Kiêng cữ sau sinh - Thế nào là đúng?

seminoon seminoon @seminoon

Kiêng cữ sau sinh - Thế nào là đúng?

18/04/2015 01:45 PM
279

Trước đây có nhiều hạn chế áp đặt cho phụ nữ sau sinh liên quan đến ăn uống, vệ sinh thân thể, vận động và cả quan hệ tình dục. Những hạn chế đó có nguồn gốc từ niềm tin vào những lý thuyết cơ bản của y học phương Đông (âm dương, hàn nhiệt) về sức khỏe, về sinh đẻ và các loại thức ăn.

Theo quan niệm của y học cổ truyền, cần tránh một số thức ăn “lạnh” và có hại cho bà mẹ sau khi đẻ vì: Nhiệt độ cơ thể của mẹ thấp hơn do không còn có mạch của trẻ trong tử cung; những thao tác đã thực hiện sau khi sinh đẻ làm giảm khả năng chống đỡ với “gió” và làm mất cân bằng âm dương; không thuận lợi cho việc phục hồi lượng máu đã mất.

Vì sao trước đây phụ nữ sau sinh phải kiêng khem nhiều?

Y học truyền thống phương Đông khuyến cáo riêng nhiều loại rau quả sau sinh như: dưa chuột, đậu lăng, cà chua, chồi cải bắp (hoa lơ muộn), bắp cải, cần tây, dưa góp (rau dưa muối), dưa tây (cả dưa hấu), quả kiwi, táo, dứa. Về đồ uống, kiêng trà thảo dược vì hầu hết các loại trà đều mang tính “âm” nhưng lại chấp nhận rượu (rượu vang, rượu gạo, whisky) ở mức độ vừa phải hay thêm vào những thức ăn khác (tuy nhiên y học hiện đại lại khuyên nếu dùng đồ uống hay thực đơn có độ cồn thì nên cho bú trước đã hoặc sau khi dùng cũng cần phải đợi 1- 2 giờ mới cho bú lại).

Những thứ được chấp nhận khác bao gồm: gừng, tỏi, nhân sâm, cà rốt, nấm tươi và khô, dầu vừng. Có nhiều thực đơn cho phụ nữ sau sinh được y học truyền thống phương Đông chấp nhận, ví dụ gà dim với gừng và rượu – chân giò nấu giấm và rượu – cháo gà - vịt om với nấm nhằm giúp cho máu lưu thông và cơ thể ấm áp. Cháo nấu với nhân sâm, gà nấu với tỏi và tiêu cũng là những món ăn phổ biến và dễ chuẩn bị.

Xin lưu ý rằng vùng địa lý nóng hay lạnh không quan trọng mà những món ăn trên nhằm chủ yếu để duy trì sự cân bằng bên trong cơ thể, cái không đo được bằng nhiệt kế. Với những phụ nữ mổ đẻ, thực đơn không dùng các thực phẩm có tính “âm” càng quan trọng.

Cá (cả da) có lợi cho tiến trình làm lành sẹo. Để có thêm lợi ích của việc ăn cá, các nhà chuyên môn còn khuyên nên rán toàn bộ cá với nhiều dầu cùng những lát gừng mỏng sau đó rưới nước sốt, rượu và dầu vừng. Tuy nhiên, với cá thì y học hiện đại lưu ý không ăn cá có nguy cơ chứa thủy ngân hay độc tố, gồm cá có vẩy, cá thu, cá ngừ, cá mập. Cá hồi ăn được, dù là cá tự nhiên hay cá nuôi.

Với những nguyên liệu và thực đơn nêu trên thì y học truyền thống phương Đông xem ra cũng không khắc nghiệt lắm, không phải chỉ là “gà dim gừng, ruốc” hay “không được ăn rau, ăn canh”. Có lẽ những thế hệ phụ nữ trước đây đã quá khắt khe trong kiêng khem sau sinh chủ yếu do không có đầy đủ thông tin, từ đó làm nghèo nàn đi chế độ dinh dưỡng.

Ngày nay, phụ nữ sau sinh vẫn cần ăn đa dạng, đủ chất để hồi phục sức khỏe, kể cả rau quả, canh… để tránh táo bón và cung cấp các vi chất dinh dưỡng. Chỉ kiêng một số chất kích thích và có thể tiết qua sữa. Cụm từ “hậu sản mòn” hay nói đến trước đây thực chất là tình trạng phụ nữ sau sinh không được chăm sóc và dinh dưỡng đầy đủ, kể cả khi đang mang thai.

Vì sao khuyến cáo phụ nữ sau sinh không tắm?


Y lý phương Đông cho rằng tiếp xúc với nước sớm sau sinh làm suy yếu toàn diện và kéo dài trạng thái suy sụy sức khỏe sau sinh, tạo thuận lợi phát triển chứng phong thấp, đau xương, đau khớp sau này…

Y học hiện đại coi trọng giữ vệ sinh sau sinh nhưng phân biệt rõ những thực hành thích hợp khác nhau (tắm dưới vòi hoa sen, tắm bồn, tắm ngâm mông) cho các dạng sinh đẻ: sinh thường, sinh có rách tầng sinh môn hay sinh mổ. Điều cần tuân thủ là tắm sau khi sinh luôn phải ấm áp, kín gió.

Với sản phụ sinh thường, nếu cảm thấy khó chịu, có thể tắm sớm 24 giờ sau sinh. Có ý kiến cho rằng tắm bồn an toàn, thoải mái hơn tắm đứng, lại có lợi vì nước ấm làm cho cơ thể và vùng tầng sinh môn thư giãn

Với sinh thường có vết khâu ở tầng sinh môn, cần chăm sóc hàng ngày vùng tầng sinh môn và lau mình mẩy. Có thể tắm khi vết khâu tầng sinh môn lành sẹo tốt, không có dấu hiệu nhiễm khuẩn. Với sinh mổ, cần chờ cho đến khi vết mổ hoàn toàn lành sẹo.

Khi nào có thể vận động sau sinh?

Vận động sớm sau sinh rất cần thiết, kể cả với mổ đẻ nhằm phòng ngừa nhiều nguy cơ như huyết khối tĩnh mạch sâu, nghẽn mạch phổi, hoặc cả táo bón và bí đái. Y học hiện đại cho rằng, trừ những phụ nữ bị băng huyết hay sinh khó, thì sau khi sinh 6 tiếng là có thể vận động được. Đi bộ, kể cả sau mổ có thể giúp vượt qua nhiều khó chịu (khó tiêu hóa, trướng bụng, táo bón) nhờ tăng nhu động ruột.

Tuy nhiên, tránh vận động thể thao nặng trong hai tháng đầu sau sinh vì dễ có nguy cơ gây chấn thương cho khớp. Bởi có lợi vì khớp, vì vú và sàn chậu được nước nâng đỡ.

Tóm lại kiêng cữ sau sinh là một thực hành cần thiết nhưng nhờ sự tiến bộ của y học, sự kiêng khem ngày nay đã bớt khắt khe và trở nên có cơ sở khoa học hơn. Một số niềm tin đã ảnh hưởng đến sức khỏe của phụ nữ sau sinh chủ yếu chỉ do thiếu hiểu biết.

Theo BS Đào Xuân Dũng (Chuyên khoa Sản phụ II)

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý