Tác dụng chữa bệnh của cây sim theo dân gian

Hoaibui2395 Hoaibui2395 @Hoaibui2395

Tác dụng chữa bệnh của cây sim theo dân gian

14/08/2015 12:00 AM
200

Nhiều người không khỏi trầm trồ trước sắc tím biếc của hoa sim nhưng ít ai biết đến những công dụng chữa bệnh tuyệt vời của chúng.

Tên khác: Hồng sim, Đào kim phượng, Dương lê, Co nim (Thái), Mác nim (Tày), Piếu ním (Dao), Trợ quân lương.

Tên khoa học: Rhodomyrtus tomentosa (Ait.) Hassk

Họ: Sim (Myrtaceae)

Đặc điểm thực vật:

Cây bụi cao khoảng 1 - 3m, thân non màu vàng nâu, có nhiều lông mịn, thân già màu nâu đen có các đường nứt chạy dài, tiết diện tròn. Lá đơn, mọc đối. Phiến lá hình xoan, gốc nhọn, đầu tròn, dài 5 - 7cm, rộng 3-4cm, bìa phiến nguyên hơi cong xuống phía dưới, lá già màu xanh lục đậm, nhẵn bóng, mặt dưới màu vàng xanh có nhiều lông mịn, lá non có lông cả hai mặt. Gân lá hình lông chim nổi rõ mặt dưới, 9 - 10 cặp gân phụ, cặp gân phụ thứ nhất rất mờ xuất phát từ gốc chạy dọc sát theo bìa phiến tới ngọn, cặp thứ 2 to xuất phát từ cách đáy phiến 0,7 - 1 cm chạy song song theo mép phiến lá cách bìa phiến 0,3 - 0,5 mm và nối với các cặp gân phụ còn lại. Cuống lá hình trụ, màu vàng nâu, có nhiều lông mịn, dài 1 - 1,2 cm. Không có lá kèm. Cụm hoa mọc riêng lẻ hay 2 - 3 hoa ở ngọn cành ngắn. Hoa đều, lưỡng tính, mẫu 5. Cuống hoa hình trụ, màu vàng nâu, có nhiều lông mịn, dài 0,8 - 1,2 cm. Lá bắc dạng lá, cuống hình trụ dài 0,3 - 0,4 cm, phiến màu xanh, hình bầu dục, nhiều lông mịn, có 3 gân chính màu vàng nâu nổi rõ ở mặt dưới, dài 0,3 – 1 cm. Lá bắc con 2, dạng vẩy hình bầu dục, có 1 gân ở giữa lồi ở mặt ngoài, ôm sát đa ý bầu, dài 0,2 - 0,3 cm. Đế hoa lõm hình chén, mặt ngoài màu vàng nâu, có nhiều lông mịn, dài 0,5 - 0,7 cm. Lá đài 5, dính ở đáy, gần đều, màu xanh, hình bầu dục, mặt ngoài có lông mịn, dài 3,5 – 5 mm, rộng 3 - 4,5 mm, tiền khai 5 điểm. Cánh hoa 5, gần đều, rời, màu hồng tím mặt trên đậm hơn mặt dưới, có 4 - 5 gân nổi rõ ở mặt dưới và rất nhiều lông mịn ở 2 mặt và bìa cánh hoa, phiến rộng hình bầu dục dài 1,4 - 1,6 cm, rộng 0,9 - 1 cm, cánh hẹp dài 0,15 - 0,2 cm, rộng 0,2 - 0,25 cm, tiền khai 5 điểm. Bộ nhị gồm nhiều nhị, rời, không đều, dính nhiều vòng trên miệng đế hoa, chỉ nhị dạng sợi màu hồng tím, nhẵn, dài 0,8 - 1,2 cm. bao phấn 2 ô, màu vàng, hình bầu dục dài 0,4 - 0,5 cm, nứt dọc, hướng trong, đính đáy, Hạt phấn hình tam giác, màu vàng nâu, có 3 lỗ đường kính 23 - 25 mm. Lá noãn 3 dính tọa bầu dưới 3 ô, có 3 vách giả chia thành 6 ô, mỗi ô nhiều noãn, đính noãn trung trụ, 1 vòi nhụy hình trụ, có nhiều lông, ở 1/2 bên dưới màu trắng, ở 1/2 bên trên màu hồng, dài 1,2-1,5 cm, đầu nhụy to hơn vòi nhụy dạng đĩa hơi chia thanh 3 thùy, màu hồng đậm, đường kính 0,18 - 0,2 cm, bầu hình chuông, dài 0,6 - 0,8 cm, rộng 0,4 - 0,45 cm, màu xanh, có nhiều lông m���n. Quả mọng hình trứng ngược mang đài tồn tại ở đỉnh, màu xanh sát cuống, phía trên màu đỏ nâu nhiều lông mịn, có mùi thơm, đường kính 1,2 - 1,5 cm, chứa nhiều hạt. Hạt hình thang, màu nâu.

