảy ra ngoài ý muốn của bác sĩ điều trị cũng như của bệnh nhân. Khi đang dùng thuốc, nếu xảy ra các phản ứng bất thường như ngứa, nổi mề đay, khó thở, hoặc cảm thấy khó chịu thì lập tức ngưng sử dụng thuốc đó, đến khám ngay ở cơ sở y tế gần nhất để có thể được cấp cứu hay được hướng dẫn xử trí thích hợp. Sau đó, ta nên đến tái khám ở bác sĩ đã chỉ định thuốc để bác sĩ có thể thay đổi thuốc điều trị nếu cần. Các biện pháp dân gian như uống nước đậu xanh để giã thuốc, uống nước chanh, lòng trắng trứng... đều chưa có cơ sở khoa học để chứng minh.

- Khi đã bị dị ứng loại thuốc nào thì tuyệt đối không được dùng loại thuốc đó nữa.

Việc dùng thuốc chống dị ứng chỉ mang tính chất tạm thời để giải trừ tác động của Histamin trong cơ thể chứ không giải quyết được căn nguyên dị ứng.

Nên nhớ rằng tình trạng dị ứng đối với một loại thuốc xảy ra ở những lần sau đều trầm trọng hơn lần trước!

- Khi đi khám bệnh ở bác sĩ hoặc đến nhà thuốc mua thuốc thì phải thông báo cho bác sĩ hoặc dược sĩ biết những loại thuốc mà mình đã bị dị ứng trước đây và những loại thuốc hiện đang dùng để được hướng dẫn sử dụng thuốc hợp lý, an toàn.

VII. Các dạng biểu hiện bệnh lý hay gặp trong dị ứng thuốc:

1. Ban đỏ (Exanthems):là dạng ban sẩn hoặc ban dạng sởi, nhỏ như đầu đinh ghim ở thân mình và có thể liên kết lại với nhau tạo thành mảng, người bệnh thường ngứa, thời gian xuất hiện sau dùng thuốc thường khoảng 1 tuần và tồn tại đến một vài tuần. Nhữngthuốc hay gây dị ứng dạng này là: ampicillin, amoxycillin, cotrimoxazole, carbamazepine, cefaclor, những thuốc bôi ngoài da, những thuốc có khả năng khuếch tán trong môi trường (các mỡ kháng sinh, chống viêm, bảo vệ da, tiếp xúc trực tiếp với thuốc trong công nghệ sản xuất thuốc, khí dung kháng sinh...).

2. Viêm da bong vảy (Exfoliative dermatitis): là dạng ít gặp với biểu hiện đỏ da bong vảy và ngứa toàn thân. Bệnh có thể tiến triển nặng nề và có thể đe doạ đến tính mạng người bệnh. Dạng này thường xuất hiện sau dùng thuốc khoảng 1 tuần và tồn tại trong 3 – 4 tuần. Các thuốc hay gây dị ứng dạng này là: allopurinol, thuốc chống sốt rét, giảm đau, hạ nhiệt, carbamazepine, penicillin, streptomycin, chloramphenicol, tetracyclin và sulfonamide.

3. Mày đay (Urticaria):Thường là biểu hiện lâm sàng nhẹ và ban đầu của phần lớn các trường hợp dị ứng thuốc. Các loại thuốc đều có thể gây mày đay, hay gặp hơn là kháng sinh, văcxin, huyết thanh, thuốc chống viêm giảm đau, hạ sốt... Sau khi dùng thuốc (nhanh từ 5-10 phút, chậm có thể vài ngày), người bệnh cảm thấy nóng bừng, ngứa, trên da nổi ban cùng sẩn phù, có thể kết hợp với phù mạch, phù nề mi mắt, môi. Trường hợp nặng có thể có khó thở, đau bụng, đau khớp, chóng mặt, buồn nôn, đau đầu, mệt mỏi, sốt cao...

Mày đay cấp thường biểu hiện tăng sẩn phù, mất đi nhanh và xuất hiện lại cũng nhanh, diễn biến trong thời gian dưới 3 tuần. Mày đay diễn biến hằng ngày, kéo dài hơn 3 tuần là đã chuyển thành mạn tính.

Những thuốc hay gây dị ứng dạng này là: kháng sinh, đặc biệt làpenicillin, thuốc khác: captopril và các thuốc ức chế men chuyển khác, thuốc chống viêm giảm đau không - steroid (NSAIDs) bao gồm cả aspirin, và các thuốc quinine.

4. Phù Quincke (Quincke’s oedema): Là tình trạng phù cục bộ, có thể do kháng sinh, văcxin, huyết thanh, các thuốc chống viêm không steroid... Phù thường xuất hiện nhanh sau khi dùng thuốc ở những vùng da mỏng, môi, cổ, quanh mắt, bụng, các chi, bộ phận sinh dục... Kích thước phù Quincke thường to, có khi bằng bàn tay, nếu ở gần mắt làm cho mắt híp lại, ở môi làm môi sưng to, biến dạng. Màu da vùng phù bình thường hoặc hơi hồng nhạt, đôi khi phối hợp với mày đay. Trường hợp phù Quincke ở họng, thanh quản, người bệnh có thể bị nghẹt thở; ở ruột, dạ dày gây đau bụng; ở não gây đau đầu...

5. Da nhạy cảm ánh sáng (Photosensitivity): bình thường da không nhạy cảm với ánh sáng. Khi dùng một số loại thuốc thường là các loại như: ức chế men chuyển, NSAIDs, quinolone, nalidixic acid, phenothiazine, tetracycline, griseofulvin, amiodarone, sulfonamide và thiazide thì da trở nên tăng nhạy cảm với ánh sáng và bị tổn thương như: đỏ da giống bị phỏng, sạm da, đen da hoặc mất sắc tố da vv… Vị trí ở các vùng da hở như: mặt, cổ, mu bàn tay, mu bàn chân. Mức độ tổn thương phụ thuộc vào liều thuốc sử dụng và thời gian tiếp xúc với ánh nắng.

6. Hồng ban đa dạng (Erythema multiforme): Bệnh bắt đầu sau một vài ngày dùng thuốc với những biểu hiện: sốt nhẹ, mệt mỏi, đau khớp, sưng hạch, có cảm giác nóng bỏng toàn thân. Tổn thương là các hồng ban hình bia bắn điển hình có ba vòng tròn đồng tâm: ngoài cùng là vòng ban đỏ, tiếp trong là sẩn đỏ phù nề , ở giữa là mụn nước nhỏ hoặc vỡ, trợt, hoại tử. Bệnh có thể kèm theo tổn thương niêm mạc các hốc tự nhiên, tổn thương nội tạng (tim, gan, thận...), tái phát nhiều đợt; trường hợp nặng có thể gây tử vong.

Nguyên nhân do thuốc gây hồng ban đa dạng chỉ chiếm khoảng 10%, các thuốc thường gây hồng ban đa dạng là: ức chế men chuyển, allopurinol, carbamazepine, phenytoin, NSAIDs, penicillins, sulfonamide và tetracyclin.

7. Viêm mao mạch (Cutaneous vasculitis necrolysis): là tình trạng viêm hoại tử các mao mạch ngoài da do các thuốc như: Ức chế men chuyển, NSAIDs, allopurinol, penicillins, sulfonamides và thiazides lợi tiểu. Biểu hiện ngoài da là các ban xuất huyết sờ thấy được trên mặt da. Ngoài ra thuốc còn có thể gây viêm mạch nội tạng và gây nguy hiểm hơn cho người bệnh.

8. Ban dạng lichen (Lichenoid eruptions): gọi tên này bởi vì tổn thương ngoài da giống lichen phẳng: là các sẩn màu hơi tím, phẳng, trên đó có các rãnh, khía...tổn thương có thể liên kết thành mảng lớn. Các thuốc hay gây dị ứng dạng này là: thuốc chẹn beta, thuốc ức chế men chuyển, thuốc chống sốt rét, furosemide, thiazides, chlorpropamide, methyldopa, phenothiazine và quinidine.

