Thế nhưng cũng có những người mãi vẫn chưa thể có con, vì vẫn mãi lang thang trong cõi người chỉ vì chưa tìm thấy một người “mang lại cảm giác an toàn”. Và anh đạo diễn, sẵn sàng lang thang tìm tình yêu và một người phụ nữ của anh, chứ không đi tìm người đẻ thuê.
Mấy tháng trước, tôi được mời tham gia một show trên truyền hình, chủ nhân của show truyền hình thực tế có gợi ý tôi rằng, hãy mặc váy đầm để phù hợp với một không gian sang trọng và tận hưởng cuộc sống, theo đúng ý đồ của họ. Tôi đã lưỡng lự rất lâu, bởi đã năm sáu năm nay không hề thêm một chiếc đầm sang trọng nào trong tủ đồ của tôi, và cũng đã năm sáu năm nay, tôi không mua một đôi giày cao gót thanh mảnh nào.
Dù tôi vẫn thực sự tán thưởng những phụ nữ điệu đàng phong cách sành điệu, nhưng tôi đi theo hướng tôi nhìn, tôi không có ý định mang đời mình ra để thỏa mãn ý kiến của kẻ khác. Cho đến tận lúc nhận lời mời tham gia show truyền hình thực tế ấy. Tôi là kẻ anti – những – chiếc – đầm.
Nhưng “biến cố tủ áo” hôm đó lại khiến tôi phát hiện ra: Thời gian qua tôi đã mang bầu hai đứa con mà không hề mặc váy bầu!
Làm mẹ vất vả, làm mẹ thiêng liêng
Lý do đô thị và cuộc sống kỳ thị những chiếc váy bầu, nên đã từng có thời gian, do tính chất công việc hay phải giao tiếp, mặc vay bầu thì tôi sẽ bị đuổi việc. Giảng đường đại học không cho phép giáo viên mặc váy bầu lên lớp dạy các thạc sĩ tiến sĩ tương lai, sân khấu, các event và màn hình tivi không có chỗ cho tôi vác bầu lặc lè lên đó cầm mic làm MC. Ngay cả ở nước ngoài, tôi cũng đã không được phép mặc váy bầu đến diện kiến tổng thống. Tôi càng không được để lộ bụng bầu trong một chương trình ký kết hợp đồng trọng thể. Và đình điểm là mất năm trước, một đơn vị tại miền Nam đã cắt bớt lương tư vấn của tôi, từ 2.000 USD/tháng còn có 1.000 USD/tháng vào đúng ngày ký hợp đồng, chỉ bởi, sau quá trình chuẩn bị và thỏa thuận, hôm đó gặp mặt tôi để ký, họ ngỡ ngàng phát hiện ra tôi đang mang bầu.
Và họ nói, nếu biết trước, họ sẽ không bao giờ thuê một bà bầu làm dự án. Dù dự án đó cần cái đầu của tôi chứ không cần tôi chạy nhanh, nâng tạ khỏe hay đánh đu xe máy như diễn xiếc.
Và bởi thế, để tránh thiệt thòi hoặc bị phân biệt đối xử, tôi đã thay váy bầu bằng những bộ đồ công sở hoặc size rộng thật rộng, hoặc những chiếc váy baby kiểu tuổi teen túm ở ngang đùi, đầm xuông bỏ thắt lưng, những chiếc quần legging ăn gian đôi chân, bộ áo vét mở cúc hờ hững che bớt phần bụng bầu… Thà bị đối tác coi tôi như người ăn mặc xuề xòa còn hơn bị phát hiện ra đang mang bầu.
Tôi chọn trang phục người béo chứ không chọn váy bầu. Và không đi giày bệt lạch bạch như bà bầu, tôi chọn bốt da cao cổ đế liền khiêu khích và táo bạo.
Nhưng tôi không đổ lỗi cho cuộc sống khiến mình phải che giấu việc đang mang thai, để được đối xử như bình thường. Cũng không nghĩ tại bản thân tôi nghèo, phải lo cật lực kiếm tiền trong lúc đáng lẽ cần nghỉ ngơi. Tôi chỉ băn khoăn rằng: Tại sao xã hội nhìn bà bầu xấu xí thế? Phải chăng phụ nữ đã mang bầu, mặc nhiên mất đi một phần giá trị xã hội? Tại sao vác bụng bầu lên giảng đường bị coi là thiếu lịch sự? Chắc chắn việc xã hội nhìn nhiều vào cái bụng bà bầu mà không nhìn vào mặt bà bầu, hoàn toàn không vì lý do thời trang! Trong giây phút đứng trước tủ ảo lưỡng lự, tôi nhớ lại toàn bộ hành trình để làm mẹ của mình, và nhớ ra một giây phút cảm động trong hành trình tôi mang theo bé trong bụng cùng đi chinh chiến những thành phố xa lạ của mình. Đó là một bình minh, Sài Gòn năm giờ sáng, chúng tôi kết thúc một đêm trắng làm việc trong một dự án, ra đầu đường đứng vẫy taxi về khách sạn.
Và trong lúc chờ taxi, một đạo diễn nổi tiếng thế hệ 6X tới quỳ xuống chân tôi, ôm lấy cái bụng bầu của tôi và hôn. Anh nói:
- Em ơi, anh khao khát có một đứa con biết bao! Anh kính trọng tất cả những phụ nữ trên đời này đồng ý làm mẹ. Tất thảy những người đàn bà mỹ miều bên anh hoặc trong tay anh, ngay cả cô người mẫu hàng vơ-đét đang tay trong tay anh sáng hôm đó, đều đã không có ý định sinh con. Họ chỉ chấp nhận làm tình nhân của anh, làm vợ của anh, chứ không chấp nhận việc làm mẹ của con anh.
Nên không phải bỗng nhiên, người đàn ông thấy cô đơn trên đỉnh cao của cuộc đời.
Chào cuộc sống
Tôi thường tự cười mình rằng, là một kẻ tham lam, tham lam tới mức chỉ làm những gì mình thích. Và cực đoan tới mức, thường rơi từ thái cực này sang thái cực đối lập. Nhưng ưu điểm duy nhất mà tôi có, là tôi ngại làm phiền người khác, nên thường tự quyết định và tự giải quyết những vấn đề của cá nhân mình. Ngay cả khi mang bầu, tôi không hề đòi bên mình phải có một ai đó luôn túc trực, dỗ những cơn nghén thai kỳ, nâng tay dìu đi mỗi tối đi bộ thong thả theo lời khuyên của bác sĩ, ngồi chực chờ để nghe ra lệnh sai vặt, chỉ vì tôi đang mang bầu đứa con của họ. Tôi không cần ai vỗ về thăm hỏi và đưa ra những hứa hẹn xoa dịu cơn stress bà bầu giai đoạn khủng hoảng trâm lý trước và sau sinh.
Bé là con tôi, tôi mang bầu bé vì hạnh phúc của bản thân tôi chứ đâu phải dùng bé như là cớ để làm nũng đàn ông, trói chân một anh đàn ông, hay để đòi hỏi người đàn ông chứng minh tình yêu cũng như trách nhiệm với… cái bầu?
Và vì thế, tôi rất sợ hãi những bà bầu đi lừ lừ trên phố như một toa tầu khổng lồ, và cái váy bầu rộng lớn của nàng là một tuyên ngôn bất hủ của bà bầu với xã hội: “Nhìn này, thấy chưa, tôi đang mang bầu đấy, hãy tránh xa tôi ra!”.
Tôi càng sợ những phụ nữ nghén và đòi chồng có trách nhiệm với cơn nghén của mình. Nhà người quen có cô vợ, chửa lúc chưa cưới, chả thấy kêu ca nghén gì cả, thậm chí còn buộc bụng cho chặt che mắt thế gian. Vừa cưới xong thế là nghén lên nghén xuống, hành chồng như hành hạ kẻ thù, khóc lóc kêu ca suốt ngày. Tôi thường mỉm cười khi nghĩ, phải chăng nghén và thai hành là một cách làm nũng của phụ nữ?
Người phụ nữ mang thai vì lý do sức khỏe phải từ chối công việc, là một việc rất hợp lý. Nhưng người phụ nữ vì lý do mang thai mà từ chối công việc, đòi hỏi sự đãi ngộ đặc biệt từ xã hội và người thân, bi quan về cuộc sống thì lại là một sự thua thiệt tự nhận, bởi nó chỉ làm tăng lên cái nhìn nghi ngại của xã hội với những người đàn bà mặc váy bầu. Xã hội sợ tâm trạng bất thường, thể chất bất thường của bà bầu ảnh hưởng tới cỗ máy đang vận hành trơn tru của xã hội.
