Cách cầm máu nhanh và xử trí cấp cứu tức thời

Hoaibui2395 Hoaibui2395 @Hoaibui2395

Cách cầm máu nhanh và xử trí cấp cứu tức thời

21/07/2015 12:00 AM
470

Đây là một kỹ năng xử trí cấp cứu rất quan trọng và cần thiết để cứu sống nạn nhân và hạn chế những biến chứng của vết thương. Mục đích của việc cầm máu tạm thời là nhanh chóng làm ngưng chảy máu vì nếu mất máu nhiều, nạn nhân sẽ bị sốc nặng.

1. Băng ép

Đặt một lớp gạc và bông thấm nước phủ kín vết thương, sau đó đặt một lớp bông mỡ (có tác dụng đàn hồi và không thấm nước) dày lên trên; lớp này càng dày thì tạo được sự nén ép càng cao; sức ép chỉ tập trung ở vị trí có lớp bông mỡ nên không cản trở tuần hoàn chung của chi thể. Băng kiểu vòng xoắn hoặc số 8, các vòng băng tương đối chặt, tốt nhất là dùng băng thun. Đây là phương pháp cầm máu cơ bản có thể áp dụng cho mọi vết thương mà không sợ các tai biến.

2. Băng nút

Là cách băng ép có dùng thêm bấc gạc để nhét nút vào vết thương. Nhét nút càng chặt thì sức ép càng tăng và tác dụng cầm máu càng tốt. Băng nút thích hợp với các vết thương chảy máu động mạch ở sâu hoặc những vùng đặc biệt của cơ thể (như vùng cổ, vùng chậu) mà băng ép thông thường không phát huy được tác dụng cầm máu.

Cách băng nút: Dùng kẹp cầm máu hoặc nỉa nhét gạc vô khuẩn (tốt nhất là khâu sẵn thành cuộn bấc dài 2 cm x 50 cm) nhồi sâu vào tận đáy vết thương, ấn chặt để có tác dụng đè ép, cầm máu; sau đó tiến hành băng ép như trên.

Nhược điểm của băng nút là khi nhét bấc gạc, ta có thể đưa cả dị vật và các mô dập nát vào sâu, gây ô nhiễm vết thương. Do đó, chỉ nên băng nút khi băng ép không hiệu quả và không thể áp dụng được các phương pháp cầm máu khác.

3. Gấp chi tối đa

Là biện pháp cầm máu đơn giản, rất tốt mà mỗi người có thể tự làm ngay sau khi bị thương để cầm máu. Khi chi thể gấp tối đa, các động mạch bị gấp và đè ép bởi các khối cơ bao quanh, có thể làm máu ngưng chảy. Tuy nhiên, phương pháp này không kéo dài được mà chỉ là biện pháp rất tạm thời, phải làm ngay khi bị thương rồi sau đó bổ sung bằng các biện pháp khác. Chi thể bị gấp tối đa thì dễ mỏi và nếu có tổn thương gãy xương đi kèm thì không thực hiện được. Cách làm tuỳ theo vị trí tổn thương:

- Cẳng tay, bàn tay: Gấp cẳng tay vào cánh tay. Nếu phải giữ lâu, có thể cố định tư thế gấp tối đa bằng một vài vòng băng hoặc dùng thắt lưng ghì chặt cổ tay vào phần trên cánh tay.

- Cánh tay: Dùng một vật tày có đường kính chừng 10 cm làm con chèn, kẹp chặt vào nách ở phía trên chỗ chảy máu rồi buộc chặt cánh tay vào thân người.

- Cẳng chân hoặc bàn chân: Nằm ngửa hoặc ngồi, dùng hai tay kéo mạnh cẳng chân ép vào đùi, có thể đệm thêm một cuộn băng vào khoeo.

- Đùi: Nằm ngửa, dùng hai tay kéo mạnh đầu gối để ép chặt đùi vào thân người, có thể dùng dây lưng để ghì mạnh đùi vào thân người.

4. Ấn động mạch

Là động tác dùng ngón tay đè chặt vào động mạch trên đường đi của động mạch từ tim đến vết thương nhằm làm động mạch bị ép chặt giữa ngón tay và nền xương. Đây là biện pháp cầm máu tạm thời rất hiệu nghiệm, chắc chắn mà ít gây đau đớn, không gây rối loạn tuần hoàn ở các chi bị thương, nhưng đòi hỏi người làm phải nắm chắc kiến thức giải phẫu về đường đi của các động mạch.

Phương pháp này có nhược điểm là không giữ lâu được vì người ấn nhanh chóng bị mỏi tay. Do đó, đây là động tác xử trí đầu tiên của y tá đối với một vết thương có chảy máu động mạch vừa hoặc lớn. Sau đó, phải sử dụng các biện pháp lâu bền hơn để đảm bảo cầm máu và chuyển nạn nhân về tuyến sau.

