Câu hỏi đầu tiên của mỗi người phụ nữ khi phát hiện ra mình có thai là: “Tôi phải làm gì bây giờ?”. Chế độ dinh dưỡng hoàn hảo là rất quan trọng trong giai đoạn này để thai nhi phát triển toàn diện.
Nhiều thai phụ sẽ nghĩ rằng, họ cần bổ sung năng lượng cho cả hai người ngay từ bây giờ, tuy nhiên đây là một quan niệm không thực sự đúng đắn vì khi mới được 4 tuần, em bé chưa cần quá nhiều năng lượng. Dù vậy, theo các chuyên gia dinh dưỡng, có một số loại vitamin mà bà bầu giai đoạn này cần ‘nạp’ ngay lập tức.
Bổ sung vitamin
Nếu bạn chưa sử dụng vitamin từ trước khi mang bầu thì thời gian này bạn cần bổ sung vào chế độ ăn uống hàng ngày ngay lập tức. Bạn cần đến sự chỉ dẫn của bác sĩ để biết cơ thể mình đang thiếu những loại vitamin gì và cần bổ sung những loại nào. Dù vậy, vitamin không phải là nguồn dinh dưỡng thay thế cho chế độ ăn uống hàng ngày của bạn được. Bạn cũng cần thực hiện một chế độ ăn uống với đầy đủ các dưỡng chất cần thiết để có một cơ thể khỏe mạnh chống chọi với thời gian ốm nghén sắp tới.
Bà bầu không nên bổ sung quá nhiều dưỡng chất trong
giai đoạn đầu mang thai. (Ảnh minh họa)
Bổ sung chất dinh dưỡng
Phụ nữ mang thai cần bổ sung một chế độ dinh dưỡng cao hơn người bình thường đặc biệt là với acid folic và sắt. Ngoài việc bổ sung vitamin, dinh dưỡng cũng được bổ sung thông qua chế độ ăn uống hàng ngày. Acid folic và sắt được tìm thấy trong rất nhiều loại thực phẩm như rau xanh, các loại quả và đậu.
Acid folic đặc biệt quan trọng trước và trong 3 tháng đầu mang thai. Nó giúp ngăn chặn sự phát triển các bệnh về khuyết tật hệ thần kinh cho thai nhi. Còn sắt cũng rất cần thiết trong giai đoạn đầu mang thai, giúp bổ sung lượng máu hỗ trợ sự phát triển của em bé. Các loại thực phẩm có chứa nhiều chất sắt bao gồm: rau bina luộc, ngũ cốc, thịt đỏ, bột yến mạch, cam, quả mơ…
Bổ sung bao nhiêu năng lượng là đủ?
Rất nhiều phụ nữ khi biết tin mình mang thai đã ngay lập tức bổ sung thật nhiều chất dinh dưỡng vào cơ thể. Nhưng trên thực tế lại không hoàn toàn như vậy. Hầu hết thai phụ không cần bổ sung thêm nhiều calo ở 4 tuần đầu mang thai và trong suốt tam cá nguyệt thứ nhất nếu sức khỏe của người mẹ trước khi mang bầu hoàn toàn tốt. Xác định thai phụ cần thêm bao nhiều calo còn phụ thuộc vào chiều cao, độ tuổi, và cân nặng của mỗi người. Theo các chuyên gia, bà bầu nên bổ sung khoảng 300 calo cho khẩu phần bình thường là đủ.
Bà bầu nên bổ sung khoảng 300 calo cho khẩu phần bình thường là đủ. (Ảnh minh họa)
Chống chọi với ốm nghén
Căn bệnh phổ biến của thai phụ trong 4 tuần đầu mang thai cũng như trong suốt tam cá nguyệt thứ nhất là ốm nghén. Hiện tượng này có thể làm các mẹ bầu gặp khó khăn về vấn đề ăn uống ở tất cả các bữa ăn. Để đối phó với triệu chứng ốm nghén, bà bầu nên chuẩn bị cho mình những đồ ăn khô như bánh mì, bánh quy giòn và ăn thành nhiều bữa ăn nhỏ chứ không nhất thiết chỉ ăn 3 bữa chính.
Ngoài ra những loại thức ăn để nguội một chút cũng giúp giảm hiện tượng buồn nôn do mùi thức ăn. Bạn cũng có thể sử dụng thêm một ly trà gừng, nước chanh hoặc trà bạc hà để khắc phục những triệu trứng ói nôn khi ốm nghén.
Những đồ ăn mẹ bầu không nên ăn
Một nguyên tắc các mẹ cần đặc biệt ghi nhớ trong việc ăn uống khi mang thai là “ăn chín uống sôi” để đảm bảo an toàn cho thai nhi. Dưới đây là danh sách các thực phẩm nên hạn chế trong thai kỳ.
Cá
Một số loại cá (như cá mập, cá ngừ và cá kiếm) có chứa một lượng cao của thủy ngân được tích lũy trong các mô mỡ của chúng. Phụ nữ mang thai nên tránh ăn nhiều những loại cá này để tránh ảnh hưởng đến sự phát triển của hệ thần kinh của thai nhi. Chưa có một nghiên cứu rõ ràng nào về việc ăn bao nhiêu những loại cá này thì tổn hại cho bé, nhưng “cẩn tắc vô áy náy”, tốt nhất là bạn nên tránh những con cá này. Ngoài ra, những loại hải sản sống khác mà phụ nữ mang thai nên tránh xa là hàu và sushi cá sống.
Trứng sống
Trứng sống có thể là nguồn gốc truyền vi khuẩn salmonella. Thực phẩm có chứa trứng sống bao gồm sốt mayonnaise, salad caesar, eggnog, hollandaise và những hỗn hợp bột trứng nhất định như bột làm bánh cookie. Để giảm nguy cơ nhiễm khuẩn salmonella, hãy nhớ nấu trứng thật kỹ trước khi ăn.
Thịt gà sống
Chúng ta không nên ăn thịt gà sống hay tái, đặc biệt khi mang thai bạn càng nên cẩn thận hơn.. Ăn hoặc tiếp xúc với các bề mặt có thịt gà sống có nguy cơ làm bạn bị nhiểm vi khuẩn salmonella. Thậm chí, món thịt gàđược nấu từ hôm trước nên được đun nóng lại hoặc nấu thêm một lần nữa để tiêu diệt vi khuẩn salmonella.
Bà bầu không nên ăn đồ tái sống. (ảnh minh họa)
Thịt sống
Cho dù đó là một miếng thịt bò tái hoặc bất cứ loại thịt chưa nấu chín nào, chúng đều có khả năng gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho thai nhi. Bạn nên tránh xa những loại thịt sống hay tái khi mang thai vì nó có thể chứ một loại ký sinh trùng gọi là toxoplasmosis hoặc khuẩn E. Coli. Điều này có thể dẫn đến nhiễm trùng bào thai.
Phô mai mềm
Phô mai mềm như phô mai xanh, phô mai feta, brie, camembert, ricotta, pho mát trắng mềm Mỹ Latinh và bất kỳ sữa chưa tiệt trùng hoặc các loại thực phẩm làm từ sữa chưa tiệt trùng là những loại thực phẩm nên tránh khi mang thai vì chúng có thể chứa vi khuẩn Listeria-một loại vi khuẩn rất có hại cho thai nhi. Trong khi với người lớn, vi khuẩn Listeria thường không có tác hại gì nhưng chúng lại có thể gây các biến chứng đe dọa đến tính mạng của thai nhi hoặc trẻ sơ sinh. Listeriosis được biết đến là loại vi khuẩn kích hoạt sẩy thai, sinh non và nhiễm trùng máu.
Trái cây và rau
Khi mua trái cây và rau quả, hãy chắc chắn rằng bạn rửa chúng sạch sẽ để loại bỏ bất kỳ các loại sâu có hại và vi khuẩn cũng như thuốc trừ sâu. Rau chưa rửa có khả năng truyền bệnh toxoplasmosis - một ký sinh trùng gây ô nhiễm đất. Ngoài ra, nên tránh hoàn toàn những loại trái cây và rau hư, mốc.
Phụ gia thực phẩm
Nhiều loại thực phẩm thường chứa các chất phụ gia và chất bảo quản. Vì vậy, hãy cẩn thận lựa chọn những thực phẩm đóng gói trong siêu thị , hãy đọc kỹ thành phần của chúng. Chất phụ gia cần tránh là MSG (bột ngọt) vì chúng có thể gây rối loạn dạ dày, đau đầu. Phẩm màu nhân tạo cũng cần phải tránh xa đặc biệt là màu xanh, màu đỏ và vàng.
Bổ sung vitamin bừa bãi
Mỗi thai phụ sẽ cần một lượng vitamin khác nhau để hỗ trợ sự tăng trưởng của thai nhi. Việc mang thai sẽ dẫn đến những thay đổi lớn về nội tiết tố, nên bạn cần phải được kiểm tra và tư vấn bởi bác sĩ xem bạn thực sự cần gì. Bác sĩ có thể đề nghị bổ sung vitamin trước khi bạn mang thai để cơ thể bạn có đủ vitamin đảm bảo sự phát triển của thai nhi. Tất nhiên, các chất dinh dưỡng tự nhiên từ thực phẩm luôn luôn là lựa chọn tốt nhất.
Trong ba tháng đầu mang thai về hình thức cơ thể bạn dường như không thay đổi nhiều, song đây cũng là giai đoạn nhạy cảm và tương đối mệt mỏi với nhiều thai phụ. Do nội tiết trong cơ thể thay đổi nên trong giai đoạn đầu bà Bầu dễ mắc các bệnh nhiễm virus như cúm, sởi,.. gây nên những bất thường cho thai nhi. Vì vậy, việc chăm sóc sức khỏe nói chung và quan tâm đến chế độ dinh dưỡng trong giai đoạn đầu mang thai là điều quan trọng và cần thiết với bà bầu.
* Mệt mỏi: Đây là cảm giác thường gặp trong giai đoạn đầu mang thai. Điều này được xem là một cách phản ứng tự nhiên của cơ thể thai phụ với quá trình thay đổi hàm lượng hoormon trong cơ thể khi mang thai. Để loại bỏ được cảm giác này bà Bầu hãy đảm bảo giấc ngủ 8 tiếng/ngày của mình và loại bỏ những stress ra khỏi tâm trạng để tránh mệt mỏi.
* Ốm nghén: Phần lớn thai phụ đều trải qua giai đoạn này, nôn và buồn nôn là biểu hiện dễ gặp nhất của hiện tượng ốm nghén. Cải thiện tình trạng này bà Bầu có thể chia nhỏ bữa ăn thành nhiều lần trong ngày để tránh cảm giác “ngán” đồng thời thai phụ cũng nên cung cấp đủ lượng nước cơ thể cần (khoảng 8 cốc nước một ngày).
* Đi tiểu thường xuyên: Do sự phát triển của thai nhi gây nên sức ép cho bàng quang vậy nên sẽ khiến bà Bầu thường xuyên buồn tiểu. Điều này là dấu hiệu bình thường, nhưng sẽ là bất thường nếu thai phụ đi tiểu kèm theo cảm giác đau rát, lẫn máu trong nước tiểu và phải đi thăm khám ngay nếu bà Bầu nào gặp hiện tượng như thế.
Ăn uống lành mạnh và cân bằng là điều rất quan trọng với thai phụ trong thời điểm nhạy cảm này. (Ảnh minh họa)
* Nhiễm virus cúm: Khi mang thai 3 tháng đầu, bạn cần tránh để mắc các bệnh nhiễm virus như cúm, sởi vì có thể gây những bất thường cho thai nhi. Nếu bị cúm, bà Bầu tuyệt đối phải tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng các loại thuốc.
Lưu ý cho các mẹ mang bầu:
- Chế độ ăn uống
Ăn uống lành mạnh và cân bằng là điều rất quan trọng với thai phụ trong thời điểm nhạy cảm này. Bà Bầu cần cung cấp đủ dinh dưỡng không những cho bản thân mà còn cho em bé trong bụng. Nên hạn chế những đồ uống có chứa cafphein, chứa cồn. Thai phụ nên kiên quyết đoạn tuyệt với những thực phẩm đã biến chất vì những độc tố có trong thực phẩm này gây hại cho sức khỏe. Trong 2 - 3 tháng đầu mang thai, phôi thai đang phát triển, tế bào phôi đang trong giai đoạn phân hóa, lúc này nếu độc tố xâm hại, khiến nhiễm sắc thể bị phá vỡ hoặc có biến dạng, có khi ngừng phát triển và dẫn đến thai nhi bị chết hoặc sảy thai, dị tật bẩm sinh như bị tim.
- Thuốc bổ
Việc bổ sung sắt, axit folic, canxi và các vitamin là điều cần thiết tuy nhiên bà Bầu cần dùng theo sự chỉ định của bác sĩ để phù hợp với cơ thể mình. Mặt khác cũng không nên lạm dụng quá nhiều vào việc sử dụng thuốc trong giai đoạn này.
-Trang phục
Bạn phải ăn mặc sao cho thoải mái, không nên mặc quần quá chặt và đi giầy cao gót. Nên chọn cho mình những nội y bằng cotton thoải mái. Nếu chọn quần chip không phù hợp có thể làm cho bạn bị viêm nhiễm, áo ngực quá chặt cũng ảnh hưởng tới việc hình thành tuyến sữa của bà Bầu.
- Sảy thai
Hầu hết các trường hợp sảy thai đều xảy ra trong vòng 12 tuần lễ đầu. Vì vậy, trong 3 tháng đầu thai phụ tránh lao động nặng, hoặc tiếp xúc với các chất độc hại.Vệ sinh cá nhân và vệ sinh giao hợp vì nhiễm khuẩn âm đạo, tử cung cũng là nguyên nhân gây sảy thai.
- Tình dục
Các bác sĩ sản khoa và các nhà chuyên môn đã thống nhất rằng, trong thời gian người phụ nữ mang thai, việc vợ chồng giao hợp không bị cấm, nhưng nên thận trọng. Nhất là trong ba tháng đầu của thai kỳ, người chồng nên tránh giao hợp hoặc giao hợp nhẹ nhàng, vì đây là giai đoạn bắt đầu hình thành các cơ quan, bộ phận của thai nhi, bánh rau, buồng ối bắt đầu phát triển.
Trong 3 tháng đầu của thai kỳ cơ thể thai phụ sẽ trải qua nhiều thay đổi, điều chỉnh để thích nghi với sự phát triển của em bé. Bạn hãy chọn cho mình một chế độ ăn lành mạnh cùng một sức khỏe tốt để đối phó với giai đoạn này.
Theo Eva.vn
Quan hệ tình dục khi mang thai
Dinh dưỡng khi mang thai
Bệnh thường gặp ở phụ nữ mang thai
Bệnh táo bón ở phụ nữ mang thai
Thực đơn dành cho bà mẹ mang thai