Tần suất nấc ở mỗi bé khác nhau sẽ khác nhau, có bé nấc 1-2 lần mỗi ngày, có bé nấc nhiều hơn nhưng cũng có bé không bao giờ nấc.
Phân biệt thai máy và khi bé nấc
Dấu hiệu khi bé nấc được nhiều thai phụ miêu tả như những cú giật đều (giống tiếng đồng hồ tích tắc) hoặc tương tự những tiếng gõ đều từ phía bên trong của bụng dưới. Khi ấy, nếu đặt nhẹ tay vào bụng bầu, bạn sẽ cảm nhận thấy dấu hiệu bé nấc giống như nhịp tim đang đập.
Thời gian nấc ở bé mỗi lần kéo dài khoảng 3-15 phút, mỗi ngày bé có thể nấc vài ba lần. Nếu là thai máy thì những chuyển động ở bé không được đều đặn và kéo dài như khi bé bị nấc.
Người mẹ có thể nhìn thấy hình ảnh bé nấc qua siêu âm. Ngoài ra, bạn cũng có thể hỏi ý kiến bác sĩ về cách nhận biết dấu hiệu khi bé bị nấc.
Nguyên nhân
Không có nhiều công trình nghiên cứu về hiện tượng nấc khi bé còn nằm trong bụng mẹ nhưng các nhà khoa học đưa ra một vài giả thuyết như sau:
- Thứ nhất, bé có khả năng nấc ngay khi chưa chào đời là do thời điểm cuối thai kỳ, hệ thống thần kinh trung ương của bé đã phát triển tương đối hoàn thiện và có khả năng kiểm soát tình trạng nấc.
- Thứ hai, khi bé thở và uống nước ối, một lượng nhỏ nước ối sẽ di chuyển vào và định cư trong phổi, kết hợp với những cơn co ở cơ hoành và nấc là kết quả ngay sau đó.
Cách xử trí
- Nên giữ tinh thần thoải mái khi bé bị nấc bởi vì điều này không gây hại gì cho sự phát triển của bé. Bạn cũng không nhất thiết phải đi khám bác sĩ ngay nếu bé nấc nhiều, trừ khi bạn có những trục trặc sức khỏe khác. Nhiều người mẹ tin rằng, bé bị nấc là khi bé đói hoặc khát nên họ cố uống nước hoặc ăn một thứ gì đó. Các chuyên gia cho rằng, điều này là không chính xác nhưng tất nhiên, bạn có thể uống hoặc ăn nhẹ. Đơn giản hơn, bạn chỉ cần thư giãn và coi dấu hiệu bé bị nấc như khi bé đạp mẹ.
- Nếu tần suất nấc ở bé tăng lên, bạn thử thay đổi tư thế; ví dụ, bạn đang nằm nghiêng bên trái thì quay sang bên phải, đang ngồi làm việc thì thử đứng dậy đi lại một chút. Thay đổi vị trí sẽ khiến bé dễ chịu hơn nên cũng giảm thiểu được những cơn nấc.