Có thể chỉ dùng một ngón tay cái hoặc bốn ngón tay còn lại, có khi sử dụng cả hai ngón tay cái, thậm chí cả nắm tay. Động tác ấn đòi hỏi hết sức khẩn trương nên không cần cởi quần áo người bị thương. Cách làm tuỳ theo vị trí chảy máu:

- Bàn tay và ngón tay: Dùng 2 ngón cái ấn vào động mạch quay (nơi thường bắt mạch trên cổ tay) và động mạch trụ (phía bên kia cổ tay).

- Cẳng tay hoặc phía dưới cánh tay: Ấn động mạch cánh tay (ở mặt trong cánh tay, phía trên vết thương) bằng ngón tay cái hoặc bốn ngón còn lại. Nếu máu còn chảy thì xê dịch ngón tay ra phía trước hoặc phía sau cho tới khi máu ngưng chảy.

- Phía trên cánh tay hoặc hố nách: Dùng ngón tay cái ấn mạnh và sâu vào hố trên xương đòn (ở sát giữa bờ sau của xương đòn) để động mạch bị kẹp vào giữa ngón tay cái và mặt trên xương sườn số 1.

- Đùi, cẳng chân hoặc bàn chân: Dùng 2 ngón tay cái ấn mạnh vào giữa nếp bẹn, các ngón còn lại ôm lấy mặt ngoài và trong của đùi. Có thể thay 2 ngón tay cái bằng cuộn băng chèn vào giữa nếp bẹn. 

- Má: Dùng ngón tay cái ấn mạnh vào động mạch ở cằm, cách góc xương hàm dưới khoảng 3 cm về phía trước

5. Băng chèn

Cũng là một cách đè ép động mạch trên đường đi của nó từ tim tới vết thương, nhưng đè bằng một vật tương đối rắn. Con chèn được đặt càng sát vết thương càng tốt, sau đó băng cố định con chèn tại chỗ bằng nhiều vòng băng xiết tương đối chặt theo kiểu vòng tròn hoặc số 8. Các loại vật thể làm con chèn là cuộn băng, miếng gạc cuộn chặt, nút bấc, lọ thuốc nhỏ (kiểu lọ penicillin) hoặc khúc tre, gỗ..., đường kính khoảng 2-3 cm, dài 4-5 cm. Ưu điểm của băng chèn là cầm máu tốt các vết thương động mạch. Những vị trí cụ thể thường áp dụng băng chèn:

- Cánh tay: Khi có vết thương chảy máu ở cánh tay và cẳng tay, đặt một con chèn ở mặt trong cánh tay, phía trên vết thương rồi cố định bằng các vòng băng xiết tương đối chặt. Khi máu tại vết thương còn chảy rất ít hoặc ngưng chảy là được; nếu bắt mạch cổ tay không thấy là đã đè ép được động mạch.

- Hố nách: Đặt một con chèn sâu vào trong hố nách (tốt nhất là dùng một cuộn băng vải) rồi băng tròn vài vòng để đè ép con chèn vào đầu trên động mạch cánh tay, băng tiếp các vòng băng kiểu số 8 để cố định.

- Cổ chân: Áp dụng khi có vết thương chảy máu nhiều ở bàn chân mà băng ép không hiệu quả. Đặt hai con chèn ở cổ chân, một ở phía sau dưới mắt cá trong, một ở phía trước cổ chân theo đường kéo dài ngược lên từ khe ngón chân cái với ngón thứ hai. Băng ép để cố định con chèn.

- Khoeo: Áp dụng khi có chảy máu nhiều ở cẳng chân. Đặt một con chèn có đáy to (tốt nhất là một cuộn băng vải cuộn chặt) vào giữa khoeo, băng vòng tròn vài vòng để đè ép con chèn vào đúng đường đi của động mạch khoeo rồi băng kiểu số 8 để cố định con chèn.

- Nếp bẹn: Áp dụng khi có thương tổn chảy máu động mạch đùi (ở mặt trong đùi). Dùng một cuộn băng to đặt ở giữa nếp bẹn làm con chèn (ở vị trí này, động mạch đùi nằm nông nên có thể dễ dàng bắt mạch để xác định vị trí) dùng tay cố định con chèn ngay phía trên động mạch đùi rồi băng cố định.

- Cổ: Cần có hai người làm. Một người dùng cuộn băng vải làm con chèn ấn vào động mạch cảnh ở phía dưới vết thương (theo bờ trước của khối cơ lớn nhất vùng cổ bên). Người thứ hai đặt một nẹp tre hoặc gỗ để bắc cầu từ đầu tới mặt ngoài vai (phía đối xứng với bên bị thương) rồi cố định chắc hai đầu nẹp. Sau đó, dùng nẹp làm điểm tựa để băng ép con chèn vào đường đi của động mạch cảnh đã được xác định. Như vậy, máu vẫn có thể lên não qua động mạch cảnh ở phía đối diện (phía dưới nẹp). Khi không có điều kiện đặt nẹp, có thể dùng tay phía đối diện của người bị thương thay cho nẹp, sau đó khẩn trương chuyển về tuyến sau để xử trí.

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý