“Hôm đó, tôi khám cho sản phụ 33 tuổi đang vào cuộc chuyển dạ. Khi xem bản xét nghiệm máu, tôi phát hiện tiểu cầu hơi thấp, quá trình đông máu kéo dài. Khi trò chuyện với bệnh nhân, chị cho biết gần đây rất hay khát nước, mỗi ngày uống 5 đến 6 lít nước vẫn không hết khát. Chị nghĩ do mình mang thai và trời nóng nên uống nước nhiều là bình thường. Tuy nhiên, khi thấy da bệnh nhân hơi vàng, tôi quyết định cho chị làm xét nghiệm máu và gan. Kết quả chị bị rối loạn đông máu và men gan tăng rất cao, hơn 1.000mmol/l”, bác sĩ Nguyễn Thị Lam Giang, công tác tại khoa Gây mê hồi sức, Bệnh viện FV, kể lại trường hợp sản phụ bị viêm gan cấp tính mới gặp gần đây.
Ngay sau khi phát hiện tình trạng nguy kịch của bệnh nhân, bác sĩ Giang thông báo với bác sĩ phụ trách sản khoa. Sản phụ bị viêm gan, suy thận cấp tính và rối loạn đông máu nên sinh thường hay mổ đều có thể dẫn đến nguy cơ tử vong cao.
Bác sĩ Huỳnh Thị Hiếu, công tác tại khoa phụ sản của bệnh viện, cho biết: “Để giúp bệnh nhân vượt cạn, chúng tôi quyết định truyền huyết tương đông lạnh, thuốc đông máu kèm với truyền dịch, thuốc lợi tiểu cho sản phụ. Điều thuận lợi là cổ tử cung của sản phụ đã mở nhiều, đầu thai nhi xuống thấp nên chúng tôi phối hợp với các bác sĩ bên khoa gan mật và gây mê hồi sức để giúp sản phụ sinh thường. Cuối cùng, sau hơn một giờ căng thẳng, sản phụ đã sinh một bé trai khỏe mạnh nặng hơn 4kg”.
Sau khi sinh hai ngày, người mẹ được sử dụng một số thuốc để hỗ trợ gan nên men gan giảm nhiều. Sau bốn ngày, sức khỏe người mẹ đã trở lại bình thường. Theo bác sĩ Hiếu, sản phụ bị viêm gan cấp tính do thai nên sau khi sinh, sức khỏe người mẹ sẽ nhanh chóng trở lại bình thường.
Vì sao bị viêm gan khi mang thai?
Hiện nay, đa số thai phụ thường chỉ đi khám thai mà ít khi quan tâm đến tình trạng sức khỏe của các bộ phận khác. Điều này có thể là cửa ngõ cho bệnh gan bộc phát, trở nên nguy kịch và gây nguy hiểm đến tính mạng.
Gan giống như một nhà máy hóa học của cơ thể. Nó làm nhiệm vụ tổng hợp và chuyển hóa protein, đường, chất béo nuôi cơ thể và lọc những chất độc để thải ra ngoài. Gan còn sản xuất ra những chất hỗ trợ cho quá trình cầm máu các vết thương của cơ thể. Khi gan có vấn đề, các chức năng này cũng bị rối loạn.
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Sơn, trưởng khoa Tiêu hóa và gan mật của Bệnh viện FV, giải thích: “Phụ nữ khi mang thai có thể có những thay đổi về gan với nhiều mức độ khác nhau. Tình trạng này thường xảy ra vào ba tháng cuối của thai kỳ và diễn tiến kéo dài cho tới khi sinh, thậm chí vài ngày sau đó. Sự thay đổi này có thể gây viêm gan với những dấu hiệu như vàng da, tan máu, giảm tiểu cầu ở thai phụ”.
Phụ nữ có thể bị viêm gan trong lần mang thai đầu tiên hoặc các lần sau đó. Ngoài ra, có một số người bị viêm gan trong lần mang thai này nhưng không bị ở những lần mang thai khác.
Thông thường, viêm gan do thai kỳ không để lại hậu quả về lâu dài, nhưng các rối loạn đông máu có thể gây chảy máu nhiều hơn bình thường trước, trong và sau khi sinh nên có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và con. Một số trường hợp sản phụ bị viêm gan cấp tính nặng, bác sĩ có thể cân nhắc quyết định chấm dứt thai kỳ càng sớm càng tốt để cứu sống người mẹ.
Nhận biết các dấu hiệu và cách phòng ngừa
Một điều mà thai phụ cần lưu ý là viêm gan cấp tính do thai diễn tiến âm thầm, không có biểu hiện rõ ràng và tiến triển nhanh. Do đó, cách phòng ngừa tốt nhất là bạn cần khám sức khỏe định kỳ.
Khi có nghi ngờ về bệnh gan hay phát hiện dấu hiệu bất thường như mệt mỏi, chán ăn, sốt nhẹ, buồn nôn, thường xuyên khát nước, bạn cần đến bác sĩ xác định nguyên nhân để có cách theo dõi và chữa trị phù hợp.
Nếu có vấn đề về gan trước đó như viêm gan siêu vi B hoặc C, bạn cần đến bác sĩ chuyên về gan mật để theo dõi chặt chẽ và khám định kỳ thường xuyên. Người mẹ bị viêm gan siêu vi B sẽ dẫn đến nguy cơ lây bệnh cho thai nhi rất cao.
Do đó, thai phụ cần có kế hoạch theo dõi, điều trị trong ba tháng cuối thai kỳ. Bác sĩ có thể chỉ định tiêm kháng thể chống viêm gan siêu vi B và vắc-xin ngừa cho em bé ngay sau khi sinh để giảm nguy cơ lây nhiễm từ mẹ sang con.
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Sơn tư vấn, phụ nữ có thể bị viêm gan B bất cứ lúc nào. Do đó, bạn nên tiêm ngừa viêm gan B trước khi mang thai khoảng ba tháng.