Mang thai là khoảng thời gian vui mừng, hạnh phúc và cũng bận rộn nhất để chuẩn bị chào đón thêm thành viên mới trong gia đình. Sau tất cả bạn có thể tự hỏi tại sao bạn lại cảm thấy quá mệt mỏi? Trên thực tế, triệu chứng mệt mỏi khi mang thai không phải là hiếm. Cùng với ốm nghén, mệt mỏi là những ‘tác dụng phụ’ đầu tiên của việc bầu bí. Bạn sẽ không thể thoát khỏi hẳn chứng bệnh này nhưng có một số cách có thể giúp bạn giảm mệt mỏi. Mời bạn cùng tham khảo:
1. Kiểm tra lại sức khỏe
Việc đầu tiên bạn cần làm là đi đến bác sĩ để kiểm tra chính xác xem những triệu chứng mệt mỏi là do mang thai hay do nguyên nhân khác. Đôi khi mệt mỏi trong thai kỳ có thể là dấu hiệu của bệnh thiếu máu (mức độ chất sắt trong máu thấp) hoặc các vấn đề về tuyến giáp hoặc tiểu đường thai kỳ. Việc làm này rất quan trọng để giảm tâm lý lo lắng cho thai phụ.
2. Ngủ đúng giờ
Biểu hiện của chứng mệt mỏi thai kỳ là bạn sẽ buồn ngủ hơn bình thường và thông thường các mẹ bầu sẽ chìm vào giấc ngủ li bì cả ngày lẫn đêm nhất là ở giai đoạn mang thai đầu tiên. Do ngủ quá nhiều càng khiến bà bầu mệt mỏi. Cách khắc phục ở đây là bạn đừng nên ngủ quá nhiều vào ban ngày. Đừng đi ngủ bất cứ lúc nào cảm thấy mệt mỏi và muốn nằm xuống. Nên có những giấc ngủ sâu vào ban đêm và ngủ đủ giấc là được.
3. Đừng tạo thêm áp lực
Bạn nên loại bỏ bất cứ áp lực nào từ cuộc sống, công việc vì mệt mỏi trong thai kỳ cũng làm bạn khá stress rồi. Trong thời gian mang thai và đặc biệt là những tháng đầu không phải thời gian để bạn tham gia những dự án mới hoặc phấn đấu nhiều cho sự nghiệp. Hãy dành thời gian để cơ thể được thư giãn tốt nhấ.
4. Ăn uống đầy đủ và thường xuyên
Theo các chuyên gia khoa sản, bà bầu nên ăn uống đầy đủ dinh dưỡng và ăn thường xuyên với 6 bữa nhỏ mỗi ngày. Tận dụng tối đa mỗi bữa ăn để bổ sung đầy đủ chất sắt và các thực phẩm giàu protein khác. Vitamin C có nhiều trong cam, quýt cũng là một lựa chọn phù hợp cho phụ nữ mang thai bị ốm nghén.
5. Tránh những đồ uống chứa chất gây nghiện
Phụ nữ mang thai cần đặc biệt tránh các loại đồ uống gây kích thích như rượu, bia, trà, cà phê hoặc những thứ uống có chứa chất gây nghiện khác nếu không muốn mệt mỏi. Cà phê ban đầu có thể giúp bạn tỉnh táo nhưng xét về thời gian dài, nó sẽ làm bạn mệt mỏi hơn. Theo các chuyên gia, nếu bạn sử dụng trên 300 mg chất cafein mỗi ngày có thể gây hại cho thai nhi.
6. Yêu cầu trợ giúp khi cần thiết
Bạn không nên làm mọi thứ một mình đặc biệt là khi mang thai. Hãy chia sẻ những công việc nhà với chồng hoặc thuê người giúp việc giúp đỡ bạn trong giai đoạn mang thai khó nhọc này.
7. Tập luyện thể thao điều độ
Hãy đưa những bài tập thể dục nhẹ nhàng vào thói quen hàng ngày của bạn ngay cả khi mang thai. Cho dù đó chỉ là đi bộ hay yoga mỗi ngày đều có tác dụng tăng cường endorphins – làm tăng năng lượng tổng thể cho bạn.
8. Hãy kiên nhẫn
Bạn hãy giữ cho mình một tinh thần thật thoải mái và kiên nhẫn vượt qua giai đoạn này. Hầu như tất cả phụ nữ mang thai đều cảm thấy thoải mái và tràn đầy sinh lực hơn ở giai đoạn mang thai thứ 2. Vì vậy, bạn hãy cố gắng vượt qua triệu chứng mệt mỏi giai đoạn đầu mang thai nhé. Nó sẽ không quá khó khăn đâu!