Tỷ lệ viêm nhiễm đường sinh dục ở phụ nữ mang thai thường rất cao: 72,1% thai phụ mắc ít nhất một trong các hình thái viêm nhiễm đường sinh dục dưới (viêm âm hộ, âm đạo, hay viêm cổ tử cung).
Đặc biệt, tỷ lệ viêm nhiễm kết hợp chiếm khá cao. Có tới 23,7% chị em bị viêm âm đạo + viêm cổ tử cung và có 3,5% viêm âm hộ + viêm âm đạo + viêm cổ tử cung.
Nhiễm trùng đường sinh dục
Nhiễm trùng (nhiễm khuẩn) đường sinh dục (NKĐSD) là một trong những bệnh thường gặp ở phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Vì bệnh có thể tiến triển âm thầm nên người bệnh không chú ý đi khám và điều trị sớm. Do vậy, NKĐSD từ cấp tính dễ trở thành mãn tính, dẫn đến việc điều trị phải kéo dài, tốn kém và có thể để lại hậu quả như viêm tiểu khung, vô sinh, chửa ngoài tử cung, ung thư cổ tử cung…
Đối với thai nhi, NKĐSD có thể gây sảy thai, đẻ non, thai chết lưu… Trẻ sơ sinh – con của các bà mẹ mắc bệnh NKĐSD có thể bị viêm kết mạc, viêm phổi hoặc chậm phát triển tinh thần. Các bác sỹ lưu ý: phụ nữ có thai cần được quan tâm khám phụ khoa để phát hiện và điều trị bệnh NKĐSD, tránh lây truyền bệnh từ mẹ sang con.
Viêm âm đạo do nấm
Thường do các chủng nấm có tên Candida gây ra. Loại nấm này làm cho dịch âm đạo đặc lại, dai dính, cũng có thể hơi lỏng, nhưng không có mùi, âm hộ và niêm mạc âm đạo thường đỏ và ngứa. Thai phụ mắc bệnh tiểu đường dễ bị nhiễm bệnh này hơn, vì lượng đường trong máu tăng vọt. Nấm âm đạo không gây hại cho bà bầu và thai nhi, song nếu không được điều trị, nó có thể gây nên bệnh tưa lưỡi cho trẻ sau này.
Trong thời kỳ mang thai, bà bầu nên chú ý vệ sinh sạch sẽ vùng kín, tránh viêm nhiễm. Nếu thấy các biểu hiện bất thường thì nên đến các cơ sở y tế để khám và xác định các loại khuẩn gây nhiễm, điều trị kịp thời. Lưu ý, việc chữa trị cần được tiến hành cho cả hai vợ chồng.
Viêm âm đạo do loạn khuẩn
Khi môi trường âm đạo bị mất cân bằng tạo điều kiện cho nhiều loại vi khuẩn xâm nhập và phát triển. Loại viêm này thường gặp ở phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ.
Dấu hiệu mắc bệnh thường thấy là xuất hiện khí hư màu trắng như sữa và mỏng, có mùi hôi như mùi cá ươn, càng rõ hơn sau khi quan hệ tình dục. Tuy nhiên, ở nhiều phụ nữ lại không có triệu chứng biểu hiện cụ thể, chỉ sau khi khám phụ khoa mới phát hiện ra. Thai phụ nhiễm loại bệnh này khó điều trị hơn các bệnh viêm nhiễm thông thường khác, vì có nhiều loại vi khuẩn khác phối hợp..
Viêm âm đạo do loạn khuẩn có thể chữa khỏi hoàn toàn, không lây truyền theo đường tình dục, do đó không cần điều trị cho bạn tình. Khi mang thai, viêm âm đạo do loạn khuẩn có thể gây vỡ ối sớm, đẻ non, nhiễm khuẩn buồng ối và nhiễm khuẩn tử cung sau đẻ, vì thế cần phát hiện viêm âm đạo khi có thai để được điều trị sớm, nhưng không dùng trong giai đoạn đầu của thai nghén và phụ nữ cho con bú. Viêm âm đạo do loạn khuẩn là một yếu tố để dễ bị nhiễm và lây truyền HIV.
Viêm âm đạo do trùng roi
Khí hư màu vàng, thường có mùi hôi, ngứa và đau ở âm đạo và âm hộ, đi tiểu thấy buốt, có thể có cảm giác khó chịu ở bụng dưới và đau ở âm đạo khi giao hợp. Những triệu chứng này có thể tăng lên sau giai đoạn hành kinh. Tuy nhiên, ở nhiều phụ nữ lại không thấy có triệu chứng gì. Bệnh có thể lây nhiễm qua quan hệ tình dục. Để điều trị có hiệu quả, cần đồng thời chữa cho cả chồng.
Viêm âm đạo không do nhiễm khuẩn
Nguyên nhân thường gặp là do dị ứng với thuốc, do bơm rửa hoặc do thuốc diệt tinh trùng. Vùng da quanh âm đạo nhạy cảm với xà phòng, chất tẩy trắng và chất làm mềm vải. Những triệu chứng của thể viêm âm đạo không do nhiễm khuẩn: đau, nhất là sau khi quan hệ tình dục, ngứa và nóng rát.
Mặc dù, mỗi nguyên nhân gây ra viêm nhiễm này có thể có những triệu chứng khác nhau, nhưng người phụ nữ không dễ dàng nhận ra mình mắc thể bệnh nào, trong thực tế, nhiều khi những thầy thuốc kinh nghiệm cũng có thể gặp khó khăn chẩn đoán do hơn một thể bệnh cùng kết hợp. Nhiều khi viêm âm đạo lại không biểu hiện triệu chứng gì.
Viêm nhiễm đường tiểu
Nếu bị viêm nhiễm đường tiểu, thai phụ sẽ bị đi tiểu thường xuyên, đau buốt khi tiểu tiện, hoặc đau vùng bụng dưới… Với bệnh này nếu điều trị không kịp thời, trong nước tiểu có thể có máu và xuất hiện các chứng sốt cao.
Khi bị viêm nhiễm đường tiểu, nên dùng các loại thuốc kháng sinh để điều trị kịp thời. Nếu kéo dài, chứng bệnh thêm trầm trọng, dễ dẫn đến sảy thai hoặc sinh non. Để phòng bệnh, bạn nên giảm ăn đường và các thực phẩm ngọt.
Tránh để vùng kín ở trong tình trạng nóng ẩm; nên mặc đồ lót bằng cotton 100%, không tắm nước nóng, mặc quần jeans và tắm lâu nếu bạn đang mắc bệnh; tránh mặc các đồ bó sát; tránh dùng các loại xà phòng có chất tẩy mạnh khi vệ sinh vùng kín, vì nó có thể làm thay đổi môi trường âm đạo, tạo điều kiện cho các loại nấm phát triển. Khi đi vệ sinh, phải tự vệ sinh từ trước ra sau nhằm hạn chế tối đa sự lây lan của vi khuẩn từ hậu môn lên.