Thông thường, khi bị chảy máu cam, máu được cầm ngay. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, chảy máu có thể lặp đi lặp lại trong 10 - 30 ngày, gây nguy hiểm cho tính mạng của người bệnh.
Hiện tượng chảy máu cam thường xuất hiện vào mùa đông, hay nói chính xác hơn khi nhiệt độ môi trường bắt đầu giảm. Tuy nhiên, thủ phạm gây ra tình trạng này không phải là sự thay đổi nhiệt độ mà là sự sụt giảm độ ẩm của không khí.
Điều này đặc biệt đúng ở những nơi có sử dụng lò sưởi hoặc máy điều hòa. Trong phần lớn các trường hợp, máu rỉ ra từ những mao mạch nhỏ li ti nằm ở niêm mạc bao phủ vách ngăn mũi - tấm sụn chia bộ phận này thành 2 hốc trái và phải. Không khí bị khô (do dùng lò sưởi hoặc máy điều hòa) khiến lớp niêm mạc này mất nước và bị tổn thương. Mao mạch của nó bị vỡ và làm thoát ra một lượng máu nhỏ.
Các điều tra cho thấy, nam giới hay bị chảy máu cam hơn nữ. Có sự khác biệt lớn giữa các nhóm tuổi: - Thiếu niên và người trẻ: Điểm chảy máu thường xuất phát từ phần trước của mũi (hơn 80% trường hợp).
Nguyên nhân hay gặp là chấn thương hoặc viêm đường hô hấp trên.
- Chảy máu mũi hay gặp nhất ở người trên 40 tuổi (64%). Nguyên nhân là các bệnh xơ cứng động mạch, cao huyết áp, u bướu...
Ngoài ra có thể do thành mạch ở độ tuổi này có sức đàn hồi kém. Số bệnh nhân tăng đáng kể trong giai đoạn chuyển mùa vì sự thay đổi thời tiết ảnh hưởng lớn đến một số bệnh toàn thân (như tăng huyết áp, dị ứng...) hoặc gây rối loạn vận mạch, làm tổn thương niêm mạc hốc mũi.
- Phần lớn trường hợp còn lại không xác định được nguyên nhân. Đây là loại chảy máu mũi tự nhiên, lượng máu chảy ít, tự cầm, hay tái diễn, thường xảy ra khi gắng sức hoặc đi ngoài trời nắng.
Cách xử trí:
Tuyệt đối không nuốt máu Người bị chảy máu cam cần ngồi thấp xuống, đầu hơi nghiêng nhẹ về phía trước; nới lỏng quần áo, nhất là phần cổ để giúp thở tốt, nhẹ nhàng hơn. Ép chặt phần mũi bị tổn thương 5 - 10 phút.
Tuy nhiên, nếu máu chảy dai dẳng thì phải nhập viện. Cần bình tĩnh, tránh hoảng hốt. Việc bôi kem hoặc vaselin vào bên trong mũi không phải là giải pháp lâu dài vì nó không giúp phục hồi độ ẩm của niêm mạc.
Các thuốc xịt có xu hướng khiến tình trạng khô mũi trở nên trầm trọng hơn. Theo các chuyên gia y tế, những bình xịt mũi sử dụng nước hoặc nước muối loãng lại rất hiệu quả. Các thiết bị cơ học như bình xì làm tăng độ ẩm của không khí trong phòng cũng tỏ ra hữu ích.
Tránh khịt mũi hay tác động mạnh đến mũi trong vài giờ. Tuyệt đối không được nuốt (để tránh chướng bụng và những chất độc do máu phân hủy thành). Nếu ở xa cơ sở y tế, có thể tìm đoạn vải dài, sạch ấn sâu vào trong hốc mũi chảy máu; sau đó khẩn trương vận chuyển người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để cầm máu và tìm nguyên nhân để điều trị.
Coi chừng u xơ vòm mũi họng ở trẻ Khi bé bị chảy máu mũi, cần cho bé nằm yên, dùng bông gòn cầm máu. Cho trẻ đến bệnh viện ngay để điều trị nếu chảy máu cam có kèm sốt cao đột ngột, hoặc chảy máu liên tục có lẫn mủ, hay chảy nhiều hoặc tái phát kéo dài 1 - 2 tuần... vì đó có thể là biểu hiện của một bệnh nguy hiểm như u xơ mũi hầu.
U xơ mũi hầu là bệnh thường gặp ở trẻ từ 6 - 15 tuổi, phần lớn là trẻ nam. Triệu chứng ban đầu là chảy máu cam, tái phát nhiều lần, số lượng máu chảy ngày càng nhiều. Sau một thời gian, nếu không được điều trị, khối u sẽ phát triển lớn và trẻ có thêm triệu chứng tắc mũi, ù tai.
U thường phát triển rất nhanh, lan vào các hốc mũi, xoang mặt, lan xuống vùng họng, miệng, vào hốc mắt; hiện tượng chảy máu cam nặng sẽ kèm theo nhiễm trùng. Tình trạng này ảnh hưởng đến sức khỏe toàn thân của bệnh nhân, gây thiếu ôxy, thiếu máu, kém ăn, mất ngủ, làm cho bệnh nhân gầy gò, xanh xao.
Trường hợp thiếu phương tiện cầm máu, hồi sức hoặc khi u lan vào nền sọ, bệnh nhân sẽ gặp các biến chứng nặng, có thể dẫn đến tử vong mặc dù đây không phải là u ác tính. Trường hợp nặng, u xơ còn đẩy mắt lồi ra ngoài, hoặc phát triển dưới họng, xô đẩy vòm khẩu cái, khiến trẻ không thể thở bằng đường mũi mà phải há miệng để thở, nói giọng mũi nghẹt.
Đến nay, thế giới vẫn chưa xác định được nguyên nhân gây bệnh; chỉ biết đây là sự tăng trưởng của mô xơ và hệ thống mạch máu. Khối u càng lớn thì nguy cơ tử vong trong phẫu thuật của bệnh nhân sẽ càng cao.
Nếu được phát hiện sớm, khối u còn nhỏ, bác sĩ sẽ áp dụng phương pháp phẫu thuật nội soi để cắt bỏ u một cách dễ dàng, nguy cơ chảy máu rất ít. Ngược lại, khi khối u lớn, nguy cơ chảy máu rất cao bác sĩ không thể phẫu thuật bằng phương pháp nội soi, mà khi ấy phải cắt xương mặt để tiến vào hốc mũi cắt bỏ khối u; sau này để lại sẹo trên mặt.
Các bác sĩ khuyên, khi thấy các cháu trai có triệu chứng chảy máu cam nhiều lần, số lượng máu chảy ngày càng lớn, thì cha mẹ nên đưa trẻ đến chuyên khoa tai - mũi - họng để khám và điều trị ngay, tránh để khối u phát triển lớn.