Phân bố, sinh học và sinh thái:

Cây mọc tự nhiên và phổ biến ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới châu á, bao gồm Indonesia, Philipin, Ấn độ, Camphuchia, Lào, Việt Nam và một số các tỉnh phía nam Trung Quốc. Ở Việt Nam sim là loài cây quen thuộc ở khắp các vùng trung du và núi thấp. Cây đặc biệt ưa sáng và có khả nặng chịu hạn tốt, thường mọc dải rác hay tập trung trên các đồi cây bụi hay đồng cỏ.

Bộ phận dùng:

Lá, quả và rễ (Folium, Fructus et Radix Rhodomyrti tomentosae). Lá thu hái vào mùa hè, dùng tươi hay phơi khô. Quả chín hái vào mùa thu, phơi khô. Rễ thu hái quanh năm, thái nhỏ, phơi khô.

Thành phần hóa học:

Quả chứa các flavon - glucosid, malvidin - 3glucosid, các hợp chất phenol, các acid amin, đường và acid hữu cơ. Thân và lá có nhiều hợp chất triterpen như betulin, acid betulinec,...

Tác dụng dược lý - Công dụng:

Búp và lá sim non dùng để chữa đau bụng, tiêu chảy, kiết lỵ. Lá còn là thuốc cầm máu, chữa vết thương chảy máu. Quả sim chín ăn được, dùng chế rượu, chữa thiếu máu lúc có mang, suy nhược khi mới ốm dậy, lòi dom, ù tai, di tinh, phụ nữ băng huyết. Rễ sim chữa tử cung xuất huyết cơ năng, đau xương, lưng gối yếu mỏi, viêm thấp khớp.


Loài cây cho lợi ích từ gốc đến ngọn

Theo tài liệu Đông y, cây sim rừng chứa khá nhiều chất sắc. Loại chất này có chứa nhiều pelargonidin dùng làm màu nhuộm tự nhiên trong chế biến thực phẩm.

Bên cạnh những sản phẩm từ sim rừng như trà hoa sim, rượu, mật, xi-rô... người ta còn chiết xuất phần tinh chất từ thân cây sim để chế biến thành các loại mỹ phẩm như nước hoa, xà phòng... Không dừng lại ở những ứng dụng trong lĩnh vực thực phẩm và mỹ phẩm, các bộ phận của cây sim rừng, từ thân, lá, rễ đến quả, hoa còn là những bị thuốc tốt đối với sức khỏe.

Nhiều người không khỏi trầm trồ trước sắc tím biếc của hoa sim nhưng ít ai biết đến các công dụng tuyệt vời của chúng. Hoa sim, dù màu tím hay trắng, đều chứa nhiều chất tannin, a-xít nicotinic, riboflavin (vitamin B2), flavonoic. Ngoài tác dụng sát khuẩn, các chất này còn có tác dụng chống ô-xy hóa và trung hòa các gốc tự do trong cơ thể.

Chính vì vậy, hoa sim ngâm nước có thể dùng để vệ sinh các vết loét. Ngoài ra, bạn có thể lấy lá sim sắc thành nước để rửa vết thương, vế trày xước. Hoặc bạn có thể rửa sạch lá sim tươi, giã nát, đắp vào vế thương giúp cầm máu và mau lành da.

Bạn cũng có thể dùng búp sim sắc lấy nước uống, chữa bệnh tiêu chảy hoặc rối loạn tiêu hóa khá hiệu quả.

Bên cạnh đó, lá sim chứa nhiều chất ellagi tannim, khi kết hợp với các chất từ hoa, quả sim để tạo thành một loại thuốc chữa trị bệnh viêm gan khá tốt.

Chất rhdomyrtone trong lá sim có vai trò như một chất kháng sinh, giúp chống lại sự xâm nhập của các vi khuẩn nguy hiểm như escherichia coli và staphylococcus aureus. Đây là những vi khuẩn gây ra tình trạng ngộ độc thực phẩm.

Quả sim cũng là một vị thuốc tốt cho người bệnh lâu ngày. Người bị suy nhược cơ thể, phụ nư sau sinh bị thiếu máu có thể uống nước sắc từ quả sim và đậu đen, lá dâu non để bồi dưỡng cơ thể. Bạn có thể đem quả chín đồ lên, phơi khô để dùng dần.

Rễ, thân cây sim có tác dụng chữa bệnh tim, cầm máu, giải độc. Phụ nữ bị rối loạn kinh nguyệt có thể dùng dược liệu từ cây sim để trị bệnh, nhưng phải có sự giảm sát của bác sĩ Đông y. Theo một nghiên cứu gần đây, sản phẩm từ sim rừng có thể giúp cải thiện khả năng gối chăn của các đấng mày râu.

Một số bài thuốc từ cây sim:

Thiếu máu ở thai phụ, suy nhược sau ốm: Quả sim khô 15-20 g sắc với nước, chia nhiều lần uống trong ngày.

Băng huyết, thổ huyết: Quả sim khô sao đen như than, nghiền thành bột mịn, cất vào lọ, nút kín để dùng dần. Mỗi lần uống 12 - 15 g, chiêu thuốc bằng nước sôi. Đối với vết thương bên ngoài, có thể dùng bột thuốc bôi vào. Phụ nữ bị băng huyết cũng có thể lấy rễ sim 50 g, rễ mua thấp (Melastoma dodecandrum Lour.) 50 g, lá ngải cứu 20 g, sao vàng, cho vào ấm, đổ ngập nước, thêm nửa bát dấm (đối với những người bị loét dạ dày thì không dùng), đun cạn còn 2 bát, chia thành 2 phần uống trong ngày (khi thuốc còn ấm)

Tiêu chảy, kiết lỵ: Nụ sim 20-30 g sắc với nước, chia nhiều lần uống trong ngày. Nếu bị kiết lỵ với triệu chứng bụng quặn đau, đại tiện nhiều lần, lượng phân ít có lẫn máu mủ, mót rặn, nên dùng quả sim tươi 30-50 g (khô 15-25 g) rửa sạch, sắc với nước uống, khi uống hòa thêm chút mật ong.

Đại tiện xuất huyết: Quả sim khô 20 g, nước 400 ml, sắc còn 300 ml, chia 2 phần uống trong ngày, dùng liên tục 3-5 ngày.

Thoát giang (lòi dom, trực tràng lòi ra ngoài hậu môn): Quả sim tươi 30 - 60 g (khô 15 - 30 g) nấu với dạ dày lợn, dùng làm thức ăn trong bữa cơm.

Bỏng: Quả sim sao tồn tính, nghiền thành bột mịn, trộn với dầu thực vật bôi vào vết thương. Trong trường hợp bỏng lửa, có thể lấy rễ sim khô đốt thành than, nghiền thành bột mịn, trộn với mỡ bò bôi vào vết thương.

Viêm dạ dày, viêm ruột cấp: Lá sim tươi 50-100 g (lá khô 15-20 g) sắc nước uống.

Viêm gan virus: Rễ sim khô 30 g, sắc kỹ với nước, chia 2 lần uống sau bữa ăn. Mỗi liệu trình 20 ngày. Nếu vàng da nặng, thêm điền cơ hoàng, nhân trần, bạch hoa xà thiệt thảo mỗi thứ 15 g, kê cốt thảo 30 g, cùng sắc uống.

Đau đầu, hen (dạng hư hàn): Dùng rễ sim khô 60 g, sắc nước uống.

Phong thấp, bị thương lâu ngày nên khớp xương đau nhức: Rễ sim khô 60 g sắc lấy nước, hòa với rượu uống.

Tiểu đường: Dùng rễ sim khô 30-60 g cùng với thịt lợn nạc nấu lên ăn trong bữa cơm hằng ngày (Tuyền Châu bản thảo).

Trĩ lở loét: Dùng rễ sim khô 40-50 g, hoa hòe 15-20 g, nấu kỹ với lòng lợn; bỏ bã thuốc, ăn lòng lợn và uống nước canh. Dùng liên tục trong nhiều ngày.

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý