Bệnh ghẻ là bệnh do ký sinh trùng Sarcoptes scabiei, Hominis, (tiếng Việt gọi là cái ghẻ) chúng đào hang rãnh trên da làm ngứa ngáy khó chịu và nhiễm trùng. Bất kỳ ai cũng có thể mắc bệnh ghẻ, trong đó có cả trẻ em. Ghẻ là một bệnh ngoài da phổ biến, dễ lây, nhất là ở những nơi chật chội, thiếu vệ sinh,…
Nguyên nhân
Nguyên nhân gây bệnh là một loại ký sinh trùng có tên là Sarcoptes Scabiei, có nơi còn gọi là con mạt ngứa (itch mite). Con cái có kích thước từ 0,3-0,5mm. Cái ghẻ xâm nhập vào đường biểu bì da đào hầm và đẻ trứng. Chúng đẻ từ 2-3 trứng/ngày và đẻ liên tục trong 4-6 tuần liền. Ghẻ đực chết ngay sau khi hoàn thành nghĩa vụ phối giống và ghẻ cái cũng chết sau khi đã đẻ hết số trứng của mình. Trứng nở thành ấu trùng và phát triển thành con trưởng thành chỉ trong vòng 3-4 ngày.
Quá trình lây ghẻ
Con cái ghẻ thường bò lên da về ban đêm cho nên hay lây lan cho những người dùng chung chăn chiếu, nằm chung giường, mặc chung quần áo, chung khăn tắm. Ghẻ cũng có thể lây lan gián tiếp qua đồ dùng, đồ chơi trẻ em, quần áo hay trực tiếp qua bắt tay… Chính vì vậy, mà bệnh ghẻ được xếp vào nhóm bệnh lây truyền qua đường tình dục. Cái ghẻ có thể sống ngoài cơ thể được 2-4 ngày. Cái ghẻ sẽ chết sau khi rời vật chủ 4 ngày.
Thời kỳ ủ bệnh thay đổi từ 2 – 40 ngày, trung bình từ 10-15 ngày. Lúc đầu trẻ sẽ thấy ngứa ở các kẽ, như kẽ ngón tay, rãnh quy đầu, kẽ mông,… Ngứa lan dần nhanh chóng ra toàn thân và ngứa nhiều về ban đêm.
Trẻ em hay cả người lớn bị nhiễm ký sinh trùng ghẻ lần đầu tiên trong vòng 2 tuần đầu hoàn toàn chưa có biểu hiện ngứa mặc dù ngứa ghẻ được so sánh với đau đẻ và đòn ghen. Nhưng do có thể mới bị ghẻ xâm nhập nên chưa có sự phản ứng lại (hay là sự nhạy cảm) nên chưa thấy ngứa, điều đó lý giải tại sao một số bệnh nhân có tổn thương ghẻ thực sự mà hoàn toàn chưa thấy ngứa. Những người bị tái nhiễm ghẻ thì xuất hiện ngứa dữ dội ngay từ khi cái ghẻ xâm nhập vào da.
Chẩn đoán ghẻ
Việc chẩn đoán ghẻ rất dễ, ai đó từng bị ghẻ đều có thể nhận ra được, nhưng đôi khi cũng bị nhầm lẫn tại các phòng khám chuyên khoa vì ghẻ lâu ngày tạo thành eczema hóa hoặc bội nhiễm hoặc ghẻ vảy. Chẩn đoán dựa vào triệu chứng bệnh ngứa nhiều về ban đêm, ngứa tăng khi trời nóng, lao động, thể thao. Mụn nước ở vị trí đặc hiệu, kẽ ngón tay, lằn chỉ cổ tay, nếp gấp bàn tay, vùng thắt lưng, cạp quần, bẹn, đùi, sinh dục, nách, núm vú ở phụ nữ. Điều đặc biệt là ghẻ không thấy ở mặt, đầu và 1/3 trên lưng. Đối với trẻ em dưới 2 tuổi có thể bị ghẻ toàn thân. Có thể dùng kính lúp soi bắt được cái ghẻ nằm ở cuối đường hầm trong da.
Ghẻ vảy còn gọi là ghẻ Nauy (Norwegian scabies). Khác với ghẻ thông thường, thương tổn ghẻ không phải là mụn nước mà là đám vảy tiết lẫn vảy da dày giống như bệnh vảy nến. Tổn thương cả ở dưới móng, mặt và đầu. Điều đặc biệt là triệu chứng ngứa rất nhẹ nhưng lại rất nhiều cái ghẻ nằm trong đám vảy tiết. Ghẻ vảy rất hiếm gặp, chỉ thấy ở những người có miễn dịch kém như: bệnh nhân AIDS, hội chứng Down, người bệnh tâm thần phân liệt, phạm nhân…
Điều trị ghẻ bằng cách nào?
Điều trị bệnh ghẻ tương đối dễ dàng, chỉ cần diệt hết cái ghẻ và phòng tránh không bị tái nhiễm. Hầu hết những phương pháp điều trị đều cho đáp ứng tốt, bệnh có thể khỏi hoàn toàn nhưng đôi khi cũng cần điều trị đợt hai cách một thời gian sau đó khoảng từ 2 – 7 ngày.
Nguyên tắc
– Phát hiện sớm, điều trị sớm khi chưa có biến chứng
– Điều trị tất cả những người bị ghẻ sống chung cùng một lúc
– Điều trị kết hợp với phòng bệnh chống lây lan. Cách ly người bệnh, giặt luộc, là, phơi nắng quần áo, chăn màn, đồ dùng. Không dùng chung quần áo, ngủ chung.
Dùng thuốc tây y hoặc đông y theo chỉ định của bác sỹ chuyên khoa.
Lưu ý
Khi điều trị ghẻ phải điều trị cho cả những người sống chung trong gia đình và các nguồn lây khác bên ngoài (ví dụ như các bạn học cùng lớp), tẩy uế quần áo, ga gối.
Hơn nữa, trước khi dùng thuốc bôi hay thuốc uống cho trẻ, cần đưa trẻ đi khám để bác sĩ chẩn đoán tránh nhầm lẫn bệnh ghẻ với các bệnh khác và xin lời khuyên hợp lý trong việc lựa chọn thuốc.
Phòng bệnh ghẻ cho con
– Giữ vệ sinh da cho bé, sử dụng các loại xà bông diệt khuẩn thông dụng để phòng ngừa bệnh ghẻ.
– Cắt ngắn móng tay, chân cho bé thường xuyên để loại bỏ ổ chứa vi khuẩn.
– Trong các trường mẫu giáo, nhà trẻ, trường tiểu học, khi phát hiện có trẻ bị ghẻ, các thầy cô có các biện pháp cách ly và không cho trẻ dùng chung chăn chiếu, đồ chơi để tránh ghẻ lây lan sang các trẻ khỏe mạnh khác.