Nên thực sự, làm mẹ tức là buộc phải hy sinh cái tôi đi một chút. Không có nghĩa là đòi phải được đền bù gì vào phần “cái tôi” đã mất đi ấy. Nghĩ được vậy, hẳn những người làm mẹ đã nhẹ nhàng đầu óc và thanh thản tự tại đi rất nhiều. Và thực tế, nếu cần nói với người đàn ông – đang là tình nhân, đang là chồng rằng: “Em cần anh!” thì người mẹ trẻ sẽ có vô số cách để nói.
Chứ không cần phải lấy đứa con trong bụng ra làm cớ! Và lấy thai kỳ chín tháng để ra điều kiện.
Và tôi biết, nếu yêu bạn, người đàn ông sẵn sàng dắt tay bạn đi dạo cả đời, sẵn sàng đi pha sữa cho bạn uống, đưa đón bạn hàng ngày, mua đồ ăn, về nhà sớm, lau nhà rửa bát cho bạn cả đời! Suốt đời, nếu điều đó làm bạn hạnh phúc! Chứ không làm thế chỉ vì bạn đang mang thai, vì bạn hành hạ và đòi hỏi họ làm thế, trong nước mắt.
Và nếu yêu bạn, người đàn ông sẽ làm thế ngay cả khi bạn cả đời không thể mang thai. Bởi, làm mẹ thật thiêng liêng, nhưng cũng đáng trân trọng như sự sống và tình yêu trong mỗi ngày đang sống.
Tôi có một người bạn gái, bạn không có ý định kết hôn, đã từng bị phát hiện ung thư buồng trứng, đã từng phẫu thuật và hóa trị. Việc can thiệp điều trị sớm có kết quả rất tốt, nhưng thực sự, một cô gái chưa chồng mang theo một hồ sơ bệnh án ấy, sẽ khó có thể sinh con sau này. Bạn nói, bạn không thể làm khổ người đàn ông nào.
Song, kết cuộc, bạn đã nhận lời cầu hôn, của người đàn ông đã mười năm đeo đuổi bạn, người muốn cưới chính bản thân bạn, muốn sống chung với bạn chứ không phải là cưới một người “sẽ đẻ con cho chồng”. Sau đám cưới hạnh phúc vào thời điểm đã gần bốn mươi tuổi, hai người bỗng phát hiện có thai, hai bé sinh đôi ra đời xinh đẹp khỏe mạnh, điều mà ngay cả bác sĩ điều trị cho bạn cũng nói, không thể tin nổi xác xuất may mắn nhỏ nhoi. Còn gia đình nhà chồng và gia đình bạn, khỏi phải nói, hạnh phúc tới chừng nào.
Tôi hỏi bạn:
- Thế này hẳn anh người yêu cũ của cậu, người đã bỏ cậu chỉ vì nghĩ cậu sẽ vô sinh, hẳn bây giờ hối hận?
Bạn tôi trả lời điềm nhiên:
- Không, thật may là anh ta đã bỏ tớ. Vì tớ cũng chẳng muốn có con với một người đàn ông như thế.
À, thì ra đó là lý do thiêng liêng của những chiếc váy bầu mà người phụ nữ đã không hề nói ra: “Em có cảm giác an toàn khi ở bên anh, em yêu anh và em muốn anh làm bố của những đứa con em!”
Chả trách tại sao, xã hội ngày càng có nhiều người sẵn sàng mọi điều kiện, kể cả tài chính, tâm lý và khao khát để làm mẹ đơn thân, làm bố đơn thân. Thế nhưng cũng có những người mãi vẫn chưa thể có con, vì vẫn mãi lang thang trong cõi người chỉ vì chưa tìm thấy một người “mang lại cảm giác an toàn”. Và anh đạo diễn, sẵn sàng lang thang tìm tình yêu và một người phụ nữ của anh, chứ không đi tìm người đẻ thuê.
Có lẽ vì tình yêu có thật, và chúng ta còn tin vào tình yêu, nên cuộc sống mới thiêng liêng đến thế.