Lẩu là một món ăn ngon miệng, hết sức quen thuộc với người Việt Nam, nhất là khi ngồi cùng với gia đình, bạn bè thì vui không gì bằng.
Nói tới lẩu trong ẩm thực Việt Nam thì có rất nhiều loại như lẩu mắm, lẩu cá, lẩu gà, lẩu thịt…Mỗi loại lẩu có cách chế biến và hương vị khác nhau.
Ở Hà Nội, tại nhà hàng Ao Ta có một món lẩu hết sức độc đáo, không nói ra thì không ai biết, nói ra rồi lại có người biết người không. Đó chính là món lẩu gà bỗng rượu.
Cách chế biến lẩu gà bỗng rượu khá đơn giản, tuy nhiên điều quan trọng là phải chọn được nguyên vật liệu ngon. Lẩu có ngon hay không phụ thuộc vào tay nghề riêng của từng đầu bếp và khẩu vị của từng người.
Loại gà được chọn để làm lẩu phải là gà đồi vì loại gà này đi bộ nhiều, tự tìm kiếm thức ăn nên thịt gà săn chắc, giòn mà không dai, béo mà không ngậy. Ngoài ra bỗng rượu cũng là một nguyên liệu quan trọng làm nên sự độc đáo và lạ cho lẩu gà bổng rượu. Bỗng rượu là nếp đã nấu thành rượu, còn gọi là bã rượu. Bỗng rượu chứa nhiều Vitamin B và axit hữu cơ có giá trị dinh dưỡng ( 4- 6 kg bỗng rượu có giá trị dinh dưỡng tương đương 1 kg cám gạo).
Khâu quan trọng trong chế biến lẩu gà bỗng rượu là nước lẩu. Nước lẩu ngon phải là nước hầm xương thật nhừ để đạt được độ ngọt, sau đó cho bỗng rượu vào, gia giảm độ chua cho vừa miệng. Gà làm sạch, chặt miếng, tẩm ướp gia vị và bỗng rượu cho thật thấm. Bỗng rượu sẽ làm cho thịt gà ngọt, thơm và mềm hơn. Hành tím thái mỏng phi bằng mỡ gà cho dậy mùi thơm rồi cho gà vào đảo để săn miếng thịt. Sau đó cho nước dùng vào đun sôi, tiếp tục cho bỗng rượu vào vớt bọt khoảng 15 phút thì đưa ra nồi lẩu.
Nồi lẩu ngon thơm dậy mùi bỗng, vị chua thanh nhẹ và beo béo của hạt nếp, gà chín tới ăn mềm mà ko nát.
Thông thường những loại lẩu khác, thực khách ăn cùng với nhiều loại rau khác nhau. Tuy nhiên, điều đặc biệt của lẩu gà bỗng rượu là chỉ ăn với cọng hành, ngò gai và nếu muốn ăn với rau thì chỉ sử dụng đọt rau muống, vì nếu sử dụng những loại rau khác sẽ phá đi vị ngon của lẩu.