Bệnh mất ngủ là bệnh thường gặp ở người cao tuổi. Nếu không có những phương pháp điều trị mất ngủ tốt nhất sẽ gây ra những hậu quả khó lường cho người bị mất ngủ
Mất ngủ là thuật ngữ chung để chỉ các tình trạng khó đi vào giấc ngủ, thức dậy quá sớm, tỉnh giấc nhiều lần trong đêm hay giấc ngủ không chất lượng khiến bạn có cảm giác chưa được nghỉ ngơi. Thay vào đó là cảm thấy uể oải khi thức dậy và ngày hôm sau vẫn buồn ngủ, mệt mỏi, khó tập trung vào công việc. Tình trạng mất ngủ khá thường gặp, do vậy cần phải nắm được các nguyên nhân, hậu quả và cách điều trị cũng như phòng tránh.
Tình trạng bệnh mất ngủ phổ biến hiện nay
Xã hội phát triển hiện đại hơn nên áp lực từ công việc ngày càng tăng. Đó là một phần nguyên nhân dẫn tới tình trạng mất ngủ trở nên phổ biến. Theo một khảo sát ở Bệnh viện Tâm thần TP. Hồ Chí Minh, tỷ lệ mất ngủ của người dân trên địa bàn thành phố là 18,3%.
Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh Mỹ cũng báo cáo, hơn 25% người Mỹ không có được giấc ngủ đủ thời gian và gần 10% bị mất ngủ mãn tính.
Ảnh hưởng của mất ngủ đến sức khỏe
Chúng ta đều biết, giấc ngủ rất cần thiết đối với sức khỏe của con người. Mỗi người cần ngủ đủ 7- 8 giờ mỗi ngày để phục hồi những năng lượng đã mất (có thể ngủ được ít hơn nhưng quan trọng là cảm thấy khỏe khoắn sau khi thức dậy).
Ảnh hưởng của bệnh mất ngủ tới sức khỏe còn tùy thuộc tình trạng mất ngủ đã diễn ra trong bao lâu.
Nếu chỉ là mất ngủ thoáng qua (diễn ra dưới 1 tuần) sẽ gây trạng thái buồn ngủ, hoạt động kém linh hoạt. Nếu là mất ngủ mạn tính (kéo dài trên 1 tháng) sẽ gây mệt mỏi, trầm cảm, dễ cáu gắt, giảm tập trung, giảm sức đề kháng, sức khỏe suy giảm, đồng thời kéo theo rất nhiều bệnh khác như béo phì, giảm trí nhớ, rối loạn tâm lý, bệnh tim mạch, huyết áp, tiểu đường… Nghiêm trọng hơn, các nghiên cứu mới nhất còn cho thấy việc thiếu ngủ, mất ngủ có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe và cả tính mạng.
Nói chung, mất ngủ thoáng qua hay kéo dài đều ảnh hưởng đến khả năng làm việc, học tập, dễ xảy ra tai nạn khi lái xe hay vận hành máy móc.
Nguyên nhân gây bệnh mất ngủ
Một số nguyên nhân gây bệnh mất ngủ thoáng qua và mạn tính có thể kể đến như sau:
Nguyên nhân mất ngủ thoáng qua
stress, có chuyện buồn lo, lệch múi giờ sau chuyến bay dài, làm ca (53% công nhân ca đêm ngủ gật ít nhất 1 lần/tuần), sử dụng chất kích thích (cà phê, trà, thuốc lá, rượu, các loại thuốc kích thích, gây nghiện), thói quen của người ngủ cùng như ngáy, yếu tố môi trường (ánh sáng, tiếng ồn, nhiệt độ, không khí).
Nguyên nhân gây mất ngủ mạn tính
Do bệnh lý đa khoa (dị ứng, viêm khớp, bệnh tim, cao huyết áp, hen phế quản…), hoặc do bệnh lý tâm thần (trầm cảm, hưng cảm, rối loạn lo âu lan toả, rối loạn stress sau chấn thương, nghiện rượu, tâm thần phân liệt, bệnh sa sút tâm thần)…
Tình trạng mất ngủ có thể là cấp tính, có nghĩa là ngắn hạn, hoặc kéo dài, mạn tính. Khi bị mất ngủ ít nhất ba lần trong một tuần mỗi tháng hoặc lâu hơn, các bác sĩ xem đó là mất ngủ mạn tính.
Cách điều trị bệnh mất ngủ
Để điều trị mất ngủ, trước hết cần thay đổi một số thói quen và giải quyết bất kỳ nguyên nhân nào có thể gây mất ngủ. Nếu những biện pháp này không hiệu quả mới cần dùng đến các thực phẩm chức năng hoặc thuốc giúp an thần và gây ngủ.
Những thói quen tốt để có được giấc ngủ ngon
Hãy thử những lời khuyên dưới đây nếu bạn gặp vấn đề về giấc ngủ:
+ Đi ngủ và thức dậy vào một khoảng thời gian cố định kể cả vào cuối tuần để tạo thành thói quen.
+ Hãy ra khỏi giường khi không ngủ: Nếu không thể ngủ, hãy ra khỏi giường sau 15 phút và làm điều gì đó thư giãn, chẳng hạn như đọc sách.
+ Tránh cố gắng để ngủ: Cố gắng để ngủ sẽ khiến bạn trở nên càng tỉnh táo, khó vào giấc hơn. Bạn có thể đọc sách báo hay xem truyền hình cho đến khi cơn buồn ngủ tới, sau đó vào giường ngủ.
+ Sử dụng giường và phòng ngủ chỉ để ngủ, không đọc sách, xem TV, làm việc hoặc ăn trên giường.
+ Tìm cách để thư giãn: Tắm nước ấm trước khi đi ngủ sẽ giúp bạn dễ ngủ hơn. Hãy tạo một thói quen thư giãn trước khi đi ngủ, chẳng hạn như đọc sách, nghe nhạc, các bài tập thở, yoga hoặc cầu nguyện.
+ Tránh hoặc hạn chế những giấc ngủ ngắn. Ngủ trưa dài có thể làm bạn khó vào giấc ngủ ban đêm hơn. Hãy cố gắng chỉ ngủ một giấc ngủ ngắn không quá 30 phút và không ngủ trưa sau 3h chiều.
+ Tạo không gian phòng ngủ thoải mái, thuận lợi cho giấc ngủ. Đóng cửa phòng ngủ hoặc bật nhạc không lời để giúp át đi những tiếng ồn khác. Phòng ngủ nên tối, để nhiệt độ thấp hơn nhiệt độ môi trường và không nên có máy tính hoặc tivi.
+ Tập thể dục và hoạt động: Nên vận động ít nhất 20 đến 30 phút mỗi ngày trước khi ngủ 5- 6 giờ.
+ Tránh hoặc hạn chế uống cà phê, rượu và thuốc lá. Sử dụng Caffeine sau giờ ăn trưa và nicotin có thể là nguyên nhân khiến bạn khó vào giấc ngủ đêm. Rượu làm cho bạn dễ rơi vào giấc ngủ ban đầu, nhưng sẽ làm gián đoạn giấc ngủ của bạn sau đó trong đêm.
+ Tránh ăn bữa tối quá no và uống nhiều nước khi đi ngủ. Bạn nên có một bữa ăn nhẹ gồm những thực phẩm có lợi cho giấc ngủ là tốt nhất, uống ít nước hơn trước khi đi ngủ để sẽ không phải đi vệ sinh thường xuyên ảnh hưởng đến giấc ngủ.
+ Chế độ dinh dưỡng: Bạn có thể chọn một hoặc hai loại thực phẩm từ danh sách những thực phẩm giàu melatonin, serotonin, tryptophan, magie sau đây cho bữa phụ giúp thư giãn cơ bắp, giải tỏa căng thẳng và khiến bạn ngủ ngon hơn: Chuối, trà hoa cúc, sữa ấm, mật ong, khoai tây, yến mạch, lúa mì, hạt lanh, hạnh nhân.
Các thuốc và thảo dược hỗ trợ điều trị mất ngủ
Nếu những biện pháp thay đổi thói quen không giúp ích thì việc dùng thuốc hoặc các thảo dược hỗ trợ điều trị bệnh mất ngủ là cần thiết.
Một số loại thuốc tân dược, chẳng hạn như zolpidem (Ambien), eszopiclone (Lunesta), zaleplon (Sonata) hoặc ramelteon (Rozerem), cũng giúp bạn có được giấc ngủ. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, các loại thuốc này có thể gây ra các phản ứng dị ứng nghiêm trọng. Ngoài ra, tác dụng không mong muốn của thuốc ngủ tân dược có thể bao gồm buồn ngủ vào ban ngày, kích động, ảo giác…. Các biểu hiện này thường rõ rệt hơn ở người lớn tuổi.
Bác sĩ thường khuyên không nên dùng thuốc ngủ trong hơn một vài tuần, nhưng một số thuốc mới được phê duyệt để sử dụng không thời hạn.
Nếu có trầm cảm kèm mất ngủ, bác sĩ có thể kê đơn một thuốc chống trầm cảm có tác dụng an thần, chẳng hạn như trazodone (Desyrel), doxepin (Sinequan, Adapin) hoặc mirtazapine (Remeron).
Thuốc kháng histamin cũng gây ra buồn ngủ. Nhưng kháng histamin có thể làm giảm chất lượng giấc ngủ, và chúng có thể gây tác dụng phụ như buồn ngủ ban ngày, khô miệng và nhìn mờ.
Thuốc ngủ tân dược như “con dao hai lưỡi”, do vậy để tìm được giấc ngủ ngon có thể thay bằng những thảo dược dưỡng tâm an thần an toàn hơn, dùng lâu dài được như Bình vôi, lạc tiên, thảo quyết minh, lá dâu…..