Triệu chứng mang thai ở mỗi người phụ nữ là khác nhau và nếu bạn không tinh ý thì không thể nhận ra những dấu hiệu này. Tuy nhiên, hầu hết chị em nếu đang mang bầu đều có những biểu hiện chung nào đó và ở đây chúng tôi xin nêu ra những điểm chung này.
Việc nắm bắt được những dấu hiệu mang thai là vô cùng quan trọng vì qua đó bạn có thể kiểm chứng mình có mang thai thực sự hay nhầm chỉ là tình cờ trùng hợp với một triệu chứng bất kỳ nào đó của cơ thể. Một số chị em có thể phát hiện triệu chứng mang thai trong 1 tuần, có người thấy xuất hiện những triệu chứng này trong tuần thứ 2,3. Nếu bạn đã có kế hoạch mang thai và đang “thả” trong 1 vài tháng trở lại đây, hãy theo dõi những dấu hiệu sau để biết mình mang thai hay chưa nhé!
Xuất hiện đốm máu ở vùng kín
Chảy máu nhẹ ở vùng kín có thể là một trong những dấu hiệu đầu tiên của việc bầu bí. 6-12 ngày sau khi thụ thai, phôi thai cấy ghép vào thành tử cung sẽ dẫn đến hiện tượng xuất hiện những đốm máu nhỏ cùng hiện tượng chuột rút nhẹ.
Trường hợp khác: Đây có thể là hiện tượng kinh nguyệt thay đổi, tác dụng phụ của thuốc tránh thai hoặc vùng kín chị em bị nhiễm trùng.
Thèm đồ chua
Trong khi trước đó bạn không có sở thích ăn đồ chua, ăn kem nhưng tự nhiên thời gian này bạn lại thấy thèm ăn đồ chua hoặc bất cứ đồ ăn gì mới lạ. Đây có thể là dầu hiệu sớm của việc mang bầu. Sở thích này cũng có thể kéo dài khắp thai kỳ.
Trường hợp khác: Chế độ ăn uống nghèo chất dinh dưỡng, thiếu chất dinh dưỡng nhất định nào đó, căng thẳng, trầm cảm hoặc sắp đến kỳ kinh nguyệt cũng khiến bạn có triệu chứng thèm ăn trên.
Vắng “đèn đỏ”
Đây là triệu chứng đầu tiên có thể khẳng định chắc chắn bạn có bầu. Khi bắt đầu mang thai, bạn sẽ không còn thấy “đèn đỏ” trong tháng tiếp theo nữa. Tuy nhiên, một số chị em phụ nữ vẫn bị chảy máu vùng kín khi mang thai nhưng thông thường hiện tượng này xảy ra nhẹ và ngắn ngày. Vấn đề này không có gì nghiêm trọng.
Trường hợp khác: Tăng trọng lượng quá mức, mất ngủ, mệt mỏi hoặc bạn đang gặp các vấn đề về nội tiết, ngưng thuốc tránh thai, bệnh tất hoặc đang cho con bú cũng gặp hiện tượng vắng “đèn đỏ” trong một thời gian nào đó chứ chưa chắc đó đã là dấu hiệu của việc bầu bí.
Đau, sưng “núi đôi”
Núi đôi sưng phồng và nhạy cảm hơn cũng là một trong những triệu chứng sớm nhất của việc mang bầu. Hiện tượng này thường bắt đầu từ tuần thứ 1-2 sau khi thụ thai. Chị em có thể dễ dàng nhận ra sự thay đổi của núi đôi: to hơn, đau và sưng khi chạm tay vào hoặc mặc “áo chíp”.
Trường hợp khác: Sự mất cân bằng nội tiết, tác dụng của thuốc tránh thai, sắp đến chu kỳ kinh nguyệt cũng có thể làm cho ngực bạn sưng hoặc đau.
Mệt mỏi
Cảm giác mệt mỏi, uể oải cũng có thể là dấu hiệu đầu tiên báo bạn đang mang bầu.
Trường hợp khác: Căng thẳng, trầm cảm, cảm lạnh hoặc cảm cúm, bạn đang bị bệnh cũng có thể khiến bạn trở lên mệt mỏi chứ không phải là dấu hiệu mang bầu. Tuy nhiên, nếu cơ thể bạn khỏe mạnh bình thường, mà bỗng nhiên thấy khó chịu, mệt mỏi thì hãy xem xét nhé, có thể bạn đã có “tin vui” đấy.
Buồn nôn, nôn ói
Đây là triệu chứng phổ biến nhất ở tuần thứ 2 đến thứ 8 sau khi thụ thai. Một số phụ nữ may mắn không mắc phải triệu chứng này nhưng hầu như đến 70% chị em phụ nữ khi mới mang thai đều ốm nghén. Nhiều người còn mắc phải triệu chứng này suốt thai kỳ.
Trường hợp khác: Ngộ độc thực phẩm, căng thẳng, thay đổi phương pháp ngừa thai, hoặc rối loạn da dày cũng làm bạn cảm thấy nôn nao và muốn ói.
Đau lưng
Đau lưng phía dưới cũng có thể là dấu hiệu sớm của việc mang bầu. Triệu chứng này thường xuyên sảy ra trong suốt thai kỳ đặc biệt là vào những tháng cuối.
Trường hợp khác: Sắp đến thời kỳ kinh nguyệt hoặc bạn bị bệnh đau lưng, ốm mệt cũng có thể khiến lưng bạn bị đau.
Đau đầu
Sự gia tăng đột ngột của hormone thai kỳ trong cơ thể có thể làm bạn phải đối mặt với chứng đau đầu sớm khi mới thụ thai.
Trường hợp khác: Cơ thể mất nước, sử dụng đồ uống chứa caffeine, sắp đến kỳ kinh nguyệt, căng thẳng hoặc bị bệnh cũng khiến đầu óc bạn mệt mỏi và dẫn đến chứng nhức đầu.
Thường xuyên đi tiểu
Khoảng 6-8 tuần sau khi thụ thai, bạn sẽ thấy hiện tượng mót tiểu và thường xuyên đi tiểu xảy ra.
Trường hợp khác: Bạn bị nhiếm trùng đường tiết niệu, tiểu đường, uống nhiều nước mỗi ngày hoặc dùng thuốc lợi tiểu cũng làm bạn đi tiểu thường xuyên hơn.
Vùng da quanh “nhũ hoa” xỉn màu
Nếu bạn mang thai, vùng da quanh “nhũ hoa” có thể tối màu, xỉn màu hơn thời gian trước đó.
Trường hợp khác: Sự mất cân bằng nội tiết tố có thể khiến vùng da quanh “nhũ hoa” có thể tối màu chứ không phải đó là dấu hiệu của việc mang thai.