9. Hồng ban cố định nhiễm sắc (Fixed drug eruptions): là dạng dị ứng thuốc biểu hiện ở vị trí cố định trên da, thường là các vị trí liên kết da – niêm mạc. Tổn thương là các dát sẫm màu ranh giới rất rõ với da lành, số lượng thường chỉ 1 hoặc vài tổn thương. Xuất hiện lại tại đúng vị trí lần trước, sau khi uống thuốc khoảng 30 phút đến 8 giờ kèm theo cảm giác nóng rát hoặc châm chích tại vị trí tổn thương. Các thuốc thường gây dị ứng loại này là: tetracycline, sulfonamide, NSAIDs, paracetamol, phenolphthalein và barbiturat.

10. Chứng mất bạch cầu hạt (Agranulocytosis): Có thể xuất hiện sau khi người bệnh dùng các thuốc như: sulfamid, penicillin liều cao, streptomycin, pyramidon, chloramphenicol, analgin... Bệnh cảnh lâm sàng điển hình: sốt cao đột ngột, mệt mỏi, sức khỏe giảm sút nhanh, nổi ban dạng sởi, dạng xuất huyết, loét hoại tử niêm mạc miệng, mũi họng, cơ quan sinh dục, viêm phổi, viêm tắc tĩnh mạch, nhiễm xuất huyết, dễ dẫn tới tử vong.

11. Bệnh huyết thanh (Serum sickness): Là một tai biến dị ứng thuốc hay gặp, chủ yếu là do kháng sinh như penicillin, ampicillin, streptomycin... và một số thuốc khác. Bệnh thường xuất hiện vào ngày thứ hai đến ngày thứ 14 sau khi dùng thuốc với biểu hiện mệt mỏi, chán ăn, mất ngủ, buồn nôn, đau khớp, sưng nhiều hạch, sốt cao 38-39 độ C, gan to, nổi ban mày đay khắp người. Nếu phát hiện kịp thời và ngừng ngay việc dùng thuốc, các triệu chứng trên sẽ dần hết.

12. Sốc phản vệ (Anaphylactic shock): Là tai biến dị ứng nghiêm trọng, dễ gây tử vong. Khá nhiều loại thuốc có thể gây sốc phản vệ như kháng sinh (thường gặp khi tiêm chích Penicillin, Streptomycin), văcxin, huyết thanh, các thuốc chống viêm không steroid, tinh chất gan, một số loại viamin, thuốc gây tê, thuốc cản quang có iode...

- Bệnh cảnh lâm sàng sốc phản vệ khá đa dạng, thông thường có thể xảy ra ngay sau khi dùng thuốc vài giây cho đến 20-30 phút, khởi đầu bằng cảm giác lạ thường (tê môi, lưỡi, bồn chồn, sợ hãi...). Tiếp đó là sự xuất hiện nhanh các triệu chứng như khó thở, mạch nhanh nhỏ, huyết áp tụt (có khi không đo được), ngứa ran khắp người, đau quặn bụng, tiểu tiện, đại tiện không tự chủ. Trong thể cấp tính người bệnh có thể hôn mê, nghẹt thở, rối loạn nhịp tim, ngừng tim và tử vong sau ít phút.

13. Hội chứng Stevens-Johnson (Stevens-Johnson syndrome): Thường do các thuốc kháng sinh penicillin, ampicillin, streptomycin, tetracylin, allopurinol, zyloric, các sulfamid chậm, an thần, chống viêm không steroid. Sau khi dùng thuốc từ vài giờ đến 10-15 ngày, người bệnh mệt mỏi, ngứa khắp người, có cảm giác nóng ran, sốt cao, nổi ban đỏ, nổi bọng nước trên da, viêm loét hoại tử niêm mạc các hốc tự nhiên (miệng, mắt, mũi, tai, hậu môn, sinh dục, tiết niệu) và có thể kèm theo tổn thương gan thận, nếu nặng có thể gây tử vong.

14. Hội chứng Lyell (Toxic epidermal necrolysis): Là tình trạng nhiễm độc hoại tử thượng bì nghiêm trọng nhất do dị ứng các thuốc như sulfamid chậm, allopurinol, zyloric, carbamazepin, phenytoin, nevirapine, barbiturate, penicillin, ampicillin, streptomycin, tetracylin, cephalosporin, analgin, phenacetin... Bệnh diễn biến từ vài giờ đến vài tuần sau khi dùng thuốc. Người bệnh mệt mỏi, choáng váng, mất ngủ, sốt cao, ngứa khắp người, trên da xuất hiện các mảng đỏ, đôi khi có những chấm xuất huyết; vài ngày sau, có khi sớm hơn, lớp thượng bì tách khỏi tổ chức da, khẽ động đến là tuột từng mảng, tương tự hội chứng bỏng toàn thân. Bệnh nhân có thể bị viêm loét các hốc tự nhiên, viêm phổi, màng phổi, viêm gan, thận, rối loạn nước điện giải, rối loạn chuyển hóa, nhiễm độc, nhiễm trùng. Tình trạng người bệnh thường rất nặng, nhanh dẫn đến tử vong.

  (ST)

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
Bac si oi cho e hoi con e duoc 19 thang di kham bs xet nghiem phan va nuoc tieu bs noi be bi viem da day, cho uong thuoc sanfodudin, klacid, phanmox,zinumin bio, sagapano . Sau khi uong thuoc duoc 1 tieng ruoi thi be bi noi ngua dang hot hot toan lung, xin cho hoi be bi lam sao? Zay co sao ko co nen tiep tuc uong thuoc ? Xin cam on
hơn 1 tháng trước - Thích (11) - Trả lời
Bác sĩ, e uống thuốc viêm đường tiết niệu, uống lần đầu tiên e bị nôn mửa, đau đầu, xưng mặt. E cứ tưởng e bị say thuốc hay thuốc mạnh qúa nên mình mệt bị vậy thôi.Lần thứ 2 em uống cũng bị như vậy kèm theo nổi mẫn đỏ xung quanh mắt +chấm đỏ trong màng mắt. Vậy thưa Bác sĩ em có nên đi khám Bác sĩ không ạ, trường hợp của em có nghiêm trọng lắm không Bác sĩ ạ?
Bạn nên cho bé ngừng uống thuốc ngay, đến bác sĩ để khám xem bé bị dị ứng thành phần nào của thuốc và xin đổi thuốc
tôi uống thực phẩm chức năng nha đam nên bị dị ứng trên mặt. Tôi cần làm gì để hết bị dị ứng?
hơn 1 tháng trước - Thích (2) - Trả lời
Bác sĩ, e uống thuốc viêm đường tiết niệu, uống lần đầu tiên e bị nôn mửa, đau đầu, xưng mặt. E cứ tưởng e bị say thuốc hay thuốc mạnh qua nên mình mệt bị zậy thôi.Lần thứ 2 e uống cũng bị như vậy kèm theo nổi mẫn đỏ xung quanh mắt chấm đỏ trong màng mắt. Vậy thưa Bác sĩ em có nên đi khám Bác sĩ không ạ, trường hợp của e có nghiêm trọng lắm không Bác sĩ ạ?
hơn 1 tháng trước - Thích (22) - Trả lời
Toi uong thuoc chua khan tieng bi di ung, vay ngay sau khi di ung toi nen so cuu the nao a?
hơn 1 tháng trước - Thích - Trả lời
Cho mjnh. Hoi lam sao de biet minh di ung voi loai khang sinh nao co ban nao biet ko
hơn 1 tháng trước - Thích - Trả lời
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý