Mời các bạn đón đọc Phần 1 của câu chuyện tại đây
Lời khuyên đầu tiên tôi muốn chia sẻ với tất cả các cặp đôi đang trong tình trạng hiếm muộn là đừng nóng vội và đừng đem vấn đề của mình so sánh với những cặp đôi khác. Nếu đã lấy nhau và sau một năm cố gắng mang thai chưa có kết quả, hai bạn hãy đến bác sĩ chuyên khoa để được khám kịp thời.
Trong hoàn cảnh này, các bạn đừng nên quá căng thẳng bởi chưa phải là mình đã vô sinh mà có thể chỉ mắc một vài vấn đề nhỏ và chưa có thai được. Các bạn nên biết rằng, khi người phụ nữ bị áp lực tâm lý đè nặng thì sự rụng trứng có thể bị ức chế và sẽ gặp khó khăn trong việc thụ thai. Còn ở nam giới, căng thẳng tâm lý có thể ức chế sản xuất tinh trùng cũng như độ di động của tinh trùng. Điều này sẽ làm cho khả năng thụ thai trở lên tồi tệ hơn.
Nên làm gì?
- Khi thấy mình có dấu hiệu hiếm muộn, khó có con điều đầu tiên là hãy tìm đến những trung tâm khám chữa bệnh hiếm muộn có uy tín và gặp gỡ những người có chuyên môn. Bên cạnh đó, bạn cũng đừng quên chia sẻ với những người có chung vấn đề hiếm muộn như mình để biết thêm những thông tin cần thiết và bổ ích.
- Nếu bạn đã trên tuổi 35 thì thời gian đi khám hiếm muộn cần sớm hơn (sau tầm 6 tháng cố gắng mà chưa có “tin vui”), còn thông thường với các cặp đôi là trên 1 năm.
- Việc đi khám hiếm muộn cần có sự góp mặt của cả hai vợ chồng, vì đây là lúc cả hai cùng cần được bác sĩ tư vấn và giải thích mọi vấn đề liên quan. Việc điều trị thành công phần lớn sẽ đạt được ở những cặp vợ chồng đồng tâm nhất trí, luôn hỗ trợ động viên nhau và kiên trì điều trị.
- Việc đi khám hiếm muộn rất cần sự kiên nhẫn của cả 2 vợ chồng bởi vì chặng đường này không chỉ diễn ra trong một sớm một chiều đâu bạn nhé. Đôi khi nó còn kéo dài hàng năm trời, vài năm trời đấy.
Nên tránh gì?
- Không nên quá nóng vội về nguyên nhân hiếm muộn: Thông thường các cặp đôi đi khám hiếm muộn đều muốn bác sĩ cho biết ngay nguyên nhân bệnh tật và nguyên nhân do vợ hay chồng. Tuy nhiên điều này là rất khó nói và thực sự là không cần thiết. Đôi khi biết được nguyên nhân do ai còn làm tan vỡ hạnh phúc gia đình. Và cũng cần nói thêm rằng có rất nhiều cặp đôi mà chính bác sĩ cũng không xác định được nguyên nhân – như trường hợp của vợ chông tôi chẳng hạn.
- Không nên quá kỳ vọng 100% vào quá trình điều trị: Rất nhiều cặp đôi khăng khăng nghĩ rằng đã chữa trị hiếm muộn là sẽ thành công và họ không chấp nhận kết quả rằng sau 1 năm trời vẫn không thể có con. Điều này càng làm cho tâm lý của người hiếm muộn thêm căng thẳng và việc điều trị sẽ khó khăn hơn.
- Đừng suy nghĩ tiêu cực: Trong thời gian chữa trị hiếm muộn, các cặp vợ chồng nên có suy nghĩ lạc quan và tin tưởng vào tài năng của bác sĩ. Tuy vậy, cũng không thể khẳng định rằng bạn sẽ chắc chắn có thai. Dù kết quả có ra sao thì bạn cũng nên biết cách chấp nhận nó. Hãy tự hào rằng hai vợ chồng bạn đã nỗ lực hết sức.
Dù điều trị có thất bại cũng không nên tuyệt vọng và hãy chọn cho mình những cách khác như xin con nuôi chẳng hạn. Hãy tạo cho mình một cuộc sống luôn có những mục đích, niềm vui. Khi trút bỏ mọi căng thẳng và áp lực từ việc mong muốn có con, đôi vợ chồng hiếm muộn có thể sẽ dễ dàng có con hơn mà không phải nhờ đến bác sĩ như vợ chồng tôi đây chẳng hạn. Bé Lỳ đã đến với chúng tôi khi mà cả hai vợ chồng đã hết hy vọng sinh nở. Chúng tôi đã hồn nhiên chấp nhận điều đó nhưng rồi điều kỳ điều kỳ diệu lại sảy ra. Bạn cũng hãy giữ tinh thần lạc quan như thế nhé!
Kinh nghiệm chia sẻ của mẹ Lỳ