Đến Bệnh viện Phụ sản để thăm một người thân đi đẻ tôi mới biết giờ đây chị em vất vả thế nào vì phải sinh con to. Trong 4 ca sinh nở trong ngày hôm đó thì có tới 2 ca buộc phải sinh mổ mà nguyên nhân chính lại là do thai nhi quá to và bạn tôi là một trong số đó.
Chị Lam (Cầu Giấy, Hà Nội) - bạn tôi - là một công chức nhà nước, lương lậu thì không cao lắm nhưng may mắn lấy được anh chàng kỹ sư công trình người Hà Nội, gia đình lại có điều kiện nên cuộc sống khá đầy đủ. Ngay từ khi mang thai, cô đã được mọi người tẩm bổ đủ mọi thứ của ngon vật lạ trên đời. Vì mang thai cháu đích tôn 4 đời nên ông bà nội mừng lắm. Ngày ngày, cô được áp dụng một chế độ ăn nghiêm ngặt do mẹ chồng lập ra với đầy đủ các dưỡng chất quan trọng. Bà còn lên lịch cho một tuần ăn uống của cô để con dâu không bị ngán mà vẫn hấp thụ được dưỡng chất một cách cân bằng.
Mỗi ngày trước khi đi làm, Lam phải uống 1 ly sữa Similac mom, ăn một quả trứng vịt lộn và một bát bún hoặc phở do mẹ chồng tự tay nấu cho. Buổi trưa cô làm ở công sở không về, sợ con dâu ăn uống ở ngoài không đảm bảo, bà còn tự tay nấu nhiều món ngon để cặp lồng cho con dâu mang đi. Buối tối về lại ăn 3 bát cơm cùng với rất nhiều bữa phụ khác nữa. Ngoài ra, bà cũng không quên nhắc nhở Lam về bữa ăn đêm mà có khi cô đã lên giường ngủ vẫn bị bà dựng dậy để uống sữa.
Cứ đều đặn như thế cho đến 5 tháng, em bé của Lam đã được 1kg. Lúc này, bác sĩ đã buộc phải yêu cầu cô hạn chế ăn uống vì sợ sẽ khó sinh nở và gây hại cho em bé khi ra đời.
Không chỉ có Lam mà rất nhiều bạn bè đồng nghiệp của tôi đều thế. Ngày nay, với xu hướng mỗi cặp vợ chồng chỉ sinh từ 1-2 con, với cuộc sống đầy đủ, tất cả họ đều muốn con mình được khỏe mạnh và được chăm sóc tốt nhất. Nghịch lý là nhiều gia đình tuy điều kiện vật chất không dư giả là mấy nhưng muốn bằng bạn bằng bè nên cũng chăm con ‘quá chu đáo’ ngay từ trong bụng mẹ. Nhưng liệu cách chăm sóc thái quá này có tốt cho mẹ bầu và thai nhi?
Nguy hại cho cả mẹ và thai nhi
Bà bầu nên biết rằng, việc chăm thai nhi quá to trước hết sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người mẹ khiến bà bầu mệt mỏi, cổ tử cung giãn rộng và chèn vào cơ hoành gây khó thở, chèn vào tĩnh mạch vùng chậu, gây phù chân. Đây cũng là nguyên nhân hàng đầu khiến nhiều chị em bị bệnh tiểu đường ngay trong thai kỳ. Cộng với đó, việc sinh con to sẽ khiến người mẹ mất sức nhiều hơn, tổn thương phần mềm như rách âm hộ, âm đạo, cổ tử cung, mất nhiều máu.
Đối với con, thai nhi to cũng dễ bị phì đại các tổ chức cơ quan trong cơ thể, điển hình nhất là những bất thường ở buồng tim, dẫn đển xác suất tử vong cao khi ở trong bụng mẹ. Khi sinh nở, những thai nhi quá to sinh thường sẽ rất dễ bị hạ đường huyết, hạ canxi huyết, kéo theo một loạt những nguy hiểm như hạ thân nhiệt, suy hô hấp, suy hệ tuần hoàn. Nếu nguy hiểm hơn bé có thể bị xuất huyết não dẫn đến bại não. Trẻ sơ sinh thừa cân cũng có nguy cơ cao mắc bệnh tiểu đường trong tương lai.
Chăm thai thế nào mới tốt?
Đồng ý rằng, việc chăm sóc thai nhi từ trong bụng mẹ là rất quan trọng nhưng các mẹ bầu nên biết cách ăn uống sao cho cân bằng và điều độ để tránh tăng cân quá nhiều. Cân nặng chuẩn trong thời gian mang thai là: Với các mẹ hơi gầy một chút, nên tăng từ 12 – 18kg trong suốt quá trình mang thai. Với các mẹ có vóc dáng bình thường, vừa cân, các mẹ bầu nên tăng từ 11 – 15kg. Các mẹ hơi thừa cân một chút, chỉ cần tăng từ 6 – 11kg. Với bé, cân nặng chuẩn khi chào đời chỉ nên từ 2,8kg - 3,5kg là hợp lý.
Trong thời gian mang thai, mẹ bầu cũng nên chăm chỉ vận động để có một thai kỳ năng động và cũng giúp bà bầu dễ dàng sinh nở hơn.