Vì sao thai nhi bị dị tật?

Hoaibui2395 Hoaibui2395 @Hoaibui2395

Vì sao thai nhi bị dị tật?

18/04/2015 01:45 PM
425

Thưa bác sĩ, nước ta đã triển khai nhiều biện pháp dự phòng nhằm hạn chế dị tật ở thai nhi nhưng dường như kết quả vẫn chưa thật mỹ mãn. Bác sĩ nghĩ sao trước việc có nhiều trẻ sơ sinh dị tật bẩm sinh như “bé gái hai đầu” ở Sóc Trăng, bé bốn tay ở Tây Ninh?

- Số thai phụ tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, tư vấn, quản lý thai… hiện chênh lệch nhiều ở các vùng dân cư. Ở thành thị, nơi tập trung nhiều cơ sở y tế và thông tin thuận lợi, thai phụ thường chỉ có 1-2 con nên theo dõi thai rất chặt chẽ. Tuy nhiên, ở vùng sâu, vùng xa, nơi trình độ dân cư còn thấp, nhiều thai phụ chưa đánh giá hết mức độ quan trọng của việc theo dõi thai, thậm chí có thể không đi khám suốt thai kỳ.

Những yếu tố nào có thể gây dị tật ở thai nhi?

- Dị tật có hai dạng, một dạng không rõ nguyên nhân và một dạng xác định. Ở dạng xác định nguyên nhân, trước hết phải kể đến yếu tố di truyền. Những cặp vợ chồng gần nhau về huyết thống, có con khi đã lớn tuổi, bị ảnh hưởng bởi chất phóng xạ, hóa chất độc hại như chất độc da cam/dioxin… có thể sinh con dị tật. Mặt khác, nhiễm siêu vi hoặc vi khuẩn trong 12 tuần đầu thai kỳ cũng dễ gây dị tật thai nhi. Ví dụ: Thai phụ bị nhiễm Rubella trong 12 tuần đầu có nguy cơ trên 90% sinh con dị tật như đục thủy tinh thể, điếc bẩm sinh, chậm phát triển tâm thần.

Hiện thị trường xuất hiện các loại thuốc, thực phẩm chức năng có tác dụng bồi bổ. Nhiều thai phụ muốn con phát triển tốt nhất nên đã sử dụng triệt để. Điều này có thật sự tốt không?

- Phải hết sức cẩn trọng! Trước hết, thai phụ cần thông báo cho bác sĩ tình trạng mang thai để bác sĩ “né” những loại thuốc chống chỉ định. Các bà mẹ luôn muốn con được phát triển tốt nên thường tìm đến nhiều loại thuốc bổ, thực phẩm chức năng. Tuy nhiên, nên hỏi ý kiến bác sĩ chuyên khoa trước khi sử dụng, không nên quá tin vào lời quảng cáo của nhà sản xuất. Cái gì dùng quá liều thì sẽ bị đào thải, coi như tốn kém vô ích; cơ thể đào thải không kịp có thể gây ngộ độc. Tôi đã gặp một số thai phụ đến khóc với bác sĩ vì không biết có thai, lỡ uống nhiều thuốc. Nếu đã quan hệ tình dục, không dùng các biện pháp phòng tránh thì phải luôn nghĩ đến việc sẽ có thai để cẩn trọng khi dùng thuốc.

 Để phòng tránh dị tật ở thai nhi, thai phụ cần chú ý điều gì?

- Thai phụ nên tránh xa các yếu tố nguy cơ như hóa chất, phóng xạ; cẩn trọng khi dùng thuốc và tránh đến nơi đông người trong mùa dịch. Cần khám thai ít nhất 3 lần trong thai kỳ (gồm 3 tháng đầu, 3 tháng giữa, 3 tháng cuối). Tuy nhiên, không nên siêu âm quá nhiều khi thai còn nhỏ. Phụ nữ không nên mang thai khi đã qua tuổi 40 vì nguy cơ thai bị dị tật, đặc biệt là bệnh Down sẽ cao. Thai phụ từ tuổi 35 trở lên nên xếp mình vào dạng “có nguy cơ”. Tuy nhiên, thai phụ cũng không nên quá lo lắng vì thai nhi bị dị tật bẩm sinh chỉ chiếm một tỉ lệ rất nhỏ trong tự nhiên.

 

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý